Nguyễn Thanh Việt, New York Times, 1. 1. 2020
Trần Ngọc Cư dịch
Nguyễn Thanh Việt là một nhà văn Mỹ gốc Việt. Ông là Trưởng khoa Anh văn, Giáo sư Anh văn và Hoa Kỳ học, Dân tộc học tại University of Southern California.
Nguyễn Thanh Việt là một nhà văn Mỹ gốc Việt. Ông là Trưởng khoa Anh văn, Giáo sư Anh văn và Hoa Kỳ học, Dân tộc học tại University of Southern California.
Tranh Le Nhung
Vào cuối tuổi tứ tuần, tôi làm bố trở lại cho đứa con
thứ hai, vào lúc tôi không mảy may kỳ vọng có thêm con. Cha tôi, 85
tuổi, vô cùng hân hoan khi tôi báo tin về đứa cháu thứ năm của ông.
Cha tôi gần như là một người vô cảm trong thời thơ ấu
của tôi. Ông chỉ biết tập trung vào cuộc mưu sinh của một người chân
ướt chân ráo mới đến xứ này. Gia đình tôi sống hai cảnh đời điển hình
của Mỹ. Về phần bố mẹ tôi, đấy là gương sáng của người di dân hay tị nạn
vươn tới thành công vật chất từ khố rách áo ôm. Đối với toàn gia đình
chúng tôi, đấy là câu chuyện buồn của hai thế hệ, cha mẹ sinh ra ở nước
ngoài và con cái lớn lên ở Mỹ, cách ly nhau bằng ngôn ngữ, văn hoá và
tình cảm.
Cha mẹ tôi thấy tôi như một đứa trẻ ngỗ nghịch, Mỹ
hoá, gần như không nói được tiếng mẹ đẻ của mình, tiếng Việt. Còn tôi
thì thấy họ như những người vừa xa lạ vừa thâm tình, bảo thủ đến mức
cuồng tín, chỉ biết tin Chúa, biết hi sinh và biết lao động cần cù.
Họ cung cấp cho tôi mọi thứ tôi cần – nơi ăn, chốn ở,
phương tiện học hành và cả tôn giáo – những thứ đã giúp tôi trở thành
một người cực kỳ được ưu đãi trong một đất nước vốn không cung ứng những
thứ này cho tất cả con dân của mình. Nhưng những gì tôi thiếu thốn là
những gì tôi thấy trên TV, đấy là những gia đình hạt nhân gồm bố mẹ và
con cái biết âu yếm và tỏ tình thân yêu trong các sô “Leave It to
Beaver,” “Father Knows Best” và “The Adventures of Ozzie.”
Nhưng những phim truyện này không hề đả động đến sinh
hoạt của người tị nạn Việt Nam, vì, như nhà văn Lac Su đặt nhan đề cho
hồi ký của mình là “I Love Yous Are for White People” (Ba tiếng ‘I Love
You’ chỉ dành cho người Da trắng). Như một phép lạ, sau mấy thập kỷ sống
ở nước này, cha tôi nói thoải mái ba tiếng “Ông yêu cháu” – bằng tiếng
Anh – với Ellison, đứa con trai đầu lòng của tôi, điều này làm cho tôi
hết sức ngạc nhiên và sung sướng. Cha tôi đã dạy tôi rằng không bao giờ
quá muộn màng để nói “I love you.”
Khi lớn tuổi và bản thân tôi cũng trở thành một người
cha, tôi mới nhận ra rằng thời gian có tính đàn hồi. Tuổi thơ tôi, với
những thăng trầm trong đời sống tình cảm, chưa bao giờ biến mất. Cha tôi
vừa là một ông già mảnh khảnh, nhạy cảm ở lứa tuổi 80 hiện nay, vừa là
một người cha nghiêm khắc vô cảm trong tuổi thơ của tôi. Các nỗ lực của
ông nhằm bắc một nhịp cầu giữa chúng tôi hiếm khi thành công. Chẳng hạn,
ông cố gắng đưa âm nhạc vào nhà chúng tôi. Nhưng thay vì cho tôi một
cây guitar thật xịn hay một chiếc piano đắt tiền, ông lại mang về nhà
một cây organ, vì ông và mẹ tôi đều là những tín đồ Công giáo thuần
thành chỉ muốn nghe nhạc đạo.
Tôi chỉ học vỏn vẹn một bài rồi chẳng bao giờ thèm
chơi lại cái thứ ấy. Cây đàn vẫn còn nằm trong một góc phòng ăn, một di
vật bằng gỗ của đầu thập niên 80, vốn đã lỗi thời ngay cả lúc đó, nó là
hiện thân của một thứ Công giáo Việt Nam ngột ngạt và khắt khe mà tôi từ
bỏ.
Điều mà tôi đã không thấy được là cây đàn organ cũng
là hiện thân của một cái gì khác trong cha tôi: một đức tin, óc sáng tạo
và nghệ thuật. Ông lớn lên trong khó nghèo, tại một vùng quê hẻo lánh ở
Bắc Bộ. Ông chính là cái định nghĩa về một người tự lập, vượt lên trên
vốn liếng eo hẹp của mình để xây dựng đến hai gia tài, một lần ở Việt
Nam và một lần nữa tại Mỹ. Ngoài việc kinh doanh và buôn bán ra, cha tôi
còn có đam mê âm nhạc. Ông tự học chơi đàn organ, một phần để thờ
phượng Chúa nhưng một phần cũng để chơi những bài hát đạo ông thích. Âm
nhạc đóng một vai trò quan trọng trong đời ông, vì ông cho tôi biết điều
này bằng cách hát lại những bài ca trong thời trai trẻ của ông, những
bài ông học được ở nhà thờ và trường học bảy thập kỷ trước. Thời gian
cũng có tính đàn hồi với ông.
Bây giờ đã về hưu bán thời gian, ông vẫn còn chơi
piano điện và tự học đàn mandolin, cho khoái chí mà thôi. Ước gì tôi đã
thấy được mặt này của cha tôi khi tôi còn sống trong nhà của ông. Nhưng
lịch sử đã không tha mạng cho bất cứ một ai, nó không cho cha con tôi cơ
hội để thăm dò những góc cạnh sáng tạo và tình cảm của nhau. Ông chẳng
bao giờ nói với tôi về sở thích âm nhạc của ông, và tôi cũng chẳng bao
giờ nói với ông là tôi muốn làm nhà văn. Chúng tôi không có đủ thời gian
cho nhau.
Tôi cảm thấy hãi hùng khi trở thành một người cha vì
tôi không biết là liệu mình có đủ thời gian, hay đủ đam mê, cho con mình
không. Tất cả thời gian dư dôi của tôi đều dồn cho việc viết lách, đó
là sinh hoạt sáng tạo của tôi. Tôi đinh ninh một đứa con sẽ ngốn hết
thời gian và đam mê của mình. Điều mà tôi không dự kiến là một đứa con,
như con trai tôi, sẽ đóng góp nhiều hơn là nó đòi hỏi; nó sẽ dạy tôi –
một cách vô hình trung bằng chính sự hiện hữu của nó – về cách thương
yêu và cách ban phát thời gian, cái vốn liếng duy nhất mà tôi không muốn
chia cho ai.
Không những tôi đã đóng một vai trong việc tạo ra đứa
bé, mà tôi còn thấy được rằng bổn phận làm cha đã tái tạo tôi bằng cách
bắt tôi phải nhìn nhận rằng việc tạo ra một đứa con không dừng lại vào
lúc nó chào đời. Mỗi khoảnh khắc tôi sống với con trai tôi là một phần
của hành động sản sinh và sáng tạo này.
Ngày trước cha tôi không thể dành thời gian cho tôi
bao nhiêu thì bây giờ tôi bù lại cho con trai tôi bấy nhiêu. Có lẽ một
điều có thể tiên đoán là, con của một nhà văn, thằng bé đâm ra say mê
đọc sách. Nhưng ít ai tiên đoán được rằng chúng tôi sẽ trở thành một cặp
bài trùng cha-con trong việc sáng tác.
Khi thằng bé lên 5, tôi đưa nó đến một trại sáng tác,
nơi đây nó gặp Bao Phi và Thi Bui, tác giả và nhà minh họa của một sách
trẻ em nó thích, “Một cái ao khác hẳn” (A Different Pond). Khoái chí,
nó tự vẽ và tự kể lấy một cuốn hoạt hình (tôi ghi lại lời nó). Tôi đăng
lên Facebook và một biên tập viên tại nhà xuất bản McSweeney’s hỏi xem
công ty này có thể xuất bản tác phẩm này không. Với hi vọng vớt vát phần
nào những phí tổn mà tôi đã chi ra vì thằng con rất đắt đỏ này, tôi ừ
ngay.
Cuốn sách cần nhiều việc phải làm. Tôi viết thêm lời,
đồng thời cô Thi động viên thằng con 12 tuổi, cháu Hien, vẽ hình mới.
Cô tô màu tác phẩm của nó, và năm nay sách của Ellison đã được xuất bản
dưới nhan đề “Gà biển” [Chicken of the Sea]. Cốt truyện hoàn toàn là của
nó, những rủi ro của những chú gà ngủ gục trốn khỏi nông trại để đi làm
hải tặc.
Trí óc người lớn của tôi không bao giờ nghĩ ra câu
chuyện này. Tôi nghĩ về những chuyện người lớn như chiến tranh, người tị
nạn và chủ nghĩa hiện đại, mà không bao giờ nghĩ đến những kỵ sĩ chó và
những kho vàng giấu kín. Song vào một thuở xa xưa, khi lên 7 hay lên 8,
tôi cũng mơ đi bụi, đã viết và vẽ một cuốn sách nhan đề “Lester, Chú
mèo” [Lester the Cat], kể về một con mèo thành phố cảm thấy cuộc sống vô
vị đã thoát ly về vùng quê và tìm được đam mê của mình. Thư viện địa
phương, tại San Jose, Calif., đã trao tôi một giải thưởng, và tôi bắt
đầu coi mình là một nhà văn. Vị quản thủ thư viện trường tôi đã đưa tôi
đến dự lễ phát phần thưởng. Cha mẹ tôi quá bận việc. Tôi cũng chẳng bao
giờ đưa tác phẩm của mình cho họ xem. Đưa làm gì đã chứ?
Nhưng điều đáng nói bây giờ, vào lúc tôi ngắm nghía
đứa con gái mới sinh của mình, đỏ hỏn và đang ngủ say, bàn chân nó lớn
bằng ngón tay tôi, là quan hệ giữa cha mẹ và con được gói trọn trong
đam mê, thời gian và óc sáng tạo. Tiền tài và nguồn lực xã hội để thể
hiện tiềm năng của cả con cái lẫn cha mẹ cũng nằm trong quan hệ ấy. Mặc
dù những thứ ấy gần như không đảm bảo được đam mê, thời gian và óc sáng
tạo, nhưng chí ít chúng cũng làm những điều quí báu này dễ san sẻ với
nhau hơn, đối với những người muốn san sẻ.
Có một nghịch lý là, một vài ký ức tuổi thơ thân yêu
nhất của tôi phát xuất từ những năm đầu tiên của gia đình tôi tại Mỹ,
khi cha mẹ tôi chưa bắt đầu xây dựng lại cơ nghiệp bằng cách thông qua
con đường mở cửa hàng tạp hoá và, cuối cùng, làm chủ các bất động sản.
Lúc đó họ còn nằm trong thành phần lao động chân tay, rất vất vả, kẻ thì
giặt áo quần trong một viện dưỡng lão, người thì làm công nhân cho một
hãng sản xuất máy đánh chữ. Họ có dư thì giờ để dành cho tôi chứ. Bây
giờ tôi thường phân vân tự hỏi họ đã nghĩ gì về nghề nghiệp tôi sẽ theo
đuổi, nhưng tôi tuyệt đối tin chắc họ không có kỳ vọng tôi sẽ trở thành
một nhà văn.
Việc viết lách đòi hỏi nhà văn phải để ra những lượng
thời gian và đam mê khổng lồ. Nhà văn phải mê viết lách, phải nâng niu
sáng tác của mình, phải thương yêu các nhân vật, bất luận họ làm gì. Các
con tôi là những nhân vật của tôi, và tôi là một nhân vật đối với
chúng. Chúng sẽ kể những câu chuyện về tôi, ít ra kể cho chính mình. Tôi
sẽ bị hiểu lầm như tôi từng hiểu lầm cha tôi, nhưng có lẽ tôi cũng sẽ
được cảm thông như tôi đang hi vọng là tôi hiểu được cha mình.
Ông và mẹ tôi đã đặt tên tôi theo tình tự người Việt
Nam, một cái tên cực kỳ đậm tình yêu nước. Cái tên ấy hoá ra rất chính
xác, vì tôi đã đem hết sức mình đứng lên bênh vực người Việt Nam, dù họ
không luôn luôn thích những điều tôi cần phải nói. Trong một tinh thần
như thế, vợ chồng chúng tôi đặt tên con gái mình là Simone, theo tên của
Simone de Beauvoir, Simone Weil, Nina Simone. Những phụ nữ mạnh dạn có
óc sáng tạo, họ cũng là những người chấp nhận rủi ro.
Không có một óc sáng tạo nào, hay sáng tác nào, kể cả
việc sinh và nuôi con khôn lớn mà không đi kèm với rủi ro. Bây giờ tôi
hiểu những điều tôi chưa bao giờ hiểu trong thời niên thiếu: rằng tôi là
sản phẩm của các đấng sinh thành dám chấp nhận rủi ro. Rủi ro là tặng
phẩm tình yêu của họ sẽ bị chối từ; rủi ro là sáng tác của họ sẽ có một
đời sống riêng của nó.
Các nhà văn không bao giờ tiên đoán được các tác phẩm
của mình sẽ hoá thân như thế nào, như vậy chúng tôi phải chờ xem nhân
dáng cuộc đời của Simone sẽ ra sao. Song về phần Ellison cho đến nay,
nghĩa là sau khi tập hoạt hình “Gà biển” được xuất bản, tôi đã nói với
nó rằng nó không chỉ là con trai tôi(VanViet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét