5 thg 2, 2024

Góc Việt Thi : Thơ Xuân của cụ NGUYỄN DU (1 )

                               Tượng Thi hào NGUYỄN DU ở Bảo tàng Hà Tĩnh

       Năm 1789, Tây Sơn chiếm Bắc Hà, cụ vừa 24 tuổi. Để tránh nạn binh lửa, cụ đã về ẩn tại quê vợ, huyện Quỳnh Côi (Thái Bình). Hai bài thơ sau đây nằm trong Thanh Hiên Tiền Hậu Tập, có lẽ đã được cụ Nguyễn Du làm trong thời gian này, lúc cụ chưa tới 30 tuổi. Qua đấy ta có thể thấy thể chất của cụ không mấy khỏe mạnh do cuộc sống nghèo túng và bản thân cụ cũng hay đau ốm (hen suyễn). Chính nơi đây đã chôn vùi quãng đời thanh xuân của cụ. Sống nơi thôn dã, cụ đã gần gũi và hiểu biết rõ ràng đời sống và tâm tình của tầng lớp dân quê nghèo khó. Mãi hơn 10 năm sau, lúc đã 37 tuổi (1802) cụ mới ra làm quan với triều Nguyễn với chức vụ Tri Huyện Phù Dung (Hưng Yên) rồi sau đó thăng Tri phủ Thường Tín (Hà Tây). Mời đọc hai bài thơ xuân trong giai đoạn trên của Thi hào Nguyễn Du sau đây :

1. Bài thơ XUÂN NHẬT NGẪU HỨNG 春日偶興 :

    春日偶興                XUÂN NHẬT NGẪU HỨNG

患氣經時戶不開,    Hoạn khí kinh thời hộ bất khai,
逡巡寒暑故相催。    Thuân tuần hàn thử cố tương thôi.
他鄉人與去年別,    Tha hương nhân dữ khứ niên biệt,
瓊海春從何處來。    Quỳnh Hải xuân tòng hà xứ lai ?
南浦傷心看綠草,    Nam phố thương tâm khan lục thảo,
東皇生意漏寒梅。    Đông hoàng sinh ý lậu hàn mai.
鄰翁奔走村前廟,    Lân ông bôn tẩu thôn tiền miếu,
斗酒雙柑醉不回。    Đấu tửu song cam túy bất hồi !
                     阮攸                                     Nguyễn Du

 

 Chú thích :
    - Hoạn Khí 患氣 : là Bệnh hoạn có liên quan đến đường hô hấp. Như hen suyễn chẵng hạn...
    - Kinh Thời 經時 : là Trải qua thời gian dài. Như Kinh Niên 經年 là Cả năm; còn có nghĩa Năm nầy qua năm khác.
    - Thuân Tuần 逡巡 : là Dùng dằng, do dự, lưỡng lự, rụt rè.
    - Tương Thôi 相催 : Thôi thúc nhau; Dùng dằng Đùn đẫy nhau. 
    - Quỳnh Hải 瓊海 :  là một Xã thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
    - Nam Phố 南浦 : Bến bãi phía nam; Bờ phía nam.
    - Đông Hoàng 東皇 : là Ông hoàng ở hướng đông, còn gọi là Đông Quân 東君; Vì hướng đông chủ mùa Xuân, thuộc Mộc là hoa lá cỏ cây có màu xanh, nên còn được gọi là THANH ĐẾ 青帝. Tất cả những từ trên đều chỉ Chúa Xuân, như trong bài thơ MAI RỤNG của Jean. Leiba (Lê Văn Bái, một thi sĩ thời Tiền Chiến) có vế thơ sau :
                    Yêu chàng em cố chuốc hình dong,
                    Tô cặp môi son điểm má hồng.
                    Em thấy xuân nay hoa nở đẹp,
                    Cảm tình THANH ĐẾ tạ đông phong !

    - Sinh Ý 生意 : là Cái ý sống còn, sinh sôi nẩy nở. SANH Ý còn có nghĩa là "Nghề nghiệp làm ăn để sinh tồn". Dùng rộng ra SANH Ý còn có nghĩa là Buôn bán. 
    - Lân Ông 鄰翁 : là Ông già hàng xóm.

* Nghĩa bài thơ :
                                  NGẪU HỨNG NGÀY XUÂN
       Bệnh hen suyễn kéo dài lâu ngày, cứ dai dẵng mãi nên không dám mở cửa nhà. Dùng dằng mãi hết nóng rồi lạnh, hết lạnh lại nóng cứ đẩy đưa nhau. Người tha hương là ta đây lại phải một lần nữa chia tay với năm đã đi qua; Mùa xuân của xứ Quỳnh Hải nầy là từ đâu đến vậy ? Ta buồn trong lòng mà nhìn bờ phía nam cỏ đã xanh lục vì gió xuân. Cái mầm sống của chúa xuân (đông quân) đã tiết lộ trên những cành mai lạnh (đã đâm những chồi non). Ông lão hàng xóm đi nhanh về phía miếu trước thôn, tay xách đấu rượu và hai qủa cam chắc là đã say sưa rồi nên không thấy trở lại.

* Diễn Nôm :
                     XUÂN NHẬT NGẪU HỨNG  
    
                 Hen suyễn ngày qua cửa đóng dài,
                 Dùng dằng nóng lạnh đẩy đưa hoài.
                 Tha hương lần nữa người ly biệt,
                 Quỳnh Hải từ đâu xuân đáo lai ?
                 Bờ bãi cỏ xanh khơi áo não,
                 Chúa xuân ý bén nhú cành mai.
                 Ông già hàng xóm ra thôn miếu,
                 Rượu quít cầm tay chắc đã say !
     Lục bát :
                 Suyễn nên cửa đóng then cày,
                 Mặc trời nóng lạnh bao ngày đẩy đưa.
                 Tha hương lần nữa năm đưa,
                 Xuân về Quỳnh Hải vẫn chưa sẵn sàng.
                 Cỏ xanh sầu kín bờ nam,
                 Chúa xuân nhẹ bước mai vàng nhú xanh.
                 Lân ông ra miếu bước nhanh,
                 Tay quít tay rượu đã thành ông say !
                                                       Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

 2. Bài thơ XUÂN DẠ 春 夜 : 

         春 夜                             XUÂN DẠ

黑 夜 韶 光 何 處 尋?     Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm ?
小 窗 開 處 柳 陰 陰.     Tiểu song khai xứ liễu âm âm
江 湖 病 到 經 時 久,     Giang hồ bệnh đáo kinh thời cửu
風 雨 春 隨 一 夜 深.     Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm
羈 旅 多 年 燈 下 淚,     Ký lữ đa niên đăng hạ lệ
家 鄉 千 里 月 中 心.     Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm
南 臺 村 外 龍 江 水,     Nam Đài thôn ngoại Long Giang thủy
一 片 寒 聲 送 古 今.     Nhất phiến hàn thanh tống cổ câm (kim).
                          阮攸                                             Nguyễn Du
       

* CHÚ THÍCH :
    - Thiều Quang 韶光 :là Ánh sáng tốt đẹp của mùa xuân, của tuổi trẻ. Chỉ thời gian. Như cụ Nguyễn Du cũng đã viết trong Truyện Kiều :"Thiều Quang chín chục đã ngoài sáu mươi"(90 ngày của mùa xuân đã qua hơn 60 ngày rồi !)
    - Liễu Âm Âm 柳陰陰 : Liễu nằm im lìm rũ bóng trong đêm.
    - Ký Lữ 羈旅 : Gởi thân nơi đất khách.
    - Nam Đài 南臺 : Tên xóm nhà nơi Nguyễn Du ở trọ.
    - Long Giang 龍江 : Còn gọi là Thanh Long giang, tức Sông Lam.

* NGHĨA BÀI THƠ :
                                          ĐÊM XUÂN
       Biết đến nơi đâu để tìm cho được ánh thiều quang rực rỡ trong đêm tối nầy ? Nơi cánh cửa sổ nhỏ mở ra là cành liễu rũ im lìm trong đêm tối. Thân trải giang hồ sông nước nên bịnh cứ dai dẵng mãi cho đến hiện nay. Mưa gió lại theo ngày xuân mà về trong đêm dài dằng dặc nầy. Dưới đèn ta lại rơi lệ vì thân còn phiêu bạc xứ người đã nhiều năm nay. Ngắm trăng mà trong lòng tưởng nhớ đến quê hương ở xa ngoài ngàn dặm. Nhìn dòng nước Long Giang chảy ngoài thôn Nam Đài với dãi nước cuồn cuồn lạnh lùng như cuốn trôi cả dòng đời kim cổ.

* DIỄN NÔM :
                                 ĐÊM XUÂN
              
                    Ánh xuân đêm tối biết đâu tìm,
                    Mờ mịt ngoài song liễu lặng im.
                    Bệnh tật song hồ cùng dai dẵng,
                    Gió mưa xuân sắc vẫn im lìm.
                    Dưới đèn giọt lệ sầu xa xứ ,
                    Bóng nguyệt quê nhà xót nhói tim.
                    Dòng nước Long Giang cuồn cuồn mãi,
                    Lạnh lùng cuốn sạch cổ cùng kim.
    Lục bát :
                   Tìm đâu đêm tối thiều quang ?
                   Ngoài song liễu rũ mơ màng trong đêm.
                   Giang hồ dai dẳng bệnh thêm,
                   Gió mưa não nuột bên thềm xuân sang.
                   Dưới đèn lệ nhỏ trăng ngàn,
                   Tấm thân lữ thứ ly tan ai hoài.
                   Long Giang dòng nước Nam Đài,
                   Lạnh lùng cuồn cuộn chảy dài cổ kim. 
                                                    Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

* Bản dịch của Thầy Mai Lộc :

                Đêm xuân

         Đêm tối tăm tìm đâu xuân sắc 
         Liễu âm u im phắt ngoài song .
         Giang hồ bệnh hoạn khiếp lòng 
         Xuân về mưa gió mịt mùng đêm sâu .
         Khách bên đèn lệ sầu năm tháng 
         Quê dặm ngàn lai láng nguyệt trông .
         Nam Đài Long Thủy một dòng 
         Cổ kim sóng tiễn lạnh lùng mãi trôi .
                                           Mailoc phỏng dịch
                                                                   (2014)
  
* Bản dịch của Thầy Chân Diện Mục Nguyễn Huy Viên :
 
               TIẾNG LÒNG ĐÊM XUÂN

             Đêm sâu chẳng sáng chút nào
         Bên hiên liễu rủ một màu tóc tang
             Bệnh lâu thẹn đối giang san
         Gió mưa điên đảo tâm can dật dờ
             Lang thang rơi lệ đèn mờ
         Quê hương muôn dặm ơ hờ ngắm trăng
             Ngoài thôn sông nước lạnh căm
         Thời gian lướt nhẹ khôn ngăn tiếng lòng
                                                                 C.D.M.  
                                                                                          (2014) 

             Hẹn bài dịch tới !
                                                                                                                杜紹德
                                                                                                           Đỗ Chiêu Đức









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét