trong tác phẩm NHỮNG ĐIỀU NÊN GHI NHỚ ĐỂ SỐNG của K. Matsushita.
Đây là bài cuối của tác phẩm trên.
(Điều 28 Tuổi thọ cũng giống như vận mệnh của chúng ta, có khoảng từ 10 đến 20% được quyết định do nỗ lực của chúng ta) (1)
MATSUSHITA Kônosuke (*)
Dịch: Nguyễn Sơn Hùng
***
Chúng ta nên dùng hết sức để đi trọn cuộc hành trình đời người của mình với hành trang là hy vọng và dũng cảm, để phát huy hữu hiệu trọn vẹn tuổi thọ mà trời ban cho mình.(2)
Tôi năm nay 90 tuổi.
Tôi được sinh ra với bẫm chất yếu đuối, vào 20 tuổi bắt đầu làm việc cho công ty Dentô (Đèn Điện) (3) tôi bị bệnh viêm áp xe phổi và sau đó tôi lập hãng ra làm ăn riêng. Khi đó tôi ở trong tình trạng lúc nằm dưỡng bệnh, có lúc phải dậy làm việc và thường phải đi bác sĩ để trị bệnh. Bản thân tôi cũng đã không nghĩ mình sống thọ được đến mức này. Tuy nhiên trong lúc chiến tranh và sau khi chiến tranh qua một thời kỳ bắt buộc phải làm việc trối chết, không biết từ lúc nào việc nằm dưỡng bệnh cũng ít đi và thân thể trở nên khỏe mạnh đến mức tôi phải ngạc nhiên. Rồi đến ngày nay của 90 tuổi, tôi vẫn khỏe mạnh và có thể tiếp tục làm việc này việc nọ. Mỗi khi nghĩ đến việc này, tôi phải cảm tạ trời đất. Kết cuộc có lẽ do tôi được trời ban cho tuổi thọ như vậy hoặc vận mệnh của tôi đã được trời định như vậy.
Có điều tôi nhớ lại lúc 34, 35 năm về trước, nghĩa là lúc tôi tôi 55, 56 tuổi, có người đã khuyến khích tôi xem bói chỉ tay. Khi đó mặc dù sự hổn loạn sau chiến tranh đã giảm xuống được phần nào nhưng tình hình xã hội trở nên khó khăn hơn. Trong hoàn cảnh này, bản thân tôi và việc phục hưng công ty chịu nhiều hạn chế của quân đội chiếm đóng nên không thuận lợi như ý muốn và tôi đã phải sống với nhiều ngày khổ não với việc này việc nọ. Trong tình huống như thế nên tôi đã nghe theo lời người khuyến khích để cho 3 người thầy bói xem chỉ tay cùng lúc với ý tưởng “bói có trúng có trật không lấy gì làm nghiêm trọng”.
Một trong 3 người khi xem chỉ tay của tôi nói ngay “Số của ông chắc chắn sống thọ. Chắc chắn sống thọ.” Người xem kế tiếp cũng nói rõ ràng “Ông không phải là người chết vào khoảng 70 hoặc 80 tuổi”. Người còn lại cũng nói “Cho đến nay tôi chưa từng thấy người có chỉ tay như ông.Với chỉ tay này thì ông sống thọ”. Như vậy 3 người bằng 3 cách khác nhau bảo đảm tôi sống thọ.
Như đã từng trình bày ở các bài viết trước, mặc dù so với lúc trẻ sức khỏe tôi khỏe mạnh hơn nhiều nhưng khi nghe những lời của thầy bói, tôi không ngờ là tôi cảm thấy chán chường hơn là vui mừng. Thông thường nghe những lời như trên của các thầy bói chắc chắn là vui mừng nhưng tôi cảm thấy không thể tin được (4).
Tuy nhiên 2, 3 người bạn của tôi (5) cũng cùng xem bói nhưng tất cả đều bị thầy bói “chê” không tốt. Các thầy bói lấy chỉ tay của tôi làm thí dụ để giải thích “Chỉ tay ông không giống của ông Matsushita” hoặc “So với chỉ tay của ông Matsushita, chỗ này của ông không tốt”.
Điều đáng ngạc nhiên là sau đó những người bạn bị thầy bói “chê” đều qua đời trước tôi. Bản thân tôi không phải tin bói chỉ tay nhưng khi nghe các người bạn qua đời tôi có cảm giác phức tạp và trở nên muốn tin lời nói của các thầy bói từ lúc nào không biết.
Bản thân tôi sống lâu được đến hôm nay là nhờ có ơn trên ban phú cho sống thọ và tâm tình biết ơn trời rất mạnh mẽ nhưng tôi nghĩ rằng trên cơ bản kết cuộc tuổi thọ của con người vượt khỏi sự hiểu biết của con người và không ai biết tuổi thọ của bản thân mình. Trong ý nghĩa này thọ mệnh (tuổi thọ) của con người có thể nói là thiên mệnh (tuổi thọ do trời định ngoài ý nghĩa sứ mệnh do trời giao, vận mệnh do trời định) hoặc thiên thọ (tuổi thọ do trời định).
Tuy nhiên, mặc dù như vậy nhưng nếu hỏi rằng thọ mệnh (tuổi thọ) hoàn toàn do quyết định bởi thiên thọ hay thiên mệnh hay không thì tôi nghĩ rằng không hẳn như vậy. Tuổi thọ con người ở mặt nào đó phải chăng cũng được quyết định bởi sự cố gắng của sức người. Nếu như vậy tôi nghĩ rằng trong tuổi thọ cũng có bao gồm một phần nhân mệnh (phần tuổi thọ do nỗ lực con người) hoặc nhân thọ (phần tuổi thọ do nỗ lực con người).
Trong bài viết về vận mệnh con người (Bài 2 Đem Hào Quang Đến Vận Mệnh) tôi đã đề cập như sau. Phải chăng 80~90% cuộc đời con người của chúng ta được định bởi nhiếp lý (quy luật chi phối tự nhiên) (6) ? Phần còn lại 10~20% là do sự cố gắng thế nào của con người chúng ta mà phần hào quang thêm vào vận mệnh của chúng ta sẽ được định đoạt. Phải chăng tuổi thọ của con người chúng ta cũng như vậy? Nghĩa là đối với tuổi thọ con người 90% là thiên thọ (phần tuổi thọ do trời định) (7) và phần tuổi thọ còn lại khoảng 10% là nhân thọ (phần tuổi thọ do nỗ lực con người). Do đó phải chăng có mặt nào đó do hành động của con người mà tuổi thọ có thể kéo dài hoặc rút ngắn lại?
Nếu như vậy thiên thọ mà trời ban phú cho con người được bao nhiêu là một vấn đề lớn. Lúc trước khi tôi đi Trung Quốc có vài người trong số người tôi gặp nói rằng: “Ở Trung Quốc tuổi thọ con người được xem là 160 tuổi và thiên thọ 80 tuổi, được gọi là bán thọ”. Ngoài ra trong một sách khoa học viết “Ngoài trừ các trở ngại có thể rút ngắn tuổi thọ, nếu sống trọn vẹn tuổi thọ thật sự thì con người có thể sống khoảng 150~200 tuổi. Ở Nhật Bản kỷ lục sống thọ nhất đến nay là 124 tuổi (nam giới) (8).
Từ các việc trên đối với tuổi thọ của bản thân tôi, tôi cảm thấy nếu tôi vừa cảm tạ việc sống lâu đến nay và tiếp tục nỗ lực thì phải chăng tôi còn có thể kéo dài tuổi thọ? Trong thực tế vào năm rồi, tuổi tôi nếu tính từ lúc chào đời tôi đã trọn 90, và nhân dịp này tôi đã suy nghĩ vậy mình cố gắng tạo kỷ lục trường thọ mới ở Nhật Bản xem sao? Để cụ thể, tôi đã đặt mục tiêu khoảng 130 tuổi và luôn luôn tự mình khuyến khích bản thân vừa nhiệt tình phấn đấu và phải bắt tay vào những việc mà mỗi ngày nên làm và nỗ lực cho đến nay.
Dĩ nhiên tôi không biết có đạt được mục tiêu trên hay không (9) ? Tuy nhiên tôi tiếp tục đi tiếp cuộc đời của tôi với hy vọng và can đảm. Đó là con đường sống trọn vẹn tuổi thọ mà trời ban phú cho và tôi nghĩ rằng phải chăng chọn con đường đi này cũng là nhiệm vụ của bản thân tôi?
Nguyễn Sơn Hùng
10/03/2023
(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.
Nhận xét của người dịch
1. Người dịch rất ngạc nhiên nhân sinh quan sống theo thiên mệnh của Matsushita giống như chủ trương của Mạnh tử nói riêng và của các người theo Khổng Mạnh học chân chính. Trong bài 2 của chương 13 Tận Tâm Thượng ông giải thích: Tận sức sống trọn vẹn con đúng để làm người, nghĩa là sống đúng với đạo, là tiếp nhận đúng thiên mệnh của mình. Nhưng chúng ta nên lưu ý sống theo thiên mệnh của Mạnh tử khác với quan niệm “trời kêu ai nấy dạ!”. Theo Mạnh tử, không có việc gì không theo thiên mệnh. Nếu chúng ta hiểu “thiên mệnh” là quy luật tự nhiên thì chúng ta thấy quan niệm này rất khoa học. Ông lại giải thích tiếp: nhưng không phải là sống buông trôi mà cần phải lưu ý tránh những điều nguy hiểm như đứng dưới vách núi cao có thể đổ vỡ, đồng thời sống đúng đạo làm người. Nếu sống không theo đúng luật pháp thì làm sao có thể sống bình yên hạnh phúc. Khoa học ngày đã cho biết hầu hết các chứng bệnh phát sinh ra từ sự lo lắng quá độ. Sống đúng với đạo làm người giúp chúng ta phòng tránh lo lắng, thảnh thơi trong lòng bởi vì không có gì phải hổ thẹn, và tránh được ganh ghét, thù hằn của người khác. Tóm lại chúng ta có thể thấy quan niệm sống của Khổng Mạnh rất hợp lý và khoa học và cuộc sống của Matsushita đã chứng minh cho chúng ta thấy điều này. Chúng ta nên lưu ý đôi lúc không phải lời của người xưa sai mà do chúng ta hiểu không đúng hoặc hiểu chưa đến nơi đến chốn!
2. Người dịch không hiểu tại sao mẫu người như Matsushita lại đi coi bói và lại bói về sống thọ hay không. Có thể bói chuyện khác và sẵn dịp bói thêm việc này chăng? Về chuyện xem bói, người dịch nhớ một kỷ niệm như sau. Lúc thi Tú tài I, phải từ Long An xuống Mỹ Tho thi nên đến ở nhờ nhà mà một người bạn thân lúc đệ Tứ (lớp 9 ngày nay) giới thiệu. Ở đây có thêm 2 thí sinh khác cùng ở. Buổi tối trước ngày thi, có một người đề nghị xem bói. Khi đó bản thân người dịch suy nghĩ: nếu được kết quả thi đậu thì an tâm sinh ra không chú ý trong lúc làm bài. Nếu kết quả rớt thì mất tin thần, cũng không tốt trong lúc thi. Trường hợp nào cũng chỉ có hại, do đó từ chối không tham gia.
Nguyễn Sơn Hùng
Viết xong ngày 18/8/2023
Ghi chú
(1) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.
(1) Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.
(2) Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.
(4) Người dịch đoán rằng tác giả cảm thấy chán chường vì 3 người đều nói cùng một kết quả như nhau mặc dù cách nói khác nhau. Bởi vì theo lẽ tự nhiên thì kết quả phải khác nhau. Không biết 3 thầy bói có bói chung một chỗ và nghe kết quả của nhau không?
(5) Người dịch không hiểu tại sao tác giả không nhớ rõ số người bạn cùng xem bói. Do 90 tuổi chăng? Không biết các bạn của tác giả có nổi tiếng như tác giả không?
(6) Giải thích theo khoa học, các yếu tố trời định này có thể hiểu là môi trường, tình hình thời thế của thế giới, quốc gia, gia đình v.v...
(7) Giải thích theo khoa học, các yếu tố của thiên thọ có thể hiểu là di truyền DNA của loài người, của cá nhân, tình trạng tiến bộ thực phẩm, y học v.v....
(8) Tra trên Internet thấy người trường thọ nhất ở Nhật Bản vào năm 2022 là bà Tanaka Kane 田中力子sống từ 2/1/1903 (Minh Trị 36) đến 19/4/2022 (Lệnh Hòa 4) thọ 119 tuổi. Trong những người có ngày sinh và ngày mất được xác định rõ ràng, bà là người trường thọ thứ 2 trên thế giới. Người trường thọ nhất trên thế giới là bà Jeanne- Louise Calment sống từ 21/2/1875 đến 4/8/1997 người Pháp, thọ 122 tuổi (122 năm+164 ngày).
Có lẽ người mà Matsushita đề cập không có tài liệu chứng minh ngày sinh và mất rõ ràng.
Không biết Ôkuma Shigenobu大隈 重信 (1838~1922) căn cứ vào đâu mà cho rằng con người có thể sống 125 tuổi. Thú vị là số tuổi này gần với kỷ lục trường thọ nhất nhì của thế giới vào thời điểm năm 2022.
(9) Ông sinh ngày 27/11/1894 mất ngày 27/4/1989, thọ 95 tuổi.
Mời Xem :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét