NGƯỜI NÔNG DÂN 10.000 LẦN CHẠM MẶT TỬ THẦN
Con người sinh ra từ đất, rồi ồn ào hay câm lặng, cũng sẽ về với đất.
Cục đất vô tri ám ảnh, đeo đẳng trọn kiếp con người. Cả đời đã sống, tôi
không thấy con người trên xứ sở này làm được mấy điều hữu ích và to
tát, chỉ thấy cả xã hội lên đồng vì đất. Giàu lên, vênh vang vì đất. Bi
kịch vì đất. Đổ máu, chia rẻ, tù tội, bắn giết nhau vì đất... Đời người
là một cơn cuồng khát đất. Mà có khi vì cơn khát cháy bỏng ấy, một người
vô danh cũng có thể lập nên kỳ tích vĩ đại.
Tôi muốn kể lại một
câu chuyện đã kết thúc từ 15 năm trước, về người nông dân trong ảnh.
Suốt 20 năm (1975 - 1995) lầm lũi, ông đã dọn sạch cả bãi mìn rộng trên
mấy hécta với lý do giản dị: là nông dân nên ông khát đất. Ông gỡ mìn
cho đám con nít có thêm mảnh đất chạy sướng chân, cho vợ con ông có thêm
miếng rẫy trồng cà, trồng ớt.
Ông khẳng định: “tôi rất nhát, một
chân dung cầu an chủ nghĩa điển hình”. Có thể là ông nói đúng. Hồi trẻ,
nếu can đảm hơn một chút, Ngô Đức Nhựt đã lên rừng làm cách mạng như
rất nhiều bạn bè cùng trang lứa ở cùng quê. Nhưng sợ súng đạn, sợ gian
khổ, sợ cái chết, anh Nhựt chẳng dám đi.
Trốn mãi không thoát,
cũng không dám đi lính VNCH để phải bắn giết, mang tội với đồng bào, năm
1967, Ngô Đức Nhựt đành gật đầu tham gia lực lượng công tác phát triển
hương thôn của chính quyền Sài Gòn khu vực Sông Lòng Sông (Bình Thuận).
Lúc đó Nhựt đã 25 tuổi (ông sinh năm 1942). Có năng lực, làm việc nhanh
nhẹn, Nhựt đã nhiều lần được đề bạt.
Lên chức là lên lương, Nhựt
biết nhưng lại sợ chức cao thì tội dày, sợ bị cách mạng trừng trị nên
anh ta lại chối. Đến tận ngày giải phóng (30/4/1975), Ngô Đức Nhựt vẫn
chỉ là một tay nhân viên quèn nên chỉ phải học tập tại chỗ 20 ngày là
được cho về. Con người anh thanh niên cầu an ấy có bám sâu rể củ với lý
tưởng, đức tin cao siêu to tát nào đâu mà phải cải tạo hay học tập. Anh
chỉ muốn sống bình thường, lấy vợ sinh con, quần quật với ruộng vườn
nuôi chúng lớn. Vậy là đủ.
Ngô Đức Nhựt dời nhà từ thị trấn Phan
Rí Cửa ra xóm 6, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo cùng huyện Tuy Phong, Bình
Thuận. Gọi là đi kinh tế mới, nhưng không có đất, Ngô Đức Nhựt chỉ còn
cách vác cuốc đi làm mướn và phụ với chị Đào Thị Nữ - vợ anh - buôn bán
gà vịt, kiếm tiền mua gạo nuôi ba đứa con, đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ mới
hơn một tuổi.
Xã Vĩnh Hảo hồi đó chỉ là mảnh đất rừng hoang núi
trọc, đất nông nghiệp hầu như không có, công trình thủy lợi cũng không
cho nên việc nhà nông cũng chẳng mấy ai thuê. Không thể sống mãi với bi
kịch người nông dân không có đất, Ngô Đức Nhựt quyết tâm phải khai phá
đất hoang để tạo cơ nghiệp cho mình. Bước ra khỏi sân nhà anh là một
mảnh đất hoang khá màu mỡ, rộng bao la hơn 5 ha. Vào mùa mưa, cỏ mọc
ngút ngàn, nhìn xanh um sướng mắt, con mắt nông dân ngó thấy là mê.
Nhưng đó lại là một vùng đất chết. Ngày xưa, bãi đất ấy là căn cứ của
Sư đoàn 23, quân đội Sài Gòn, nơi trú đóng của hàng chục cố vấn Mỹ và
các tiểu đoàn bộ binh 299, 110 và 111 Việt Nam Cộng Hòa. Để ngăn chặn sự
tập kích của quân cách mạng, toàn bộ vùng đất quanh hàng rào doanh trại
đều bị quân đội Sài Gòn ủi trắng và cài mìn dày đặc.
Một tháng
sau ngày dựng nhà, Ngô Đức Nhựt đã phải chứng kiến cảnh chết chóc đầu
tiên ngay giữa thời bình. Đang cuốc cỏ ngay sát bên nhà, ông Dương Văn
Bốc vô tình cuốc phải một quả mìn cóc (mìn sát thương nhẹ) đổ ập xuống.
Nếu chỉ vậy, ông sẽ chỉ bị thương nhẹ. Nhưng khi ngã, đầu ông đập xuống
đất kích nổ tiếp một trái mìn cóc khác khiến cả người bật ra, đè hẳn lên
một quả mìn thứ ba, loại mìn ba râu (anti personnel mines - mìn chống
bộ binh). Toàn thân ông bị nát bấy.
Không còn cách nào khác, Ngô
Đức Nhựt đã phải dò dẫm vào giữa bãi mìn ôm xác nạn nhân ra. Sau ông
Bốc, anh còn bất đắc dĩ phải thêm 6 lần nữa lặp lại những động tác đau
đớn ấy để đưa thêm sáu nạn nhân khác ra khỏi bãi mìn. Có người cụt chân,
cụt tay, người đui mắt, có người chết không toàn thây... Có lần, mình
anh phải vật lộn cả buổi chiều xả và vác ra khỏi bãi mìn cà môt con bò
đi lạc. Cả xóm, ngoài anh không còn ai dám làm chuyện ấy bởi duy nhất
chỉ một mình Nhựt có kiến thức về mìn, được huấn luyện trong 7 năm tham
gia lực lượng phát triển hương thôn...
Đến khi cậu bé Ba Cà, 7
tuổi nhà ở ở kế bên đạp phải mìn cóc, bung mất nửa bàn chân thì sự chịu
đựng, có cả sự thụ động lẫn nỗi sợ hãi bản năng của Nhựt chấm dứt. Anh
quyết định phải tháo bỏ mối nguy, ít nhất cũng rà phá để kiếm một vuông
sân cho ba đứa con ruột mang toàn tên các các cường quốc là Nga, Pháp,
Mỹ , có chỗ chạy nhảy đỡ tù chân.
Dù có chút ít kiến thức nhưng
lần đầu tiên chạm tay vào lớp vỏ màu xanh bằng chất dẻo của trái mìn,
Ngô Đức Nhựt vẫn toát mồ hôi, tay chân bủn rủn, tim đập thình thịch.
Nhưng khổ nỗi, ngoài một lưỡi theo (lưỡi xẻo) và kìm, búa, Nhựt không hề
có một dụng cụ hỗ trợ hay phương tiện bảo hộ gì khác. Chỉ cần sơ ý, để
rơi kìm lên trái mìn hoặc khi đào để cò nổ bật lên, trái mìn sẽ nổ ngay.
Mìn cóc chỉ nặng chừng 100g, nếu nổ mà mảnh không chạm chỗ hiểm, kẻ
liều mạng có thể chỉ bị thương. Nhưng khi ngã xuống, anh có thể giẫm,
đạp lên mìn ba râu (chứa 0,5 kg thuốc nổ, có ba hạt nổ nằm phía trên),
lúc đó cầm chắc sẽ là tan xác. Phải mất trọn một ngày nghiên cứu, Ngô
Đức Nhựt mới nắm được “cách trị” hai loại mìn này.
Với mìn ba
râu, anh phải nhẹ nhàng phủi hết lớp đất trên mặt, dùng cờ lê số 17 tháo
lần lượt từng kíp nổ, vô hiệu hóa quả mìn xong mới bới nó lên. Với mìn
cóc thì ngược lại, phải moi đất dưới quả mìn, tay cầm, tay đỡ, đưa cả
trái mìn lên, sau đó mới giữ chặt ngòi nổ và dùng kìm tháo ren ngòi nổ
nằm phía bên dưới.
Ban đầu, chưa có kinh nghiệm, Ngô Đức Nhựt
không dám gỡ nhiều. Mỗi ngày anh chỉ gắng gỡ một quả mìn ba râu và một
trái mìn cóc. Sợ sơ sẩy, anh cũng không dám gỡ trong mùa nắng, phải đợi
mùa mưa, đất mềm ra, dễ ấn lưỡi xẻng gỗ (không lắp cán) ăn sâu vào đất.
Bom mìn không có mắt, dù tay đã bớt run, tim đã bớt đập, Nhựt vẫn không
dám ấn xẻng xúc đất mạnh tay, sợ trật chỗ hoặc sơ ý xúc xẻng phải ngòi
nổ.
Mà cũng chỉ khi mắt đã nhìn rõ vỏ quả mìn, anh mới dám thao
tác, tuyệt đối không dám làm bừa. Mìn gỡ xong, Nhựt đào hai hố sâu, một
hố chôn kíp nổ, một hố chôn vỏ và thuốc nổ. Trước khi lấp đất, anh còn
cẩn thận đổ muối bột lên cả kíp lẫn mìn cho nó mau mục...
Ngoài
hai loại phổ biến là mìn cóc và mìn ba râu, thỉnh thoảng anh cũng phát
hiện được cả đạn M-79 còn xanh chóa ánh đồng và mìn clây-mo (mìn định
hướng). Với M-79 thì khá đơn giản, anh Nhựt có thể áp viên đạn lên tai,
nghe tiếng nhả roon ro ro là có thể đoán được khả năng sắp nổ hay chưa,
chỉ việc vứt xuống hố sâu và rải muối...
Với mìn lân tinh ( phốt
pho) thì tuyệt đối không dám đùa. Chỉ lôi nó lên khỏi mặt đất là lo chạy
ngược lại ngay. Chỉ trong chốc lát, miếng chất dẻo mỏng đã mục sẽ vỡ
ra, phốt pho gặp không khí sẽ cháy, kích hoạt quả mìn nổ ngay. Chậm chân
là chết.
Lâu dần thành quen, thao tác gỡ mìn của anh nông dân
Ngô Đức Nhựt đã trở nên nhuần nhuyễn và chính xác. Cảm giác sợ cũng biến
mất dần. Nhựt đã tìm được quy luật bố trí của cả bãi mìn rộng hàng mấy
hécta. Mìn cóc cứ được chôn mỗi cụm ba quả thành hình tam giác cân, mỗi
cạnh tam giác đúng 2m. Chính giữa tam giác ấy là một quả mìn ba râu, nằm
cách đều mỗi trái mìn cóc 1,2m.
Trung bình mỗi ngày anh gỡ được
15-20 quả mìn, cá biệt có hôm còn gỡ được gần 30 quả. Mìn gỡ lên quá
nhiều, tháo kíp xong cũng chẳng biết chôn lại vào đâu, anh gánh luôn ra
xã nộp!
Nhưng chẳng ai nhận. Cứ 10 bữa, nửa tháng, người dân xã
Vĩnh Hảo lại táng đởm kinh hồn đứng xa mà ngó cha con kẻ giỡn mặt tử
thần gánh một gánh... mìn ra sân ủy ban xã trút một cái ào rồi quay về,
cứ như thể gánh khoai ra chợ.
Đào mìn như đào khoai, được cái
công việc của anh chưa bao giờ bị ai quấy rầy hay tị hiềm, dòm ngó.
Chẳng ai dại! Chỉ có vợ con anh là phập phù suốt mấy ngàn ngày, không
biết bao giờ giữa bãi đất mênh mông kia sẽ lạnh lùng vọt lên một tiếng
nổ... Mấy ông cán bộ xã cũng chẳng biết xử lý sao với vụ này, chỉ nhắc:
“Ông Nhựt ơi, ông đào hố ra xa xa phía bìa rừng mà chôn. Lỡ ra...”.
Rồi cái ngày định mệnh ấy cũng xảy ra vào cuối năm 1990. Mùa khô, đất
chai và cứng. Trong khi gỡ một cục đá để lấy chỗ luồn kìm tháo chốt một
quả mìn cóc, Ngô Đức Nhựt đã sơ ý để kềm trượt lên mặt cục đá đập lên vỏ
quả mìn. Sau tiếng nổ, 2 con bò nhà anh phải bán đi để lấy tiền cho
Nhựt nằm bệnh viện. Tai nạn đã tước đi vĩnh viễn con mắt trái của Nhựt.
Nhưng từ đó, trên bãi mìn, anh Nhựt - đã trở thành ông Nhựt - không còn
chỉ thui thủi một mình. Nghề chuyên môn không sinh lợi của ông đã được
cậu con trai út Ngô Khắc Pháp kế tục và đồng hành! Người cha nghèo chẳng
hồi môn được gì cho con ngoài một cái nghề phập phù bất trắc và không
ai muốn nhận.
Ít lâu sau đó, bãi mìn được quy hoạch. Đại đội công
binh C19 được tỉnh đội Thuận Hải điều về thay ông rà phá diện tích bom
mìn còn lại. Không ai hỏi kinh nghiệm của ông. Sau khi sử dụng máy rà,
bộ đội đã dùng thuốn nhọn để xăm dò chất nổ. Lần thứ nhất, một chiến sĩ
bị cụt nửa bàn chân. Lần thứ hai, thêm một anh bị thương hỏng mắt.
Hoảng quá, anh đại úy chỉ huy công binh tên Nhật phải đích thân tìm đến
ông xin được chỉ giáo. Kiểm tra lại ông phát hiện ra một sai lầm chết
người: máy rà chỉ phát hiện được mìn ba râu có vỏ bằng kim loại nhưng
lại dễ bỏ sót mìn cóc, vỏ bằng nhựa cứng. Nghe lời ông, đơn vị công binh
đã bỏ thuốn sắt dùng lưỡi xẻng, lưỡi vạt bằng gỗ để thao tác.
Từ
đó, không một tiếng nổ nào xuất hiện nữa. Ông Nhựt cũng bỏ thời gian
làm chung không công, vừa làm vừa hướng dẫn cho bộ đội. Đến giữa năm
1995, toàn bộ “vùng tử địa” đã được dọn sạch mìn. Riêng phần mình, ông
Nhựt đã tự tay gỡ sạch mìn trên một diện tích 2,2 ha.
Đề nghị ông
ước chừng số mìn đã tự tay tháo gỡ, ông Nhựt bảo: “Khiêm tốn thì chú cứ
ghi là 5.000 quả, nhưng tôi thì khẳng định là 20.000, không thể dưới.
Mà khai ít đi chú ơi, không ai khen đâu. Mấy ông cán bộ xã với huyện Tuy
Phong toàn kêu tôi gỡ mìn...lậu, đòi nhắc, đòi nhốt tôi hoài!”.
Trong suốt 20 năm, không tháng nào ông Nhựt không gánh vô xã nộp tối
thiểu 1-2 gánh mìn. Nộp là cách ông nói cho có vẻ đúng trách nhiệm. Chưa
bao giờ có ai đó chịu mất thì giờ để viết cho ông một tờ biên nhận.
Không ai trả thù lao, không cả một sự ghi nhận. Toàn bộ mồ hôi, nước
mắt, thậm chí cả máu của người nông dân yêu đất đã bị lãng quên một cách
quá giản đơn. Đại khái người ta xem chuyện ông tự rị mọ gỡ mìn giải
phóng đất là mặc nhiên, thậm chí là gàn dỡ. Không ai ghi nhận, không ai
thấy cần chịu trách nhiệm, không ai cần quan tâm. Cộc cằn và cạn kiệt
không chỉ có đất và nắng, còn có cả tâm hồn con người.
Khi chúng
tôi tìm đến (cuối năm 2004), ông Ngô Đức Nhựt đã như ngọn đèn cạn dầu,
tàn bấc. Cách đó 10 năm, vợ ông đã qua đời vì tai nạn giao thông. Tuổi
già, lực kiệt, ông giao hết căn nhà và mảnh vườn đánh đổi cả đời bằng
máu và nước mắt cho anh con trai Ngô Khắc Pháp, theo một người vợ gá
nghĩa về xã Phú Lạc cách Vĩnh Hảo 8 km dựng một căn chòi lá trên đồi cát
sống lắt lay. Bà đi làm thuê nuôi ông đau ốm triền miên. Không tiền
chữa trị, vi trùng lao đã ăn rã mục một lá phổi của ông.
“Mình có
tự trọng, không thể để dâu con thấy cảnh lê lết thế này. Con chăm cha
không bằng bà chăm ông...” - ông bỏ dở nửa chừng câu nói xót xa bằng
giọng của một người đang phải cậy nhờ kẻ khác.
Trước đó một năm,
năm 2003, xã thu hồi của ông 3.800m2 đất đang trồng điều để xây trường
cấp II. Thỏa thuận đền bù là 3,2 triệu đồng/1.000m2 đất. Ông bảo, đến
nay (cuối 2004) ông cũng mới nhận được 70% tiền đền bù (8 triệu đồng),
số còn lại “phải trả cho tôi mua thuốc uống chứ, đất đó tôi gỡ mìn mới
có mà”.
Trước đó nữa, năm 2002, “một ông đạo diễn to con, râu xồm
như Tây” có tìm về quay một bộ phim về ông, tựa phim khá ấn tượng là
"Vùng đất chết". Sau này, khi công chiếu, tên phim là "Sống trong sợ
hãi". Ông nhớ rất rõ (và chúng tôi biết là ông không hề nhầm), ông đạo
diễn tên là B.T.C đã “xoay” ông suốt cả tháng trời trên bãi mìn xưa để
“làm phim dự thi quốc tế”.
Ông nghe nói “phim đoạt giải bên Tây,
và được tiền thưởng". Nhưng xong là thôi, chẳng ai đoái hoài đến ông, dù
ông “đóng nhân vật chính suốt cả tháng trời”. Cả một lần được xem lại
bộ phim quay chính mình, do mình diễn “trước khi con mắt còn lại cũng
mù”, ông cũng chỉ biết chờ, chờ mãi trong vô vọng...
*
* *
Vào cuối năm 2004, trong khi lang thang viết báo, tôi và nhà báo Phương
Nam đã tìm ra ông Nhựt. Lúc này, ông đứng đã không còn vững. Cả túp lều
lá buông trên đồi cát Phú Lạc lẫn ông già Nhựt, e chừng một trận gió
chiều đông thốc lên là thổi bay ngay. Không ai đoái hoài đến người anh
hùng vô danh ấy cả. Bức xúc, tôi đem câu chuyện chất vấn ông Huỳnh Tấn
Thành, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận, vì sao chính quyền chưa từng có chút
quan tâm, đãi ngộ hay ghi nhận nào với sự hy sinh, đóng góp, bền bỉ mấy
chục năm cho đời sống con người của ông Ngô Đức Nhựt? Ông Thành – đồng
hương với ông Nhựt, nhảy núi từ 15 tuổi, từng làm Chủ tịch huyện Tuy
Phong, sau này làm Chủ tịch tỉnh Bình Thuận giải thích: “Ông ấy gỡ mìn
tự phát, có báo cáo ai đâu. Cũng chưa từng có cơ quan, tổ chức nào đề
xuất, thành thử.... Mà ông ấy cũng không phải cán bộ, không ai giao
nhiệm vụ. Thành ra....cũng khó”.
Tôi phản đối quyết liệt, nhận
xét luôn đó là thói quan liêu, vô cảm với nhân dân. Làm quan như thế,
làm để làm gì. Ông Thành nổi cáu, kêu Đoàn đại biểu QH tỉnh Bình Thuận
“tiếp xúc, ghi nhận ý kiến cử tri và có đề xuất tham mưu”. Tôi và Phương
Nam đập bàn quát ghế, cự luôn ông Đào Xuân Nay, đại biểu QH chuyên
trách của tình Bình Thuận: “Chúng tôi chẳng đề xuất, xin xỏ gì ở đây cả.
Đây là việc chính quyền và các ông phải làm. Không chịu làm là vô trách
nhiệm. Tôi sẽ đưa lên công luận”.
Và tôi làm thật, đưa lên báo
với lời lẽ khá gay gắt nặng nề. Bà Trần Thị Khánh, đoàn Đại biểu Quốc
Hội Hà Nội bay vào gặp tôi ngay. Tôi bảo: “Các anh chị muốn gặp ông
Nhựt, tôi đưa đến tận nơi. Cần hồ sơ, tư liệu, tôi sẽ giúp cung cấp.
Nhưng không cần gặp tụi tôi. Tôi không muốn mất thì giờ báo cáo báo chồn
với ai hết”.
Khi tôi kể câu chuyện này với Tổng biên tập, nhà
văn Hữu Ước, ông trầm ngâm và nói với tâm trạng buồn buồn: “Vậy thì báo
ta phải làm một căn nhà tình nghĩa cho ông già này sớm thôi. Âu cũng là
trả một phần nghĩa cho cuộc đời. Em coi làm được gì tiện nhất thì cứ
làm. Anh đồng ý hết, không cần hỏi ý kiến ai nữa”.
Rằm tháng
Chạp, tôi và Phương Nam cùng với Phát, con trai ông Nhựt ra thăm ông.
Chúng tôi lên kế hoạch, mùng 8 Tết, tôi và Phương Nam sẽ đưa ông Nhựt
vào TP Hồ Chí Minh điều trị bệnh lao ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, kinh
phí báo lo. Cùng ngày hôm đó, Báo ANTG sẽ xây nhà mới cho ông. Tiền xây
nhà, anh Duy Lợi bảo “bao nhiêu cũng được, tôi lo, không vận động ai
hết”. Ông Nhựt thì cứ nấn ná: “Qua rằm được không? Mùng 8 Tết còn lạnh
lắm. Tôi muốn ở đây, ở đây...”
Có gì đó rất bất ổn nhưng không
cắt nghĩa được. Không thể chờ. Sau vài phút bàn với Phương Nam, tôi
quyết định gửi trước ông Nhựt 15 triệu đồng ăn Tết. Số tiền này là giải
thưởng báo chí Toàn quốc, bài báo tôi viết (xem như viết chung cùng
Phương Nam) về ông. Ở tình cảnh đó, tôi nghĩ ông Nhựt cần nó hơn tôi. Ít
nhất, Tết 2005, vợ chồng, con cái, gia đình ông cũng có cái mà trang
trải, không đến nỗi thiếu hụt. Báo cáo lại, anh Hữu Ước thở dài: “Ừ, vậy
đi. Có lẽ làm như em là hợp lý”.
Một chút an lòng cho buổi năm
cùng tháng tận. Trưa mùng 2 Tết, Phát, con trai ông Nhựt điện thoại:
“Sau Tết dì Ba không ở đó nữa. Ba em vừa mất rồi anh ạ. Không đau đớn
vật vã gì, chỉ ngủ rồi sáng nay vô kêu không dậy”.
Vậy là không
có chuyến đi Sài Gòn, không có chuyến chữa bệnh, không xây nhà...Cũng
không còn chuyện tranh chấp, tranh cãi gì về chuyện lòng tốt, sự gắng
gỏi có liên quan gì đến lý lịch hay không. Tôi chỉ kịp làm duy nhất một
điều: xẩm tối mùng 2 Tết năm đó đưa một người vô danh về đất, nghĩa
trang nằm trên đồi cát, lọt thỏm giữa khoảng rừng thưa. Rồi ngồi lại
lâu, rất lâu trên triền đồi mù bụi ngó lao qua dãi đồng bằng toàn cát
trắng, trông về phía biển.
Nghe se sắt một kiếp con người....
N.H.L.
with Phương Nam
Bộ phim "Sống trong sợ hãi " vẫn còn trên Youtube, bạn có thể xem lại nếu muốn tìm hiểu thêm ( Trần Phong Vũ )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét