17 thg 6, 2022

Món Quà Mừng Thọ Bố - Song Thư THH

MÓN QUÀ MỪNG THỌ BỐ

 Chiều nay bố Thảo bỏ giấc ngủ trưa ra ngồi trên băng đá dưới gốc cây Bằng Lăng trước nhà. Thỉnh thoảng ông cụ lại giơ tay xem đồng hồ. Ông ngồi đây vì biết rằng đúng ba giờ con gái ông sẽ đi. Nó vào Sài Gòn rồi về bên Thụy Sĩ. Ông lại xa con mãi tới nửa quả địa cầu. Ngồi đây, ông có cảm giác như níu kéo được những giây phút chót bên con.

Song Thư TTH

Trăm năm phúc thọ từ ân

Lấy câu báo đáp hiếu dâng nghìn trùng


Khi cùng bố tiễn mẹ về Việt Nam ở phi trường Zürich, con gái Thảo gởi lời: “Mẹ nhớ chúc ông ngoại giùm con: chúc ông ngoại đạt được kỷ lục người sống lâu nhất thế giới”. Rồi cẩn thận dặn dò thêm: “Mẹ nhớ đừng lẩn thẩn quen miệng với câu: chúc ông sống lâu trăm tuổi, vì ông ngoại năm nay đúng 100 tuổi rồi!”. Thảo cười. Ôm hôn con gái và chồng trong quyến luyến rồi vào khu vực lên máy bay.

Suốt cuộc hành trình giữa lưng chừng mây, lòng Thảo chơi vơi nửa gởi về trời Âu đến chồng con, nửa bay về bên quê hương có cha già trông đợi. Cuối cùng, phi trường Tân Sơn Nhất cũng hiện ra dưới tầm mắt. Quang cảnh xung quanh giờ không còn lụp xụp nghèo nàn như lần đầu tiên cách đây gần 20 năm về trước. Dù không có những xúc động, nhưng trong lòng vẫn cảm thấy bồi hồi xao xuyến khi nhìn lại quê hương xa cách nửa vòng trái đất. Ở lại Sài Gòn 3 hôm, giải quyết một số vấn đề, Thảo lấy vé máy bay về miền Trung.

Trên taxi chạy về nhà Thảo nao nao nhìn hai bên đường phố Thị xã được xây dựng lên cấp thành phố từ nhiều năm qua. Những ngôi nhà lớn nhất ngày xưa bây giờ trông khiêm nhường trước nhiều cao ốc đồ sộ. Khu gia binh cũ biến thành công viên tươi mát đầy kỳ hoa dị thảo.

Xe đậu trước nhà. Hai vòm cây Bằng Lăng, Nữ Hoàng trồng hai bên đường ngay trước nhà phủ bóng râm cao vòng ngang đường như cổng chào. Bên gốc cây Bằng Lăng vẫn đặt một băng ghế đá. Cánh cửa khung sắt màu nâu, nửa phần trên lót kiếng đang đóng im ỉm. Tuy nhiên, Thảo biết rằng phía sau khung cửa im lìm đó, nơi ghế sô-pha trong phòng khách, có một ông cụ đang nằm ngủ hoặc đang ngồi ngó mông ra ngoài. Thảo xuống xe, trả tiền taxi rồi kéo va-li đến trước căn nhà. Cửa khóa. Nhìn vào chỉ thấy bố của Thảo đang nằm ngủ nơi sô-pha như Thảo dự đoán. Giờ này hai đứa cháu đi làm, hai đứa con của họ chắc đi chơi đâu đó. Đập cửa rầm rầm, cùng bấm chuông inh ỏi; âm thanh hòa nhập vang dội. Thế mà mãi một lúc lâu sau, ông cụ mới ngồi bật dậy, ngơ ngác nhìn rồi ra mở cửa.


Thảo đã đứng đối diện với bố rất gần. Bất thần ông cụ hỏi:

–    Mi con cái nhà ai?

Thảo đứng chết lặng! Mặc dù từ lâu Thảo biết mắt bố đã mờ, nhưng chưa bao giờ gặp phải cảnh này. Cái cảnh đứng trước mặt con ruột, lại hỏi con ai? Thảo ôm choàng bố, nước mắt chảy ròng xuống vai trần cha, vì ông cụ đã quen mùa hè không mặc áo. Trong lúc bất ngờ ông cụ kêu lên:

–    Ấy! Cái gì làm ướt vai thế này?

Thảo cố kìm xúc động, nói thật lớn bên tai bố:

–    Con đây! Con là Thảo đây!

Ông cụ vẫn kêu:

–    Cái gì? Đứa nào đấy?

Thảo lui lại, giữ khoảng cách vừa tầm, nói lớn vừa đủ để âm thanh đừng chát chúa, lặp lại lần nữa: “Con, Thảo đây”. Ông cụ có vẻ nghe ra, nét mặt rạng ngời, ôm cánh tay Thảo, reo lên:

–    A! Con Thảo đấy ư! Bố trông con mãi.

Và như chợt nhớ ra điều gì, giọng ông cụ bỗng trầm xuống:

–    Vừa rồi con khóc đấy phải không con?

Nghe câu hỏi thương tâm, Thảo lại trào nước mắt, song vờ giả lả:

–    Trời nóng quá, bố ạ! mồ hôi con vã ra như tắm.

Nói xong, Thảo lấy khăn giấy vờ lau mồ hôi trán, nhưng quả thật chả phải vờ, trán Thảo đầy mồ hôi, luôn tiện lau nhanh nước mắt.

Đem vali vào nhà trong, Thảo trở ra ngồi bên bố, đưa tay đấm bóp trên lưng ông. Ông cụ lim dim mắt có vẻ sảng khoái, rồi nói bâng quơ:

–    Nghĩ mình lúc trước hồi còn trẻ, chả biết vì cái gì mà cứ lo làm ngày, làm đêm để bây giờ đau nhức khắp mình mẩy.

Nghe câu nói của bố, Thảo xúc động mạnh nước mắt lại chảy ròng, càng ra sức đấm bóp. Ông cụ chợt bùi ngùi, khoa tay:

–  Thôi, con đừng xoa bóp nữa, kẻo ít nữa con đi còn ai làm. Sướng quen đi, sau lại khổ thân!

Thảo ngưng! Nghe trái tim mình cũng như muốn ngừng đập trong giây phút ấy. Ông cụ lại thẫn thờ nhìn mông ra cửa. Ở đó, xuyên qua khung cửa kiếng là một khoảnh trời xanh nhỏ hẹp và cành lá Bằng Lăng, Nữ Hoàng đang rũ xuống đong đưa. Thảo chắc rằng khung cảnh đó bố không nhìn thấy, hoặc không phải bố đang nhìn nó mà chính là đang muốn nhìn một không gian vô tận của quá khứ xa xôi.

Chỉ có Thảo thật sự đang nhìn khung cảnh ấy. Gần bên khung cửa, vài chùm hoa Bằng Lăng tim tím li ti cuối mùa vẫn còn sót lại khiến Thảo liên tưởng đến ý nghĩa của nó: tượng trưng cho tình yêu ngây thơ tuổi học trò. Cây Nữ Hoàng lá hình như móng ngựa. Xuyên qua khe những cành lá đó là những khoanh nho nhỏ màu xanh lơ của nền trời cao rộng. Thảo thấy tâm tư của mình thật lạ lùng khi nhìn ngắm cảnh vật ngày hôm nay, nó không giống thói quen thông thường ngắm nghía bằng cảm giác nhẹ nhàng, êm ái; mà lại tẩn mẩn, chi li, lặng lẽ rồi miên man với những suy tưởng đâu đâu. Tại sao mình lại rơi vào cảm giác buồn bã trong ngày đầu sum họp! Thảo thở dài…

*

Hôm nay là ngày tổ chức mừng thượng thọ 100 tuổi cho bố Thảo. Trước đó anh chị em rải rác khắp nơi trên thế giới liên lạc bàn định về ngày trọng đại này. Cuối cùng ngày chọn chính thức do anh chị Cả bên Mỹ quyết định. Chị kế Thảo là một tay văn nghệ nên đề nghị hôm đó mời nhạc sống, để sau buổi tiệc là phần hát hò, giải thưởng những người hát hay ngược lại những người hát dở mà “đòi” lên sân khấu phải nộp tiền…”mãi lộ”.

Một sự tình cờ khi đưa gia đình đi tắm biển, Thảo gặp một thanh niên tay vừa cầm đùm chả đi bán, tay vừa cầm Micro đi hát dạo. Giọng ca truyền cảm khiến Thảo rơi nước mắt và nghĩ ngay mời anh ta đến hát trong buổi mừng thọ bố. Thảo cảm thương một chàng trai nghèo khổ tài hoa nên muốn giúp đỡ anh ta có thể kiếm được một số tiền hợp với khả năng. Các chị em cứ đùa Thảo:” Mỵ Nương tương tư Trương Chi”.

Từ biển trở về chị em Thảo lo chuẩn bị buổi tiệc mừng thọ bố sắp đến. Mọi việc nấu nướng, bàn tiệc, dọn dẹp đều do nhà hàng phụ trách. Chẳng mấy chốc đã đến ngày. Những bó hoa lộng lẫy, những tấm liễn mừng. Thậm chí có bức với hàng chữ chúc thọ mạ vàng. Trước khi chính thức vào tiệc, đại gia đình quây quần. Hôm nay bố Thảo trịnh trọng trong bộ áo dài cổ truyền gấm đỏ, khăn đóng cùng màu.Từng nhà chụp hình chung với ông, cha lưu niệm và tặng quà. Đến lượt Thảo, mọi người chăm chú nhìn, những tưởng sẽ là một cái phong bì… nặng ký. Nhưng không! Thảo chỉ đến ôm hôn bố, dâng tặng bó hoa cùng gởi lời chúc tụng của chồng con. Hai con Thảo đang thi. Chồng của Thảo trước đó vài tháng đã về Việt Nam nên bây giờ không còn ngày nghỉ phép. Trong bữa tiệc khi đi qua các bàn, Thảo nghe được những lời thì thầm thắc mắc: Thảo mừng cái gì…tiền bao nhiêu? Thảo chỉ mỉm cười.

Sau buổi tiệc, mở màn đêm văn nghệ mừng thọ, “Chàng Trương Chi” do Thảo mời khai mạc bằng bài hát “Tình cha”. Sau đó anh ta nói một câu khiến Thảo sa nước mắt nhớ đến người mẹ quá cố: “Thưa quý vị, tuy hôm nay là buổi tiệc mừng thọ cha già, nhưng đã có “Tình Cha” chúng ta cũng không quên tình mẹ. Vậy sau đây tôi xin hát nhạc phẩm “Tình mẹ”.

Nhạc dứt. Thảo nhìn quanh bàn tiệc, bố Thảo đã rời khỏi từ lâu. Thảo cũng lặng lẽ rút lui. Đưa tay đẩy nhẹ cánh cửa phòng ngủ của bố, Thảo rón rén bước vào. Ông cụ đã vào phòng nằm nghỉ, trong khi tiếng ca hát, cười đùa bên ngoài vẫn vang lên ầm ĩ.

Thảo bật đèn. Áng sáng màu vàng nhạt từ ngọn đèn nhỏ tỏa ra chiếu trên bốn bức tường cùng màu. Một màu vàng dịu dàng, ấm cúng. Có lẽ đúng, nếu đây là căn phòng cho một cặp vợ chồng nồng nàn ân ái. Nhưng không, đây lại là căn phòng của một cụ già trăm tuổi cô đơn. Nó khiến Thảo nghĩ đến màu vàng lá úa cuối thu. Mùa thu và buổi hoàng hôn ảm đạm cuối đời người. Thảo nhìn quanh. Căn phòng đơn giản quá. Giống như căn phòng trọ cho một lữ khách lỡ đường. Có ai biết đâu, ông cụ nằm trên giường đó, là người đã tạo cho các con cháu những mái nhà che thân yên ấm. Ông đã từ bỏ tất cả để chỉ vui thú điền viên, sống cuộc đời giản dị nhất trong tuổi già xế bóng. Đối với ông bây giờ chỉ mơ ước được về đất Bắc, nơi ông đã rời bỏ ngày xưa để di cư vào Nam. Nhưng rồi, những mùa đông trên xứ Bắc lạnh lẽo, khắc nghiệt con cháu lại đưa ông vào Nam. Ông lại sống với những nỗi niềm cô đơn hoài vọng quê hương, cố thổ mà ông chỉ mong cuối đời được nằm xuống như những con voi già tìm về khu rừng xưa.

Ông cụ bỗng trở mình, mở mắt, thoáng thấy bóng người, lên tiếng: “Ai đó”. Đến lúc này Thảo mới sực nhớ mục đích mình vào phòng bố. Nhẹ nhàng Thảo đến ngồi bên giường. Phân vân mãi Thảo mới ngập ngừng:

–    Thưa bố, con là Thảo đây.

Bắt đầu như thế nào? Thảo rút từ chiếc phong bì đỏ một cuốn sổ nhỏ, lại lên tiếng:

–  Thưa bố, bố có muốn con đọc truyện cho bố nghe không?

Hỏi đến mấy lần bố Thảo mới nghe ra, than thở: “tai bố bây giờ điếc cả rồi, nghe được cái gì đâu, chả bù với ngày xưa…

Hai chữ ngày xưa nhắc nhở Thảo những kỷ niệm thân yêu bên bố. Thảo nhớ mấy chục năm về trước, trước khi quyết định đi vượt biên Thảo đã từ Sài Gòn về miền Trung sống một thời gian bên gia đình. Những ngày tháng đó, Thảo thường đọc truyện cho bố nghe, buổi trưa, buổi tối và bố đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng, êm ái. Bây giờ, Thảo muốn sống lại những cảm giác thương yêu bên bố. Nhưng truyện, chính là do Thảo viết về cuộc đời của bố. Trước đây Thảo vẫn thường nghe bố muốn tự mình viết một hồi ký về ông; về những lăn lộn, gian nan trên bước đầu tay trắng di cư vào Nam và từ đó nhanh chóng lập nên sự nghiệp rỡ ràng; những hành xử của ông trong cuộc sống mà ông muốn con cháu khi đọc đến phải lấy đó làm gương. Ông đã từng nói: “Làm người phải biết tức giận. Tức giận không phải để hận thù, mà là để lập chí vươn lên.”

Bây giờ Thảo thay bố thực hiện niềm mơ ước đó khi mắt bố đã bị nhòa từ lâu. Thảo ghé sát vào tai bố: “Con đọc truyện của con viết về bố đấy”. Ông cụ hình như cũng nghe ra đôi chữ, ánh mắt vui mừng: “Thế à, đâu con đọc bố nghe”.

Thảo mở cuốn sổ nhỏ bắt đầu đọc, giọng chậm rãi, rõ ràng. Ông cụ dù nghe được chữ có, chữ không nhưng ông biết rõ là con gái đang đọc truyện về cuộc đời của ông. Ông sung sướng gật gù. Hạnh phúc ngời lên trong ánh mắt đã gần bị lòa như giãn ra một chút trong sáng reo vui. Thỉnh thoảng chỉ cần nghe được một vài chữ, ông đã đoán biết cả nội dung về đoạn truyện và nói thêm; chẳng hạn như: “Ấy, những người nghèo đó biếu cho bố không những là mấy củ khoai, nải chuối; có người còn tặng cho bố chỉ một đóa hoa sen. Bố đoán rằng chắc họ chả có gì, nên hái trộm đâu đó để mang biếu bố. Tội nghiệp thế đấy con ạ!”

Ông say sưa nói, rồi lại lặng thinh nghe, mắt lim dim. Thảo tiếp tục đọc. Một lát, ông cụ ngáy phò phò. Thảo nhìn bố tràn ngập thương yêu. Mái tóc ông bạc phơ, hói trên đỉnh đầu. Lông mày cũng trắng xóa như hai con tằm vắt ngang trên gương mặt phúc hậu. Thảo đứng lên, gấp cuốn sổ nhỏ để trở vào phong bì. Thảo run run nhét chiếc phong bì đỏ vào dưới gối của bố, nghĩ thầm: một ngày nào đó bố sẽ thấy, sẽ phát hiện…

Thảo giơ tay tắt ngọn đèn. Bóng tối tràn ngập, và đi lùi dần về phía cửa. Thảo đứng lặng một lúc lâu nhìn về hướng bố nằm, nước mắt ràn rụa: “Bố ơi! cuốn sổ viết truyện đó, là món quà con mừng thọ bố”

*   *   *

Chiều nay bố Thảo bỏ giấc ngủ trưa ra ngồi trên băng đá dưới gốc cây Bằng Lăng trước nhà. Thỉnh thoảng ông cụ lại giơ tay xem đồng hồ. Chiếc đồng hồ Thụy Sĩ ông đeo từ lúc mắt còn tỏ, nhìn mãi thành thói quen nên bây giờ chỉ cần nhìn chiếc kim lấp lánh chạy tới đâu ông nói giờ đúng phong phóc tới đó. Chiều nay, ông ngồi đây vì biết rằng đúng ba giờ con gái ông sẽ đi. Nó vào Sài Gòn rồi về bên Thụy Sĩ. Ông lại xa con mãi tới nửa quả địa cầu. Ngồi đây, ông có cảm giác như níu kéo được những giây phút chót bên con. Còn Thảo lăng xăng đi ra, đi vô xem xét tom góp những đồ đạc lặt vặt mà hình như lần nào khi đi cũng bỏ xót cái này, vật nọ. Cuối cùng Thảo ra ngồi bên bố.

Cũng băng ghế đá dưới gốc cây Bằng Lăng, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt Thảo khi mới về. Bây giờ lại là hình ảnh chót lúc ra đi. Chỉ khác là có bố đang ngồi đó.

Mấy hôm nay cứ vào buổi chiều do ảnh hưởng bão rớt từ Philippines nên gió thổi mạnh. Trời đang trong sáng bỗng chuyển mây xám đen kéo về mang theo những trận mưa.

Chiều nay cũng vậy. Gió đang bắt đầu thổi. Những cánh hoa Bằng Lăng tim tím, li ti rơi trên chòm tóc bạc, trên vai trần của bố Thảo. Gió thổi mạnh hơn. Mây xám, mây đen vần vũ xuất hiện từ xa trên bầu trời dường như thấp dần. Thảo chạy vội vào phòng bố lấy chiếc áo ra khoác cho ông. Ông cụ càu nhàu:” Chúng mầy cứ tưởng lo cho bố, thật ra chỉ bị đày. Nóng thế này mà bắt bố mặc áo”. Thảo đã quen với những lời còm ròm kiểu người già của bố nên cứ lặng yên mặc áo cho ông. Trong khi lấy áo Thảo thấy chiếc phong bì đỏ được đặt trên giường. Vậy là bố Thảo đã phát hiện. Thảo cầm nó đưa cho bố, rồi nói:

–    Bố biết cái gì đây không?

Ông cụ nhìn lom lom một chốc, như chợt nhớ ra:

–  À, sáng nay bố thấy cái gì đo đỏ dưới gối, chả biết cái gì, đang định hỏi chúng nó lại quên khuấy đi mất.

Thảo cười, ghé sát vào tai bố:

–    Quà mừng thọ của con tặng bố đấy. Cuốn sổ viết truyện về cuộc đời của bố hôm nọ con đã đọc cho bố nghe, bố còn nhớ không, bố có thích không?

Ông cụ gật gật cái đầu, nói:

–  Bất cứ cái gì của con cháu mừng thọ cho bố, bố đều thích cả. Không cứ phải là tiền bạc. Đấy con xem, con cháu mừng tiền cho bố, bố cũng đem phân phát lại tất cho chúng, chứ bố giữ làm gì. Tuy nhiên, bố thấy quà của con có ý nghĩa nhất.

Thảo sung sướng ôm chầm lấy bố, bóp tay, bóp vai cho ông. Ông cụ ngồi lặng yên nghe niềm hạnh phúc đang lan man truyền chảy thấm vào châu thân. Hạnh phúc này ông chỉ còn được tận hưởng trong giây phút ngắn ngủi thôi. Đồng thời một cảm giác buồn bã len lỏi. Cả hai cảm giác đang hòa nhập, vì hạnh phúc đang hiện hữu mà cũng sắp vuột cánh bay cao.

Chiếc xe Taxi đúng giờ đón Thảo chạy trờ tới đậu xịch ngay lề đường gần gốc cây Bằng Lăng. Ông cụ đứng phắt dậy, gương mặt thoáng biến đổi; hốt hoảng, buồn rầu. Những chiếc va-li của Thảo được chuyển lên xe. Tài xế đang chờ…Ông cụ nói gần như bật khóc: “Con đi rồi, bố nhớ con lắm”. Thảo lặng im, nghe một cái gì nghẹn đắng trong lòng. Đưa mắt nhìn sâu vào gương mặt bố, đôi mắt kéo mây mờ đục gần như lòa đầy ngấn lệ đang trực trào ra. Thảo quay nhanh!

Bất chợt, ông cụ níu lấy cánh tay Thảo, tay kia giơ chiếc phong bì đỏ, quà mừng thọ của Thảo tặng bố, hỏi:

–  Cái gì thế?

Thảo lại lặng im. Một sự im lặng của tận cùng chua xót.

Gió lại thổi mạnh! Hoa Bằng Lăng tím lại rụng rơi!

Một vài giọt nước vừa rơi xuống nằm im trên chiếc phong bì đỏ. Thảo bùi ngùi. Không biết giọt nước nào là giọt nước mưa, giọt nước nào là giọt nước mắt của Thảo…

(tháng 8.2012)  

Song Thư TTH

Nguồn: http://khoahocnet.com

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét