Quá khứ hiện về, bồng bềnh như sương như khói trong màn sương mờ ảo giăng kín khắp mặt sông. Tiếng ca ai oán nức nở của người kỹ nữ hòa điệu với tiếng đàn tranh réo rắt theo điệu Nam Ai sâu lắng. Trăng đã tàn, gà của làng Thọ Xương đã gáy canh tư... ký ức chập chờn, huyền ảo,lung linh để cho hồn người không thể dứt được cõi mơ, quay về trở về cõi thực.
Vẳng trong tiếng sóng vỗ bên mạn thuyền, chập chờn ánh sáng dần lên ở đường chân trời phía xa xa...
" Mai đây bỏ Huế rồi quên Huế
Quên được làm sao bữa rượu này "
Nguyễn Bính
Vùng đất địa linh nhân kiệt này đã làm hao tốn biết bao giấy mực của các văn sĩ, thi sĩ lẫn nhạc sĩ trong nước từ suốt thế kỷ thứ mười lăm đến bây giờ để công chúng có được gia tài đồ sộ về những sáng tác âm nhạc lẫn văn học để đời trong tài sản văn hóa Việt.
Mối giao cảm khi bắt gặp sự rung động sâu lắng trong tâm hồn của nhạc sĩ Dương thiệu Tước qua bài Đường Thi Trong Âm Nhạc "Đêm tàn Bến Ngự" đã ngân dài khúc bịn rịn, lưu luyến, tiếc nuối, đoạn trường của sự chia ly qua những câu thơ của nhạc sĩ Văn Cao:
“ Em cạn lời thôi anh dứt nhạc
Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh
Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh...”
Văn Cao
Có thể nói ca khúc bất hủ Đêm tàn bến Ngự này đươc xem như một bản Đường thi trong gia tài âm nhạc của cố nhạc sĩ Dương thiệu Tước được viết trên nền nhạc ngũ cung xứ Huế. Với một nhạc sĩ say đắm với âm nhạc bác học Tây phương và chơi thành thạo một số nhạc cụ phương Tây thì có lẽ tình yêu thơ mộng và thi vị với ca sĩ Minh Trang (Ngọc Trâm), một công chúa nhà Nguyễn, tài sắc vẹn toàn và xuất thân của cả hai trong những gia đình trâm anh thế phiệt mới có những rung động sâu lắng và mớ màng đến thế. Ta nghe trong gió trong sương tiếng đàn sáo chập chùng, tiếng thời gian lẫn vào trong tiếng sột soạt của bóng đêm len lén ra đi nhường chỗ cho một ngày sắp rạng. Khép lại một quá khứ hào hùng của một giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc'
"Chiều chiều trước bến Vân Lâu
Ai ngồi,ai câu,ai sầu,ai thảm
Ai thương ,ai cảm,ai nhớ,ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non."
Sinh ra trong gia đình quyền quý đất Bắc và vì tình yêu với người đẹp, chàng Dương đã dạo gót đến cố đô trầm mặc để rồi phải lòng với cảnh sắc của đất trời cố đô, lắng trong tiếng thông reo rì rào của đồi Thiên An mơ mộng, thắm hương theo những chiếc lá Thạch Xương Bồ đang đắm mình theo dòng trôi của con sông Bồ đang chuyền hướng từ phía Tuần, ẻo là và lười biếng qua kỳ đài Huế, để rồi thoát xác thành dòng Hương giang, ngắm thành quách ngái ngủ trong bóng ngày đi trước khi chảy qua cầu Trường Tiền thơ mộng rồi xuôi ra Thuận An theo sóng nứớc dập dềnh hòa vào Thái Bình Dương mênh mông sóng biếc...
" Thuyền mơ trong khúc Nam Ai,
Đàn khuya trên sông ngân dài.
Ai luyến ai tiếc khúc ca Tần Hoài!
Ôi! vẳng nghe tiếng ai âm thầm trầm ngân "
Hãy để cho không gian và thời gian lắng đọng trong giai điệu bất hủ này của Cố nhạc sĩ tài hoa họ Dương...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét