9 thg 1, 2020

Vụ án sách giáo khoa ở Nhật Bản thời Minh Trị

Sách giáo khoa ở Nhật Bản hiện tại được biên soạn, phát hành và tuyển chọn theo chế độ “sách giáo khoa kiểm định”. Trong chế độ này, các nhà xuất bản tư nhân sẽ tiến hành biên soạn sách giáo khoa dựa trên bản “Hướng dẫn học tập”, văn bản chỉ đạo về nội dung và phương pháp tổ chức học tập các môn giáo khoa của Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản. Những bản thảo sau khi hoàn thiện sẽ trình lên Bộ trưởng. Dựa trên sự tư vấn hội đồng chuyên môn, Bộ trưởng sẽ quyết định bản thảo đó đủ tư cách trở thành sách giáo khoa hay không. Tuy nhiên, hầu hết các bản thảo trình lên đều nhận được yêu cầu chỉnh sửa, hoàn thiện nếu muốn trở thành sách giáo khoa.
Chế độ kiểm định sách giáo khoa này, xuất hiện khá sớm trong lịch sử giáo dục Nhật Bản. Vào đầu thời Minh Trị khi Nhật Bản đẩy mạnh công cuộc “văn minh khai hóa”, việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa là tự do. Trong giai đoạn này rất nhiều cuốn sách do Fukuzawa Yukichi đã được sử dụng trong các trường cả công và tư như là sách giáo khoa. Tuy nhiên về sau cùng với sự tập quyền ngày càng mạnh của chính phủ Minh Trị, mức độ tự do đối với sách giáo khoa giảm dần. Kết quả là năm 1880, chính phủ công bố danh mục các cuốn sách bị cấm sử dụng như là sách giáo khoa trong đó có cả sách của Fukuzawa Yukichi. Đến năm 1881, chế độ báo cáo sách giáo khoa được thực thi. Các trường học có nghĩa vụ phải thông báo cho cơ quan quản lý sách giáo khoa những cuốn mình đang sử dụng. Năm 1883, chính phủ thực thi chế độ cấp phép cho sách giáo khoa. Các trường muốn sử dụng cuốn sách giáo khoa nào phải xin phép. Năm 1886 chế độ kiểm định sách giáo khoa chính thức bắt đầu.
Chế độ kiểm định sách giáo khoa hiện tại gây ra nhiều tranh cãi đặc biệt là việc kiểm định các sách giáo khoa lịch sử với những nội dung liên quan đến tội ác của quân Nhật trong thời gian diễn ra chiến tranh thế giới thứ hai ở Okinawa và các nước châu Á khác. Tuy nhiên, không cần chờ đến những năm 60 của thế kỉ trước khi giáo sư Ienaga Zaburo kiện Bộ trưởng bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ đã “đánh trượt” cuốn sách lịch sử viết cho học sinh THPT của ông, ngay từ thời Minh Trị chế độ kiểm định đã gây ra một vụ án lớn làm rung động nước Nhật. Vụ án này thường được gọi là “Vụ án sách giáo khoa”.
“Vụ án sách giáo khoa” xảy ra năm 1902 (năm Minh Trị thứ 35) khi những người của công ty xuất bản sách giáo khoa hối lộ những người có trách nhiệm lựa chọn sách giáo khoa ở trường học. Vụ án xuất phát từ việc Yamada Teizaburo, giám đốc một công ty sách giáo khoa và cũng nguyên là hiệu trưởng trường sư phạm Ibaraki bỏ quên cuốn sổ tay trong đó có những đoạn ghi chép về việc hối lộ trên tàu khiến cho mọi việc bại lộ.
Cảnh sát đã đồng loạt khám xét và bắt giam những người có liên quan trên toàn quốc bao gồm cả tỉnh trưởng tỉnh Niigata, nhân viên của bộ giáo dục, nhân viên phụ trách sách giáo khoa ở các địa phương, hiệu trưởng trường sư phạm, trường tiểu học và những người thuộc các nhà xuất bản. Tổng số có trên 200 người thuộc 40 đô, đạo, phủ tỉnh bị bắt giữ. Về sau có 116 người bị tòa kết tội. Một số nhà xuất bản có liên quan bị cấm không được xuất bản sách giáo khoa.
Nhân khi vụ án này xảy ra, kế hoạch “quốc định hóa” sách giáo khoa vốn được chính phủ nhen nhóm từ trước được thực hiện nhanh chóng. Năm 1903 (năm Minh Trị thứ 36), Luật sách giáo khoa quốc định dành cho trường tiểu học ra đời và sách giáo khoa quốc định (bộ sách duy nhất do nhà nước biên soạn và phát hành trên toàn quốc) được biên soạn, phát hành.
Chế độ sách giáo khoa quốc định này đươc duy trì từ đó cho đến tận tháng 8 năm 1945 khi Nhật Bản bại trận.
Mấy năm gần đây, ở Nhật Bản lại xảy ra hiện tượng một số công ty sách giáo khoa tặng quà hoặc tiền cho các giáo viên ở trường phổ thông và nhờ họ “đóng góp ý kiến” cho các cuốn sách giáo khoa đang được kiểm định. Việc làm này được coi là “hành vi bất chính” vì các cuốn sách đang trong thời gian kiểm định không được phép lộ ra bên ngoài. Vì vậy Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản đã tiến hành điều tra và xử lý hàng trăm giáo viên có liên quan với hình thức nặng nhất là buộc thôi việc.
Ở Việt Nam, cơ chế “một chương trình-nhiều sách giáo khoa” cũng có thể coi là chế độ “sách giáo khoa kiểm định”. Cơ chế này mới được công nhận và đang được triển khai. Theo dự kiến đến năm 2018 sẽ có sách giáo khoa được biên soạn theo cơ chế này. Khả năng xảy ra “tiêu cực” trong khâu biên soạn, phát hành và lựa chọn sách giáo khoa là rất lớn. Để ngăn chặn cần có một quy chế chặt chẽ để minh bạch hóa mọi hoạt động liên quan đến sách giáo khoa và kiểm soát sự móc ngoặc giữa những người có liên quan. Sự tham gia của Bộ giáo dục và đào tạo như là một tác giả sách giáo khoa cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ ấy. Đấy là điều cần hết sức lưu tâm.
Nguyễn Quốc Vương (Trithucvn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét