Tô Văn Trường
Ngày 18 tháng 4 năm 2020
Tiến sỹ Tô Văn Trường là chuyên gia độc lập
về tài nguyên và môi trường. Ông đã có thời gian từ 1988-9/1996 là
chuyên gia ở Ủy hội sông Mekong (MRC) Bangkok-Thái Lan. Từ
10/1996-01/2009 là Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam.
Chính phủ Thái Lan ngày 4 tháng 2 vừa qua quyết
định không tham gia đề án hoàn thành 2025, đã kéo dài 20 năm nay nhằm
tăng cường giao thông trên Sông Mekong từ Trung Quốc qua Thái và Lào,
dài 631 km tới Luan Praband, để có thể đáp ứng thông thương cho loại tàu
chở 500 tấn vào năm 2025, giúp chuyên chở 6.45 triệu tấn và 3.3 triệu
khách mỗi năm.
Dự án bị coi là phá hoại môi trường vì có 13 địa
điểm thiên nhiên phải bị phá hủy bằng cách nổ mìn phá đá, và chỉ có lợi
cho Trung Quốc, bị các tổ chức dân sự Thái Lan tổ chức phản đối.
Đây có lẽ đây là thành công đầu tiên trong việc
đấu tranh với tham vọng của Trung Quốc trên sông Mekong, nhưng ít được
báo chí phổ thông nói tới. (Xin xem một phân tích trên ISEAS-Yusof Ishak Institute).
-
Một câu chuyện cũ
Hai mươi năm trước, Trung Quốc từng lập dự án giao
thông thủy Trung Quốc – Lào. Dịp đó, đoàn công tác của Việt Nam do Thứ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Đình Thịnh làm
trưởng đoàn, có các thành viên Nguyễn Hồng Toàn (Chánh văn phòng Ủy ban
sông Mekong Việt Nam), Nguyễn Chu Hồi (Viện trưởng Viện kinh tế thủy
sản), tôi và một chuyên gia nữa của Bộ Giao thông, tham gia hội thảo các
nước ven sông Mekong tổ chức ở Lào, và đi khảo sát tuyến giao thông
thủy từ Trung Quốc về Lào theo dự án phá đá ngầm, để cho xà lan đi lại
giao thương. Dự án này do Trung Quốc thiết kế và đầu tư bước đầu là 5
triệu đô la.
Ở hội thảo, đoàn Việt Nam và Campuchia phân tích
nhiều điều bất cập của dự án, kể cả bài toán thủy lực và tác động xấu
đến môi trường sinh thái. Khi đi khảo sát thực địa, Trung Quốc bố trí
tầu đệm khí (có bọc thép ở mũi tầu) đi từ Trung Quốc xuôi dòng bị húc
vào đá, bẹp một chút ở mũi nhưng vẫn an toàn (không biết do vô tình hay
hữu ý).
Buổi tối, tôi thảo luận riêng với ba chuyên gia
Trung Quốc trên máy tính về bài toán thủy lực. Họ là các nhà khoa học
của Vũ Hán (tốt nghiệp tiến sĩ ở Mỹ). Tôi nêu rõ quan điểm: chúng ta
cùng áp dụng hệ phương trình Saint-Venant một chiều, dù phương pháp giải
nào đi nữa, như phương pháp sai phân hữu hạn (gồm sai phân hiện và sai
phân ẩn) hay phương pháp phần tử hữu hạn (lưới tam giác hay chữ nhật)
hoặc phương pháp phần tử biên, nhưng kết quả rất khác nhau, vì chất
lượng của số liệu đầu vào. Nếu Trung Quốc vẫn không cung cấp các tài
liệu cơ bản địa hình, thủy văn thì không bao giờ đi đến thống nhất về
kết quả mô hình thủy lực (chưa nói đến các tác động xấu đến môi trường
theo các tiêu chí Đánh giá tác động môi trường).
Họ bàn riêng với nhau, rồi cuối cùng cũng quyết
định cấp cho tôi tài liệu địa hình, thủy văn. Lúc đó đã 11 giờ khuya,
tôi gõ cửa phòng Thứ trưởng Nguyễn Đình Thịnh, tường thuật lại nội dung
buổi tối làm việc và nộp lại toàn bộ tài liệu. Thứ trưởng Thịnh cho
biết, trước đây Bộ trưởng Lê Huy Ngọ từng trao cho ông một bộ tài liệu
do cơ quan chức năng của Việt Nam thu thập, được coi là “mật” nhưng tài
liệu tôi thu thập được từ phía Trung Quốc thì chi tiết và giá trị hơn
rất nhiều.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho dòng chính khi
bị chuyển thành “đường giao thông thủy Lan Thương – Thái Lan”, TS Nguyễn
Chu Hồi còn tham gia thêm vài lần nữa với đoàn công tác của Ủy ban sông
Mekong và thấy rõ hơn đây là “Trò chơi chiến lược” của Trung Quốc.
-
Dự án giao thông thủy Trung Quốc – Thái Lan
Khởi động và tạm dừng
Theo tôi biết, bắt đầu từ năm 1994, các quốc gia
Trung Quốc, Myanmar, Lào và Thái Lan đã có các cuộc họp về dự án phá đá
nổ mìn khu vực thượng lưu Mekong (từ cảng Simao, Vân Nam -Trung Quốc đến
Ban Houayxai, LuangPrabang – Lào) với tổng chiều dài 890km.
Theo tài liệu cập nhật của Ủy ban sông Mekong
Việt Nam, Dự án phá đá nổ mìn khu vực thượng lưu Mekong đã được công ty
tư vấn China CCCC Second Harbor tiến hành nghiên cứu và lập các báo cáo
nghiên cứu khả thi (Báo cáo khả thi, Đánh giá tác động môi trường). Các
báo cáo này đã được nộp cho các quốc gia nêu trên từ tháng 9/2001.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà dự án đến nay vẫn chưa được tiếp tục thực hiện giai đoạn thiết kế kỹ thuật.
Đến cuộc họp lần 3, cấp Bộ trưởng, tại Vân Nam,
Trung Quốc, ngày 20/12/2017, phía Trung Quốc và Thái Lan đã có thảo luận
riêng về dự án này và đi đến thống nhất là tạm dừng dự án. (Xin xem Bangkokpost)
Ngày 09/03/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan
Don Pramudwinai thông báo: Trong thời gian bộ trưởng ngoại giao Trung
Quốc Vương Nghị thăm Thái Lan tháng 02/2019, hai bên đã tiếp tục thảo
luận và phía Trung Quốc đồng ý không xem xét dự án. (Xin xem Bangkokpost)
Các nguyên nhân tạm hoãn dự án chủ yếu là do các
tổ chức xã hội của Thái Lan và người dân trong vùng dự án phản đối và
yêu cầu Chính phủ Thái Lan không thực hiện, với các lý do sau đây:
– Dự án được thực hiện bởi tư vấn Trung Quốc, không có các chuyên gia và các đơn vị có liên quan trong vùng dự án cùng tham dự.
– Không thông báo và thảo luận với cộng đồng về Dự án và mục tiêu của dự án.
– Báo cáo nghiên cứu khả thi không đầy đủ, không
xem xét hết các yếu tố về môi trường, văn hóa và sinh kế của người dân
vùng dự án.
– Dự án chỉ tập trung vào yếu tố đạt lợi ích kinh
tế, tuy nhiên lại xem nhẹ các yêu cầu và chiến lược của các quốc gia
liên quan.
– Quan trọng nhất: Chính quyền và người dân nhận
thấy nền kinh tế địa phương sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị tác động
bởi hàng hóa Trung Quốc thâm nhập vào thị trường Thái Lan khi dự án này
được hoàn thành.
Nhận định về động thái của phía Trung Quốc
Việc thông báo từ bỏ kế hoạch phá đá nổ mìn khu
vực thượng lưu Mekong mới chỉ được một bên là Thái Lan đưa tin, trong
khi đó, dường như, các quốc gia khác trong vùng dự án là Lào, Myanmar và
Trung Quốc đến nay vẫn chưa có bất cứ thông báo nào về việc tạm dừng
hay loại bỏ dự án này.
Theo báo cáo nghiên cứu của dự án thì lợi ích
kinh tế của Trung Quốc đối với dự án này là rất lớn về Du lịch và giao
thương hàng hóa. Do vậy việc Trung Quốc từ bỏ Dự án này cần phải được
xem xét hết sức thận trọng. Bằng chứng là:
– Bản ghi nhớ (MoU) về giao thông thủy vùng thượng lưu Mekong giữa Trung Quốc, Myanmar, Lào và Thái Lan vẫn còn hiệu lực.
– Chiến lược giao thông thủy 2015-2025 của Trung
Quốc đã phê duyệt, do vậy khả năng Trung Quốc vẫn chủ động tiến hành dự
án thuộc khu vực Vân Nam. Và với hợp tác GMS, Trung Quốc sẽ từng bước
thuyết phục các quốc gia hạ lưu (Tháng 12/2017, phía Trung Quốc đề xuất
với Thái Lan sẽ xem xét nghiên cứu giảm quy mô dự án và đánh giá lại các
tác động môi trường và sinh kế vùng dự án. Xin xem Nationmultimedia).
– Đoạn sông của dự án là sông biên giới, do vậy
khả năng Trung Quốc sẽ “lách luật” bằng cách cải tạo giao thông bên phía
Lào với quy mô nhỏ hơn… Đây cũng là vấn đề cần xem xét.
-
Vài kết luận bước đầu
Khả năng phía Trung Quốc tạm hoãn dự án phá đá nổ mìn
khu vực thượng lưu Mekong là khá cao, do phải đối diện với các phản đối
của cộng đồng dân cư của Thái Lan trong vùng dự án, và do chính nghiên
cứu khả thi cùng các báo cáo đã thực hiện chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được
các yêu cầu và các tiêu chuẩn kỹ thuật của Thái Lan.
Kinh tế chỉ là cái vỏ bọc, chiến lược hướng nam
của Trung Quốc mới thực sự là mục đích của họ. Trung Quốc theo đuổi 20
năm vì trước đây Lào và Campuchia đều không ủng hộ Trung Quốc mở tuyến
giao thông trên bộ dọc xuống ASEAN, nên họ mở luồng giao thông thủy để
chứng mình sự giao thương kinh tế Trung Quốc-ASEAN (thực tế lúc đó chỉ
có tàu Trung Quốc và một vài tàu Thái Lan đi lại).
Giờ đây, Trung Quốc sẵn sàng ngãng ra, dừng dự án
lại vì tình hình trên bộ, sau chiêu tung “Sáng kiến vành đai, con
đường” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” đi qua Biển Đông với
chiến thuật thiết kế “Chuỗi ngọc trai trên biển” trong đó có các viên
ngọc trai (đô thị thương mại): Hạ Môn, Tam Á, Hoàng Sa, Trường Sa,
Sihanoukville (đã xong), Như vậy, họ không có nhu cầu bắt buộc về giao
thông thủy như thế nữa, vừa tốn kém, vừa bị công luận phản đối.
Với lợi ích kinh tế, cũng như chiến lược nâng tầm
ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực với nhiều thủ đoạn có lợi nhất
cho mình, cho nên phía Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát sao thông tin
về dự án này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét