2 thg 9, 2017

‘Giải oan’ tội danh gây đái tháo đường cho cơm trắng




Cây lúa, hạt thóc, cơm trắng đã là hình ảnh quen thuộc của mỗi người dân Việt Nam. Nhưng trước tình trạng tiểu đường phổ biến, nhiều người quan niệm ăn cơm nhiều sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh. Sự thực có như vậy hay không? 
3,2 triệu người chết mỗi năm, 20 giây lại có 1 người bị mất chân

GS TS Thái Hồng Quang, Phó chủ tịch Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam cho biết mỗi năm trên thế giới có 3,2 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến đái tháo đường, tương đương với số người tử vong vì bệnh HIV/AIDS.
Bệnh đái tháo đường đang là gánh nặng cho kinh tế xã hội, chi phí để điều trị các biến chứng của bệnh đái tháo đường đã chiếm 5-10% kinh phí chi cho chăm sóc y tế chung trên toàn thế giới.
Một thực tế đáng lo ngại là trong cộng đồng có hơn 60% bệnh nhân đái tháo đường chưa được chẩn đoán, bệnh xuất hiện ngày càng nhiều ở lớp trẻ khi tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh…
Theo số liệu ước tính của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), tính đến năm 2015 trên toàn thế giới có khoảng 415 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, con số này dự kiến sẽ tăng lên 642 triệu người vào năm 2040. Hiện, cứ 11 người trưởng thành sẽ có một người bị đái tháo đường, và cứ mỗi 6 giây, trên thế giới sẽ có một người tử vong.
Cơm trắng là thủ phạm gây đái tháo đường?
(Ảnh minh hoạ)

Có bố và mẹ đều mắc đái tháo đường tuyp 2, chị Lê Thị Bạch Tuyết trú tại Hoàng Văn Thái, Hà Nội luôn luôn lo lắng mình sẽ bị bệnh này trong tương lai. Chị Tuyết kể bố mẹ bị bệnh này vất vả lắm, cắt móng chân không cẩn thận cũng đi viện như chơi, có lần mẹ chị mổ ở viện người ta 4 ngày ra viện còn mẹ chị nằm cả tháng mới được ra viện. Đó là chưa kể đái tháo đường gây ra đủ thứ bệnh.
Từ ngày bố mẹ bị bệnh, chị Tuyết về sống cùng ông bà và gia đình chị rất ít ăn cơm trắng. Buổi tối, hai con của chị mỗi cháu cũng chỉ ăn 1 chén cơm nhỏ, còn cả nhà chỉ ăn rau xanh, hoa quả.
Chị Tuyết cho biết chị được người ta nói cơm trắng là thủ phạm gây tiểu đường nên đành gác cơm sang một bên và chỉ dùng các loại thực phẩm có chứa glucose khác.
Có 4 loại ĐTĐ gồm tuýp 1, 2, thai kỳ và nguyên nhân khác. Trong đó, đái tháo đường tuýp 2 chiếm hơn 90% trường hợp. Nguyên nhân chủ yếu của đái tháo đường tuýp 2 là di truyền và các yếu tố từ môi trường.
ThS.BS.TTƯT Dzoãn Thị Tường Vi

Theo ThS.BS.TTƯT Dzoãn Thị Tường Vi (nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198), tỷ lệ đái tháo đường ở các nước đang phát triển như Việt Nam tăng cao là do đời sống được cải thiện, con người có xu hướng ăn uống bất hợp lý như tiêu thụ nhiều chất béo, chất đạm như thịt, đồ ăn dầu mỡ, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, rượu bia. Việc năng lượng nạp vào cơ thể quá nhiều có thể gây nên rối loạn chuyển hóa chất đạm, đặc biệt là chất béo. Thêm vào đó, thói quen lười vận động lại càng khiến lượng chất béo vào cơ thể khó tiêu hao.
Thực phẩm chế biến sẵn

Tất cả các yếu tố đó đẩy chúng ta vào tình trạng thừa cân, béo phì – hai yếu tố nguy cơ không chỉ dẫn đến đái tháo đường mà còn nhiều căn bệnh nguy hiểm khác như rối loạn mỡ máu, cao huyết áp, gout, sỏi mật, tiền liệt tuyến và rất nhiều bệnh khác xuất phát từ chế độ ăn không hợp lý.
“Người Việt chúng ta bao đời nay đều ăn gạo trắng, nhưng hiện nay mức độ tiêu thụ các chất tinh bột đã giảm đi rất nhiều. Trước đây có người ăn mỗi bữa 3-4 bát cơm. Nhưng hiện nay, nhiều người chỉ ăn nửa bát. Bên cạnh đó, các cuộc nhậu nhẹt nhiều hơn, đồ ăn sẵn, thức ăn nhiều đạm cũng được tiêu thụ nhiều hơn, khiến khẩu phần năng lượng vào cơ thể tăng cao. Đó là nguyên nhân gây nên bệnh chứ không phải việc ăn gạo trắng. Nếu ăn cơm gây đái tháo đường thì mọi người Việt Nam đều mắc bệnh”, BS Tường Vi nói.
Cơm trắng ăn vừa phải, đủ cho cơ thể sẽ không gây đái tháo đường

Nếu nói cơm gây tiểu đường TS Nguyễn Khánh Hoà – bác sĩ Việt sinh sống và nghiên cứu tại Canada cho biết người dân ở nông thôn ăn gạo trắng nhiều gấp 3 – 4 lần người sống ở thành thị, nhưng tỷ lệ đái tháo đường của nông dân thấp chỉ 1-2% trong khi đái tháo đường ở thành thị thì lên tới 10%.
Gạo trắng (4 calories/1g) lại là thực phẩm có chỉ số năng lượng cao, thậm chí cao hơn so với bánh mì Pháp (3 calories/1g). Đái tháo đường có liên quan đến việc mất cân đối giữa lượng năng lượng hấp thu vào cơ thể và lượng năng lượng tiêu thụ của cơ thể.
Thói quen lười vận động sẽ dẫn đến thừa năng lượng và có nguy cơ gây đái tháo đường hơn chứ không phải chính cơm mới gây đái tháo đường.
Bệnh đái tháo đường tuýp 2 có thể phòng ngừa hoặc làm chậm sự xuất hiện của nó; bằng cách duy trì cân nặng lí tưởng và tăng cường hoạt động thể lực – Các nghiên cứu của Phần Lan, Mỹ, Trung Quốc… và cả ở Việt Nam đã khẳng định điều đó.
Hoàng Kỳ t/h

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét