Cũng như mọi năm – mấy ngày liền cùng con cháu sửa sang dọn dẹp nhà cửa từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, chiều nay sau bữa cơm tất niên sum vầy ấm cúng – ông Cang cầm tẩu thuốc đi lững thững ra ngõ.
Gió xuân dịu dàng như những sợi tóc dài của ai bay, phả vào người, vướng víu trên ngực áo, quấn quýt dưới bước chân làm ông Cang cảm thấy lâng lâng. Ông khẽ cười một mình, tâm trạng vui vẻ đang tràn đầy chắc một phần do chai rượu Ông già chống gậy loại cao cấp – Johnnie Walker Blue Label – cộng với câu chuyện thú vị về thương hiệu trứ danh này do thằng con mang về từ Scotland sau chuyến hải hành biền biệt.
Lần đầu tiên trải nghiệm thứ chất lỏng huyền thoại "được tạo ra bởi sự hòa quyện giữa mạch nha với nước suối chảy qua vàng nguyên chất", ông Cang cương quyết từ chối mấy viên nước đá và uống "sec" như cách uống từ trước giờ của ông đối với tất cả các loại bia, rượu.
Ông không nhớ mình đã uống mấy ly, chỉ nhớ bà vợ già rất đẹp lão của ông sau khi nhẹ nhàng trách móc thằng con, đã dời chai rượu và cái ly không ra xa tầm tay ông:
–Để dành mấy bữa Tết nữa chứ!
Rồi bà múc cho ông một chén canh với hạt sen, nấm hương và táo đỏ, lác đác mấy viên đậu hũ trắng xắt nhỏ nhỏ vuông vuông như hột xí ngầu. Ông ngồi ngắm mấy khúc hành xanh đậm tỉa hoa và lá ngò nổi trên mặt chén canh đầy màu sắc, nhớ mình đã từng ngạc nhiên như lần này vì có những điều hết sức bình thường lại có thể đẹp đến vậy – y như một bức tranh!
Cũng bởi căn bệnh gout bắt đầu hoành hành mấy khớp ngón chân của ông dạo gần đây đã làm bà lo lắng. Thì thôi vậy! Ăn xong chén canh thuộc hàng bát bửu của vợ, ông ngồi nán lại một chút bên vợ con và mấy đứa cháu nội, nói ba điều bốn chuyện như thường lệ rồi chậm rãi nhồi thuốc vào cái tẩu Dunhill cũ kỹ, châm lửa và bước ra ngoài.
Buổi chiều cuối cùng của năm luôn vắng vẻ hơn mọi ngày, người ta để lại những lo toan bộn bề ngoài đường phố và rút về cái tổ của mình. Thêm cuộc xuân vận hoành tráng hàng năm về quê ăn Tết làm cho phố xá càng trở nên thông thoáng, yên tĩnh.
Ông chợt nhớ đến thông tin từ sau Tết năm nay, trong tám năm tới sẽ chỉ được đón giao thừa vào ngày 29 Tết mà không có ngày 30 Tết! Chắc chắn điều đó sẽ mang lại sự thiếu vắng, hụt hẫng, bởi với nhiều người – như ông chẳng hạn – đêm trừ tịch phải là đêm 30 tháng Chạp mới cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa thiêng liêng của thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Có thêm một ngày để việc chuẩn bị đón Xuân được đầy đủ, chu đáo hơn. Chậm lại một ngày để lắng đọng tâm tư, nhìn lại một năm qua với bao điều suy ngẫm. Kéo dài thời gian rạo rực chờ đón giao thừa cũng là một thứ hạnh phúc riêng có trước mùa Xuân – để bước sang năm mới với tâm trạng hân hoan và tràn trề hy vọng về những điều tốt đẹp sẽ đến.
Những người già như ông liệu có còn cơ hội để chờ đón một đêm 30 Tết trở lại sau gần một thập kỷ nữa?!
Ông Cang băng qua con đường trước nhà và đi vào công viên nhỏ đối diện với nhà ông. Đó là nơi hai ông bà đi tập thể dục mỗi sáng, có một chỗ dừng chân yêu thích là chiếc băng đá đặt dưới gốc cây long não có tán rất rộng.
Nhưng cái băng đá đó vào buổi chiều lại là chỗ ngồi thường xuyên của một ông cũng trạc tuổi ông Cang hoặc nhỉnh hơn một chút. Người đàn ông này lúc nào cũng cắm cúi gõ trên bàn phím của cái máy tính bảng dán băng keo chằng chịt. Thỉnh thoảng đi dạo một mình vào buổi chiều, ông vẫn thấy ông ta ngồi đó và gõ lên bàn phím có những ô chữ màu vàng.
Chiều nay cũng vậy, chỉ khác là ông ta bất chợt nhìn lên, chạm phải ánh mắt của ông Cang. Một nụ cười thật hiền nở trên môi, ông ta lẳng lặng ngồi xích qua một bên như có ý muốn ông Cang ngồi xuống với mình. Ông Cang cũng nở một nụ cười vương khói, phân vân không biết có nên tắt tẩu thuốc để ngồi xuống hay chỉ đứng lại trò chuyện chốc lát. Có vẻ hiểu ý, người đàn ông cất giọng khàn khàn:
-Ngồi chơi. Ông cứ tự nhiên. Tôi không hút thuốc nhưng lâu lâu cũng thích nghe mùi khói thuốc thoang thoảng.
Ông Cang ngồi xuống một bên đầu ghế đá, chỗ ngồi quen thuộc nhưng cảm giác rất lạ khi người bên cạnh là một người hoàn toàn không quen biết. Người đàn ông hơi nghiêng người qua để bắt tay ông:
-Trần, Ngô Trần.
Sao nghe giống như đang ở công sở hay nhà hàng, đám tiệc gì đó (!) ông Cang thấy vui vui, cũng tự giới thiệu và hỏi xã giao:
-Nhà anh chắc gần đây?
-Đi bộ cũng khoảng hai mươi phút. Tôi hay ra đây ngồi viết lách linh tinh để luyện tập trí não, dạo này hay quên quá!
-Bọn già mình thì ai cũng nhớ nhớ quên quên, mà anh thường viết thể loại và chủ đề nào?
Ông ta cười thành tiếng:
-Đủ thứ. Phần nhiều là thơ tình.
-Chà! Tôi chưa từng được quen biết một nhà thơ. Bữa nay thật hân hạnh.
-Chưa ai gọi tôi là nhà thơ cả! Tôi làm mấy bài vớ vẩn cho vui thôi.
-Tết nhất thế nào anh?
-À, tôi sẽ đón giao thừa và mừng năm mới trên chuyến tàu cuối cùng của đêm nay. Phải về thôi!
Lan man thêm vài ba câu nữa, họ chào nhau, chúc nhau những điều tốt lành cho năm mới sắp đến. Hai người đi về hai hướng trong màu chiều phai, không hiểu sao ông Cang cứ ngoái nhìn theo người đàn ông mới quen. Nhìn dáng đi nghiêng nghiêng như thân cây sắp đổ của ông ta, chợt nghĩ đến bước chân càng ngày càng vướng víu nặng nề của mình, ông Cang bất giác thở dài. Tết này nữa là bảy bó có dư, bước sang tuổi U80 rồi còn gì! Những buổi sáng mở mắt còn thấy mặt trời được cho thêm bao nhiêu lần nữa đây?!
Đi hết mấy vòng công viên, tận hưởng một buổi chiều cuối năm yên ả, ông Cang quay trở lại nhà để cùng vợ con chuẩn bị đón giao thừa. Nhớ tới bộ ấm trà Tử sa mà bà tặng nhân sinh nhật ông vừa rồi và hộp trà Thiết Quan Âm chính gốc của cô con dâu đi du lịch mua cho, ông bỗng phấn chấn hẳn lên – lại còn món mứt gừng dẻo xên với chuối khô và mít nghệ thơm lừng của bà nữa chứ!
Trên đường về, ánh mắt ông tình cờ chạm phải cái gì đó khác thường dưới lớp lá long não úa vàng rụng phía sau băng đá mà ông vừa ngồi với người đàn ông làm thơ.
Một tờ giấy trắng gấp tư phủ đầy lá nhưng vẫn lộ ra một góc. Ông nhặt tờ giấy lên, giũ bụi và mở ra, trong đó là một bài thơ nhỏ. Ông nheo mắt đọc trong ánh trời chiều:
Giã từ
Ta sẽ đi về nơi rất xa
Với mùa xuân cũ thuở niên hoa
Trôi theo một dòng sông hiu hắt
Để nhớ con thuyền xưa đã qua
N.T
Lạ thật! Ông Cang có cảm giác rất quen với tờ giấy trắng in thơ này. Cũng khổ giấy A5, cũng cùng một cỡ chữ với font chữ nghiêng, cũng những nếp gấp, dưới bài thơ là tên tác giả viết tắt: N.T.
A! Ông nhớ ra rồi! Không phải một mà là một xấp dày những bài thơ như thế này trong ngăn kéo bàn trang điểm của vợ ông – dày đến nỗi có thể đóng thành một tập thơ! Có lần ông hỏi thì bà bảo của mấy bà trong tổ hưu trí thấy thơ hay hay nên in ra đọc cho vui. Ông vốn không có cảm hứng gì với văn chương thi phú nên cũng không để ý lắm.
N.T, N.T, ông vừa đi vừa lẩm bẩm, N.T, Ngô Trần… Bỗng ông bàng hoàng kêu lên:
-Chết tôi rồi!
Tiếng kêu đanh gọn như tiếng vỡ của ly rượu còn đầy rơi xuống nền gạch – nát tan, đắng chát, đầy mảnh nhọn và duy chỉ một mình ông nghe thấy. Nó chứa đựng một hốt hoảng sinh tử, một sự thật chói lọi vì đã được phơi bày trên chính sự tối tăm còn đang bao quanh nó.
Ông đứng giữa đường, sững sờ, tê điếng. Một cơn sóng cuộn trào, dâng lên, tràn qua ngực ông và đọng lại ở đó, đè nặng lên trái tim mệt mỏi của ông – sau khi xâu chuỗi lại tất cả mọi việc.
Ông quay nhìn cái băng đá trống trơn dưới gốc cây long não – tất cả những hoạt cảnh cuộc đời từng diễn ra trên nó đã hóa vô hình, đã bốc hơi từng khoảnh khắc. Ông trở lại chỗ băng đá, ngồi xuống và bất động trong khoảng không đó, dường như cũng đã thành ra vô hình mất rồi!
Một dòng ký ức miên man tràn về và như bao lần ông tự nguyện trầm mình trong đó – bởi vì đó là quãng đời đáng nhớ nhất của ông.
Tháng 8/1975, sau mấy tháng trời hụt hẫng, chơi vơi (ông khi ấy mới vừa tốt nghiệp Kỹ sư Công Chánh được trường giới thiệu cho Tổng Nha Kiều Lộ và đang chờ nhận việc) đành ngậm ngùi khăn gói về vùng ngoại ô sống với ông bà nội. Những tưởng tất cả hoài bão, ước mơ đành chôn vùi nơi vườn rau ao cá, đâu ngờ lại là nơi ông gặp định mệnh của đời mình!
Ngôi trường cấp III ở đó đang tuyển giáo viên Toán –Lý, thế là cuộc đời bẻ ngoặt sang một hướng hoàn toàn khác. Trong ngôi trường đó ông đã gặp bà – cô giáo xinh đẹp dạy Việt Văn – và ông đã yêu bà ngay từ giây phút đầu tiên, yêu say đắm như đã yêu từ ngàn kiếp trước! Ông đã kiên trì theo đuổi bà suốt năm năm trời – năm lần ngỏ lời cầu hôn trong mùa phượng vỹ, không ngừng hy vọng về một đám cưới trong mùa thu – và chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc.
Cho đến khi quyết định nhận lời làm vợ ông, bà đã kể lại một lần duy nhất về mối tình đầu của bà và sự kiên tâm chờ đợi khi người ấy đi học tập cải tạo. Nhưng sự chờ đợi đó đã thành vô vọng vì suốt thời gian dài đăng đẵng không hề có một tin tức nào về người ấy. Ngôi nhà của gia đình ông ấy lúc đó đã bị tịch thu và cấp cho cán bộ quân quản. Cha mẹ, anh chị em của ông ấy không biết đã bị đưa đi khu kinh tế mới, đi về quê hay đã đi ra biển. Dù có quá ít thông tin và cơ hội bà cũng đã lặn lội đi tìm – thậm chí ra tận miền Bắc nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Lúc đó ông mới hiểu vì sao mình phải chờ đợi đến ngần ấy năm. Qua câu chuyện, ông được biết người cũ của bà tên là Trần rồi quên bẵng đi – đến nỗi khi cái tên đó được chính chủ (ông tin chắc điều đó) tự giới thiệu cũng không gợi lên trong ông một chút hồi tưởng nào – cho đến lúc này.
Đã hàng giờ trôi qua, ông Cang ngồi im lìm trên ghế đá trong ánh hoàng hôn càng lúc càng đặc quánh, chung quanh không một bóng người. Vài phiến lá nhẹ nhàng rơi là đà vào lòng ông rồi chìm vào giấc thụy miên của loài thực vật. Ước gì ngay bây giờ đây ông có thể được như chúng, ngủ, ngủ mãi, mòn mỏi, mê man gì cũng được. Để không phải nghĩ suy, không phải tồn tại hoặc tồn tại ở một trạng thái khác – thoát ra khỏi chính mình.
Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là đến giao thừa, điện thoại trong túi áo đã hai lần reo. Lần thứ ba ông trả lời bà:
-Tôi đang về đây, gần đến nhà rồi mình à.
Từ ghế đá ông nhìn về phía nhà mình chỉ thấy những đường dây điện giăng ngang và cây xanh che khuất. Ông nhớ lại bà không bao giờ đi dạo công viên vào buổi chiều, chỉ đứng bên khung cửa sổ trên lầu nhìn qua đó. Có khi ông đến bên cạnh và ngẫu nhiên nhìn theo cũng chỉ thấy những tàng cây long não liêu xiêu trong gió. Giữa họ có chắc là chỉ có khoảng cách thời gian, không gian, cây xanh, gió thổi và mây trời – cùng lắm là những bài thơ chôn dưới lá khô?
Ông Cang xếp tờ giấy và đem đặt lại chỗ cũ, nắm một nắm lá rải lên trên. Ông có cảm giác như vừa thả một nắm cát xuống huyệt mộ nào của ai đó – hay chỉ là một nấm mộ tình tuổi bảy mươi – của người đó với vợ ông hay của ông và người vợ tào khang? Dù sao ông già làm thơ kia cũng đã nói giã từ, còn ông – một ông già khác thì tin vào quyết định của những người đang ở cuối dốc đời đang đi chuyến đi cuối cùng của đời mình trong cô độc giữa tứ bề hoàng hôn vây phủ.
Ông có ghen tuông không? Có, quá ghen nữa là khác!
Ông có muốn đi thật nhanh, lao nhanh như tên lửa về nhà, kéo bà vào trong phòng đóng chặt cửa lại hỏi cho ra lẽ, xé nát xấp thơ kia tung lên tận trần nhà, thậm chí tát bà mấy cái nổ đom đóm rồi viết đơn li dị? Có, thậm chí đã nghĩ nhanh như điện xẹt một cái list gồm các câu hỏi đại loại: gặp lại từ bao giờ, tại sao không nói cho ông biết, đã hẹn hò từ khi nào, cái trò thơ thẩn kia kéo dài bao lâu rồi v.v và v.v. và còn những điều tồi tệ hơn thế nữa!
Nhưng… như thế để làm gì? Rồi tất cả sẽ ra sao, sẽ đi về đâu? Khi tóc bà giờ đây đã bạc trắng cũng như ông và người đàn ông kia. Khi những điều nhìn thấy tận mắt chỉ là những bài thơ vùi trong lá úa, rồi sau đó nằm im nép vào nhau trong ngăn kéo. Khi người đàn ông của quá khứ cũ xưa trở về từ tù đày lao khổ, với bao mất mát tang thương… đã âm thầm rời đi. Khi một gia đình đề huề ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái đang hân hoan chào đón mùa xuân ngay trước mắt.
Vậy thì – hãy làm trống mình như cái tẩu thuốc đang cầm trên tay này. Một nhúm thuốc mới sẽ lại đong đầy, đượm nồng hương lá mộc với những sợi khói thanh thoát bay lên rồi tan biến vào không gian. Hãy để mặt hồ tĩnh lặng vẫn phủ kín rêu xanh và điều bí mật kia được yên nghỉ dưới đáy nước thâm u.
Về đến nhà ông Cang đi ngay lên lầu, lặng lẽ bước ra ngoài ban –công, cùng lúc với cụm pháo hoa đầu tiên được bắn lên rực rỡ trên bầu trời đêm ba mươi với tiếng reo cười của vợ con ông và mấy đứa cháu. Họ quay sang quây quần xúm xít bên ông, những gương mặt cười vui rạng rỡ, những ân cần ấm áp kia vẫn gieo vào lòng ông cả một trời bình yên – nguồn hạnh phúc vô biên đã thực sự nuôi dưỡng ông suốt cả cuộc đời.
Sáng mai, mùng một Tết, ông bà vẫn sẽ đi thể dục như mọi ngày. Vợ ông cũng sẽ như vô tình lùi lại phía sau ông một quãng trước hoặc sau khi đi ngang băng đá hay đến lúc ngồi lại nghỉ chân rồi đi vẩn vơ để nhặt lấy tờ giấy dưới những chiếc lá khô vàng phủ đầy cát bụi.
Lời giã từ đầu năm kia có làm mùa xuân mới tinh khôi chợt tắt ngấm trong lòng bà, hay chỉ là một nỗi buồn nhẹ nhàng sẽ chìm vào quên lãng vì từ lâu đã biết rồi sẽ phải như vậy, sẽ cắt đứt, sẽ từ biệt, sẽ kết thúc vĩnh viễn, không thể khác hơn.
Rồi không chừng một ngày nào đó khi ngồi bên nhau (có thể là ở băng đá công viên, dưới vòm cây long não) ông sẽ hỏi bà:
-Trước giờ mình có giấu tôi điều gì không?
Chắc chắn lúc đó người đàn bà nổi tiếng nệ cổ trong gia đình với thần thái uy nghi kia sẽ điềm đạm trả lời ông:
-Cũng có vài chuyện, nhưng vì nó không thực sự quan trọng hoặc không còn quan trọng nữa nên tôi đã không nói với mình.
Rồi bà sẽ nói về một món ăn mà bà đã toàn tâm toàn ý chuẩn bị cho cả nhà – và ông sẽ phải đoán xem đó là món gì với vài gợi ý của bà – đương nhiên ông sẽ lại đoán sai như mọi lần!
Những chùm pháo hoa của đêm giao thừa vẫn còn đang liên tục tỏa sáng với muôn sắc màu rực rỡ. Trong phút chốc nữa thôi chúng sẽ tắt lịm chẳng còn gì để lại trên bầu trời. Tuy nhiên hào quang của mùa Xuân và hương vị ba ngày Tết vẫn đang chờ đón ở phía trước với rất nhiều tin yêu và hy vọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét