25 thg 2, 2024

NHÀ DỘT TỪ NÓC- Đỗ Quốc Khánh

Nhà dột từ nóc
- Đỗ Quốc Khánh
So sánh thì không nên, nhưng bàn về chuyện gia phong khiến tôi không thể không nghĩ đến xã hội miền Nam những năm 1960 - 1970. Hầu như cứ 10 nhà thì hết 8 nhà là người đàn ông đi làm kiếm tiền và phụ nữ chỉ ở nhà. Đó là yếu tố tạo nên trật tự trong gia đình, người chồng có quyền quyết định các vấn đề quan trọng nhất.
Xét khía cạnh nào đó, cảnh “chồng chúa vợ tôi” được xã hội khi ấy chấp nhận vì cái gia phong được nhận diện bởi con cái nơi người cha như một tấm gương và nơi một tay người mẹ chăm sóc. Các con được răn dạy bởi sự phân công giữa cha và mẹ như thế. Ngoài ra, còn có một “cơ chế” khá hay, khi nhà nào lúc ấy cũng thường có trung bình 5-6 con. Người con đầu lòng được bố mẹ giáo dục kỹ để đến lượt mình, anh chị cả lại chỉ bảo, hướng dẫn đàn em theo sau. Nhà cửa trong ngoài luôn có kỷ cương, trên dưới đâu ra đó như thế.
Cần nói thêm về vai trò phụ nữ trong gia đình. Vì các vấn đề quan trọng đa phần do đàn ông gánh vác, nên mẹ là người thường xuyên gần gũi, lo việc cơm nước, chủ yếu dạy dỗ các con. Dù lệ thuộc nhiều vào chồng, nhưng về mặt tình cảm, người mẹ lại chan hòa và chiếm trọn trong lòng tất cả thành viên gia đình với tất cả hình mẫu của sự kỹ lưỡng, kiên nhẫn, chịu đựng…
Ngày xưa tivi ít, chỉ có hai đài, giờ cơm gia đình là hết sức quan trọng. Sau bữa tối cả nhà thường quây quần bên nhau nghe bố nói chuyện. Nhà có thế hệ ông bà sống chung thì càng hay vì những câu chuyện kể, tích tuồng mang tính giáo dục rất bổ ích cho con trẻ. Đó là giờ giáo dục con cái của các gia đình.
Tôi thích lắm những buổi tối cúp điện. Hôm nào đã cúp điện mà trời lại mưa nữa thì càng thích. Mẹ thường lấy tấm màn giăng hai đầu vào sát mép giường tạo thành cái lều: “Thôi, bây giờ mình cắm trại nha các con”. Thế là bốn anh chị em ngồi sát vào lòng mẹ. Ngoài trời thì mưa, trong nhà đèn cầy leo lét, chúng tôi vừa nghe mẹ kể hết chuyện này đến chuyện kia, vừa cứ rúc sát vào nhau hơn nữa để nghe cho rõ và được ôm mẹ. Những lúc đó tôi thấy hạnh phúc lắm.
Chuyện kể đều kết thúc bằng một bài học nào đó. Tôi nhớ mãi chuyện một cô bé giận dỗi mẹ vì đòi gì đó mà bà không mua. Cô ra đường, đi lang thang một hồi đói bụng, thấy quán hủ tíu cứ ngần ngừ đứng nhìn. Ông chủ quán trông thấy gọi vào, không lấy tiền. Ăn xong cô bé cám ơn ông ta rối rít. Ông mới vỗ về nói: “Con đừng cám ơn bác mà phải cảm ơn cha mẹ. Bác chỉ có thể cho con một tô hủ tíu thôi. Còn cha mẹ cho con biết bao nhiêu tô hủ tíu, bao nhiêu ngày, bao nhiêu năm tháng vất vả…”.
Ngày nay, vai trò, vị trí đàn ông trong nhà đã khác. Khi người phụ nữ cũng đi làm, thậm chí kiếm được nhiều tiền hơn, trật tự thay đổi, đồng thời, số con cũng ít đi. Điều này có cái lợi là cha mẹ chăm sóc con kỹ hơn và còn có sự san sẻ của chồng. Con cái được cưng chiều hơn, nâng niu lắm và bắt đầu có khuynh hướng đòi hỏi. Cùng với sự phát triển của internet, sự đua đòi, bắt chước các trào lưu tiêu cực hay nguy hiểm của người trẻ càng dễ dàng. Tuy không đông con nhưng sau này cả bố mẹ dành quá nhiều thời gian cho công việc, khác trước kia chồng ra ngoài, vợ ở nhà… Quyền hành chia đôi, buông lỏng, không ai kiểm soát con cái. Những nhà càng khá giả thì con cái càng có điều kiện riêng tư, nên càng khó kiểm soát. Và chuyện bữa cơm gia đình bây giờ hơi khó. Chồng, vợ và các con đều có không gian riêng hoặc cắm mặt vào điện thoại, dẫn đến nền nếp gia đình mất dần đi.
Ở một khía cạnh khác, người lớn đã làm hư con nít rất nhiều. Tới một ngã tư thấy đèn vàng, ta phản ứng thế nào? Vượt nhé. Ừ, hoặc nếu tuân thủ dừng đúng quy định thì có khi ăn chửi hoặc bị húc luôn từ đằng sau. Tất cả chọn lựa trong văn hóa giao thông đó từ người lớn đã làm gương mù cho trẻ.
Trong quá trình đi dạy, tôi còn thấy nhiều cái tệ hại hơn. Có lần tôi hỏi một học sinh lớp 6 về điểm số, thì các bạn cùng lớp nhao nhao: “Ba nó lo lót hết rồi thầy ơi”. Tại sao những đứa trẻ mới 11-12 tuổi mà biết có cái chuyện “lo lót”? Bởi bố mẹ đã ngồi bàn chuyện chạy trường này sở kia, phong bao cho ông này bà nọ công khai ngay trước mặt con cái. Bọn trẻ lập tức hiểu rằng, vậy cần gì ngoài tiền? Chỉ cần kiếm thật nhiều tiền là xong hết mọi chuyện.
Cái sai nối tiếp cái sai vì gương xấu của người lớn, từ chuyện vứt rác ra đường, hút thuốc lá, đến tranh giành quyền lợi, bênh vực cái sai của con… Tôi thấy những tội ác xảy ra giữa người thân trong gia đình gần đây, chỉ là con trẻ đã lập lại sai trái của người lớn.
Về phía nhà trường, ngày xưa thầy cô có thể liên hệ các bài công dân giáo dục với các vấn đề xã hội giúp học trò dễ nhớ, cảm thụ tốt. Bây giờ thuần túy nội dung trong sách vở thì khô cứng, hầu hết các hoạt động ngoại khóa, sân khấu hóa bài giảng… thì khiên cưỡng, không hấp dẫn học sinh. Dù đã nỗ lực, nhưng với áp lực tuyệt đối tranh thủ giáo án, bệnh thành tích của ban giám hiệu, thì các thầy cô cũng co lại, dạy cho xong rồi về, chẳng còn tâm huyết, sáng tạo gì. Các môn thể dục, nhạc, họa… bị xếp vào môn phụ và chỉ để ra vẻ ta có nền giáo dục toàn diện. Thực chất việc dạy và học không mang tính đam mê hay sáng tạo nào.
Một điều hết sức nguy hiểm nữa là bây giờ nếu gặp được người nào đó tốt thì ta rất lấy làm ngạc nhiên. Xã hội đã quá vật chất hóa mọi thứ và cái ác, cái xấu, cái sai không còn được nhận diện. Thậm chí, dần dà người ta lại xem ác, xấu, sai là chuyện bình thường, có khi cho đó là điều hiển nhiên đúng!
 
Ông Đỗ Quốc Khánh - cựu giáo viên Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5, TP.HCM)
Trước đây là học sinh Trường trung học Chu Văn An tại Sài Gòn (trước 1975), có 40 năm gắn bó với nghề giáo trong vai trò giáo viên thể dục và Anh ngữ (tại nhà).
(Báo Người Đô Thị)
 
Ảnh : Học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cúi đầu chào bác bảo vệ trước cổng trường. Đằng sau hành động cúi đầu chào bác bảo vệ là câu chuyện về nề nếp của ngôi trường lâu đời bậc nhất Sài Gòn.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét