27 thg 9, 2021

Tuyển sinh đại học Việt Nam đang đi ngược thế giới (Báo Lao Động )

 

GS.TS Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân cho rằng quy trình tuyển sinh đại học của ta đang đi ngược thế giới. (Ảnh chụp trước thời điểm tháng 4.2021). Ảnh: L.T

Chuyện học sinh đạt điểm tuyệt đối vẫn không đỗ đại học cho thấy quy trình đào tạo, tuyển sinh đại học của ta có vấn đề và đi ngược thế giới.

Đâu là nguyên nhân?

Nguyên nhân cụ thể khiến học sinh đạt điểm tuyệt đối không đỗ đại học đã được báo chí phân tích dưới nhiều khía cạnh. Ở đây xin có mấy ý kiến về căn nguyên của câu chuyện.

Có thể nói, cội rễ khiến học sinh điểm tuyệt đối không đỗ đại học là do quy trình quy trình đào tạo, tuyển sinh đại học của ta có vấn đề và đi ngược lại cách làm của nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới. 

Cụ thể, ta lắp màng lưới quy chế dày đặc ở khâu tuyển sinh (đầu vào), nhưng gần như ngược lại ở đầu ra. Điều này không chỉ khiến nhiều học sinh không được học đại học đúng trường, đúng ngành như ham thích, mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu nhân lực của xã hội và cơ hội tìm việc của người tốt nghiệp đại học.

Nhìn rộng hơn, tuy đã có bước cải tiến so với quy trình “3 chung” trước đây, nhưng quy trình đào tạo, tuyển sinh hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần cải tiến. Chúng ta vừa tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa xây dựng quy chế tuyển sinh kéo dài suốt nhiều tháng để xét các nguyện vọng 1, nguyện vọng 2...

Cách làm này không chỉ gây lãng phí thời gian học tập của sinh viên, mà còn lãng phí một khối lượng lớn tiền của gia đình thí sinh và tiêu một khối lượng lớn công quỹ và công sức của Bộ GDĐT và các trường đại học.

Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới không quan trọng hóa đầu vào đại học mà chỉ chú trọng nhất ở đầu ra. Chính điều này đã giúp cho họ không phải chứng kiến nghịch lý như chúng ta: Đạt điểm tuyệt đối mà vẫn không đỗ đại học. Nói như thế không có nghĩa là nước ngoài họ buông lỏng đầu vào, mà đầu vào của họ được tổ chức theo “quy trình mở” vừa gọn, nhẹ vừa tạo điều kiện tối đa để mọi học sinh đều có thể. Chính điều này đã giúp cho đất nước họ có được nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội. 

Các nước làm thế nào?

Điển hình như Mỹ. Nếu một học sinh từ tiểu học lên hết trung học mà không có điểm môn học nào bị rớt thì được nhận Chứng chỉ tốt nghiệp bậc phổ thông. Sau đó, em này ôn tập để thi lấy Chứng chỉ SAT (đủ trình độ vào đại học) và dùng nó để nộp cùng lúc cho nhiều trường đại học có ngành mình mong muốn theo học. Nếu không vào được nguyện vọng ở trường này, học sinh có thể nộp đơn ở các trường khác nữa. Việc xét tuyển nhanh chóng, không kéo dài lê thê. Mọi thí sinh đều chấp nhận kết quả của trường vì phải tuân thủ quy định về chất lượng đào tạo.

Còn ở Singapore, khi hoàn tất các môn học, các em được cấp Chứng chỉ phổ thông. Sau đó học sinh chỉ cần lên mạng của các trường đại học ở Mỹ đăng ký gửi Chứng chỉ và học bạ kèm theo đơn là được xét. Kết quả đó có được là nhờ Bộ Giáo dục Singapore và Bộ Giáo dục Mỹ không quản lý “từ cây kim sợi chỉ” xuống từng trường đại học. Nói cách khác, họ đang thực thi “tự chủ” một cách thiết thực và hiệu quả.

Đây là chuyện không quá khó và càng không quá tốn kém, thậm chí ngược lại. Chúng ta hoàn toàn có khả năng làm được, thậm chí làm tốt hơn vì trước đó Đảng đã ban hành Nghị quyết mang tính mở đường: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Trở lại vấn đề, thực chất, đây là kỳ thi trắc nghiệm năng lực sẵn sàng học đại học, không phải thi lấy bằng cấp, hay tranh đua gì cả. Vì thế, nó không gây căng thẳng cho toàn xã hội như cách làm hiện nay.

Cụ thể, đề nghị Bộ GDĐT sớm xây dựng kế hoạch tuyển sinh theo hướng: Cho học sinh dùng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để nộp đơn xin học đúng ngành tại trường đại học mà các em thích. Có thể nộp ở 4 trường hoặc hơn nữa cũng không sao. Bộ GDĐT sẽ ấn định “ngày G” các trường đồng loạt gửi kết quả trúng tuyển hoặc không trúng tuyển đến tất cả thí sinh. Sau đó sẽ đồng loạt khai trường theo thời gian Bộ GDĐT ấn định.

Đến “ngày G”, thí sinh nào không đến trường nhập học, trường đại học đó sẽ gọi tiếp thí sinh kế tiếp trong danh sách xét tuyển, đến nhập học. Có thể mỗi năm sẽ tuyển sinh theo từng học kỳ. Trước đó thí sinh nào đã có Chứng chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ thi lấy Chứng chỉ Năng lực vào đại học/cao đẳng tại Cụm thi gần nơi cư trú hoặc thuận tiện nhất, rồi sẽ nộp đơn cho nhiều trường xin học đúng ngành nghề mơ ước của mình để trong vòng 2 tuần lễ sẽ có kết quả.

Mới đây, tân Bộ trưởng Bộ GDĐT đã công bố sẽ thay đổi cách tuyển sinh vào năm 2022. Nhân dân và Đảng đang trông chờ những sáng kiến thật sự đổi mới rất cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam để nhanh chóng bắt kịp các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng thực chất và đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét