Đồng cảm là gì? Một định nghĩa kinh điển
về sự đồng cảm là khả năng đi trong chiếc giày của người khác và hiểu
được trải nghiệm của người đó.
Ai cũng có thể được hưởng lợi từ sự đồng
cảm. Người khác đồng cảm và chính bản thân mình rèn giũa một tấm lòng
đồng cảm sẽ khiến tất cả chúng ta trở nên kết nối với nhau và mang đến
cho nhau hạnh phúc chân thật. Đặc biệt trong môi trường học đường nơi có
những đứa trẻ đang lớn lên, điều đó lại càng quan trọng hơn bao giờ
hết.
Tại sao chúng ta cần người giáo viên đồng cảm?
Ta đã từng nói với nhau câu chuyện làm
thế nào để dạy trẻ sự đồng cảm. Vậy còn đối với giáo viên thì sao? Có lẽ
hơn bất kỳ ai, một người giáo viên chân chính sẽ luôn tìm kiếm con
đường trở thành người đồng cảm. Họ hiểu rằng họ nắm giữ trong tay sứ
mệnh thiêng liêng giáo dục những đứa trẻ nên người.
Tuy nhiên, không phải tất cả giáo viên đều giống như họ.
Trong khi rất nhiều người làm nghề giáo chỉ coi dạy học là một nghề kiếm sống và mưu danh, người giáo viên chân chính lại có mong muốn mạnh mẽ giáo dục học sinh bằng sự kết nối và hiểu biết sâu sắc.
Các nhà nghiên cứu phân chia sự đồng cảm thành 2 loại: sự đồng cảm cảm tính và sự đồng cảm nhận thức.
Sự đồng cảm cảm tính là khả năng chia sẻ
cảm xúc với người khác, cảm nhận được những điều người kia đang cảm
thấy, xúc động bởi những gì họ đang trải qua.
Sự đồng cảm nhận thức là khả năng hiểu
được quan điểm của người khác, hiểu được lý do tại sao người đó đang
trải qua cảm xúc như vậy.
Dù bằng cách nào đi chăng nữa, để trở
thành một người đồng cảm hơn, giáo viên cần vui buồn cùng niềm vui nỗi
buồn của học sinh, đặc biệt luôn cố gắng hiểu tại sao học sinh lại trải
qua cảm giác như vậy. Từ đó giáo viên trở nên quan tâm, hỗ trợ, đáp ứng
cho học sinh, môi trường học tập càng phong phú, hòa ái.
Như vậy, người giáo viên đồng cảm là một
điều kiện cần để xây dựng lớp học hạnh phúc, hơn thế nữa họ còn lan tỏa
sự đồng cảm này đến các em học sinh, khiến các em cũng trở thành những
người có khả năng thấu cảm người khác.
Sự đồng cảm ảnh hưởng đến việc học như thế nào?
Nghiên cứu cho thấy học sinh có khả năng
học tập tốt nhất và đạt kết quả xuất sắc khi được sống trong các mối
quan hệ tích cực. Rõ ràng, sự đồng cảm chính là yếu tố then chốt để tạo
ra những mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy và trò, giữa cha mẹ và con cái,
giữa bạn bè với nhau.
Ban đầu, những cô cậu học trò bước vào
lớp, ta sẽ thấy họ dè dặt và lo lắng với đủ các mối bận tâm, những vấn
đề khác nhau. Một người giáo viên đồng cảm lặng lẽ hiểu được điều này,
họ nhanh chóng xóa đi bầu không khí ảm đạm bằng tấm lòng ấm áp, sự gợi
mở khích lệ. Họ hỗ trợ, nuôi dưỡng và đưa ra các hướng dẫn phù hợp để
các học sinh cùng tham gia với nhau. Làm như vậy mọi người sẽ xích lại
gần nhau, dần dần tin tưởng nhau bất kể sự khác biệt về văn hóa, kinh tế
xã hội và chủng tộc.
Một giáo viên đồng cảm cung cấp cho mỗi học sinh một khuôn khổ để xây dựng trong đó tất cả các suy nghĩ, ý kiến, cảm xúc và cả sự khác biệt.
Hãy thử tưởng tượng, nếu một giáo viên
không màng gì đến cảm xúc của học sinh thì hỏi làm sao có thể tác động
đến sự phát triển trí tuệ của họ?
6 cách để trở thành một giáo viên đồng cảm hơn
Làm thế nào để thành công trong việc trở thành một người giáo viên đồng cảm hơn trong lớp học? Sau đây là một vài gợi ý cho bạn:
1. Làm một tấm gương
Những học sinh có thể dõi theo giáo viên ở
bất cứ đâu, giáo viên dù không phát hiện ra học sinh của mình nhưng học
sinh thì dễ dàng nhận ra thầy cô của họ.
Vì vậy ở bất cứ nơi đâu, hãy khắc họa
chân dung của sự đồng cảm bằng cách bày tỏ tình thương, lời khen ngợi,
và sự hiểu biết đối với tất cả mọi người mà chúng ta tương tác. Không
chỉ trong lớp học mà ở hành lang, quán cà phê, và không chỉ đối với sinh
viên mà cả trong cách chúng ta giao tiếp với những giáo viên khác.
2. Cố gắng truyền đạt sự đồng cảm
Một người giáo viên đồng cảm sẽ không chỉ
giảng dạy kiến thức đơn thuần mà còn giải thích về cảm giác mà một học
sinh nào đó hay một nhân vật trong chuyện trải qua vào một tình huống
đặc thù. Điều này khiến người học có cơ hội đặt mình ở vị trí người khác
để suy nghĩ.
3. Nhấn mạnh các giá trị và lợi ích chung
Thay vì làm nổi bật sự khác biệt của
người học, hãy chỉ ra điểm chung của cả lớp. Đó có thể là bất cứ thứ gì
như sở thích, hay nguyện vọng học tốt, mong muốn điểm cao. Điểm chung
khiến cả lớp gần gũi nhau hơn, bởi vì điểm tương đồng thật dễ dàng để
chia sẻ.
4. Tạo một môi trường an toàn để thảo luận về sự khác biệt
Khi có điều kiện thảo luận trong lớp học,
hãy cho phép học sinh bộc lộ sự khác biệt. Điều đó cũng giúp họ học
cách chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, sự khác biệt không có gì xấu
cả. Chỉ khi chấp nhận được sự khác biệt, ta mới có thể thấu hiểu và
thông cảm cho người khác.
5. Tiết lộ bí mật
Một giáo viên đồng cảm cũng có những cảm
xúc như bao người bình thường. Đôi khi việc chia sẻ cảm xúc cá nhân hoặc
những câu chuyện của chính mình lại khiến giáo viên kết nối với sinh
viên ở cấp độ cao hơn.
6. Tạo cơ hội hợp tác
Bằng các dự án, hoặc hoạt động học nhóm
trên lớp, người giáo viên đồng cảm luôn tạo cơ hội để học sinh làm việc
cùng nhau và tạo động lực cho họ gắn kết giành kết quả tốt đẹp trong học
tập.
Đồng cảm là một phẩm chất quan trọng để
cả giáo viên và học sinh học hỏi và phát triển về mặt xã hội, trí tuệ và
cảm xúc. May mắn thay, một người giáo viên đồng cảm có thể nuôi dưỡng
sự đồng cảm như vậy ở rất nhiều học sinh. Thế nên, người giáo viên đồng
cảm thật sự đáng quý!
Đan Tâm
Theo Wabisabilearning
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét