7 thg 2, 2024

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH cho NĂM RỒNG - Đỗ Chiêu Đức

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH cho NĂM RỒNG :

                               VẼ RỒNG ĐIỂM NHÃN
                                 Họa sư Trương Tăng Dao 張僧繇

      VẼ RỒNG ĐIỂM NHÃN chữ Nho là HỌA LONG ĐIỂM TINH 畫龍點睛. Thành ngữ nầy có xuất xứ như sau : Theo "Lịch Đại Danh Họa Ký-quyển 7 歷代名畫記-卷七" đời Đường của Trương Ngạn Viễn 張彥遠 chép lại truyện :

      TRƯƠNG TĂNG DAO 張僧繇(479 — ?)người đất Ngô, thuộc Tô Châu tỉnh Giang Tô ngày nay. Ông là họa sư cung đình nổi tiếng của triều Nam Lương. Đời Lương Võ Đế (502-519) ngoài việc chưởng quản việc hội họa trong cung, ông còn giữ chức Hữu Quân Tướng Quân, Ngô Hưng Thái Thú. Mỗi khi Lương Võ Đế nhớ đến các con đang được phong hầu ở các nơi, bèn lệnh cho Trương Tăng Dao đến các nơi đó vẽ hình của con mình đem về để ngắm cho đỡ nhớ, vì các bức tranh vẽ chân dung của Trương Tăng Dao trông rất sống động như là người thật vậy.
      Ông cũng thường hay vẽ động vật, phi cầm tẩu thú, cỏ cây hoa lá, sơn thủy trời mây... Suốt mấy mươi năm không rời xa cọ vẽ, ông lại biết sáng tạo và kết hợp những nét thư pháp nổi tiếng trong "Bút Trận Đồ 筆陣圖" của Nữ Thư Pháp Gia đời Tấn là Vệ Thước 衛鑠 (Bà là sư phụ dạy thư pháp cho nhà thư pháp ni tiếng đời Tấn là Vương Hi Chi 王羲之 đó) áp dụng các nét chấm, phy, đá, móc... vào trong các nét vẽ. Tương truyền những đồ vật hay động vật ông vẽ ra đều rất sống động như thật. 
Truyện kể...
      Trên rường của chánh điện Hưng Quốc Tự ở Nhuận Châu, có rất nhiều chim én chim sẻ làm tổ, lũ chim thường hay rỉa lông rỉa cánh và phóng uế xuống, nên các tượng phật bên dưới bị ô uế, rất khó lau chùi và lại bị phai màu trông rất xấu xí. Trương Tăng Dao biết chuyện bèn xin với phương trượng chùa, vẽ hình một con ó bên tường đông và một con diều hâu bên tường tây, hai con đều như từ trên cao bay xuống vươn móng vuốt ra phía trước. Vì hình vẽ quá sống động như thật, nên các con chim én chim sẻ đều bay đi nơi khác, không dám đến đó làm tổ nữa.    
Lại kể... 
         Một lần Trương Tăng Dao vẽ hình một con rồng rất sống động trên vách đại điện chùa Hoa Nghiêm ở Tô Châu. Khi vẽ xong thì trời bỗng nổi cơn giông gió lớn, mưa rào đổ xuống, con rồng ở trên tường lay động muốn bay lên. Trương Tăng Dao phải vội vàng vẽ thêm một sợi xích sắt để xiềng con rồng lại.
      Còn ở Độc long Đàm gần Hoa Nam Tự, trong một đêm khi mưa cuồng gió loạn, có hai con rồng thật từ trong đàm nước bay lên đến bên vách chùa để đấu với con rồng được vẽ trên vách. Đạo sĩ Đinh Huyền Chân vẽ hai cái thiết phù (bùa bằng sắt). Hai con rồng trong đàm nước bỏ chạy bay về đàm, con rồng trên vách thì vẫn còn đó nhe nanh múa vuốt. Đinh Huyền Chân nổi giận hỏi :"Con rồng nầy là ai vẽ vậy ?" Hòa thượng đáp là :"Của Trương Tăng Dao đại nhân vẽ đó". Đinh Huyền Chân lại cào nhào :"Vẽ thì vẽ đi, sao lại điểm nhãn mà chi cho nó thành rồng thật sẽ bay đi mất đó". Nói đoạn bèn lấy hai cây đinh sắt đóng vào hai con mắt của con rồng trên vách để giữ nó lại. Qủa nhiên con rồng nằm im không động đậy nữa.

       Có một lần theo lệnh của Lương Võ Đế, ông vua rất sùng đạo Phật; Trương Tăng Dao vẽ bốn con rồng đang bay múa thật sống động trên vách chùa An Lạc Tự ở đất Kim Lăng. Mọi người đều xúm xít nhau lại xem và đều trầm trồ nét vẽ sinh động tài tình của ông. Nhưng mọi người lại vô cùng thắc mắc là bốn con rồng vẽ đẹp thế kia, nhưng không có con nào được điểm nhãn (vẽ thêm con ngươi) cả ! Hỏi thì Trương Tăng Dao cười đáp :"Mọi người đừng lấy làm lạ, vì mắt là tinh thần của rồng. Hình thể đã vẽ xong, nếu thêm cái tinh thần vào nữa thì rồng như có sinh mệnh. Nên nếu ta điểm nhãn thì bốn con rồng sẽ bay mất ngay mà thôi !" Mọi người nghe nói đều tỏ vẻ không tin. Trương Tăng Dao bèn lắt đầu và cầm bút lên cẩn thận điểm nhãn cho hai con rồng trên vách. Nói cũng lạ, vừa điểm nhãn xong cho con thứ hai trên vách, thì trời bỗng tối sầm lại, mây kéo tứ văng cuồng phong nổi lên, một tiếng sấm nổ vang, mưa như trút nước, hai con rồng được điểm nhãn cựa mình quẫy đuôi phá vách bay lên trên không, uốn lượn vài vòng rồi bay tuốt lên và  mất hút trong mây mưa. Hai con rồng chưa được điểm nhãn thì vẫn còn nguyên trên vách chùa. Mọi người đều há hốc kinh ngạc và đều tán dương cho tài nghệ siêu quần và thần kỳ của Trương Tăng Dao. 
       Từ điển tích trên, thành ngữ HỌA LONG ĐIỂM TINH 畫龍點睛 là "Vẽ Rồng Điểm Nhãn" hay "Vẽ Rồng Thêm Mắt" thường dùng để ví trong hội họa, văn chương, âm nhạc... đôi khi chỉ cần chấm phá thêm một vài nét, một vài lời, một hai "nốt" nhạc... ở một đôi chỗ quan trọng sẽ làm cho bức tranh, bài thơ bài văn hay bản nhạc...  càng thêm sinh động và có thần hơn.   
         
       Lại có truyện kể rất thần kỳ về Trương Tăng Dao như sau : Thiên Hoàng Tự ở Giang Lăng được Tề Minh Đế xây dựng nên, trong chùa có một Bách Đường thờ Phật. Trương Tăng Dao đã vẽ hình Phật Đà và Khổng Tử cùng trên chục người hiền triết nữa trên tường, trông rất sống động và đẹp đẽ. Minh Đế đã quở trách rằng :"Nơi Phật môn sao lại vẽ hình Khổng Tử ?" Ông đáp rằng :"Tương lai chùa nầy sẽ nhờ vào vị Khổng Thánh Nhân nầy đó!". Quả nhiên, đến đời Hậu Chu muốn tiêu diệt và xóa đi ảnh hưởng của Phật giáo, đã phá hũy và đốt hết các Phật tháp, chùa chiềng, nhưng ngôi chùa nầy thì được giữ lại không ai dám động đến, vì trong đó có hình của đức thánh Khổng.
       Lại kể, Trương Tăng Dao từng vẽ một bức《Thiên Trúc nhị Hồ tăng đồ 天竺二胡僧图》là "Tranh vẽ hai nhà sư người Hồ ở Thiên Trúc" trông rất sinh động như người thật. Vì Vương Hầu Cảnh ở Hà Nam cử binh làm phản, trong chiến tranh loạn lạc, bức tranh bị xé làm đôi và lưu lạc trong dân gian. Đến đời Đường, quan Hữu Thường Thị Lục Kiên sưu tập và cất giữ được một nửa bức tranh. Lúc Lục Kiên lâm trọng bệnh, mơ thấy một Hồ tăng đến báo rằng : Tôi có một bạn tu cùng trang lứa đã thất lạc lâu năm. Người bạn đó hiện đang ở nhà họ Lý trong thành Lạc Dương. Nếu ông có lòng tìm được ông ấy về đây để chúng tôi cùng gặp mặt, thì chúng tôi sẽ cố gắng nhờ Phật pháp để độ trì cho ông qua khỏi cơn bịnh ngặt nghèo nầy. Lục Kiên bèn cho người nhà tìm đến Lạc Dương ra giá cao để mua lại một nửa bức tranh có nhà sư đất Hồ kia, mang về để ráp lại với bức ở nhà thành một bức tranh hoàn chỉnh. Qủa nhiên ít hôm sau thì Lục Kiên khỏi bệnh và dần hồi phục lại như thường ngày... 
      Bỏ đi những truyền thuyết thần kỳ lưu truyền trong dân gian, TRƯƠNG TĂNG DAO 張僧繇 là một họa sư có thực tài của thời Nam Bắc Triều. Ông được người đời sau tôn xưng là "畫家四祖之一 Họa Gia Tứ Tổ Chi Nhất". có nghĩa là : "Một trong bốn ông Tổ của Ngành Họa". Bốn ông Tổ của các nhà danh họa, xếp theo thứ tự thời gian, gồm có : Cố Khải Chi 顧愷之(348—405)của đời Đông Tấn và học trò của ông là Lục Thám Vi 陸探微(?—485)sống dưới thời Nam Triều cùng thời với Trương Tăng Dao  張僧繇(479 — ?)cũng là người Nam Triều; cuối cùng là Ngô Đạo Tử 吳道子(685—758)của đời Đường. Trương Tăng Dao là người tiếp nhận thừa hưởng kinh nghiệm của người đi trước, ông tiếp nối và phát huy ngành họa rồi truyền thụ lại cho đời sau. 

      Ông vua tài hoa thi sĩ Tống Chân Tông Triệu Hằng 宋真宗趙恒(968—1022) có làm bài thơ Hải Đường《海棠》nhắc đến tài của danh họa Trương Tăng Dao như sau 
 :
                 海棠             HẢI ĐƯỜNG
              翠萼凌晨綻,   Thúy ngạc lăng thần trán,
              清香逐處飄。   Thanh hương trục xứ phiêu.
              高低臨曲檻,   Cao đê lâm khúc hạm,
              紅白間纖條。   Hồng bạch gián tiêm điều.
              潤比攢温玉,   Nhuận tỉ toàn ôn ngọc,
              繁如簇絳綃。   Phồn như thốc giáng tiêu.
              盡堪圖畫取,   Tận kham đồ họa thủ,
              名筆在僧繇。   Danh bút tại Tăng Diêu (Dao).

    * Có nghĩa :
                       HOA HẢI ĐƯỜNG
        Đài hoa xanh buổi sáng đã nở ra. Mùi thơm nhè nhẹ lan toả khắp nơi. Cao cao thấp thấp uốn theo dưới hiên nhà; Màu đỏ màu trng chen chúc nhau trên cành lá  thon thả. Vẻ tươi mướt như là những viên ngọc ấm được gom lại, Rậm rạp như là một xâu lụa màu đỏ. Nếu vẽ lại được hết các nét đẹp sống động nầy, thì chỉ có cây bút danh họa của Trương Tăng Dao mà thôi !
 
   * Diễn Nôm :
                          HẢI ĐƯỜNG
               
                     Nụ xanh sáng bung nở,
                     Hương thoảng khắp bên thềm.
                     Cao thấp theo hiên uốn,
                     Đỏ trắng chen cành mềm.
                     Mướt như gom ngọc qúy,
                     Rậm tựa giải lụa êm.
                     Muốn vẽ ngàn vẻ đẹp,
                     Tăng Dao bút thánh thêm.
       Lục bát :
                     Nụ xanh sáng sớm nở bung,
                     Hương bay thoang thoảng khắp vùng nơi nơi.
                     Thấp cao hiên uốn tuyệt vời,
                     Đỏ trắng gián cách lả lơi cành mềm.
                     Mướt như gom ngọc qúy nên,
                     Rậm tựa giải lụa êm đềm xinh tươi.
                     Muốn ghi ngàn vẻ hoa cười,
                     Tăng Dao bút thánh rõ mười chẳng ngoa !
                                                                     Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
       Bút thần HỌA LONG ĐIỂM TINH 畫龍點睛 (Vẽ Rồng Điểm Nhãn) của Trương Tăng Dao tồn tại và sống mãi trong lòng văn học cổ, như là một điểm nhấn của nền hội họa cổ xưa còn lưu truyền mãi đến hiện nay.

       Hẹn bài viết tới !

                                                                          杜紹德
                                                                      Đỗ Chiêu Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét