Tác giả: Joseph S. Nye, Jr.
Đỗ Kim Thêm, biên dịch
1-2-2024
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh.
Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
Người Mỹ có một lịch sử lâu dài lo lắng về sự suy tàn. Ngay sau khi thành lập thuộc địa tại vịnh Massachusetts vào thế kỷ 17, một số người theo Thanh giáo than van về việc mất đi đức tính ban sơ. Vào thế kỷ 18, các bậc quốc phụ đã nghiên cứu về lịch sử La Mã khi xem làm thế nào để duy trì một nước cộng hòa mới của Mỹ.
Hồi thế kỷ 19, Charles Dickens nhận thấy rằng, nếu người Mỹ đáng tin cậy thì đất nước của họ “luôn bị suy thoái, luôn bị trì trệ và luôn ở trong tình trạng khủng hoảng đáng báo động, và chưa bao giờ ở trong trường hợp ngược lại”. Trên bìa tạp chí năm 1979 nói về sự suy tàn của quốc gia, Tượng Nữ thần Tự do có một giọt nước mắt lăn dài trên má.
Nhưng trong khi người Mỹ từ lâu đã bị thu hút bởi điều mà tôi gọi là “ánh sáng vàng son của quá khứ”, Hoa Kỳ chưa bao giờ có được sức mạnh như nhiều người tưởng. Ngay cả với các nguồn lực vượt trội, Mỹ thường không đạt được những gì họ muốn. Những người nghĩ rằng thế giới ngày nay phức tạp và hỗn loạn hơn so với trước đây, nên nhớ một năm như 1956, khi Hoa Kỳ không thể ngăn chặn sự đàn áp của Liên Xô đối với một cuộc nổi dậy ở Hungary; và khi các đồng minh của chúng ta là Anh, Pháp và Israel xâm chiếm kênh đào Suez. Diễn giải lời của danh hài Will Rogers, “quyền bá chủ không giống như trước đây và chưa bao giờ có”. Thời kỳ của “trào lưu suy thoái” cho chúng ta biết nhiều hơn về tâm lý phổ biến hơn là về địa chính trị.
Tuy nhiên, ý tưởng về tình trạng suy tàn rõ ràng chạm đến một dây thần kinh thô trong nền chính trị Mỹ, khiến nó trở thành thức ăn đáng tin cậy cho nền chính trị theo đảng phái. Đôi khi nỗi lo về sự suy tàn dẫn đến các chính sách bảo hộ gây hại nhiều hơn lợi. Và đôi khi, những giai đoạn kiêu ngạo dẫn đến các chính sách vượt quá giới hạn, thí dụ như chiến tranh Iraq. Không có đức tính nào trong việc đánh giá thấp hoặc cao về sức mạnh của Mỹ.
Khi nói đến địa chính trị, điều quan trọng là phân biệt giữa tình trạng suy tàn tuyệt đối và tương đối. Theo nghĩa tương đối, nước Mỹ đã suy tàn kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Không bao giờ Mỹ chiếm được một nửa nền kinh tế thế giới và giữ độc quyền về vũ khí hạt nhân (mà Liên Xô tạo được vào năm 1949). Cuộc chiến đã củng cố nền kinh tế Mỹ và làm suy yếu nền kinh tế của tất cả các nước khác. Nhưng khi các nơi khác trên thế giới phục hồi, GDP của Mỹ so với toàn cầu đã giảm xuống còn 1/3 vào năm 1970 (gần bằng tỷ lệ của Mỹ trước Thế chiến II).
Tổng thống Richard Nixon coi đó là dấu hiệu của sự suy tàn và đưa đồng đô la ra khỏi chế độ kim bản vị. Nhưng đồng đô la xanh vẫn vượt trội trong nửa thế kỷ sau và GDP của Mỹ so với toàn cầu còn khoảng 1/4. Sự “suy tàn” của Mỹ cũng không ngăn cản nước này chiếm ưu thế trong Chiến tranh Lạnh.
Ngày nay, sự trỗi dậy của Trung Quốc thường được trích dẫn như là bằng chứng về sự suy tàn của Mỹ. Nhìn một cách nghiêm túc về mối quan hệ quyền lực Mỹ. – Trung, thực sự đã có một sự thay đổi có lợi cho Trung Quốc, có thể được miêu tả là sự suy tàn của Mỹ, theo nghĩa tương đối. Nhưng về mặt tuyệt đối, Mỹ vẫn mạnh hơn và có khả năng duy trì như vậy. Trung Quốc là một đối thủ ngang hàng đầy ấn tượng, nhưng có những điểm yếu đáng kể. Khi nói đến cán cân quyền lực trong tổng thể, Mỹ có ít nhất sáu lợi thế trong dài hạn.
Thứ nhất là về mặt địa lý. Hoa Kỳ được bao quanh bởi hai đại dương và hai nước láng giềng thân thiện, trong khi Trung Quốc có chung biên giới với 14 quốc gia và đang có tranh chấp về lãnh thổ với một số quốc gia, gồm có Ấn Độ.
Thứ hai là tình trạng độc lập tương đối về năng lượng, trong khi Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu.
Thứ ba, Mỹ có được sức mạnh từ các định chế tài chính xuyên quốc gia quan trọng và vai trò quốc tế của đồng đô la. Một loại tiền tệ dự trữ đáng tin cậy phải được tự do chuyển đổi và tạo gốc rễ trong các thị trường vốn vững chắc và tinh thần trọng pháp – tất cả những gì mà Trung Quốc còn thiếu.
Thứ tư, Hoa Kỳ có lợi thế tương đối về dân số là quốc gia phát triển chủ yếu duy nhất mà hiện nay nó được dự đoán là sẽ giữ vị trí (thứ ba) trong bảng xếp hạng về dân số trên toàn cầu. Bảy trong số 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có lực lượng lao động đang thu hẹp trong thập niên tới; nhưng lực lượng lao động Mỹ dự kiến sẽ gia tăng, trong khi lực lượng lao động của Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2014.
Thứ năm, Mỹ từ lâu đã đi đầu trong các nền công nghệ then chốt (sinh học, nano, thông tin). Trung Quốc đang đầu tư dồi dào vào trong các công trình nghiên cứu và phát triển, hiện nay đạt đến cao điểm về bằng sáng chế, nhưng theo số liệu riêng của họ, các trường đại học nghiên cứu vẫn xếp đứng sau Mỹ. Cuối cùng, các cuộc thăm dò quốc tế cho thấy, Mỹ vượt qua Trung Quốc về sức thu hút quyền lực mềm.
Tất cả các điều trên cho thấy, Hoa Kỳ đang nắm thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh giữa các đại cường của thế kỷ 21. Nhưng nếu người Mỹ không chống cự nổi sự cuồng loạn về sự trỗi dậy của Trung Quốc hoặc sự tự mãn về “đỉnh cao” của nó, Mỹ có thể chơi lá bài kém thế. Loại bỏ các cây bài cao giá – bao gồm các liên minh mạnh mẽ và ảnh hưởng trong các định chế quốc tế – sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Khác xa với việc làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, nó có thể làm suy yếu nước Mỹ rất nhiều.
Người Mỹ có nhiều điều để lo sợ từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc dân túy ở trong nước hơn là từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các chính sách nhuốn màu dân túy, chẳng hạn như từ chối hỗ trợ cho Ukraine hoặc rút ra khỏi khối NATO, sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho quyền lực mềm của Mỹ. Nếu ông Trump đắc cử tổng thống vào tháng 11 tới, năm nay có thể là một bước ngoặt đối với sức mạnh Mỹ. Cuối cùng, cảm giác về việc suy tàn có thể được biện minh.
Ngay cả khi quyền lực ngoại tại của nó vẫn còn chiếm ưu thế, một quốc gia có thể mất đi đức tính nội tại và sự hấp dẫn đối với các quốc gia khác. Đế chế La Mã tồn tại rất lâu sau khi mất hình thức chính phủ cộng hòa. Như Benjamin Franklin đã nhận xét về hình thức chính phủ Mỹ được tạo ra bởi các bậc quốc phụ: “Một nền cộng hòa nếu bạn có thể giữ gìn nó”. Trong chừng mực mà nền dân chủ Mỹ đang trở nên phân hoá và mong manh hơn, chính sự phát triển đó có thể gây ra sự suy tàn của nước Mỹ.
______
Tác giả: Joseph S. Nye, Jr. là giáo sư hồi hưu trường Harvard Kennedy và là cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ. Ông là tác giả của sách “Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump” (NXB Oxford University Press ấn hành năm 2020) và Hồi ký vừa ra mắt “A Life in the American Century” (NXB Polity Press, tháng 1-2024).
Bài liên quan: Trump vẫn còn có thể thắng trong nhiệm kỳ thứ hai cho dù mọi chuyện xảy ra — Liệu Trump có trở lại Nhà Trắng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét