Chữ nghĩa làng văn
Chữ Việt cổ
Do thời gian những từ cổ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu vết của mình một vài từ nào đó…
Cật vấn: tra vấn
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)
Bên lề chữ nghĩa
Hiểu sinh thì là..."chết" là do từ điển de Rhodes sai dẫn tới các văn bản của các thầy giảng sai, “rình sinh thì”, theo tự diển Paulus Của là...“sắp chết”.
Một trong Tam Pháp Ấn thì vô thường theo Phật giáo là không tồn tại lâu dài (qua tứ kiếp: sinh, thành, hoại, trụ)....
Ảnh hưởng của đạo Phật, cao điểm là vào thời Trần (1226-1400), cũng cho ra nhiều cách dùng chỉ sự chết như siêu thoát, siêu sinh, vãng sinh.
Trơi
Trơi : giả, không thật
(ma trơi)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Chợ Âm Dương
Chợ nằm ở Làng Ó, xã Võ Cường, thị xã Bắc Ninh.
Mỗi năm chợ chỉ họp một lần vào đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 Tết.
Theo già làng, nơi họp chợ Âm Dương xưa là bãi chiến trường do đó có nhiều
người chết. Chợ họp là để tạo cơ hội cho người chết và người sống gặp nhau.
Chợ bắt đầu họp vào lúc lên đèn, trên một bãi đất trống cạnh ngôi miếu cổ có tiếng là linh thiêng của làng. Chợ không có lều, quán, không sử dụng đèn nến. Người đi chợ mang một con gà đen đã được chăm sóc cẩn thận làm vật tế Thành Hoàng làng. Trong chợ cũng có cả những dãy hàng mã, hương, nến, cau trầu.
Ở đầu chợ, người ta đặt một chậu nước để thử tiền âm hay tiền dương. Có người sớm hôm sau xem trong túi đựng tiền toàn là vỏ hến, lá đa. Chợ tan khi còn đêm.
Phù dung, phù du
Phù là nổi lên mặt nước, còn có nghĩa khác là hư không.
Phù dung là một loại cây sống trong nước.
Lá to, hoa đỏ, trắng hay vàng.
(Lý Bạch, Vương Xương Linh cho "phù dung" là một loài sen)
Phù du là tiếng Hán, tiếng Việt là con vờ hay con vờ vờ.
Một thứ côn trùng ban ngày bay ở trên mặt nước, tối hay bay ở gần bóng đèn và mau chết.
Phù dung và phù du chỉ đời sống ngắn ngủi, vô thường.
Đã có một thời…
Thái Thủy
Thái Thuỷ được tha trước tôi hai năm, anh rủ một người bạn phóng xe gắn máy từ
Sài Gòn lên thăm và tiếp tế thêm cho tôi vài gói thuốc, mấy phong bánh. Anh trở
thành người “đi thăm nuôi” như các bà vợ đáng thương của những người ở trại cải
tạo.
Khi tôi về Sài Gòn, bắt đầu “sự nghiệp” đánh vi tính thuê kiếm sống. Tôi đã định rủ rê Thái Thuỷ đi vào con đường này. Nhưng rồi anh định cư ở Mỹ. Trước khi đi, anh chăm chỉ lên nhà tôi học vi tính. Thật ra cũng chưa biết học để làm gì. Bây giờ mới biết là nó hữu dụng như thế nào. Ít ra thì hàng ngày cũng gõ được e mail cho bạn bè. Mỗi lần nhận được thư điện tử của anh, tôi thích thú và thầm nghĩ “ông có ở đâu thì tôi với ông cũng còn nhiều nợ nần lắm”. Nhưng kỷ niệm giữa tôi và Thái Thuỷ nói cả năm chưa hết.
Được tin báo Người Việt tổ chức một buổi họp mặt với những người Bạn Tao Đàn, tôi ghi vội vài hàng này, gọi là một chút quà tặng bạn. Tôi ở một vùng quê mùa tại Việt Nam, hình dung ra buổi họp mặt rất nhiều ý nghĩa và trên hết là những cảm xúc tràn đầy của những người nhớ về những kỷ niệm xưa, đánh thức tình người và cả một thời gian không gian cứ như đang sống lại. Có lẽ chúng ta chẳng có nhiều thời gian được sống lại như thế
(Một chút kỷ niệm xưa – Văn Quang)
Câu đố dân gian
Chim chi sắc mỏ, cao mồng,
Chim chi không cánh không lông mình trần?
(cái rìu)
Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam
Quả thật đó là những năm đầu tiên của miền Nam, sau chín năm kháng chiến, như một cõi riêng biệt. Phải chờ thêm vài năm nữa, khoảng lớp chín, tôi mới bắt đầu nhận ra rằng bên cạnh những tác phẩm tiền chiến in lại, đã nung nấu hình thành một nền văn học khác: một nền văn học mới, trẻ trung, hào hứng vừa ra đời. Xét lại thì cũng phải. Mặc dù Nhất Linh, người lãnh đạo Tự Lực Văn Đoàn đã vào Nam, và những người nối bước ông như Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo, Duy Lam, Nhật Tiến đang viết sung sức, nhất là Nhật Tiến, người làm tôi say mê với “Chim hót trong lồng”, thì tiểu thuyết tiền chiến không còn phù hợp với thời đại mới nữa. Chín năm kháng chiến đã làm đảo lộn nhiều thứ. Thêm vào đó, cuộc chia đôi đất nước là một lưỡi dao sắc cắt qua các tầng văn hóa, nhiều lớp tâm thức, cắt qua lục phủ ngũ tạng, bất chấp tất cả, không tha thứ điều gì trên đường đi của nó, cho đến khi người ta xa lìa nhau vạn dặm.
Sau tiền chiến, so với thời kỳ “Đoạn tuyệt”, nghệ thuật tiểu thuyết của Nhất Linh đã vươn lên rất xa, nhiều đoạn đạt đến mức tâm lý tuyệt diệu, trong “Xóm cầu mới” mà ông khởi thảo năm 1949 và đăng từng kì trên báo Văn Hóa ngày nay, một tờ báo bìa vẽ lan, tôi đọc ngày còn nhỏ, đọc lén trong nhà ông anh họ.
Nhưng nó không cứu được văn chương tiền chiến trước một nền nghệ thuật mới hơn nữa. Những câu văn ấy êm đềm quá, cách dựng chuyện ấy cổ điển quá, những nhân vật ấy dù ngày càng được mô tả phức tạp trông vẫn hiền lành quá so với thời đại vừa đi qua cơn bão táp đang cập bờ vào thế giới mới, hứa hẹn giấc mơ tự do, nhưng cũng cùng lúc cơn bão chiến tranh đang chờ nó. Thơ và truyện phải viết khác đi, vì đó là nhu cầu sáng tạo nội tại của các nhà văn bất kỳ thời nào.
Phải viết khác đi, vì người đọc đã khác. Người ta không còn giản dị hồn nhiên như trước, người ta sâu sắc, cay đắng hơn, người ta buồn bã, nghi ngờ hơn, giận dữ và lam lũ hơn. Vì vậy đã có một ý thức làm mới văn chương, cùng với ý thức tự do trong văn học, hiển lộ rõ ràng và phổ biến, trở thành tinh thần chủ đạo, trong mười năm đầu tiên của sinh hoạt văn học miền Nam.
(Nguyễn Đức Tùng)
155 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Quang Dũng, từ trước tới nay vẫn được biết đến là một nhà thơ Sơn Tây. Anh đã mang hình ảnh của Sơn Tây vào đầy ắp những thi phẩm của mình. “Em từ thành Sơn chạy giặc về - Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm - Cách biệt bao lần quê Bất Bạt, Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì - Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn. Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng ...” Nhưng thực ra quê hương Quang Dũng không phải là Sơn Tây, mà là Hà Đông. Quang Dũng đã lớn lên trong căn nhà nằm ở ven con đê Hiệp, thuộc huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông. Vì Đan Phượng thuộc Hà Đông, nhưng nó nằm trên con đường về Sơn Tây, nên ấn tượng về Sơn Tây đã có sẵn trong lòng mọi người khởi hành từ Hà Nội.
Căn nhà ngay cạnh chợ, đó là nhà cụ Tổng -Phùng.
Và chính là căn nhà của Quang Dũng. Tường nhà vôi màu xanh đã nhạt. Ở một góc tường cao, nếu đứng từ trên sàn gác, thì vừa tầm tay, có một bức tranh vẽ lên tường. Bây giờ tôi cũng đã quên lấp đi nhiều, tôi không biết bức tranh ấy vẽ hình gì. Hình như cảnh một buổi chiều nào đó trong vườn câỵ Cụ Tổng (mẹ của Quang Dũng) bảo, của anh Diệm (tức Quang Dũng) anh ấy vẽ đấỵ.
Căn buồng đó có một khuôn cửa sổ mở ra sân sau. Sát đó là một bể nước mưa lớn. Từ căn buồng này có thể nhìn ra bãi mía bên kia con ngòi sát nhà, và thấy núi Ba Vì ở mãi tận phía xa.
Căn buồng ấy ngày xưa
anh Diệm đã ở. Có lẽ căn buồng này, khuôn cửa sổ này đôi mắt người thơ hướng về
Sơn Tây, hít thở cái không khí của Sơn Tây, và sau này mang các hình ảnh của
Sơn Tây vào thơ.
Ở cái sân sau đó, rộng thênh thang. Có cây lựu ở
sát bể nước. Một cây đu đủ rất nhiều tráị Và ở góc vườn kia có một cái chuồng
gà. Và cũng ở khoảng sân đó, buổi chiều, tôi đã ngồi với L. (em trai của Quang Dũng), nhìn nước chảy dưới chân,
gió mát lâng lâng từ đâu xa lướt trên ruộng mía thổi về. Và cũng từ đó tôi cũng
đã thấy Ba Vì in lên nền trời xanh thẳm có mây vươn lên đỉnh caọ
Và cũng từ đó, những khi đêm xuống, tôi đã cùng cụ Tổng, chị H., chị Đ., và L. đếm từng tiếng đại bác từ đồn Phùng bắn đi, rồi cùng lắng nghe tiếng nổ âm vọng lại từ nơi nào xa thẳm trong kiạ.
Ở đó, biết có anh Diệm không. Những đêm như thế, cụ Tổng thường thắp nhang trên bàn thờ ở ngoài sân cầu Trời Phật phù hộ độ trì cho anh Diệm. (tức Quang Dũng)
(Ngôi nhà Quang Dũng ở Sơn Tây – Phan Lạc Tiếp)
Chữ nghĩa lơ ngơ láo ngáo
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé,
Để lòng buồn anh dạo khắp trong sân,
Nhìn trên tay thuốc lá cháy lụi dần,
Anh khẽ bảo: Gớm, sao mà “đểu” thế!
(nhại thơ…Hồ Dzếnh)
Đuờng văn ngõ chữ
Nguyễn Tuân & Nguyên Hồng đánh cờ
Nguyên Hồng đến thăm Nguyễn Tuân. Hai cụ bày rượu ra uống, bày bàn cờ ra chơi. Ngồi cả buổi, hai cụ bàn về chuyện thời thế, chuyện văn chương rất tâm đắc nhưng cả hai không ai đụng đến quân cờ. Nậm rượu ngon đã cạn, thức nhắm đã vơi, bỗng Nguyên Hồng cầm quân cờ đánh chát một cái xuống bàn, hét to:
- Chiếu tướng!
Nguyễn Tuân giơ cả hai tay lên trời:
- Thua!
Nói lái hiện đại, hiện thực
Cố quá thành…quá cố
Đơn giản như…đang giỡn
Những cái chết tức tưởi của nhà văn
Khái Hưng
Khái Hưng sinh năm 1896, xuất thân trong một gia đình quan lại ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Dương, nay thuộc Hải Phòng. Khái Hưng học ở trường Albert Sarraut, dạy ở trường Tư thục Thăng Long. Nhất Linh từ Pháp về nước và cũng dạy tại trường này. Khái Hưng đã quen Nhất Linh ở đó và họ trở thành một cặp tác giả nổi tiếng. Khái Hưng tham gia Tự Lực Văn Đoàn do Nhất Linh thành lập.
Là một trong những cây bút chính của nhóm, tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng ià Hồn bướm mơ tiên (1933), là tiểu thuyết đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn.
Tiểu thuyết cuối cùng của ông là Thanh Đức (1943) và cũng là tiểu thuyết cuối cùng của nhóm. Khái Hưng cũng viết chung với Nhất Linh hai tiểu thuyết: Gánh hàng hoa và Đời mưa gió và ra đời chung tập truyện ngắn Anh phải sống cùng năm1934.
Khái Hưng mất năm 1947. Một số tài liệu cho rằng ông bị Việt Minh bắt giam tại Liên Khu 3 (Lạc Quần, Trực Ninh) rồi đem xử tử hình ở bến đò Cựa Gà, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Theo Nguyễn Tường Triệu (con Nhất Linh và cũng là con nuôi Khái Hưng), thì Khái Hưng mất tích sau Tết Ðinh Hợi (22/1/1947).
Hồi còn dạy học ở thị trấn Vĩnh Bảo, Hải Phòng năm 1973, tôi (Dương Nghiễm Mậu?) đã nghe chính miệng những du kích Thái Bình, những kẻ thừa hành bản án, kể rằng họ được lệnh bỏ rọ trắm xuống sông nhà văn Khái Hưng.
Kẻ hành quyết kể lại thái độ của Khái Hưng rất bình thản, ung dung chui vào rọ nứa cho những kẻ chân đất đầu trần buộc dây, gài đá, vần xuống sông. Ở dưới đáy sông sặc nước, chắc nghẹt thở lắm. Khái Hưng chết chỉ vì ông là đảng viên đảng Đại Việt!
(Trích từ buikimanh.vn - Thái Doãn Hiểu)
Tục ngữ hiện đại, hiện thực
Ðồng vợ đồng chồng húp nồi canh cũng cạn.
Đuờng văn ngõ chữ
Nguyên Hồng là tác giả tiểu thuyết Bỉ vỏ. Sau khi thấy tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố được dựng phim thành công, Nghiêm Văn Đa đang làm biên tập viên ở hãng phim, muốn chuyển thể thành phim tác phẩm của Nguyên Hồng.
Xin nhận một vai
Một lần, gặp Nguyên
Hồng, Nghiêm Văn Đa đã được tác giả đồng ý cho chuyển tác phẩm Bỉ vỏ của mình sang phim ảnh. Sau khi
đồng ý, nhà văn Nguyên Hồng hào hứng nói với Nghiêm Văn Đa:
- Nhưng phải để tao đóng một vai trong phim!
Nghiêm Văn Đa ngạc
nhiên hỏi:
- Bố định đóng vai gì?
Nguyên Hồng như đã
chuẩn bị sẵn:
- Tao đóng vai… đao phủ.
Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Phan Huy Chú
Phan Huy Chú (1782-1840), thuở nhỏ, có tên là Hạo, sau vì kiêng quốc húy đổi là Chú. Ông là con trai thứ ba của danh thần Phan Huy Ích và quê gốc ở Hà Tĩnh, sinh ra và lớn lên ở phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.
Ông xuất thân trong gia đình có truyền thống khoa bảng. Ông nội là tiến sĩ Phan Huy Cận, ông ngoại là Ngô Thì Sĩ, bác là Ngô Thì Nhậm. (bà Ngô Thị Thực thuộc "dòng họ Ngô Thì", có tiếng về văn học “Ngô Gia văn ihái”. Bà là con gái Ngô Thì Sĩ, em gái của Ngô Thì Nhậm).
Vốn thông minh, lại từng được Ngô Thì Nhậm (cậu ruột) rèn dạy từ lúc 6 tuổi nhưng cả 2 lần thi Hương, ông chỉ đỗ Tú tài (tục gọi ông là "Kép Thầy", vì ở làng Thầy và đỗ 2 lần). Kể từ đó, ông thôi việc thi cữ, chỉ chuyên tâm vào việc nghiên cứu và trước tác.
Nước ta có sử từ đời nào?
Theo ông Hoa Bằng trong tạp chí Tri Tân 1941, thì trước Lê Văn Hưu đã có Trần Tấn (cùng sống dưới triều vua Trần Thái Tông) trước tác bộ Việt Chí, sau đó Lê Văn Hưu mới sửa lại cho hoàn chỉnh và có lời bàn tức bộ Ðại Việt sử ký ngày nay.
Sau khi nêu tài liệu dẫn chứng, ông Hoa Bằng kết luận:
"Nước ta, đời Trần Thái Tông đã có bộ Việt Chí. Mà sử thần Trần Tấn chính là người lính tiên phong trong đội sử ký Nam Việt. Tiếc rằng bộ Việt Chí do Trần Tấn làm đó không tuyền, nên về sau người ta chỉ thấy có bộ Ðại Việt sử ký của Lê Văn Hưu".
(T. V. Phê)
Tiếng rao hàng
Giọng người đàn ông rao hàng rất buồn thảm:
- Chưn đạp gai tét giò đây!
Hãy hiểu dùm tiếng rao ấy là:
- Bánh chưng, bánh đập, bánh gai, bánh tét, bánh giò đây
Một số từ Việt miền Nam gốc Quảng Đông
Ảnh hưởng văn hóa mà người Minh Hương để lại sâu đậm nhất trong đời sống miền Nam là ngôn ngữ. Tiếng Việt miền Nam được lưu dân Minh Hương bổ xung cho tiếng Việt thêm phong phú.
Theo Bình Nguyên Lộc, những từ sau có nguồn gốc Minh Hương.
Xí mụi: do Quảng Đông gọi “xíu mụi”, chữ Nho là tiêu mai.
Chạp phô: Chỉ là “tạp hóa”. Nhưng chính người Quảng Đông lại cho nó cái nghĩa hạn chế là thực phẩm: trứng vịt, tôm khô, cá khô, v..v... còn các cửa hàng bán các thứ khác cũng tạp nhạp lại không được gọi là chạp phô.
Giò chá quảy: Thật đúng là “dầu chá quảy” tức con quỷ nướng trong dầu, chỉ loại bánh bột mì chiên mỡ.
(Vài nét về lịch sử người Minh Hương - Nguyễn Đức Hiệp)
Giai thọai về câu đối
Phụ là vợ, phu
là chồng, vì chồng vợ phải đi phu.
Ngã là ta, nhĩ là mày, tại mày nên ta mới ngã.
Giai thoại về câu đối này:
“Anh học trò trốn đi phu, quan bắt vợ anh ta đi thay, rồi đọc vế trên, bảo nếu đối lại hay, sẽ miễn phu cho cả hai người, và anh nọ
đã đối như vậy; dù vế đối lại rất ngông, nhưng quan cũng giữ lời mà tha cho”.
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Em ơi đừng lấy thợ cưa
Có hai hòn d...đong đưa suốt ngày
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Nguyễn Thị Thụy Vũ
Thập niên 60 và nửa thập niên 70 của thế kỷ 20, quân đội Hoa Kỳ đóng quân ở đâu, là lập tức các bar rượu xuất hiện ở đó, ngay ở các cổng ra vào có lính Mỹ. Và cái câu sáo ngữ "đồng tiền, khách hàng là vua, là Thượng Đế" vẫn cứ đúng, thêm một đặc điểm: vì có nhiều dollar tuôn ra, các chủ bar có phương tiện trang trí trang bị phòng ốc tối tân đẹp mắt, đủ màu xanh đỏ, giàn âm thanh tốt... dĩ nhiên với quầy rượu với các ghế cao cẳng bọc da giả, các kiều nữ ăn mặc nhiều màu nhưng hà tiện vải, đi đi lại lại như trong các saloon của Mỹ thời Tây tiến.
Mới đi ra ngoài ngõ vô đã thấy bắt mắt, các nhà đạo đức thật và giả rên la khóc than cho văn hóa dân tộc, truyền thống văn hiến có từ thời công chúa Tiên Dung còn tắm khỏa thân ở bãi cát ven sông... Những cái gì xảy ra bên trong các bar, các ông bà già trầu đâu có biết rõ, bây giờ bỗng có một nhà văn nữ loại có tài văn, là Nguyễn Thị Thụy Vũ, ghi chép thành văn chương và mang ra trình bày trong sách báo công khai, làm sao dư luận không sửng sốt, xôn xao, bàn tán khen chê, đôi khi còn kết án tác giả làm bại hoại phong hóa đạo đức dân tộc...
Quên luôn Thụy Vũ ngoài đời chỉ là một cô giáo tỉnh nhỏ xinh xắn và đoan trang, sử dụng ngòi bút của mình miêu tả thế giới của gái bán bar một thời. Miêu tả một cách trung thực, dùng ngôn từ đôi khi sống sượng gây sốc cho một số người đọc, chỉ vì các gái bán bar ăn nói như thế. Không lẽ lại để cho cô Tina hay Thắm Ngựa ỏn ẻn với một ông G.I. râu và lông rậm rạp vừa hành quân trong rừng về, như thế này:
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha? (Kiều)...
(Tình dục và các nhà văn nữ miền Nam 1955-1975 – Thế Uyên)
Hồng diện đa dâm thủy
Bài thơ không có tựa đề nhưng rất trứ danh được ký giả tiền bối Đoàn Bá Ninh dịch ra tiếng Việt vào năm 1947 trong trại giam Thái Nguyên, Bắc Việt từ tiếng Hán:
Hồng diện đa dâm thủy
Mi trường hạ tố mao
Triết yêu chân đại huyệt
Trường túc bất chi lao
Vì tam sao thất bản nên câu 2 và 3 có nhiều dị bản. Về phương diện khảo dị, câu 2 có những biến dạng như sau: “Đa mi tức đa mao” hay “Đa mi hấu đa mao”. Vì vậy chữ “tố” là sai. Đúng ra “đa” mới đúng vì chữ “tố” là âm Hoa ngữ Quảng Đông.
Câu 3 thì lại: “Tế yêu ư đại huyệt” hay “Tiểu yêu chân cự huyệt” hoặc giả như “Phong yêu âm hộ đại”. “Tế yêu” hay “Tiểu yêu” thì nghĩa chỉ nhỏ thôi. Chữ “Phong yêu” tức đáy lưng ong nghe hay hơn vì ta có câu ca dao “Những người thắt đáy lưng ong – Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con”.
Riêng eo thắt, trở về câu “Triết yêu chân đại huyệt” thì chữ “triết yêu” chỉ cái eo thắt như cái chén chiết yêu, nghe gợi hình hơn.
(Lê Văn Lân – Hồng diện đa dâm thủy)
Thành ngữ hiện đại, hiện thực
Học không chơi, đánh rơi tuổi trẻ
Chơi không học, chửa đẻ liên miên.
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Trùng Dương - 1
Nhà văn Pháp có nhiều ảnh hưởng tới lớp trẻ và một
vài nhà văn Việt Nam,
là một nhà văn nữ trẻ tuổi của Pháp (trẻ với hồi ấy, sau cũng lên lão như tài
tử sexy Brigitte Bardot), đó là Francoise Sagan. Những tác phẩm của cô (gọi là
cô vì hồi đó trẻ lắm, mới hơn hai mươi): Bonjour tristesse (Buồn ơi, chào mi),
Dans un mois dans un an (Trong một tháng trong một năm)...
Giới trẻ Việt Nam hâm mộ Sagan qua văn chương đã
đành mà còn say sưa thưởng thức qua điện ảnh Pháp, trong đó những nhân vật nữ
của Sagan được đóng bởi các tài tử trẻ xinh đẹp và dễ thương. Một số độc giả và
khán giả khó tính có chê bai thái độ sống buông thả trong tình yêu, và rượu,
biển và tình dục của các nhân vật ấy. Chung cục của các tác phẩm của Francoise
Sagan hay buồn, là thứ buồn khi nhìn lá vàng rụng vào mùa thu, nỗi buồn khi
ngồi trên đá tảng nghe sóng vô tận trên đá. Cứ như thế từ ngàn năm, trong khi
đời mình và tuổi trẻ thật phù du: không ngòai cái quyến rũ của thân xác phàm
tục, cái trái ương chưa cắn vào đã thấy ghê răng, các trái chín mọng làm mềm
môi ngọt miệng... đã rời xa khỏi tầm tay với.
Các tác phẩm làm Trùng Dương nổi tiếng một thời
nằm trong giòng văn chương ảnh hưởng văn hóa Pháp, văn chương Francoise Sagan
nói chung, với một chút triết lý hiện sinh. Francoise Sagan và các nhân vật của
bà thường buồn chán, tiếng Pháp là l’ennui, nhưng không triết lý xa gần.
Còn các nhân vật nữ của Trùng Dương uống rượu ít hơn, và lúc nào cũng lý luận, tìm hiểu mọi sự ở đời. Như trong tác phẩm Vừa đi vừa ngước nhìn của Trùng Dương:
"Tôi còn được bố mẹ cho ăn nhờ ngày hai
bữa cơm, cho ngủ nhờ và không ngớt chê bai tôi là vô dụng vì tôi chê bai cả
chính tôi vì chính tôi chả là cái gì cả. Tôi thiếu một chỗ đứng, không có một
chỗ đứng. Biết vậy nhưng vẫn phải sống. Biết vậy, nhưng không thể chết. Để cứ
mãi chán ngán, buồn nản... Tôi không hiểu tại sao, bỗng dưng tôi lại tách rời
ra khỏi lứa tuổi của tôi để bây giờ muốn trở lại nhưng không tìm thấy đường
vào... cảm thấy mình trôi dạt vào một hòn đảo nhỏ xíu giữa biển sóng lớn nước
mênh mông. Ở
giữa đảo là một cái cây trụi lá..."
(Tình dục và các nhà văn nữ miền Nam 1955-1975 – Thế Uyên)
Thành ngữ hiện đại, hiện thực
Hồng nào hồng chẳng có gai
Gái nào gái chẳng…hai, ba thằng
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Trùng Dương - 2
Đọc những đoạn văn trên, thấy phảng phất đâu đây
không những không khí Francoise Sagan mà còn của cả anh chàng Roquentin ngồi
nhìn cái rễ cây trong công viên, thấy mình là thừa mứa đến buồn nôn lên được,
trong một tác phẩm nổi danh một thời của Jean Paul Sartre.
Nhưng là đàn bà, nhân vật của Trùng Dương không thèm để ý đến cái rễ cây hòn đá vô duyên, mà lao vào tình dục, một địa hạt đảm bảo là đỡ chán hơn, coi làm tình như một cách thế "để xác nhận mình đang sống, đang tồn tại". Một triết gia Pháp đã nói một câu để đời:"Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu", bây giờ Trùng Dương sửa lại cho hấp dẫn hơn, đại khái:"Tôi làm tình, vậy tôi hiện hữu". Nhân vật "tôi" của Trùng Dương còn tiến hơn một nấc nữa, bằng cách tách rời tình yêu với tình dục, love đi một đằng sex đi một nẻo, điều mà ở đàn ông mới thường thường hay có, còn đàn bà, thường phải có tình yêu, cảm tình trước đã, rồi làm tình sau.
Nhân vật nữ của Trùng Dương có thể làm tình
đã, còn có yêu hay không tính sau, như đàn ông vậy:
"Từ trước, tôi vẫn nghĩ rằng mình ghê tởm vấn
đề sinh lý. Nhưng lầu đầu tiên tôi thấy mình thèm muốn thực sự. Tôi ngạc nhiên
về sự thèm muốn ấy, nhất là tôi lại không thèm muốn anh, một người đàn ông, và
là một người đàn ông tôi không yêu... Trong lúc cô độc, người ta thường khao
khát, đôi khi cũng không ý thức là mình khao khát, thèm muốn nữa. Đêm thứ hai
nằm với anh, tôi nhận là mình cảm thấy thèm muốn. Sao không chứ? Anh đã thỏa
mãn tôi... Sự thực đối với tôi, sự việc ấy khá tự nhiên. Tôi ít gần đàn ông,
nhưng tôi yêu con người nên tôi yêu những gì gọi là tự nhiên của con người, như
những đòi hỏi của nó chẳng hạn...
Nhưng anh ạ, tại sao chúng ta phải hổ thẹn
khi đề cập tới việc ấy chứ? Tôi cho rằng phần lớn chúng ta đã bị thành kiến
nhiễm độc rồi. Thật ra việc yêu đương đâu phải là một tội lỗi. Tôi cho rằng chỉ
có những người biết yêu con người, như những nhà văn yêu thương và nâng niu
những nhân vật của mình mới hiểu được ý nghĩa sâu xa của việc thụ hưởng này...
Tôi đã trao thân cho anh và ý thức việc làm của mình. Tôi không hối hận, không
xấu hổ về việc làm ấy..." - (Mưa không
ướt đất)
(Tình dục và các nhà văn nữ miền Nam 1955-1975 – Thế Uyên)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Sau một loạt ấn bản “từ điển Vũ Chất” bị “tuýt còi” với lỗi ngô nghê, mới đây, lại có thêm một cuốn từ điển với cách giải nghĩa từ ngữ… giật mình, đó là cuốn “Từ điển tiếng Việt” do NXB Bách khoa Hà Nội biên soạn có những định nghĩa gây choáng váng, chẳng hạn như:
“con ranh” là “con đẻ ra thì chết”
Cà phê Hà Nội xưa và nay
Cà phê Hàng Hành
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có viêt bài về quán này với tựa đề: Cà phê Hàng Hành.
Ngõ Hàng Hành bên hồ Hoàn Kiếm dài hơn trăm mét có đến mấy chục hàng ăn, hàng cà phê. Ngõ Hàng Hành khi ấy chỉ là một ngõ nhỏ vắng vẻ chỉ đi vừa chiếc xích lô.
Ngõ Hàng Hành nhỏ bé ngày nào giờ đã trở thành Phố cà phê.
Xe đò than
Hình ảnh chiếc xe đò nhỏ chạy bằng than đốt trong cái thùng phía sau xe được lặp lại từ năm 1975 đến 1985. Thường người ta chỉ cải tiến xe đò là loại xe Renault cũ xì từ giữa thập niên 50.
Tuy giới lái xe gọi đó là xe đò hỏa tiễn nhưng nó chạy chậm hơn xe chạy xăng hoặc dầu. Có lúc xe chạy ì à ì ạch khi than cháy không hết, lơ xe phải dùng thanh sắt mở lò đốt cời than.
Hoặc thỉnh thoảng gặp đường vồng xóc, than văng ra khỏi cửa thông không khí, rớt xuống đường cháy đỏ rực. Xe đò hỏa tiễn chạy những đường ngắn như Sài Gòn – Long Khánh, Chợ Lớn – Cần Giuộc – Gò Công, Sài Gòn – Long An.
Trên mui phía đầu xe thường có thùng phuy nước dùng để làm nguội máy, kế tiếp là nơi chở hàng hóa cho khách buôn.
(Trang Nguyên)
Cà phê Hà Nội xưa và nay
ho tới thời điểm này, ở Hà Nội đã có gần một chục quán mang tên Cà phê Nhân do các con và cháu ông bà Thi Kỳ mở, như: Cà phê Nhân số 39D Hàng Hành, số 9 Láng Hạ, số 143 Nguyễn Thái Học, phố Đê La Thành.. Ngày nay phần đông mọi người thường tìm đến cà phê Nhân ở Hàng Hành.
Nhắc đến cà phê ở Hà Nội, người ta nhớ về một Hà Nội thâm trầm, cổ kính và thanh lịch. Tứ trụ “Nhân – Nhĩ – Dĩ – Giảng” nay là tam giác cà phê: “Nhân – Lâm – Giảng”.
Thành ngữ xuất xứ từ thơ cổ và điển cố - 1
Thành ngữ “bãi bể nương dâu” bắt nguồn từ thành ngữ tiếng Hán “滄海桑田” [thương hải tang điền], nói về những thay đổi lớn trong cuộc đời.
Tiếng Việt đã mượn thành ngữ này theo lối mượn ý dịch
lời. Về ý nghĩa, “bãi bể nương dâu” cũng nói đến sự đổi thay thế sự với bao nỗi nuối tiếc,
ngậm ngùi. Nó thường xuất hiện trong văn học cổ điển. Chẳng hạn,
trong bài “Ai tư vãn” của Lê ngọc Hân khóc vua Quang Trung:
Phút giây bãi bể nương dâu
Cuộc đời là thế biết hầu nài sao.
Hoặc:
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
Ai bày trò bãi bể nương dâu.
(Nguyễn Gia Thiều - Cung oán ngâm khúc)
(Nguyễn Ngọc Kiên)
Thành ngữ tục ngữ
Nước đục bụi trong
Thành ngữ nói lên cảnh trái ngược, những việc làm bất đắc dĩ, trái với ý muôn: nước trong ma lại
đục, bụi đục mà lại trong.
Ví dụ:
Lỡ làng nước đục bụi trong
Trăm năm để một tấm lòng từ đây.
(Truyện Kiều)
Tục ngữ ta có câu “Chết trong còn hơn sống đục” để khuyên ta sống trong sạch, thà chết còn hơn làm điều phi nghĩa, bất lương
Thành ngữ xuất xứ từ thơ cổ và điển cố - 2
Thành ngữ “bãi bể nương dâu” bắt nguồn từ thành ngữ
tiếng Hán “滄海桑田” [thương hải tang điền], nói về những thay đổi lớn
trong cuộc đời. Trong kiệt tác “Truyện
Kiều” Nguyễn Du đã không dưới hai lần dùng thành ngữ này ở dạng rút gọn:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
(Nguyễn Du - Truyện Kiều)
Hay:
Cơ trời dâu bể đa đoan
Một nhà để chị riêng oan một mình
(Nguyễn Du - Truyện Kiều)
Thói "ăn" nếp "ở" của người Việt
Tản mạn thêm chuyện bài bạc. Tứ sắc là trò chơi bài lá thông dụng ở miền Trung và miền Nam. Người viết biết chơi bài nầy từ nhỏ, được má, dì và bà ngoại chỉ vẽ vào những dịp Tết.
Thông thường, tứ sắc gồm bốn tay. Khi chơi có luật, nói theo "ngôn ngữ tứ sắc", cấm "ăn sang sông". Có nghĩa đại khái, tay bài không được phép xé đôi trong bộ tướng-sĩ-tượng, xe-pháo-mã hay bộ chốt để "ăn" bài trên tay của hai người ngồi bên phải đánh ra hoặc kéo từ trong "nọc", giành mất cơ hội của người khác.
Như vậy, từ "ăn" trong trường hợp này, có nghĩa là "giành lấy" (lá bài tứ sắc) về phần mình. Ai chơi trái luật, bị bắt quả tang, sẽ bị phạt đền, bù tiền cho những người thua bàn ấy.
Cũng chuyện đỏ đen, bài bạc. Vợ chồng Năm Chuột là dân cờ gian bạc lận, sống bằng nghề "bài ba lá". Ngày nào đi làm về, anh Năm cũng bị vợ vặn hỏi:
"Bữa nay ăn thua sao rồi?"
Không thoát đi đâu được, "ăn" ở đây đồng nghĩa với "thắng".
Giống như trong thành ngữ "ăn thua đủ", có nghĩa "so tài đọ sức cho tới lúc thắng thua minh bạch mới thôi":
Hoặc trong "ăn gian": Gian lận để thắng. Nhưng nhiều khi còn được sử dụng thay cho "gian dối":
Khi ai muốn dằn mặt, cảnh cáo kẻ khác, chỉ cần đeo vũ khí, đạn dược cho "ăn" là đủ:
"Nói cho mầy biết, chớ có đụng vô con nhỏ đó, chồng nó cho mầy ăn dao tức thì!"
Hoặc khi đi chung với những hành động không mấy nhẹ nhàng như "tát", "đấm", "đá", v.v… thì "ăn" có nghĩa "nhận lãnh, gánh lấy hậu quả" không mấy êm đẹp. "Con bé coi vậy mà dữ, tao chỉ mới khều mông một cái nhẹ hều, đã bị nó cho...ăn tát"
Đối với trẻ con, ăn gì cũng thích, chỉ không hảo mấy món "ăn đòn", "ăn roi", "ăn chổi lông gà", v...v....
(Ngô Nguyên Dũng)
Thành ngữ xuất xứ từ thơ cổ và điển cố - 3
Thành ngữ “bãi bể nương dâu” bắt nguồn từ thành ngữ tiếng Hán “滄海桑田” [thương hải tang điền], nói về những thay đổi lớn trong cuộc đời. Đặc biệt, những thành ngữ này thường dùng trong những lời thề ước, chẳng hạn :
Dẫu
rằng vật đổi sao dời
Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh
(Nguyễn Du - Truyện Kiều)
Hoặc:
Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non còn nước vẫn còn thề xưa
(Tản Đà – Thề non nước)
(Nguyễn Ngọc Kiên)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân
phổ
quát
Soạn giả giải thích rằng, phổ = rộng, khắp; quát = rộng ra; và phổ quát là phổ biến
rộng khắp. Ðịnh nghĩa từ “phổ quát” như vậy có thể coi là đúng, nhưng giải
thích từ tố quát thì sai.
Quát
là bao gồm chứ không phải
là rộng ra như lời giảng của soạn giả. Phổ quát nghĩa là bao trùm một phạm vi rộng rãi.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)
Rạp hát xưa: Những thiên đường của Tết
Nhiều rạp chiếu bóng, chiếu phim ngày xưa nay đã thành những trung tâm thương mại, nhà hàng. Lứa tuổi tụi tôi tìm lại kỷ niệm trên cánh đồng tuổi thơ mà hoài không thấy những Khải Hòan, Đại Nam, Rex, Oscar, Vĩnh Lợi, Lê Lợi...
(rạp Lê Lợi)
Tuổi nhỏ mộng mơ gắn liền với rạp hát để đi vào thế giới tưởng tượng và ước mơ, nên khi lớn lên, chuyện hiểu chút sự đời của chúng tôi ít nhiều đều dính dáng với rạp xinê, cải lương, nhờ bóng tối rạp xinê mới dám cầm tay em để thưởng thức một chút dịu ngọt đầu đời, thỉnh thoảng cũng có tiếng khóc chia tay trong khi phim đang chiếu.
“Đi ra nước ngoài thì mình đã xa lìa quê hương.
Nay về thăm lại quê hương thì khám phá ra mình mất ký ức” - bạn già tôi thốt
lên.
Không lẽ tôi lại nói với nó:
“Đâu chỉ có mình mầy!
(Lê Văn Nghĩa)
Phụ đính
Bảy Tay Súng Oai Hùng
Đạo diễn: John Sturges.
Diễn viên: Yul Brynner, Steve McQueen, Charles Bronson,
Eli Wallach, Robert Vaughn, James Coburn, Horst Buchholz.
Tôi đã được xem phim này ở rạp xi-nê Khải Hoàn.
Vòng quanh các rạp ciné Sài Gòn xưa
Nhắc đến các thú vui của dân tộc ta trong 3 ngày
Tết mà không có mục xem ciné thì quả là một điều thiếu sót. Tôi nhớ
hồi còn nhỏ, tiền lì- sì Tết được bao nhiêu là tôi cúng hết cho mấy ông chủ rạp
hát bóng ráo trơn. Thú thật là tôi mê ciné từ lâu lắm rồi, khoảng một ngàn
chín trăm…hồi đó. Mấy công thức toán học, vật lý thì tôi ù ù cạc cạc chứ
còn phim ảnh thì tôi rành 6 câu. Phim gì? Hãng nào? Ai đóng? Ai đạo diễn sản xuất? là tôi thuộc vanh vách. Thậm chí
đến cả ngày giờ sanh của tài tử điện ảnh tôi cũng nằm lòng luôn mặc dù đôi lúc
tôi quên sinh nhật của ba má tôi và của cả…chính tôi nữa. Mấy tấm vách ở nhà tôi dán đầy những
posters của Gary
Cooper, John Wayne, Burt Lancaster, Richard Widmark, Robert Mitchum, Kirk Douglas…, Ava Gardner,
Yvonne de Carlo, Susan Hayward, Jane Russell, Rita Hayworth…
(Nguyên Trần)
Phụ đính
Đạo diễn: John Wayne.
Diễn viên: John Wayne, Laurence Harvey, Richard Widmark.
Phim Rio Bravo chiếu ở rạp xi-nê Đại Nam.
Tôi thích Ricky Nelson vừa đánh đàn guitar vưa hát bài "Get Along Home, Cindy" in Rio Bravo
(xem kỳ tới rạp Minh Châu, Đại Đồng và Cao Đồng Hưng)
* 1 số ảnh và phim youtube lấy trên mạng
Mời Xem : Chữ Nghĩa Làng Văn kỳ15/8/2021- Ngộ Không Phi Ngọc Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét