8 thg 4, 2020

Không nên can thiệp để sửa chữ Quốc ngữ lúc này' (BBC )


Công trình có tên "Chữ Việt Nam song song 4.0" - một sự kết hợp giữa đề tài nghiên cứu nhiều năm 'dùng chữ thay cho dấu' của Kiều Trường Lâm (Hà Nội) và 'chữ tiếng Việt nhanh' của Trần Tư Bình (Úc) vừa được cấp bản quyền đã vấp phải nhiều phản đối, dù tác giả đang hi vọng bộ chữ sẽ được đưa vào giảng dạy cho học sinh trong tương lai.
Theo các tác giả, công trình này cho phép viết chữ tiếng Việt không dấu, và giúp "tiết kiệm 25- 30% thời gian viết, hoặc gõ chữ so với kiểu viết thông thường hay gõ telex hoặc bất kỳ kiểu gõ nào khác" trên máy tính.
Trao đổi về tính thực tiễn của công trình, dịch giả, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Nguyễn Việt Long từ Hà Nội nói với BBC News Tiếng Việt:
"Nói chung chuyện ai nghĩ ra cái gì, sáng tạo dù hay dù dở đều có quyền bảo vệ công trình của mình thông qua việc xin cấp bản quyền. Không nên mạt sát các tác giả mà chỉ nên bàn luận về khía cạnh khoa học và thực tiễn, có ích hay không đối với xã hội."

"Tuy nhiên, có một số điều bất cập khiến tôi cho rằng không nên đưa công trình tiếng Việt không dấu của ông Lâm và ông Bình vào giảng dạy."

Có gì ưu việt hơn công trình của PGS Bùi Hiền?

 



Image caption Quy tắc chữ tiếng Việt nhanh của tác giả Trần Tư Bình
Trước đó, dư luận Việt Nam từng xôn xao về công trình cải tiến chữ quốc ngữ của PSG Bùi Hiền, trong đó các ý kiến nhìn chung là phản đối.
Dịch giả Nguyễn Việt Long cho rằng giống như sản phẩm của PGS Bùi Hiền, sản phẩm của Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình chỉ là "công trình tồn tại song song với chữ Việt đang dùng hiện nay", chứ không phải công trình 'về tiếng Việt'. Và độc giả không nên nhầm lẫn.
"Mục đích sản phẩm của PGS Bùi Hiền là "mỗi chữ cái chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái biểu đạt", nhưng chưa đạt được điều này hoàn toàn, và có những bất cập mới."
"Còn sản phẩm của hai tác giả nói trên không đề cập gì đến âm vị mà chỉ có một mục đích là cô gọn chữ viết đến mức tối đa bằng mọi giá, nên nảy sinh nhiều quy tắc rắc rối hơn, chồng lên nhau thành nhiều lớp, giống như trò đánh đố lắt léo về mã hóa chữ viết vậy."

'Những bất cập mới'

 Image caption Quy tắc dùng chữ thay cho dấu của tác giả Kiều Trường Lâm

Một trong những quy tắc được công trình "Chữ Việt Nam song song 4.0" áp dụng, là dùng chữ cái để thay cho dấu thanh điệu. Nhưng theo dịch giả Nguyễn Việt Long, điều này không mới.
"Việc thay dấu thanh điệu bằng chữ cái thì ngay từ nửa đầu thế kỷ 20, nhiều người đã làm (Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Triệu Luật,...)."
"Tuy nhiên việc này không được chấp nhận vì nó khiến những âm gần nhau trở nên xa nhau ra và tạo ra rắc rối, khó nhớ. Số phận của chúng cũng giống như của công trình La-tinh hóa chữ Hán loại đầu tiên, gọi là Quốc ngữ La Mã tự (Gwoyeu Romatzyh) do Triệu Nguyên Nhiệm khởi xướng. Đó là dùng chữ cái La-tinh để ghi 4 thanh điệu của tiếng Hán."
"Ở đây, hai tác giả "Chữ Việt Nam song song 4.0" còn đi xa hơn, là thay hết các dấu mũ, dấu trăng và dấu móc của các chữ ă, â, ê, ô, ơ, ư để không còn một dấu nào ở trên các chữ cái nữa."
"Như vậy, những âm khá gần nhau về thanh điệu, như mai, mài, mải, mãi, mại, mái (mà các ngôn ngữ không thanh điệu của châu Âu coi như nhau), hoặc 'nhăn' và 'nhân' hay 'nhu' và 'như', khi viết theo cách mới bị kéo ra xa nhau, lại thêm chữ cái ở cuối từ thay dấu, na ná như phụ âm cuối tiếng Tây, trông rất kỳ quặc."
"Do có tham vọng "nén chữ" bằng mọi cách và để sau khi nén, chữ mới không trùng với chữ không nén, nên các tác giả huy động rất nhiều chữ cái tham gia tạo thành các tổ hợp chữ không có trong chữ Việt hiện nay, phạm vào một nguyên tắc nên tránh: cùng 1 ký tự dùng để ghi hơn 1 âm (âm vị)."
"Ví dụ chữ g ở đầu từ vẫn là g, nhưng lại dùng ở cuối từ để thay thế cho ng. Các vần dài từ hai nguyên âm trở lên và các phụ âm cuối đứng sau các vần này hầu như đều bị thay đổi. Kết quả là cùng một chữ cái lại ghi nhiều âm khác nhau và ngược lại, gây rối cho người đọc."
"Ví dụ chữ w dùng để thay chữ ng, ngh ở đầu câu, đồng thời lại thay cho cụm các nguyên âm êu, eo, ơu trong cụm iêu, yêu, oeo, ươu (thành iw, yw, ow, uwo), chữ y thay thế cho uy, và yue (biến đổi trung gian của yuê) đồng thời lại thay thế cho dấu mũ của các chữ â, ê, ô nếu các chữ này không có dấu thanh điệu, thành ra yuên = yly."
"Cách thay thế vô lối nói trên còn biến những chữ cái có phát âm tương đối giống nhau trong mọi ngôn ngữ dùng chữ La-tinh sang để biểu thị những âm khác xa với âm quen thuộc, ví dụ dùng w để thay cho ng, ngh (đồng thời lại thay cho cụm các nguyên âm êu, eo trong cụm iêu, yêu, oeo). Như vậy từ ngoéo trở thành wewj. Người nước ngoài học tiếng Việt sẽ thấy kỳ quặc và khó học.
"Trong tiếng Việt có một số tổ hợp chữ có cùng âm vị (nôm na là phát âm giống nhau), đó là ia, ya, yê và iê, ua và uô, ưa và ươ. Khi rút gọn, các tác giả không dựa vào kiến thức này để rút gọn nên ra các tổ hợp khác nhau."
"Bất cập nữa là sự biến đổi này phải theo thứ tự và xếp thành lớp sau đè lớp trước. Ví dụ chữ khuyến thì bước một đổi kh thành k, yuê thành y và phụ âm cuối n thành l, bước hai đổi ế trong tổ hợp này thành b, rút cục ta có khuyến = kylb, từ Nguyễn sẽ thành Wylg."
"Tóm lại, điều dễ thấy là quy tắc thiếu nhất quán và lộn xộn, không theo quy tắc ánh xạ một - một, gây rắc rối cho người đọc. Ưu điểm của tiếng Việt so với một số ngôn ngữ phổ biến như tiếng Anh hay tiếng Pháp là bám theo âm, gần như viết thế nào đọc thế ấy (có rất ít ngoại lệ có quy tắc) qua sản phẩm này bị triệt tiêu," dịch giả Nguyễn Việt Long phân tích.

'Không nên can thiệp để sửa chữ Quốc ngữ lúc này'

"Qua phân tích ở trên thì rõ ràng là không nên đưa công trình tiếng Việt không dấu của ông Lâm và ông Bình vào giảng dạy," ông Nguyễn Việt Long nêu quan điểm với BBC.
"Một vài ưu điểm mà tác giả nêu ra như một công cụ viết rất nhanh, có thể tiết kiệm 25- 30% thời gian so với kiểu gõ telex thông thường thì chưa rõ ràng, vì hiện tại chưa có phần mềm nào áp dụng cách viết này, mà nếu có làm thì thuật toán khá rắc rối vì sự không nhất quán khi biến đổi ký tự."
"Còn để đánh hay viết chữ thông thường thì cách gõ và viết hiện nay đều tương đối ổn, dài ngắn một chút không đáng kể nhưng rất dễ nhớ. Nó cũng không dùng để viết tốc ký được vì tốc ký cần gọn hơn, thậm chí dùng cả chữ hoặc ký tự khác viết tắt khi viết tay, theo một quy ước nào đó còn nhanh hơn nhiều."
"Chữ Việt ra đời sau chữ Anh hay Pháp nên ký âm sát hơn nhiều và hiện nay dùng khá ổn. Tất nhiên qua thời gian có sự sai lệch nhất định, nhưng vấn đề này không thể giải quyết triệt để bằng chữ viết do phương ngữ vùng miền phát âm khác nhau."
"Chẳng hạn ta viết Võ Văn Dân nhưng sẽ có nhiều biến thể âm khác nhau theo vùng miền, mà xa nhất có lẽ viết ra sẽ là 'Dzỏ Dzăng Dzâng."
"Vậy nên chỉ tồn tại một chữ viết "chuẩn" theo quy định để áp dụng trong toàn quốc thôi."
"Chữ Anh chữ Pháp không mấy ai đòi cải tiến, thì chữ Việt càng không cần, khi so sánh lợi hại. Người Việt giờ rất dị ứng với cải cách chữ viết, nên theo tôi mọi cải cách mạnh mẽ sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt, vì kéo theo nhiều hệ lụy về kho tư liệu, thay đổi thói quen, v.v., gây tốn kém về kinh tế."
"Tôi đồng ý với ý kiến của GS TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, là "không nên can thiệp để sửa chữ Quốc ngữ lúc này, riêng chuẩn chính tả thì cần bàn thêm", cụ thể là "chuẩn chính tả đối với những trường hợp có sự tranh chấp diễn đạt, như i/y, vấn đề viết hoa, vấn đề phiên âm, vấn đề vị trí dấu thanh", dịch giả Nguyễn Việt Long nói.
Nhận định của ông Long cũng trùng với ý kiến của PGS TS Nguyễn Hồng Cổn - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội trên Tuổi Trẻ, rằng công trình này được đề xuất một cách chủ quan, không tính đến cơ sở khoa học của chữ viết, thói quen và tâm lý người sử dụng, vì vậy không có khả năng áp dụng trong thực tế.

Tác giả nói gì?

Trên Facebook cá nhân, tác giả Kiều Trường Lâm bày tỏ: "Cảm ơn các bạn đã phản biện và bình luận rất nhiều về công trình của tôi. Những ý kiến của các bạn đều đáng được trân trọng và ghi nhận. Thân ái!"
Trước đó nữa, sau khi nhận nhiều phản bác gay gắt, thậm chí những từ ngữ lăng mẹ, ông Lâm phản bác: "Chữ Việt Nam song song 4.0" là một ứng dụng giống như bao nhiêu ứng dụng khác mà các bạn đang sử dụng trên điện thoại không phải là chữ cải tiến để thay thế chữ Quốc ngữ."
"Trong tất cả các bài báo đã đăng lên các trang web, tất cả tôi đều đề cập về ứng dụng. Một ứng dụng mới ra đời, các bạn có thể sử dụng hoặc không sử dụng đó chính là sự lựa chọn của các bạn. Tại sao tất cả các bạn a dua lăng mạ, xúc phạm tôi khi công trình của tôi chỉ là một ứng dụng chứ không phải là công trình cải tiến để thay thế chữ quốc ngữ?"
"Sáng tạo một ứng dụng là quyền của mỗi người. Việc nó có ứng dụng trong cuộc sống hay không là một câu chuyện khác."
"Vậy tôi sáng tạo một ứng dụng có gì là sai?"

🍇🍇🍇🍇🍁🍁🍁🍁🍁🍁🍃🍃🍃🍃
Xem Thêm :Chữ Việt song song: Sáng tạo đáng nể hay rắc rối, 'đọc trẹo cả mồm'?
(Ảnh từ FB )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét