Đầu năm, tôi có gặp một trí thức cao niên, trong câu chuyện chia sẻ thực tâm, bác nói gia đình Việt hiện nay đang nuôi dạy con như… nuôi heo, nghĩa là chỉ quan tâm đến bên ngoài theo kiểu con mình nặng bao nhiêu ký, cao bao nhiêu, có được giải trí thoải mái không… mà không quan tâm đến sự phát triển Nhân đạo, Trí đạo của con mình.
Điều này, nói cho cùng, có lẽ xuất phát từ dạng ẩn ức của nhiều thế hệ phải trải qua khó khăn về mặt vật chất và tinh thần nên giờ luôn muốn con mình được hưởng những gì mà mình không được hưởng mà ít quan tâm rằng trải qua quá trình học tại trường thì con mình có thật sự có được trưởng thành về nhân cách không.
Nhìn chung, giáo dục Việt Nam trong tất cả các lãnh vực, đặc biệt là giáo dục tiểu học cần đi vào bản chất chứ không nên và không thể chỉ dừng ở bề mặt. Ví như có người nói rằng: “Ồ, ở Việt Nam giờ cũng tiến bộ rồi đâu có thua gì nước ngoài, có học ngoại khóa kỹ năng các thứ, học tiếng anh này nọ, chương trình học đổi mới vừa học vừa chơi, tôi cũng không quan trọng điểm số của con.v.v…”. Thế nhưng, điều quan trọng là trong môi trường giáo dục kia thì đứa trẻ có được chăm sóc sức khỏe tinh thần, nuôi dưỡng đạo đức để trở thành người tử tế thật thụ hay không thì ít người chú ý.
Gia đình bạn tôi là một trí thức tiêu biểu thời nay, mẹ là giảng viên Đại học, cha là nhân viên văn phòng, hai người cũng chú trọng nuôi dưỡng con trẻ, cũng tạo điều kiện thoải mái nhất cho con theo kiểu “khai phóng” nhưng học đến lớp 4 thì đứa trẻ bạo lực với bạn trong lớp khi bạn không cho quay cóp, thường xuyên tốc váy bạn gái học cùng lớp ngoài ra cũng xuất hiện những hành vi kỳ lạ khác như vào trường nhưng trốn vào toilet để khỏi học, đòi nổ bom giết người hàng loạt. Khi tìm nguyên nhân, gia đình phát hiện rằng đứa bé này được cấp điện thoại rất sớm nên thường hay dùng điện thoại trong giờ học để chơi game bạo lực; ngoài ra, cô giáo chủ nhiệm cũng bỏ rơi đứa trẻ do ngại việc phạt đứa trẻ thì phụ huynh lại tố ngược khiến cô bị khiển trách, cắt thưởng. Việc một đứa trẻ bị “bỏ rơi” trong môi trường học đường như vậy không hề ít.
Với lối sống hình thức đang được phô diễn, cổ xúy hôm nay, điều thay đổi, nếu có, chỉ là sự giả dối tinh vi hơn; giáo dưỡng không đi vào bản chất thì không có tác dụng thật sự, thậm chí đứa trẻ khi được thoải mái hơn nữa, tự do hơn nữa trong môi trường không có định hướng về sức khỏe tinh thần, không có sự ức chế nghiêm khắc nhưng vẫn đầy nhân bản của người thầy khi chúng phạm lỗi lầm thì còn nguy hại hơn, việc rơi tự do trong vùng buông lỏng các giá trị đạo đức là một loại nguy hiểm tiềm tàng không dễ nhận biết.
Người xưa có câu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” – con người trước khi muốn học văn hóa thì cần phải học lễ nghĩa và những giá trị đạo đức “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín” để ước thúc phần Con trước khi học trở thành Người. Một kẻ có tài mà không có đức thì nguy hại cho những người xung quanh, một xã hội thụ hưởng mà không có nền tảng đạo đức câu thúc thì sẽ tạo thành nguy hại to lớn khôn lường kéo theo tất cả các giá trị con người đều đi lùi một cách không có phanh thắng.
Thật ra, giáo dục khai phóng không có nghĩa là dạy cho con người sự thoải mái không hề có ức chế đạo đức mà chính là nền giáo dục kiến tạo giáo dưỡng tự thân dựa trên nền tảng văn hóa đạo đức, vì vậy, muốn có được điều đó, người Thầy phải có nhân cách tốt và hiểu được cốt lõi của sự khai phóng đó từ đâu. Trong gia đình cũng vậy, ngoài xã hội cũng vậy, cha mẹ muốn giáo dưỡng con cái thì bản thân mình phải làm gương, nếu khuyên đứa con không xả rác ngoài đường thì bản thân họ cũng không được xả rác, khuyên bảo đứa con mình phải sống chân chính thì bản thân mình cũng phải chân chính.
Trong câu chuyện nổi tiếng “Mạnh mẫu tam thiên”, mẹ của Mạnh Tử phải đắn đo, khổ sở dọn nhà ba lần để tìm được một hoàn cảnh sống tốt giúp con mình được giáo dưỡng tốt. Nhìn về ngày nay, liệu có bao nhiêu cha mẹ phụ huynh xem trọng việc này, hay chỉ thấy rằng con mình tới tuổi thì đi học, miễn có đi học là tốt rồi, học được nhiều chữ thì có thể sống tốt rồi?
Giáo dục tự thân là sự tiếp nối đáp đền, việc mỗi thế hệ đều cần coi trọng sự câu thúc của bản thân đồng thời lại thiện lương với người khác – đây là điều không hề dễ dàng, thành quả của sự kiên nhẫn đó cũng không phải một sớm một chiều mà có được, nhưng cũng như việc gieo hạt bầu thì sẽ ra trái bầu, hạt dưa sẽ ra trái dưa, hạt giống thiện lương thì sẽ ra hoa quả thiện lương, hạt giống vô nhân sẽ cho ra quả vô nhân, đó chính là nhân-quả hữu ứng mà con người sẽ nhận thức được bằng thời gian.
Đạo không chỉ là quy phạm đạo đức đơn thuần mà một người muốn tuân theo hay không cũng được mà Đạo chính là con đường để giữ con người luôn đạt được tiêu chuẩn làm Người và không trượt dốc đến mức sẽ đi vào địa ngục. Ngày nay xã hội phát sinh bao nhiêu bệnh biến khó chữa, những vấn đề nhức nhối của xã hội phát sinh trên diện rộng, đó có phải là cái giá của căn bệnh hình thức của xã hội Việt Nam hiện nay? Vậy muốn thay đổi, phải thay đổi từ gốc bản thân trước đã.
Lê An (trithucvn )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét