LƯU VŨ TÍCH 劉禹錫 (772-842),
tự là Mộng Đắc, người đất Lạc Dương Hà Nam, tổ tiên từ Định Châu Hà Bắc
di dời xuống miền nam. Ông là thi nhân nổi tiếng và tiêu biểu của đời
Trung Đường, được đời sau xưng tụng là Thi Hào với các tính chất hào
phóng trong thi ca, ngoài ra, ông còn nổi tiếng với các bài tản văn, như
bài "Lậu Thất Minh 陋室銘" với các câu văn bất hủ như :
Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh; 山不在高,有仙則名;
Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh. 水不在深,有龍則靈。
Tư thị lậu thất, duy ngô đức hinh... 斯是陋室,惟吾德馨...
Có nghĩa :
Núi chẳng tại cao, có tiên thì nổi tiếng;
Nước chẳng tại sâu, có rồng thì linh thiêng.
Đây chỉ là căn nhà thô lậu, nhưng được thơm lên vì cái đức của ta...
Tượng LƯU VŨ TÍCH
Năm Trinh Nguyên thứ chín (793) đời Đường Đức Tông, chàng thư
sinh trẻ tuổi đẹp trai Lưu Vũ Tích vừa tròn 21 tuổi đã thi đậu Tiến Sĩ
cùng khoa với Liễu Tông Nguyên cũng là một thi nhân nổi tiếng sau nầy.
Ông còn đậu thêm khoa Bác học Hoằng từ, nên được phong chức Thái Tử Hiệu
Thư, sau thăng Giám Sát Ngự Sử. Con đường hoạn lộ hanh thông đắc ý, ông
còn mang một chí hướng cải cách chính trị cao xa, nên lại cùng với Liễu
Tông Nguyên tham gia phong trào đổi mới của Vương Thúc Văn. Năm Trinh
Nguyên thứ 21 (805), Đường Đức Tông chết, Đường Thuân Tông kế vị, phát
động phong trào đổi mới, cải cách xã hội. Lưu Vũ Tích đã tỏ ra rất tích
cực, lập được nhiều thành tích với tài hoa xuất chúng của ông.
Đường Thuận Tông tức vị không lâu, trúng phong bệnh nặng đến
không thể nói được. Hoạn quan chuyên quyền hợp với Tây Xuyên Tiết Độ Sứ
Vi Cao, Kinh nam Tiết Độ Sứ Bùi Quân, bức Thuận Tông nhường ngôi cho Lý
Thuần, tức Đường Hiến Tông. Nhóm Cải cách của Vương Thúc Văn bị giải
thể. Vương bị người cầm đầu phe nhóm đối lập là Võ Nguyên Hành hại
chết, cùng nhóm tám người đều bị biếm khỏi Trường An. Lưu Vũ Tích bị
biếm làm Thứ Sử Liên Châu, giữa đường lại bị đổi thành Tư Mã Lãng Châu.
Chính thời gian bị biếm nầy ông mới có thời gian để tiếp
xúc và tìm hiểu phong tục tập quán của dân tình và đã viết nên những
bài thơ nổi tiếng như bài "Hán Thọ Thành Xuân Vọng 漢壽城春望", nhất là bài
"Trúc Chi Từ 竹枝詞" mang đầy tính dân ca như sau :
楊柳青青江水平, Dương liễu thanh thanh giang thủy bình,
聞郎江上唱歌聲。 Văn Lang giang thượng xướng ca thanh.
東邊日出西邊雨, Đông biên nhật xuất tây biên vũ,
道是無晴卻有晴。 Đạo thị vô tình khước hữu tình !
Có nghĩa :
Xanh xanh dương liễu ven sông,
Tiếng chàng lảnh lót khiến lòng xuyến xao.
Đông nắng chiếu, Tây mưa rào...
Bảo vô tình đấy, biết bao là tình !
Bài thơ rất nên thơ với những câu hò giọng hát bên sông của đôi
trai gái đương tơ, vừa xử dụng được từ đồng âm "TÌNH 晴 là Nắng ráo" và
"TÌNH 情 là Tình yêu" với hai câu thơ cuối : Đông nắng chiếu, Tây mưa
rào...Bảo là không có nắng nhưng có nắng, bảo là vô tình nhưng lại rất hữu tình !
Năm Nguyên Hòa thứ chín (815), Lưu Vũ Tích cùng Liễu Tông Nguyên
đều được triệu hồi Trường An chờ phục chức. Thấy cảnh bát nháo của chính
sự lúc bấy giờ, nhân dạo chơi ở Huyền Đô Quán, một đạo quán nổi tiếng
của các đạo sĩ ở kinh thành, ông đã làm bài "Nguyên Hòa Thập Niên Tự
Lãng Châu Thừa Chiếu Chí Kinh Hí Tặng Khán Hoa Chư Quân Tử
元和十年自朗州承召至京戲贈看花諸君子". Có nghĩa : Năm Nguyên Hòa thứ mười phụng chiếu từ Lãng Châu về kinh thành, đùa tặng các bậc quân tử đi xem hoa. (Bài thơ nầy còn có tên đơn giản là "Huyền Đô Quán Đào Hoa 玄都觀桃花" là Hoa đào ở Huyền Đô Quán) như sau :
紫陌紅塵拂面來, Tử mạch hồng trần phất diện lai,
無人不道看花回。 Vô nhân bất đạo khán hoa hồi.
玄都觀裏桃千樹, Huyền Đô Quán lý đào thiên thọ,
盡是劉郎去後栽。 Tận thị Lưu Lang khứ hậu tài.
Có nghĩa :
Ngổn ngang đường xá bụi nhòa,
Kháo nhau cùng đến ngắm hoa chốn này.
Huyền Đô ngàn cội đào khai,
Đều trồng từ lúc đi đày chàng Lưu.
Ý của Lưu là mĩa mai cái đám người quyền qúy mới, do a dua nịnh hót
mà có được. Bọn người nầy đã vênh váo đi lại khắp đường phố Trường An
làm ra vẻ thanh cao như những người đi ngắm hoa về. Nếu chàng Lưu ta còn
ở đây thì chưa chắc bọn nầy đã hiện diện mà nghênh ngang đi lại. Ý của
Lưu Vũ Tích có hơi trịch thượng và xem thường những người quyền thế mới nầy, nên chi chẳng bao lâu sau, ông lại bị biếm đi làm Thứ Sử Ba Châu.
Sau nhờ Ngự Sử Trung Thừa Bùi Độ tâu với vua vì Lưu Vũ Tích còn mẹ
già, nên được thuyên về là Thứ Sử Liên Châu. Thời gian này vì tâm trạng
buồn khổ cực độ nên Lưu hay đi lại các chùa chiền và cùng nghiên cứu
Phật pháp với các nhà sư. Năm Nguyên Hòa thứ 14, mẹ mất, phải về Lạc
Dương thọ tang. Đường Mục Tông Trường Khánh nguyên niên (821) lại thuyên
làm Thứ Sử Qùy Châu. Năm Trường Khánh thứ 4 đổi về làm Thứ Sử Hòa Châu.
Mùa xuân năm Bảo lịch thứ 2 đời Đường Kính Tông (826) lại được triệu về
Lạc Dương. Năm Đại Hòa thứ 2 đời Đường Văn Tông(828)Mười bốn năn sau,
một lần nữa ghé thăm lại Huyền Đô Quán, lại làm bài "Tái Du Huyền Đô
Quán 再游玄都觀" để châm biếm và cười cợt những kẻ quyền qúy đã hết thời :
百畝庭中半是苔, Bách mẫu đình trung bán thị đài,
桃花淨盡菜花開。 Đào hoa tịnh tận thái hoa khai.
種桃道士歸何處, Chủng đào đạo sĩ quy hà xứ ?
前度劉郎今又來。 Tiền độ Lưu Lang kim hựu lai !
Có nghĩa :
Trong sân nửa mẫu rêu nhòa,
Đào thì rụng sạch cải đà nở hoa.
Trồng đào đạo sĩ đâu ta ?
Chàng Lưu ngày trước lại qua chốn nầy !
Lúc bấy giờ, những phe mhóm đối lập đã tan rả, như hoa đào đã rụng
hết. Người cầm đầu là Võ Nguyên Hành cũng đã chết, như đạo sĩ trồng đào
đã bỏ đi. Lưu tự hào là mình vẫn còn có ngày phục chức trở lại, như Lưu
Thần Nguyễn Triêu được trở lại Thiên Thai lần nữa vậy (Chàng Lưu ngày trước lại về đây!). Vì cùng là họ Lưu, nên Lưu Vũ Tích ví mình như là Lưu Thần đã từng sống nơi cảnh Thiên Thai ngày trước, với cuộc sống thần tiên thanh cao nhàn nhã, chứ không vướng bận lợi danh chạy theo những thị hiếu thấp hèn của người đời như những kẻ tầm thường khác.
Cũng trong năm đó, dưới sự tiến cử của Thừa Tướng Bùi Độ, Lưu Vũ
Tích về triều nhậm chức Đông Bộ Thượng Thư Chủ Khách Lang Trung, kiêm
Tập Hiền Điện Học Sĩ. Năm Đại Hòa thứ 3 (829) cải nhiệm Lễ Bộ Lang
Trung, vẫn kiêm chức Tập Hiền Điện Học Sĩ. Đại Hòa thứ 5 (831), Bùi Độ
bị bãi chức, Lưu Vũ Tích cũng bị đưa đi làm Thứ Sử Tô Châu. Đại Hòa thứ 8
chuyển qua Thứ Sử Nhữ Châu. Đại Hòa thứ 9 đổi về làm Thứ Sử Đồng Châu.
Mùa thu Khai Thành nguyên niên (836), ông bị bệnh ở chân nên được cải
nhiệm Thái Tử Tân Khách phân ty Đông Đô. Thời gian nầy ông hay cùng Bạch
Cư Dị, Bùi Độ... xướng họa. Sau còn giữ thêm vài chức hàm như Kiểm Hiệu
Lễ Bộ Thượng Thơ, Bí Thư Giám... Ông mất năm Hội Xương thứ 2 (842), thọ
71 tuổi.
Lưu Vũ Tích một đời luôn cố gắng khắc phục mọi hoàn cảnh. Đang lúc
quyền cao chức trọng bỗng sa cơ bị biếm đi xa, ông vẫn giữ được cái tâm
lý ổn định, chấp nhận hiện tại là hạnh phúc, như đang trong tiết thu
lạnh lẽo hắt hiu, ông cũng cố tìm ra vẻ đẹp của nó để thấy rằng cảnh thu
tuy buồn nhưng cũng có những cái đẹp và nên thơ hơn cả mùa xuân nhiều.
Ta hãy đọc bài THU TỪ 秋詞 của ông dưới đây sẽ rõ :
自古逢秋悲寂寥, Tự cổ phùng thu bi tịch liêu,
我言秋日勝春朝。 Ngã ngôn thu nhật thắng xuân triêu.
晴空一鶴排雲上, Tình không nhất hạc bài vân thượng.
便引詩情到碧霄。 Tiện dẫn thi tình đáo bích tiêu !
Có nghĩa :
Từ xưa thu gợi lắm ưu sầu,
Ta bảo xuân thua, thu đẹp sao.
Hạc trắng một hàng lên trời thẳm,
Hồn thơ cũng vút tận mây cao !
Lục bát :
Ngàn xưa người vẫn bi thu,
Riêng ta thu đẹp hơn màu xuân tươi.
Môt con hạc trắng vút trời,
Hồn thơ cũng vút ra ngoài mây xanh !
Hoạn lộ thăng trầm, trải qua nhiều tang thương biến đổi, chẳng
những cảm khái cho quan trường chìm nổi của mình, Lưu Vũ Tích còn cảm
khái cho nhân sinh ngắn ngủi, thịnh suy vô chừng, vinh hoa phú qúy rồi
cũng đến lúc suy tàn như cụ Nguyễn Công Trứ nhà ta đã viết trong HÀN NHO
PHONG VỊ PHÚ :"Giàu ai bằng Vương Khải Thạch Sùng, cũng có lúc tường
xiêu ngói đổ". Cũng cùng một ý như thế mời đọc bài Ô Y HẠNG của Lưu Vũ
Tích sau đây :
朱雀橋邊野草花, Chu Tước kiều biên dã thảo hoa,
烏衣巷口夕陽斜。 Ô Y Hạng khẩu tịch dương tà.
舊時王謝堂前燕, Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến,
飛入尋常百姓家。 Phi nhập tầm thường bách tính gia !
* Ô Y HẠNG 烏衣巷 : Ô là Màu đen, Y là Áo, Hạng là Con Hẽm. Ô Y Hạng là Con hẽm áo đen. Có tích như sau :
Ô Y Hạng là một con hẽm của TP Nam Kinh nằm ở phía nam của sông
Tần Hoài, con hẽm nầy có từ đời Tam Quốc, thuộc nước Đông Ngô, nơi độì
Cấm quân Áo Đen trú đóng mà thành tên. (Một điều thú vị mà văn nhân thi
sĩ không biết tới, đội Cấm quân Áo Đen chính là đội Thuỷ quân Người Nhái
được huấn luyện bên bờ sông Tần Hoài và Trường Giang chuyên đục lủng
thuyền của quân địch. Chiếu theo ngũ hành, Thuỷ thuộc màu Đen, nên đội
Người Nhái nầy toàn mặc quân phục màu đen là vì thế !).
Sau, vào đời Đông Tấn, là nơi ở của 2 danh gia vọng tộc Vương Đạo và Tạ
An. Gia nhân, ngưòi ăn kẻ ở của 2 nhà nầy đều mặc đồ đen, ra vào nườm
nượp trong con hẽm nầy, nên Ô Y Hạng càng nổi tiếng " Ô Y " hơn. Con em
của 2 nhà nầy được gọi là " Ô Y Lang ", có nghĩa là : Các Chàng của hẽm
Áo Đen ( Ý chỉ là con em của hẽm nhà giàu, chớ chưa chắc là họ thích
mặc màu đen đâu !). Nhưng đến đời Đường thì Ô Y Hạng bị bỏ phế, và cho
đến hiện nay, thì ....Ô Y Hạng là khu tập trung sản xuất công nghệ phẩm
của dân gian.
CHU TƯỚC KIỀU 朱雀橋 : CHU là
Màu đỏ, TƯỚC là Chim sẻ, KIỀU là Cầu. CHU TƯỚC KIỀU là Cây cầu bắt ngang
sông Tần Hoài qua Thành phố Nam Kinh đưa đến Ô Y Hạng, giữa cầu có lầu
canh được trang trí bằng 2 con chim sẻ bằng đồng là kiến trúc của Tạ An
xây nên.
DÃ THẢO HOA : DÃ 野 là Hoang dã. DÃ THẢO HOA là Hoa cỏ mọc một cách hoang dã, không được trồng trot, chăm sóc đàng hoàng.
NGHĨA BÀI THƠ :
Bên cầu Chu Tước ( lẽ ra rất phồn vinh tấp nập người qua kẻ
lại, thì nay...) cỏ hoang hoa dại phủ đầy, và ở đầu con hẽm Ô Y (
không còn nườm nượp gia nhân ra vào như xưa, mà nay ...) chỉ thấy nắng
chiều nghiêng nghiêng buồn bã. Những con én ngày xưa chít chiu ríu rít
trên rường nhà cuả Vương Đạo và Tạ An, nay đã bay hết ra nhà của bá tánh
thường dân rồi !
Chim én là biểu
tượng của mùa xuân, của ấm êm hạnh phúc. Theo tập tính thì chim én chỉ
làm tổ trên những rường nhà có người ở, còn nhà bỏ hoang thì chim én
cũng... bay luôn !
Lưu Vũ
Tích đã khéo dùng hình ảnh hoang dại cuả cỏ hoa, cái nghiêng nghiêng sắp
tắt của nắng chiều, và sự vắng lặng trơ vơ không một bóng chim lai vãng
để gợi nên sự tiêu điều hoang phế của các danh gia vọng tộc đã từng
vang bóng một thời, nay thì ..." thời oanh liệt nay còn đâu !!!"
Qủa là một bài thơ hoài cổ não lòng, làm ta chợt nhớ đến 4 câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan :
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương !
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương !!!
Cụ Nguyễn Du cũng đã mượn hình ảnh của chim én bỏ đi để tả cảnh
suy sụp của gia đình Vương Viên Ngoại khi Kim Trọng trở lại vườn Thúy để
tìm cô Kiều :
Xập xòe én liệng ngõ không,
Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày
2. DIỄN NÔM :
HẼM Ô Y
Bên cầu Chu Tước cỏ hoa hoang,
Trước hẽm Ô Y ánh nắng tàn.
Chim én trên rường Vương Tạ trước,
Nay đà bay hết đến dân gian !
Lục bát :
Cỏ hoang hoa dại bên cầu,
Chiều nghiêng nắng xế thêm sầu Ô Y.
Én xưa cũng hết rù rì,
Bỏ nhà Vương Tạ bay đi dân thường !
Song thất lục bát :
Xót hoa dại bên cầu Chu Tước,
Hạng Ô Y lướt thướt nắng tà.
Én nhà Vương Tạ lân la,
Đã bay hết đến vào nhà thường dân.
Xin được kết thúc bài viết về THI HÀO Lưu Vũ Tích với bài thơ Ô Y
HẠNG nổi tiếng về cảnh tang thương biến đổi đã nêu trên.
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét