Tác giả: Nguyễn Thanh Việt/ Dịch giả: Nguyễn Hoàng Anh
Bài viết này là một phần của loạt bài The America We Need của chúng tôi, một loạt ý kiến của Times về khám phá làm thế nào quốc gia có thể nổi lên từ cuộc khủng hoảng này mạnh mẽ hơn, công bằng hơn và tự do hơn.
Đôi khi mọi người hỏi tôi, cần phải làm gì để trở thành một nhà văn. Tôi nói với họ, điều duy nhất bạn phải làm là đọc liên tục; viết trong hàng ngàn giờ; và rèn luyện khả năng tự hành xác để hấp thụ rất nhiều sự từ chối và cô lập. Hóa ra, những phẩm chất này đã giúp tôi chuẩn bị tốt để đối phó với cuộc sống trong thời gian của coronavirus.
Việc tôi gần như tận hưởng thời kỳ cô lập này – ngoại trừ những cơn hoang tưởng về cái chết sắp xảy ra và cơn thịnh nộ trước sự bất tài của lãnh đạo quốc gia của chúng ta – đã khiến tôi nhận thức rõ về đặc quyền của mình. Chỉ thông qua các dữ liệu truyền thông xã hội của mình, tôi có thể thấy thảm họa này đã tàn phá những người mất việc và mang đến những lo lắng về việc trả tiền thuê nhà. Những câu chuyện kinh hoàng đang nổi lên về các bác sĩ và y tá, những người mắc bệnh Covid-19 và những người mất người thân vì căn bệnh này.
Nhiều người trong chúng ta chỉ nhìn thoáng qua. Những người khác đang trải nghiệm nó.
Nếu bất cứ điều gì tốt đẹp xuất hiện trong thời kỳ này, đó có thể là một sự thức tỉnh cho các điều kiện tồn tại từ trước của cơ thể chính trị của chúng ta. Chúng ta không lành mạnh như chúng ta tưởng. Virus sinh học ảnh hưởng đến các cá nhân cũng là một virus xã hội. Các triệu chứng của nó như sự bất bình đẳng, sự nhẫn tâm, ích kỷ và tính vụ lợi đã làm giảm giá trị cuộc sống của con người và thổi phồng giá trị của vật chất, những điều bị che dấu quá lâu bởi niềm tin bồng bột vào ngoại lệ Mỹ và sự thô lỗ của một ai đó chỉ còn cách cơn đau tim vài bước.
Ngay cả khi nước Mỹ như chúng ta biết dù sống sót sau coronavirus cũng khó có thể nổi lên một cách bình an. Bất kỳ bệnh nhân nào sống sót sau trải nghiệm với coronavirus cũng bị xé nát ảo tưởng về sự bất khả chiến bại của bản thân, thì (với nước Mỹ) cái có thể chết sau Covid-19 là huyền thoại rằng chúng ta là quốc gia tốt nhất trên trái đất, một niềm tin phổ biến ngay cả với người nghèo, người bên lề, người yếu thế, những người phải tin vào “tính Mỹ” (Americanness)của chính họ nếu không biết tin vào điều gì khác.
Có lẽ cảm giác bị giam cầm trong quá trình cách ly có thể khiến chúng ta tưởng tượng ra cảm giác bị giam cầm thực sự là như thế nào. Tất nhiên, có những nhà tù thực tế nơi chúng ta đã giam cầm những con người không có sự giải thoát khỏi mối đe dọa của coronavirus. Có những trại tị nạn và trại giam là những nhà tù thực tế. Có sự tù đày về kinh tế của nghèo đói và bấp bênh, trong đó bị mất một khoản tiền lương có thể có nghĩa là vô gia cư, bệnh tật không có bảo hiểm y tế có thể có nghĩa là cái chết.
Nhưng đồng thời, các nhà tù và trại thường trở thành những nơi ý thức mới được sinh ra, nơi các tù nhân trở nên cực đoan, trở thành nhà hoạt động và thậm chí là những nhà cách mạng. Liệu có là quá nhiều để hy vọng rằng sự cô lập bắt buộc của nhiều người Mỹ và lao động cưỡng bức của người khác, có thể làm nảy sinh các hành động tự suy nghĩ, tự đánh giá và cuối cùng là đoàn kết?
Một cuộc khủng hoảng thường gây ra sự sợ hãi và thù hận. Chúng ta đã được chứng kiến một cuộc tấn công phân biệt chủng tộc chống lại người châu Á và người Mỹ gốc Á vì virus Trung Quốc. Nhưng chúng ta có một lựa chọn: chúng ta sẽ chấp nhận một thế giới chia rẽ và thiếu thốn, nơi chúng ta phải giành giật những nguồn lực và cơ hội không đủ, hoặc tưởng tượng ra một tương lai khi xã hội của chúng ta được đo lường bằng cách chăm sóc người bệnh, người nghèo, người già và những người khác biệt?
Là một nhà văn, tôi biết rằng một lựa chọn như vậy tồn tại ở giữa một kịch bản. Đó là một bước ngoặt. Một anh hùng – trong trường hợp này là thể chế chính trị Mỹ, không đề cập đến tổng thống – phải đối mặt với một quyết định quan trọng sẽ tiết lộ về cơ bản anh ta hoặc cô ta là ai.
Chúng ta chưa đến điểm giữa này. Chúng ta hầu như chưa đi đến cuối hành động đầu tiên, khi chúng ta dần dần thức tỉnh trước mối đe dọa sắp tới và nhận ra rằng cần phải hành động. Hành động đó, bây giờ, chỉ đơn giản là làm những gì chúng ta có thể để chống lại Covid-19 và tồn tại như một quốc gia, suy yếu nhưng còn sống.
Điểm giữa này chỉ đến khi người anh hùng gặp một đối thủ xứng đáng – không phải là người nghèo, người ngoài lề hay khác biệt, mà là ai đó hoặc thứ gì đó thực sự quái dị. Covid-19, mặc dù khủng khiếp, chỉ là một nhân vật phản diện trong phim. Kẻ thù thực sự của chúng ta không đến từ bên ngoài, mà từ bên trong. Kẻ thù thực sự của chúng ta không phải là virus mà là phản ứng của chúng ta với virus – một phản ứng đã bị suy thoái và biến dạng bởi sự bất bình đẳng về cấu trúc của xã hội chúng ta.
Nước Mỹ có lịch sử thực dân định cư và chủ nghĩa tư bản dựa trên sự khai thác tàn nhẫn tài nguyên thiên nhiên và con người, điển hình là người nghèo, người di cư, người da đen và người da nâu. Ngày nay lịch sử đó biểu hiện trong sự khao khát tích trữ của chúng ta, biết rằng chúng ta đang sống trong một nền kinh tế tự chủ và khan hiếm; trong sự phụ thuộc của chúng ta vào lao động giá rẻ của phụ nữ và dân tộc thiểu số; và trong tình trạng thiếu hệ thống chăm sóc sức khỏe, phúc lợi, thu nhập cơ bản và giáo dục cơ bản để chăm sóc những người cần thiết nhất trong chúng ta.
Điều mà cuộc khủng hoảng này đã tiết lộ là, trong khi hầu hết tất cả chúng ta đều có thể trở nên dễ bị tổn thương – ngay cả các tập đoàn và người giàu có – chính phủ của chúng ta lại ưu tiên bảo vệ những người ít bị tổn thương nhất.
Nếu đây là một kịch bản kinh điển của Hollywood, một siêu anh hùng Mỹ đặc biệt, ban đầu còn miễn cưỡng và dao động, sẽ đưa ra lựa chọn đúng đắn ở bước ngoặt này. Covid-19 xấu xa sẽ bị chinh phục, và trật tự được khôi phục sẽ đem lại một xã hội giống như trước khi kẻ thủ ác xuất hiện.
Nhưng nếu xã hội của chúng ta vẫn giống như trước sau thất bại của Covid-19, đó sẽ là một chiến thắng của Pyrros. Chúng ta có thể mong đợi một phần tiếp theo, và không chỉ một phần tiếp theo, mà nhiều phần, cho đến khi chúng ta đi đến trận chung kết: thảm họa khí hậu. Nếu việc dò dẫm xử lý coronavirus của chúng ta là bản thử nghiệm về cách Hoa Kỳ sẽ xử lý thảm họa đó, thì chúng ta xong rồi.
Nhưng giữa những vấp váp, có những dấu hiệu của hy vọng và lòng can đảm: những người lao động đình công vì bị bóc lột; những người quyên tặng mặt nạ, tiền và thời gian; nhân viên y tế và bệnh nhân bày tỏ sự phẫn nộ đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe bị rút ruột của chúng ta; một thuyền trưởng hải quân đã hy sinh sự nghiệp của mình để bảo vệ các thủy thủ; và cả những người cất lời chào với những người lạ khác trên đường ở thành phố Los Angeles của tôi, đã tạo thành một hành động đoàn kết gần như triệt để.
Tôi biết tôi không phải là người duy nhất có những suy nghĩ này. Có lẽ sự cách ly này cuối cùng sẽ cho mọi người cơ hội để làm những gì các nhà văn làm: tưởng tượng, đồng cảm, mơ ước. Để có thời gian và sự xa xỉ để làm những điều này ta phải sống trên bờ vực của sự không tưởng (Utopia), ngay cả khi những gì các nhà văn thường làm từ đó là để tưởng tượng ra sự lạc lối. Tôi viết ra điều này không chỉ vì nó mang lại cho tôi niềm vui, mà còn vì sợ hãi – sợ rằng nếu tôi không kể một câu chuyện mới, tôi không thể sống thực sự.
Người Mỹ cuối cùng sẽ nổi lên từ sự cô lập và nắm giữ những gì đã mất, cả con người và những ý tưởng không vượt qua được cuộc khủng hoảng. Và sau đó chúng ta sẽ phải quyết định kịch bản nào cho những người sống sót được sống thực sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét