Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.
Diễm Thi, RFA (Phỏng Vấn TS.Nguyễn Xuân Diện )
2020-01-21
Diễm Thi: Thưa tiến sĩ, đề nghị bỏ Tết âm lịch, gộp chung với Tết dương lịch được nhiều người đưa ra lâu nay, quan điểm của Tiến sĩ về vấn đề này thế nào?
TS. NguyễnXuân Diện: Thực ra, đề xuất bỏ Tết âm lịch, chỉ tổ chức Tết dương lịch giống như phương Tây, Nhật Bản hoặc bỏ hẳn cái Tết âm lịch đã có từ chục năm nay chứ không phải mới. Người ta thường nhắc đế ý kiến của GS-TS. Võ Tòng Xuân về việc này, và gần đây mạng xã hội cũng khơi lên chủ đề này, nhưng nó nhanh chóng qua đi.
Mỗi năm nó được nhắc lại một lần nhưng không giải quyết được đến nơi đến chốn bởi vì đụng đến cái Tết là đụng đến tất cả mọi thứ liên quan đến con người Việt Nam. Tết là di sản văn hóa lớn lao của người Việt, là thời điểm thiêng liêng để ngưng kết các giá trị về văn hóa, từ nghi lễ cho đến ẩm thực; từ phong tục cho đến việc thưởng ngoạn; từ âm nhạc cho đến hội họa. Nó cô đọng tất cả trong một cái Tết. Một phản ánh một nét văn hóa độc đáo và đặc sắc.
Người ta thường hay chia cái Tết ra hai cảm xúc. Cảm xúc về truyền thống và cảm xúc về hiện đại. Cảm xúc truyền thống thì luôn luôn níu kéo, cho rằng cái Tết này là cái Tết hội tụ, là nhớ về cội nguồn tổ tiên, thăm hỏi họ hàng, mở đầu cho một mùa lễ hội kéo dài suốt ba tháng Xuân.
Về hiện đại thì người ta nêu ra mọi cái nhiêu khê về Tết liên quan đến xã hội như tai nạn giao thông tăng, giá cả hàng hóa tăng, nghỉ lễ Tết quá dài ngày, nạn cờ bạc rượu chè...
Như vậy cái ưu điểm thì thuộc về truyền thống và nhược điểm thì thuộc về hiện đại. Vì thế cho nên đây là sự giằng co không ngã ngũ được và không nhận được sự đồng tình cho việc bỏ cái Tết âm lịch, gộp chung với Tết dương lịch như một số ý kiến đề xuất.
Diễm Thi: Nếu không bỏ thì cần phải điều chỉnh như thế nào để phù hợp với xu hướng hiện đại chung của thế giới, thưa Tiến sĩ?
TS. Nguyễn Xuân Diện: Nó vẫn là sự giằng co giữa truyền thống và hiện đại trong lòng xã hội Việt Nam. Trước đây “ăn Tết” là một câu chuyện liên quan giữa văn hóa và thể chất. Quanh năm họ làm lụng vất vả, dành dụm cho cái Tết để cái Tết ăn uống đầy đủ thoải mái. Bây giờ người ta không đặt nặng chuyện “ăn” nữa, bởi hàng ngày họ đã quá đầy đủ, họ nghĩ đến chuyện “chơi” Tết.
Những năm gần đây, những người khá giả ở thành phố hoặc nông thôn họ thích đi du lịch thoải mái các nơi, kể cả nước ngoài. Dù vậy tôi cho rằng không thể bỏ cái Tết vì nó ngưng kết quá nhiều yếu tố văn hóa, phong tục, đến cả nếp sống, nếp nghĩ của người Việt Nam, nhưng cũng nên thay đổi để có cái Tết nhẹ nhàng, không quá phô trương, không quá nặng nề về mặt biếu xén mà chú trọng về mặt tinh thần.
Tỉnh Đồng Tháp vừa rồi làm cái bánh chưng to đến hàng tấn nếp rất phô trương, lãng phí. Rồi việc đua đòi trong ăn uống, may sắm mà không nghĩ đến cái cảnh nghèo khó không nghĩ đến những cái thực chất của vấn đề. Mừng tuổi bằng tiền cho trẻ con nhưng thực chất là để làm đẹp lòng bố mẹ nó. Nên giảm bớt những cái đó mà hướng đến nội tâm sâu thẳm trong văn hóa thì vẫn thưởng ngoạn được cái Tết, giữ được cái Tết.
Diễm Thi: Thời gian nghỉ Tết dài ngày và nhiều lễ hội bị cho là phản cảm như lễ hội chém lợn… là những lý do được nêu ra nhằm đề nghị bỏ Tết cổ truyền, theo Tiến sĩ vì sao những căn cứ đó vẫn chưa thuyết phục?
TS. Nguyễn Xuân Diện: Mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết gọi là Tết cả, là Tết lớn nhất của năm, mở đầu cho các Tết sau, đồng thời mở ra mùa lễ hội kéo dài đến ba tháng như các cụ nói: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè”.
Cái đấy vô cùng lãng phí về mặt thời gian và tiền bạc vì công chức, người dân bỏ làm ăn tham gia lễ hội dài ngày như vậy gây ra những lộn xộn trong xã hội, chưa kể những cái phản văn hóa trong lễ hội. Nhưng việc thay đổi thì vô cùng khó bởi chính các cơ quan nhà nước, chính Bộ văn hóa cổ súy cho việc này. Họ làm biến dạng những lễ hội, làm lệch lạc những giá trị nhân văn của lễ hội.
Một số lễ hội phản cảm thực sự là do con người không hiểu về văn hóa nên làm cho nó trở thành phản cảm, làm sai lệch những lễ hội truyền thống. Ví dụ lễ hội “chém lợn’ ở Bắc Ninh. Ngày xưa nó là lễ hội chém cầu may chứ đâu có chém phanh thây con lợn ra như bây giờ.
Cần đưa những lễ hội như vậy trở về đúng lễ hội truyền thống, không theo những kịch bản của những nhà quản lý văn hóa thời nay dựng lên, lập ra những dự án làm biến dạng lễ hội.
Diễm Thi: Nhiều người cho rằng Tết Nguyên Đán chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa vì nó được tính theo âm lịch. Tiến sĩ nghĩ sao về điều này ạ?
TS. Nguyễn Xuân Diện: Có nhiều người cho rằng cái Tết cổ truyền của Việt Nam là cái Tết của cư dân trồng lúa nước, theo lịch của người làm nông nghiệp (nông lịch).
Tôi cho rằng nó không phải là như vậy, bởi vì cái Tết này Việt Nam và Trung Quốc cùng ngày nhưng văn hóa của Trung Quốc đâu phải là văn hóa của trồng lúa nước, chỉ Việt Nam mới trồng lúa nước thôi.
Đây là cái Tết Nguyên Đán. Nguyên là đầu tiên, Đán là ngày. Nguyên Đán là ngày có mặt Trời lên đầu tiên trong một năm. Nó là một trong 24 tiết khí trong cả năm. Nó như một sự đánh dấu, một sự chuyển giao, một sự khai mở của vũ trụ, của âm dương, của Trời Đất. Thời khắc đấy rất là quan trọng, nó ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt nam bao nhiêu năm nay rồi. Vì vậy tôi mong mọi người hãy giữ lấy cái Tết với tinh thần đặc sắc của Việt Nam với những nghi lễ, tập tục, lễ hội, phong cách, ẩm thực, các trò chơi dân gian, các làng tranh dân gian, Đông Hồ.
Chúng ta nên bảo ban nhau để có một cái Tết đúng truyền thống ngày xưa giản dị mà lại thâm sâu, nhân ái, chan hòa và hướng đến những điều tốt đẹp.
Diễm Thi: Nhật Bản trước đây cũng theo âm lịch nhưng nay là quốc gia duy nhất ở châu Á đón Tết theo lịch dương và cách đón Tết của họ được đánh giá rất văn minh, hiện đại. Theo Tiến sĩ thì Việt Nam có điều gì cần học từ họ trong việc đón Tết hay không?
TS. Nguyễn Xuân Diện: Tôi từng có thời gian ở Nhật vào dịp họ đón Tết. Tết của họ là Tết dương lịch chứ họ không đón Tết âm lịch nữa. Tôi thấy người họ vào đền Minh Trị rất đông, chỉ trong 3 ngày mà có đến 4 triệu lượt người vào, nhưng từ ngoài đi bộ vào hàng cây số đều rất trật tự, không nói chuyện, không ồn ào, không có cảnh chen lấn. Người ta hướng đến ngôi đền bằng một tâm linh tốt lành chứ không đến bằng sự ồn ào náo động với những lời cầu xin mê lầm hoặc phô trương như nhiều người Việt.
Lễ hội hoa Anh đào cũng thế. Người Nhật họ đến cắm trại, trải chiếu ngắm hoa rồi dọn dẹp sạch sẽ trước khi rời đi. Còn văn hóa người Việt thì phải nói là rất tệ. Khi thấy những cây hoa đào đẹp trên miền núi thì việc đầu tiên là họ chặt đem về nhà thưởng thức, không để người khác có dịp thưởng thức. Vì vậy cho nên hàng năm, cứ gần Tết, khoảng từ 15 tháng Chạp cho đến chiều 30 tết thì Hoa đào phai (đào rừng) từ Sơn La, Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía Bắc kìn kìn đổ về tràn ngập ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội. Nó cho thấy một cuộc tàn sát cây rừng rất lớn.
Đã lâu rồi không ai bảo ban nhau những điều đó cho nên không thể hình thành cái truyền thống như người Nhật, cái ý thức, cái sự tự giác như người Nhật.
Diễm Thi: Cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã dành thời gian cho RFA. Kính chúc Tiến sĩ và gia đình đón một cái Tết bình an và hạnh phúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét