3 thg 9, 2021

SỰ NHẦM LẪN TỪ MỘT GIAI THOẠI?

 Cho đến nay chắc chắn nhiều người trong chúng ta còn nhớ từng được thầy cô kể cho nghe về giai thoại cây đèn treo ngược và nước vọt lên cao trong những giờ Việt sử. Đại khái như sau:

“Phái đoàn Phan Thanh Giản khi đi Tây thương nghị về việc xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ (1863-1864) về kể những chuyện lạ nước ngoài như đèn thắp không dầu, ngọn lửa chúc xuống (đèn điện), giếng nước vọt lên cao (nước phun trong công viên) vv... Vua nghe vậy lấy làm kinh dị bèn giao cho đình thần nghị bàn. Các quan bàn xong tâu lên: Quy luật tự nhiên là nước chảy xuống, lửa bốc lên cao, trái lại là nghịch thường, không đúng sự thật. Bọn Phan Thanh Giản bị bọn bạch quỷ Tây dương bầy trò quỷ thuật làm cho quáng mắt đó thôi.

Nghe chuyện chắc ai cũng phì cười và ngao ngán vì sự lạc hậu bảo thủ của triều đình nhà Nguyễn trước nền văn minh Thái tây lúc bấy giờ nhưng nếu xét kỹ sẽ thấy giai thoại này là bịa đặt vì trong “Tây Hành Nhật ký”, cụ Phạm Phú Thứ, người cùng đi với cụ Phan Thanh Giản với cương vị Phó sứ, có chép rằng Marseille và Paris bấy giờ (1863) đều thắp đèn khí đốt “đèn để trong lồng kính và có tán. Ngoài đường phố, trong buồng, trên tường, trên giàn, đèn đều thắp bằng khí”. Còn đèn điện thì phải mãi đến năm 1879 Edison mới sáng chế ra, nghĩa là 15 năm sau khi các cụ nhà ta sang Pháp.
Còn chuyện nước giếng vọt lên cao thì sử sách đều ghi từ đời Khang Hy (1662-1729) Trung quốc đã có những bể nước phun trong ngự viên do chính các giáo sĩ Tây phương thiết kế. Vậy từ cuối thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19, sứ thần ta vẫn thường xuyên đi sứ hoặc cống nạp Trung quốc chẳng lẽ không ai thấy những đài nước phun ngược kia?
Có người lại gắn giai thoại này với Nguyễn Trường Tộ, nhà cách tân vĩ đại của thế kỷ XIX, tiêu biểu cho phe cấp tiến trong triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Nhưng điều này lại càng không đúng vì Nguyễn Trường Tộ không có tên trong phái bộ của Phan Thanh Giản đi Tây năm đó, còn các chuyến đi Tây của ông đều diễn ra trước đó và cho đến khi ông mất (1871), đèn điện vẫn chưa ra đời. Hơn nữa trong vô số các tấu trình ông để lại về những điều mắt thấy tai nghe bên trời Tây đều không thấy ghi chép chuyện này.
Vậy giai thoại này có từ đâu? Có lẽ sự nhầm lẫn này xuất phát từ nhà văn Đào Trinh Nhất (1900-1951) người chuyên viết truyện lịch sử, ký sự. Trong tạp chí Trung Bắc Chủ Nhật số ra ngày 17/10/1943, ông đã có bài viết đề cập đến việc sứ đoàn Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ sau khi đi Pháp về đã kể những chuyện lạ nước ngoài, trong đó có câu chuyện cây đèn treo ngược và nước vọt lên trời như đã nói ở trên. Như vậy bài báo này có thể là cơ sở rõ ràng nhất để giai thoại kia truyền tụng trong một thời gian dài kể cả các giờ sử ký. Thậm chí cho đến năm 2003, nhà văn Nguyễn Khắc Phục trong tập bút ký lịch sử “Những bước đi tỏa sáng” ca ngợi những thành tựu của ngành Điện lực VN cũng đã kể lại câu chuyện này kèm thêm những lời phê phán gay gắt về sự lạc hậu của triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Nhưng chuyện chưa dừng ở đó, tháng 2/2020, nghĩa là mới đây, VietNamnet lại tiếp tục sử dụng giai thoại này trong một bài Trắc nghiệm kiến thức Lịch sử có tựa đề "Cây đèn dầu lộn ngược các sứ giả triều Nguyễn thấy ở Pháp”…
Chưa biết sự nhầm lẫn đó là do đâu, vô tình hay hữu ý nhưng để thấy giai thoại là thứ cần được sử dụng một cách thận trọng bởi nó luôn được thêm thắt những chi tiết ly kỳ chung quanh một sự kiện lịch sử nào đó nhằm tăng tính hấp dẫn, sự thêm thắt đó thường không có thật và khác nhau tùy theo trí tưởng tượng của dân gian, vì vậy không thể đồng nhất giai thoại với sự thật lịch sử. Tiếc rằng hiện nay không ít giai thoại được bịa đặt một cách ngây ngô phi lý vẫn được dạy cho trẻ con như những bài chính sử! (st&th)
-------
Ghi chú ảnh: Phái bộ thương nghị do cụ Phan Thanh Giản dẫn đầu tiếp kiến hoàng đế Napoléon III tại điện Tuileries ngày 05/11/1863( ảnh Flick

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét