Phương Phương
Cảnh Chánh dịch từ bản tiếng Trung
TTCT – “Khi gỡ bỏ lệnh phong thành, có lẽ còn
có những cảm xúc phức tạp, các loại di chứng sẽ xuất hiện. Ví dụ như trẻ
con có dám ra đường không, người lớn có dám nói chuyện với nhau ở cự ly
gần không… Nỗi sợ hãi về dịch bệnh sẽ còn tồn tại rất lâu” – Nhà văn
Phương Phương, tác giả Nhật ký Vũ Hán đình đám.
0h22 ngày 25-3, nhà văn Phương Phương đăng tải
phần kết của Nhật ký Vũ Hán những ngày phong thành trên WeChat, trên
blog của trang tin tài chính Tài Tân. Từ ngày 25-1 đến 24-3, suốt 60
ngày là 60 trang nhật ký của bà ghi lại trận dịch bệnh COVID-19 mang
tính lịch sử, lời kết bà dẫn lời trong Kinh thánh: “Ta đã chiến đấu anh
dũng trong trận mạc, đã hoàn tất cuộc chạy đua và giữ vững đức tin”.
Bà trò chuyện với trang tin tài chính Tài Tân sau khi kết thúc hành trình ghi chép đặc biệt này.
🍁🍁🍁🍁🍁
Khi nào bà biết tin Vũ Hán
xuất hiện dịch bệnh COVID-19?
- Là ngày 31-12-2019, anh Hai tôi là người biết
tin đầu tiên. Gia đình tôi có nhóm chat 4 người, gồm tôi và 3 người anh
của tôi. 10 giờ sáng 31-12-2019, anh Hai tôi gửi bài viết nói “Vũ Hán
nghi ngờ xuất hiện dịch bệnh viêm phổi lạ”, trong đó mở ngoặc ghi là
“SARS”. Anh tôi nói không biết có đúng sự thật không. Anh Ba tôi liền
khuyên mọi người đừng nên ra ngoài. Sau đó, anh Hai tôi xác nhận thông
tin đó là thật và cho biết Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã đến Vũ
Hán. Vì anh Tư của tôi ở gần chợ hải sản Hoa Nam, do đó tôi nhắn anh
đừng đi bệnh viện nữa. Nhưng anh Tư tôi xuống dưới nhà quan sát thì thấy
Bệnh viện trung ương ở Hán Khẩu vẫn hoạt động bình thường, anh cứ tưởng
sẽ có rất nhiều phóng viên
vây quanh.
Rất nhanh, tôi nhận được những đoạn clip về chợ
hải sản Hoa Nam, về Bệnh viện trung ương từ bạn bè, tôi liền gửi ngay
cho người nhà và nhắc nhở anh Tư ra ngoài phải đeo khẩu trang, thậm chí
khuyên anh qua Tết tây thì tạm đến nhà tôi ở, vì dù sao nhà tôi cũng ở
khu ngoại ô Giang Hạ, cách Hán Khẩu khá xa. Anh Tư bảo để xem tình hình.
Anh Ba thì cho rằng đừng quá lo lắng, rằng chính phủ sẽ không ém nhẹm
thông tin, nếu không sẽ có lỗi với bá tánh. Tôi về cơ bản cũng có suy
nghĩ như anh Ba, cảm thấy chuyện lớn như vậy chính phủ không thể nào
giấu giếm được, không thể không cho người dân biết sự thật.
Sáng 1-1, anh Hai tôi gửi tin chợ hải sản Hoa Nam đóng cửa của tờ Vũ Hán Buổi Tối.
Anh Tư vẫn nói gần nhà anh không có gì khác thường, mọi người vẫn người
nào việc nấy. Là một người dân thường, hôm đó chúng tôi đã rất quan tâm
vấn đề này. Biện pháp của chúng tôi vẫn không khác bây giờ, đó là đeo
khẩu trang, ở trong nhà, không ra ngoài. Tôi tin rằng những người Vũ Hán
khác cũng sẽ như tôi, sau khi trải qua nỗi sợ hãi của đại dịch SARS,
không ai lại không quan tâm những thông
tin trên.
Khi nào bà cảm thấy tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng?
- Khoảng giữa tháng 1, thời gian đó trong dân
chúng đã có rất nhiều tin đồn. Lúc đó cũng chưa cảm nhận có gì nghiêm
trọng, chỉ nghe nói có căn bệnh truyền nhiễm, có nhiều người bị lây. Tôi
bắt đầu đeo khẩu trang từ ngày 18-1, cũng yêu cầu cô giúp việc đeo khẩu
trang khi đi chợ.
Khi nghe tin phong thành, bà nghĩ ngay
đến gì? Có nghĩ đến việc rời khỏi thành phố không? Bà có cảm nhận gì về
những người Vũ Hán chọn cách rời khỏi thành phố ngay trước giờ phong
thành?
- Tôi có lẽ là người biết thông tin phong thành
sớm nhất. Vì tối 22-1 tôi đi sân bay đón con gái, về nhà đã là 1 giờ
sáng 23-1. Ngày thường tôi cũng hay ngủ trễ, mở di động ra thì thấy tin
phong thành. Tôi không hề có ý định rời khỏi thành phố, đương nhiên cũng
không ngờ tình hình sau đó lại trở nên nghiêm trọng như vậy. Tôi có thể
thông cảm cho những người lựa chọn rời khỏi thành phố trước thời khắc
phong thành, trốn chạy đi tìm sự sống là bản năng của con người. Những
người “ném đá”, tôi tin nếu như họ ở Vũ Hán, phần lớn sẽ là những người
trốn chạy đầu tiên.
Thời gian phong thành cuộc sống hằng ngày của bà như thế nào? Có thiếu thốn gì không?
- Tôi vốn ngủ trễ, do đó thường ngủ đến giữa
trưa, rạng sáng mới đi ngủ. Thường viết văn vào ban đêm, buổi chiều thì
làm việc nhà, nấu cơm, tìm hiểu thông tin dịch bệnh. Cuộc sống của tôi
không thiếu thốn thứ gì vì mới đón tết, trong nhà cũng có mua sắm đôi
chút, bạn bè đồng nghiệp cũng mua đồ giúp tôi. Chưa kể thường xuyên nhận
được những túi rau do các mạnh thường quân tặng, với sức ăn của tôi,
một túi rau có thể ăn đến mấy ngày.
Những thay đổi lớn nhất của bà sau khi phong thành là gì?
- Kế hoạch năm nay của tôi là hoàn thành tiểu
thuyết đang dang dở. Phong thành làm thay đổi tâm trạng của con người,
nhìn thấy cuộc sống thê thảm, sự đau thương và phẫn nộ tột cùng của
người dân Vũ Hán. Không biết là khi dịch bệnh kết thúc, họ có phải chết
một cách oan uổng không? Tôi rất lo những người còn sống, vì lợi ích
trước mắt mà hoàn toàn lờ đi việc những người chết đã ra đi như thế nào.
Thời gian đó bà có lo sợ mình bị nhiễm bệnh không?
- Tôi không có gì lo sợ lắm. Vì tôi ở ngoại ô
thời gian dài, sau khi điểm lại những chỗ mình đi, những người từng gặp,
tính toán thời gian thì thấy khả năng lây nhiễm không cao. Nhưng cũng
không thể loại trừ. Tôi cứ mỗi ngày lại đếm giảm đi 1 ngày, đến sau tết
thì cơ bản đã loại trừ khả năng lây nhiễm của mình. Nhưng quá trình đó
thật ra nghĩ kỹ lại cũng vô cùng buồn rầu.
Thời kỳ dịch bệnh bùng phát, tâm trạng
người dân Vũ Hán cứ như ngồi tàu lượn siêu tốc, lúc đau khổ, cảm động,
lúc phẫn nộ và hoảng sợ. Trong quá trình đó, việc khiến bà đau khổ nhất,
phẫn nộ nhất và cảm động nhất là gì?
- Việc đau khổ nhất chính là cái chết. Cái chết
của người quen, của bạn học; rất đau khi biết tin mọi người bất lực cầu
cứu để được cứu chữa. Đau nhất là cái chết của cả gia đình đạo diễn
Thường Khải. Phẫn nộ nhất là việc bỏ lỡ mười mấy hai mươi ngày trong
thời gian đầu dịch bệnh bùng phát, dẫn đến sự hỗn độn nghiêm trọng ở
giai đoạn sau, đó chính là tai họa do con người gây ra. Cảm động nhất là
tấm lòng nhân ái không sợ hiểm nguy của đội ngũ y bác sĩ; sự kiềm chế
của người dân Vũ Hán và tình cảm sâu nặng của họ đối với bác sĩ Lý Văn
Lượng (1).
Nhật ký của bà trở thành cánh cửa để mọi
người tìm hiểu về dịch bệnh ở Vũ Hán. Có những người không sống ở Vũ Hán
nói mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên là đọc nhật ký của bà, bà có cảm
thấy bất ngờ không? Theo bà thì tại sao nhật ký lại gây sốt như vậy?
- Không chỉ bất ngờ bình thường đâu, mà tôi hoàn
toàn chưa từng nghĩ đến. Tôi không hề biết tại sao lại như vậy, việc tôi
viết linh tinh trên Weibo không phải chuyện mới đây, do đó việc được
chú ý khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Tôi không xem Weibo của người khác,
nên không biết giữa tôi và họ có gì
khác nhau.
Nguyên do gì bà bắt đầu viết nhật ký? Tâm trạng của bà khi viết như thế nào?
- Cũng không có nguyên do gì, chỉ là do vị chủ biên tạp chí Thu Hoạch
đặt hàng. Lúc đó tâm trạng tôi không được tốt, cũng chưa muốn viết, sau
lại nghĩ ghi chép lại một số việc cũng hay. Trước đó chỉ là tùy tiện
viết lúc nào cũng được vì Weibo cũng không có hạn chế, nên rất tiện lợi.
Sau đó tôi sử dụng tài khoản WeChat của bạn để đăng tải. WeChat quy
định mỗi ngày chỉ có thể đăng 1 bài, sau 12 giờ đêm mới có thể đăng, nên
tôi đổi sang viết vào ban đêm. Với lại lúc đó có rất nhiều tư liệu.
Rất nhiều người xem nhật ký của bà như
nhật ký thời chiến, có nhắc đến thông tin liên quan về tình hình dịch
bệnh, tuyến đầu phòng chống dịch, rất nhiều thông tin đến từ bạn bè,
người thân. Không đi đến tuyến đầu phòng chống dịch, bà làm sao sàng lọc
và lựa chọn thông tin để đưa vào nhật ký? Tiêu chuẩn lựa chọn tư liệu
của bà là gì?
- Đây không phải nhật ký thời chiến, xác định như
vậy là không đúng, đây chỉ là nhật ký của nạn nhân. Tôi cũng là một
trong những nạn nhân ở Vũ Hán. Tôi không có tiêu chuẩn gì, chỉ là nghĩ
đến đâu viết đến đó. Tư liệu thì đầy rẫy, trên mạng, mỗi ngày đều có
người kể về câu chuyện xung quanh mình.
Đương nhiên những vấn đề chuyên môn tôi sẽ hỏi
bác sĩ. Loại hình ghi chép cá nhân quan trọng là cảm xúc và cách nhìn cá
nhân, khác hoàn toàn với đưa tin của phóng viên. Với lại, nó không có
nhiệm vụ nào hết, không có trách nhiệm hay phải hoàn thành yêu cầu cấp
trên, do đó rất tùy ý. Cuộc sống vốn là những câu chuyện nhỏ nhặt, đó là
những điều không tránh khỏi của nhật ký cá nhân. Thông tin không kiểm
chứng cẩn thận cũng khó tránh khỏi, nhưng không nhiều. Ví dụ như mái nhà
Bệnh viện Lôi Thần Sơn bị gió thổi tốc mái, tôi viết thành Bệnh viện
Hỏa Thần Sơn, đó là sai tên, nhưng nội dung vấn đề vẫn không sai.
Có người cho rằng bà là người phê bình,
có người cho rằng bà là người biện hộ, bà lựa chọn và cảm nhận thế nào
về vai trò của mình?
- Ghi chép cá nhân chỉ là ghi chép dạng nhật ký,
không có gì to tát. Tôi luôn nhấn mạnh phải thực sự cầu thị, đáng phê
phán thì phê phán, đáng biện hộ thì biện hộ, tôi đâu cần phải lấy lòng
ai đó. Cứ xem nó như ghi chép trong tâm dịch của một người bình thường
là được.
Công nhân ăn trưa trong một nhà máy ở Vũ Hán vừa mở cửa trở lại. Ảnh: Getty Images
Trong nhật ký của bà có phê bình một số
sai sót trong thời gian đầu chống dịch, bà không sợ sẽ khiến các cơ quan
liên quan không vui sao? Ngoài ra, bà cũng nhắc đến việc quan chức
không dễ dàng gì, có cư dân mạng cho rằng bà đang biện hộ cho quan chức,
bà nhận xét gì về những chỉ trích này? Bà là người từng làm trong biên
chế, có rất nhiều bạn làm quan, trong thời gian này những người bạn đó
có thổ lộ gì với bà không?
- Họ không vui liên quan gì đến tôi? Tôi bị nhốt
trong nhà từng ấy ngày, 9 triệu người dân Vũ Hán không được ra khỏi nhà,
5 triệu người dân Vũ Hán không được về nhà, còn biết bao nhiêu bá tánh
đang phải chịu khổ, những cơ quan liên quan có nên suy nghĩ về vấn đề
người dân có vui hay không?
Có một số cư dân mạng chỉ trích quan chức chỉ vì
những chuyện vặt vãnh như phát âm sai, hoặc vì cái nón của thị trưởng,
tôi cảm thấy đó chỉ là những chuyện cỏn con. Đang trong lúc tập trung
toàn lực để chống dịch, những chuyện đó có thể bỏ qua không truy cứu.
Nhưng chúng ta nhất định phải truy cứu những chuyện lớn, đó chính là khi
người dân đang chịu khổ như vậy, quan chức đã làm tốt công việc an dân
chưa?
Chưa kể lúc đó tình hình Vũ Hán đang căng thẳng
như thế nào, người ngoài không hề biết. Trong thời kỳ dịch bệnh, chỉ có
quan chức làm việc, sai sót nhỏ thì thôi bỏ qua, đó là quan điểm của
tôi. Không có quan chức nào đến thổ lộ với tôi, dù tôi là người trong
biên chế nhưng không phải làm quan, cũng không qua lại nhiều với quan
chức, dù thân với rất nhiều người.
Nhật ký gây sốt cũng đem đến không ít phiền phức cho bà, bà làm thế nào đối phó với những quan tâm và phiền phức đó?
- Chẳng phải là những lời khó nghe của phần tử
cực tả sao? Hầu như tất cả phần tử cực tả đều ló dạng. Nhưng chẳng để
làm gì. Trình độ của họ quá kém, chỉ cần không vi phạm pháp luật rõ ràng
như tung tin đồn, cơ bản là chẳng đáng quan tâm, để mặc họ tự sướng.
Với lại, trong số họ có những người viết bài “ném đá” cũng chỉ vì tiền
thưởng, họ đang kiếm tiền vì đó là nghề của họ, tôi càu nhàu họ làm gì?
Làm gì thì làm, cũng không nên đạp đổ chén cơm của người khác.
Sáng tác trong tâm dịch có khác gì với
những lần sáng tác trước đây của bà không? Nhật ký có bao nhiêu phần
trăm là ghi chép của người trong cuộc, bao nhiêu phần trăm là sáng tác
của nhà văn?
- Vừa là người trong cuộc vừa là người mắt thấy
tai nghe. Tôi cũng là 1 trong 9 triệu người Vũ Hán bị nhốt trong nhà, đó
là sự thật không thể chối cãi. Tuy tôi không thể ra ngoài, nhưng
Internet đã cho tôi điều kiện để tìm hiểu những gì xảy ra ở Vũ Hán, đó
chính là thông tin trên điện thoại, clip và các loại thông tin. Ngoài
những thông tin, clip của phóng viên và thông tin trên mạng xã hội của
người dân, tôi còn rất nhiều bạn học, hàng xóm, bạn bè, người quen, đồng
nghiệp. Họ và tôi đều là những người trong cuộc tận mắt chứng kiến mọi
thứ. Khi trò chuyện với tôi, họ kể tôi nghe rất nhiều câu chuyện, có
những chuyện xảy ra với chính gia đình họ.
Trong nhật ký, bà có nhắn nhủ đồng nghiệp
Hồ Bắc rằng: “Nếu có nịnh nọt, xin hãy có chừng mực”. Bà suy nghĩ thế
nào về hiện tượng một số trí thức chỉ biết khen ngợi, ca tụng mỗi khi
xảy ra tai họa?
- Ôi, thói nịnh hót đâu phải giờ mới thấy? Mỗi
khi thảm họa ập đến lại nhan nhản những bài thơ văn ca ngợi. Khi tôi nói
những lời đó, Vũ Hán đang rất đáng thương tội nghiệp, trong lòng tôi
lúc đó đầy sự phẫn nộ. Thực tế ngoài tôi ra, còn rất nhiều người Vũ Hán
đang ghi chép, trí thức cũng có nhiều người đang ghi chép. Trong nhà tôi
đều theo ngành khoa học tự nhiên, không quan tâm chính trị, rất dát
gan, đều là những người thật thà nghiên cứu. Vì tôi làm ngành này, cứ
nghĩ đến có người a dua nịnh hót thì cảm thấy cần phải nhắc nhở họ. Vũ
Hán trải qua thảm họa trầm trọng, có thể có một số người không hiểu, vẫn
còn ca ngợi loạn cả lên, vì vậy lúc đó mới nhắn nhủ thế.
Bà viết trong nhật ký: “Một hạt cát của
thời đại, rơi xuống đầu của người dân, đều là một ngọn núi, vậy mà chúng
ta đang ở trong thời đại bụi bay mịt mù”. Bà cho rằng trí thức có trách
nhiệm gì khi đất nước gặp tai vạ?
- Chẳng lẽ trước thảm kịch lớn của người dân và
đất nước, chỉ có trí thức mới phải gánh vác? Đúng ra tất cả mọi người
đều phải chung tay gánh vác. Nhưng có gánh vác được không, gánh vác như
thế nào thì tùy thuộc vào lựa chọn cá nhân, cũng tùy vào năng lực
cá
nhân.
Theo bà, dịch bệnh lần này có ảnh hưởng
gì đến tâm lý người dân Vũ Hán? Khi dịch bệnh qua đi, người dân cần làm
gì để xoa dịu tâm lý?
- Những tổn thương mà người dân Vũ Hán phải hứng
chịu là rất lớn. Những người đã qua đời, họ kêu trời trời không thấu,
kêu đất đất không linh để mong được chữa trị, tôi tin họ đã tuyệt vọng
đến cùng cực. Người mất thì đã mất, nhưng người nhà vẫn còn đó, họ đã
cùng trải qua những thời khắc đau thương.
Bỏ qua những người chịu nhiều tổn thương nhất,
chỉ riêng Vũ Hán đã có 9 triệu dân bó gối trong nhà hơn 60 ngày, đó là
sự tổn thương nội tâm như sự buồn bực, ức chế, ấm ức. Khi gỡ bỏ lệnh
phong thành, có lẽ còn có những cảm xúc phức tạp, các loại di chứng sẽ
xuất hiện. Ví dụ như trẻ con có dám ra đường không, người lớn có dám nói
chuyện với nhau ở cự ly gần không… Nỗi sợ hãi về dịch bệnh sẽ còn tồn
tại rất lâu. ■
(1) Một bác sĩ nhãn khoa công tác tại Bệnh
viện Trung ương Vũ Hán, một trong những người đầu tiên lên tiếng cảnh
báo sớm về SARS-CoV-2 và qua đời vì nhiễm virus này. Anh được tôn vinh
như một anh hùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét