Ông Mãng dừng xe lại cạnh lề đường và đưa mắt nhìn dãy dài những “ ông đồ ” tân thời đang bò trên những tấm chiếu, hí hoáy viết. Khúc lề đường này, chạy dài theo hàng rào một ngôi trường trung học cổ kính xây từ thời Pháp thuộc, từ lúc nào chẳng rõ, vẫn được dành riêng làm chỗ “ viết thư pháp ” mỗi dịp Xuân về. Các ông đồ Thế kỷ XXI, xúng xính trong những bộ áo dài đủ kiểu đủ cỡ, mới có, cũ có, đội khăn đen, đi chân trần, ngồi trên những chiếc chiếu nan, chiếu hoa, chiếu nylon sặc sỡ chờ khách thập phương đến “ xin chữ ”. Sau lưng họ, móc vào hàng rào nhà trường, những bức thư pháp đủ kích cỡ, màu sắc lủng lẳng trong gió nhẹ sớm mai. Một vài ông già đứng ngắm, gật gù bình luận tài năng làm “ phượng múa rồng bay ” của các nho sinh, các thư pháp gia mà độ chênh lệch tuổi tác làm cho người ta không khỏi thán phục tính đa dạng và hòa đồng trong môn nghệ thuật mới được hồi sinh từ mươi năm trở lại đây, lúc xã hội đã chen lấn nhau bước vào thời kỳ phú quý sinh lễ nghĩa.
Ông Mãng quyết định ghé vào. Ông tắt máy xe, dắt nó lên lề đường và dẫn tới chỗ gửi xe đã được quy hoạch. Rồi ông ung dung đi dọc theo khu các ông đồ, vừa đi vừa ngắm nghía những bức vẽ treo trên hàng rào sắt.
Mắt ông dừng lại ở một người trạc tuổi ông—nghĩa là khoảng lục tuần—có đôi mắt sáng, cái miệng tươi cười và hàm râu lưa thưa dưới cằm có vẻ như không được cạo từ khá lâu. “ Ông đồ ” này trông tướng rất nghệ sĩ vì cái áo dài the ông mang trên người đã lộ ra những vết ố, thủng và qua cả cái cách ông ta ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu cói. Lúc ông Mãng nhìn ông là lúc ông ta đang ngáp, một cái ngáp rất dài nhưng không thể hiện sự mỏi mệt của những người đã kiên nhẫn ngồi hàng giờ nhìn hàng ngàn hàng vạn chiếc xe chạy ngang trước mặt, chỉ để mong có được một người ghé lại. Ông ta ngáp xong, đưa mắt nhìn lên và thấy ông Mãng đang nhìn mình.
“ Mời bác,” ông ta nói lửng lờ rồi mỉm miệng cười. Ông Mãng thấy có cảm tình với ông đồ này vì một lý do nào đó không giải thích được, liền đặt mông ngồi vào chiếu.
“ Bác định mua chữ gì ? ” ông đồ hỏi.
Bác Mãng ngạc nhiên trước cách ăn nói rất thương mại của ông đồ mới gặp này. Ông ta không dùng những từ trịnh trọng như “ xin ” hay “ thỉnh ”, thậm chí trung lập như “ viết ”, mà lại sử dụng thứ từ ngữ của các cửa hàng bách hóa. Sự tò mò làm bác bị kích thích mạnh mẽ. Bác thấy mình đã làm một chọn lựa rất thú vị vào dịp cuối năm.
“ Tôi chưa biết,” bác thủng thẳng nói, “ chỉ thấy hay hay nên ghé vào thôi…”
“ Vậy là cái vô thức của bác quá tinh tế rồi,” ông đồ nói.
Bác Mãng đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Không đến nỗi dốt đặc cán mai, bác hiểu rằng người đứng trước mặt bác chắc phải có một sở học kha khá nên mới có thể sử dụng cái thuật ngữ lạ tai kia với bác.
“ Ông nói gì, tôi chưa hiểu,” bác Mãng thú thật, “ tôi có làm phiền gì ông không ? ”
“ Bác hiểu nhầm tôi rồi,” ông đồ cười xòa, khoát tay, “ tôi nói vô thức chứ không phải vô ý thức. Mà thôi, nói cho bình dân dễ hiểu hơn nhé : đó là cái duyên đã khiến bác ngồi xuống đây…”
“ Vậy à ? ”, bác Mãng ậm ừ cho qua chuyện. Từ hồi còn nhỏ đến giờ, bác chưa bao giờ hiểu hết ý nghĩa của chữ duyên, cái chữ chỉ có một từ nhưng lại biến hóa thiên hình vạn trạng mà bác đã nghe hàng trăm lần trong đủ các hoàn cảnh, tình thế. Dù sao, bác cũng nghĩ ông đồ trước mặt bác đã nói đúng : có một cái gì đó đã kéo bác đến đúng chỗ này giữa hàng chục con người đang cùng làm một công việc như nhau trong một bối cảnh na ná nhau.
“ Nếu bác chưa rõ chữ nào, thì tôi xin đề nghị nhé,” ông đồ kéo bác quay về thực tại. “ Tôi chỉ đề nghị thôi, còn thì bác quyết.”
Ông ta trỏ vào một tờ giấy dó màu đỏ treo chung với khoảng chục tờ khác cùng màu trên hàng rào sắt của trường học.
“ Chữ này nhé, bác ? ” ông đồ nói, “ đa số đều chuộng lấy chữ này về treo phòng khách…”
Chẳng phải người sành chữ Hán, bác Mãng cũng biết ngay đó là chữ TÂM, cái chữ bác bắt gặp hầu như ở mọi nhà “ sính chữ ”, lúc thì vỏn vẹn mình nó, lúc lại đeo theo một lô những câu từ “ phụ đề ” hay “ minh họa ” như để giúp khách đến chơi hiểu rõ hơn về ý tứ thâm trầm của chủ nhà.
“ Không, tôi không mua chữ ấy,” bác Mãng nói. Bác đã vừa dùng lại cái từ ngữ “ thương mại ” của ông đồ, chắc hẳn dưới ảnh hưởng khá tức thời của cái “ vô thức ” chìm sâu trong bác. “ Nó thường quá, ai cũng dùng, thành ra nhạt nhẽo, vô nghĩa.”
“A, hóa ra bác không phải người đi theo đám đông… Đám đông không phải lúc nào cũng có lý… Đây là một đề tài tôi từng quan tâm khi nghiên cứu môn Tâm lý học hành vi ngày trước, bác ạ…” ông đồ nói. “ Vậy thì hay là chữ này ? ” ông đồ tiếp, và rướn người chỉ vào một tấm giấy dó màu đỏ khác hơi xa tấm có chữ TÂM. “ Chữ này hẳn rất phù hợp với bác, chỉ sợ nó hơi… hiện đại.”
Bác Mãng nhích lại gần, ngắm nghía tấm giấy rồi như thấy có gì là lạ, bác xích lại gần chút nữa. Rồi bác cứ chăm chú nhìn mãi cái chữ duy nhất được vẽ trên đó.
“ Chữ gì mà lạ quá,” bác nhìn ông đồ, “ tôi chưa thấy bao giờ.”
“ Bác thấy lạ ở chỗ nào ? ” ông đồ tủm tỉm.
“ Nó là chữ TÂM chứ gì đâu, nhưng lạ là lại có dấu sổ bên trên như dấu huyền… La tinh ấy,” bác nói.
“ Thì nó đúng là dấu huyền mà,” ông đồ cười phá lên rồi gật gù như tìm được tri kỷ. “ Theo bác chữ TÂM có dấu huyền phía trên thì là chữ gì ? ”
“ Thì…” bác Mãng ngần ngừ, “… thì nó là chữ TẦM, đúng không ? ”
“ Chính xác,” ông đồ vỗ đùi đét một cái, “ nó là chữ TẦM. Như các ông quan chức bây giờ vẫn thi nhau nói : có tài, còn phải có tâm, có tâm lại còn phải có tầm… mốt ngôn ngữ thịnh hành hiện nay đấy, bác ạ. Rinh chữ này về treo phòng khách là hết sảy ! ”
“ Bác định đùa tôi phỏng ? ” bác Mãng cười xòa. “ Nhưng phải nói ông có nhiều sáng kiến lạ lùng.”
“ Không lạ lắm đâu bác,” ông đồ nói, “ đây là một phương pháp tôi thường xuyên sử dụng khi cần kiểm tra hoạt động của tiềm thức khách hàng. Tôi cứ vẽ lăng nhăng thứ gì đó, rồi yêu cầu họ nói tôi nghe họ nhìn thấy gì trong hình…”
“ Ông nói hệt như bác sĩ tâm lý,” bác Mãng nói. Nhờ đọc sách khá chăm chỉ, bác cũng biết dăm ba từ ngữ “ chuyên ngành ” và có tài dùng chúng một cách đắc địa trong những câu chuyện xã giao. “ Vô thức, rồi tiềm thức, ông hẳn đã tốt nghiệp đại học ? ”
“ Chính xác,” ông đồ nói, “ tôi tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học dị thường mấy năm trước sau vài chục năm làm đủ thứ nghề vặt vãnh… Nhưng thời vận chưa đến, tôi sống không nổi với nghề chính của mình, nên phải xoay thêm mấy nghề tay trái nữa.”
Bác Mãng thôi không xem các tờ thư pháp đang lung lay trước gió sớm nữa. Bác ngồi hẳn xuống chiếu, đối diện với ông đồ “ nhà tâm lý học ”.
“ Thế bác có sống được không ? ”
“ Đắp đổi qua ngày,” ông đồ nói. “ Tôi chọn phân ngành tâm lý học dị thường vì dự đoán số người trong xã hội ta mắc cái bệnh loại này sẽ ngày một tăng cao cùng với nền kinh tế thị trường. Thực tế thì tôi không sai, bác cứ đọc báo mạng hàng ngày sẽ thấy. Đủ thứ bệnh dị thường, đủ loại người dị thường, đủ dạng hành vi dị thường… Nhưng tôi vẫn không có khách. Những người “ dị thường ” ấy, họ không biết mình mắc bệnh, hoặc giả không biết có thầy chữa được, hoặc nghĩ có chữa cũng chẳng đi đến đâu… Rốt cuộc phòng mạch của tôi im ỉm cả ngày…”
Ông đồ ngừng nói, rót một chút nước trà và uống lấy giọng. “ Thế là tôi phải xoay sang… xem bói. Cũng phải nghiền ngẫm ít Kinh Dịch, thuộc lòng dăm ba quyển Tử Vi Đẩu số, học cách gieo quẻ, bói bài, đọc chỉ tay … rồi kết hợp với môn tâm lý học “ tủ ” của mình, tôi mới hành nghề cho ra trò được. Rốt cuộc cũng khá thành công — nhờ vào những người luôn cảm thấy “ bất an ” và muốn tìm kiếm một chỗ dựa tâm lý nào đó, dù nó chẳng có cơ sở nào cả… Tôi sống được, tuy không có tiếng tăm vang dội hay dư dả bạc tiền như mấy ông thầy bói chuyên nghiệp.”
Nhìn dòng người chen nhau trôi đi giữa lòng đường trên những chiếc xe gắn máy phun khói mù mịt, ông đồ chép miệng, “ Và cứ mỗi lần Xuân về, tôi lại nghiên bút ra đây bán mấy chữ Nho đổi lấy vài chiếc bánh chưng, khoanh giò thủ ăn Tết…”
Bác Mãng có vẻ cám cảnh. Bác đứng dậy, ra chỗ những mảnh giấy hồng. Ông đồ cũng đứng lên đi theo bác.
“ Hay là chữ DŨNG ? ” ông đồ chỉ tay vào một tờ treo giữa những mảnh giấy PHÚC, LỘC, THỌ … “ trong thời buổi này, nó sẽ nhắc nhở chúng ta hàng ngày về một đức tính then chốt để chống lại những cám dỗ tồi tàn của cuộc sống ? ”
“ Nó còn động viên chúng ta can đảm đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng, nạn bè phái, lợi ích nhóm, tham vọng quyền lực, v.v. và v.v. đúng bài bản không ? ” bác Mãng tiếp rồi cười dài, “ nhưng rất tiếc chữ này chủ yếu dành cho các bậc ‘dân chi phụ mẫu’ treo ở đại sảnh công đường chứ còn dùng cho dân về hưu, lại thấp cổ bé họng như tôi thì e không phù hợp lắm.”
Ông đồ không nói gì, đi xa thêm về cuối dãy trưng bày.
“ Tôi tìm ra rồi,” ông kêu lên và trỏ tay vào một tờ giấy lớn đỏ như xác pháo. “ Bác phải có chữ này trong phòng khách, nhất định phải là nó…”
Bác Mãng lại gần và chăm chú quan sát, rồi bác lắc đầu.
“ Trời ơi ! ” ông đồ kêu lên, thất vọng. “ Chữ ĐỨC mà bác cũng chê à ? Sống trong thời đại đảo điên lấy kim tiền làm trọng này, không làm gì được cho đời thì chí ít cũng giữ được cho mình cái đức, bác không đồng ý sao ? ”
“ Vấn đề ở chỗ từ nhỏ đến giờ, tôi chưa bao giờ làm gì thất đức cả,” bác Mãng nói. “ Tôi sống trung thực, không chà đạp ai để leo lên quyền cao chức trọng, không dối trá như căn bệnh trầm kha của vô số con người hai mặt hiện nay, không a dua theo đám đông cơ hội… Vậy thì tại sao tôi lại phải treo chữ ĐỨC trong nhà ? Người ta nhìn vào đó lại lầm tưởng tôi đang thiếu đức nên mới phải tự nhắc nhở, đúng không ? ”
“ Tất nhiên tôi đồng ý với bác,” ông đồ nói. “ Treo thư pháp là để nhắc nhở mình, nhắn nhủ người… cũng là để cầu mong thứ gì đó mà mình chưa có, hay có chưa đủ. Nếu quả thật bác không thiếu đức, thì cũng chẳng cần treo…”
“ Ông nói vậy là ông hiểu tâm lý tôi rồi,” bác Mãng nói. “ Nhưng hỏi thật, ông còn chữ gì đặc biệt — thật đặc biệt, ông muốn gợi ý cho tôi không ? ”
“ Để tôi nghĩ,” ông đồ nói và lấy tay đưa lên trán, lông mày nhíu lại, mắt hơi nheo nheo như một kịch sĩ. “ Phải rồi, chữ này, chữ này rất hợp với trình độ tư duy của bác…”
“ Chữ gì ? ”
“ Chữ TRÍ,” ông đồ nói. “ Nhất định phải là TRÍ, một bậc trí giả như bác rất xứng đáng với chữ này ở vị trí trang trọng nhất của phòng khách.”
“ Thôi, tôi xin vái ông,” bác Mãng cười xòa, “ chữ đó là tối kỵ với tôi…”
“ Sao thế bác ? ”
“ Vì nhiều lý do. Thứ nhất, trong thời buổi nay, người ‘trí thực’ thì ít, bậc ‘trí giả’ thì nhiều… Hàng trăm, hàng ngàn ông giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ cứ mọc lên như nấm sau mỗi trận mưa phong học hàm, học vị, vậy mà chả hiểu vô số trong họ đã làm được nên những công trạng gì, hay chỉ biết chi vài trăm đô cho những tờ tạp chí khoa học lá cải đăng bài cho đủ số lượng để đoạt thành tích. Thứ hai, không có bậc trí giả chân chính nào lại khoe khoang sự hiểu biết của mình trước thiên hạ, nhất là lại thông qua một tấm thư pháp lủng lẳng trên tường; thứ ba, chữ TRÍ đó dễ gây hiểu lầm là đề cao sự khôn ngoan trong khi ở thời buổi này, dại thì chết mà khôn cũng chết — ông thừa biết rồi ; vậy cho nên tốt nhất là giấu cái trí tuệ của mình đi ngay cả khi mình có thừa thãi…”
“ Đến nước này thì tôi chịu thua,” ông đồ chặc lưỡi, “ bác đúng là người không giống ai… Không có gì làm bác vừa lòng cả, trong tư tưởng bác chỉ toàn là không, không và không…”
Ông đồ quay lại cái chiếu cói và ngồi xuống, rót trà. Rồi ông ngước nhìn lên vị khách mở hàng quý báu khó tính. Bác Mãng vẫn đứng đó, tần ngần như đang suy nghĩ điều gì. Rồi bỗng chợt, bác sải bước đến xấp giấy thư pháp đỏ màu xác pháo còn trắng treo trên vách lều. Bác chọn một tấm có cái khung nền đơn giản, rồi đi lại chỗ ông đồ.
“ Đây, tôi chọn cái này,” bác nói, và chìa tấm thư pháp trắng ra cho ông đồ nhìn.
“ Vậy hả bác ? ” ông đồ ngước lên, ngạc nhiên và tò mò, “ thế cuối cùng bác mua chữ nào — để tôi viết vào…”
“ Không cần viết gì cả,” bác nói và cười, “ nó ở sẵn đây rồi.”
“ Thế là sao ? ” ông đồ càng thêm ngạc nhiên.
“ Ông quen đố thiên hạ, bây giờ tôi đố lại ông nhé,” bác Mãng nói, “ ông nhìn thấy chữ gì trong tờ thư pháp này ? ”
“ Tôi chịu,” ông đồ nói sau khi đã ngoẹo cổ qua trái rồi qua phải vài lần để nhìn tờ giấy. “ Không có chữ gì cả. Nó trắng bốc…”
“ Một nhà tâm lý học như ông, chuyên đánh đố bệnh nhân với những hình vẽ trừu tượng, mà không nhìn thấy gì cả à ? ” bác Mãng nói, “ ông cố lần nữa, cho tiềm thức, vô thức, ý thức của mình thức dậy hết đi, chạy hết ga đi…”
Ông đồ im lặng, tập trung nhìn như chọc thủng tờ thư pháp trước mặt. Năm phút trôi qua.
“ Tôi nhìn thấy rồi,” ông buồn bã nói. “ Đó là chữ KHÔNG.”
Nguyễn V. Hương
NGUỒN : trích từ tập truyện Những anh hùng cô đơn 2 tác giả gửi tặng và cho phép phổ biến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét