Nguồn: “Education in China is becoming increasingly unfair to the poor”, The Economist, 29/05/2021.
Biên dịch: Nguyễn Thanh Hải
Phương thức quản lý các gia đình bằng hộ khẩu ở Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng ở quốc gia này.
Sau khi trở thành thí sinh có điểm số cao nhất thủ đô trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc vào năm 2017, Xiong Xuan’ang đã được giới truyền thông Bắc Kinh phỏng vấn. Là con trai của hai nhà ngoại giao, anh Xiong thừa nhận rằng bản thân được nuôi dạy trong điều kiện lý tưởng không phải ai cũng có được. “Tất cả những thí sinh có điểm số thuộc hàng cao nhất hiện nay đều xuất thân từ các gia đình giàu có”, anh nói. “Học sinh đến từ những vùng nông thôn rất khó để vào được các trường đại học tốt”. Chia sẻ chân thật của Xiong nhận được nhiều lời khen ngợi trên mạng.
Từ năm 1998, khi Trung Quốc bắt đầu mở rộng đáng kể chỉ tiêu tuyển sinh đại học, lượng sinh viên được nhận hàng năm đã tăng gấp 4 lần lên đến gần 10 triệu người. Khoảng một phần ba số học sinh trung học ngày nay học tiếp lên đại học. Mặc dù dữ liệu có được khá chắp vá nhưng các chuyên gia đều đồng ý rằng tỷ lệ sinh viên xuất thân từ vùng nông thôn tại các trường đại học tốt nhất Trung Quốc (top 1%) đang giảm xuống. Chỉ 0,3% số học sinh từ vùng nông thôn được nhận vào các trường này, so với 2,8% học sinh từ vùng thành thị. Những cơ sở giáo dục đại học khác thì hầu hết đều có chất lượng kém hơn hẳn.
Trên khắp thế giới, sinh viên xuất thân nghèo khó phải rất vất vả để cạnh tranh với những người bạn giàu có hơn. Ở Trung Quốc, sự cách biệt này đặc biệt rõ rệt. Nguyên nhân chính xuất phát từ hệ thống quản lí dân cư bằng hộ khẩu, điều khiến cho người dân rất khó tiếp cận các dịch vụ công miễn phí do nhà nước cung cấp bên ngoài địa phương mà họ đăng ký thường trú. Điều này có nghĩa là ở các thành phố, con cái của những người nhập cư từ nông thôn thường không được nhập học các trường công lập địa phương. Chúng phải chấp nhận vào các trường tư thục chất lượng kém hơn và có thu phí, hoặc là trở về quê của cha mẹ để được hưởng nền giáo dục miễn phí nhưng chất lượng cũng chỉ dừng ở mức tối thiểu.
Đặc điểm phân bố về mặt địa lý của các trường đại học càng làm cho tình hình tồi tệ hơn. Những trường đại học hàng đầu đều tập trung ở các thành phố lớn và giàu có nhất như Bắc Kinh và Thượng Hải. Sinh viên có hộ khẩu tại những đô thị này sẽ được hưởng lợi từ sự phân bổ không đều đó. Bắc Kinh là nơi có hai trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc gồm Bắc Đại (Đại học Bắc Kinh) và Thanh Hoa. Tỷ lệ chấp nhận của những trường này là khoảng 1% đối với sinh viên địa phương, đối với các thí sinh không có hộ khẩu tại thủ đô thì tỷ lệ này chỉ bằng 1/10 con số trên, theo truyền thông nhà nước. Hàng năm, số lượng sinh viên đến từ Bắc Kinh được nhận vào Thanh Hoa còn nhiều hơn cả tổng số sinh viên được nhận đến từ hai địa phương là Quảng Đông và Sơn Đông mặc dù số dân của hai tỉnh này cao gấp mười lần so với Bắc Kinh.
Trong một bài báo xuất bản vào năm 2015, các học giả từ đại học Thanh Hoa và Stanford cho biết cơ hội sở hữu một suất vào đại học của những sinh viên có hộ khẩu ở các địa phương thuộc nhóm 1/5 huyện nghèo nhất đất nước thấp hơn 7 lần so với các sinh viên thành thị và 14 lần nếu đó là một trường đại học danh tiếng. Ở những huyện này, tỷ lệ chọi thậm chí còn cao hơn đối với các bạn nữ hay người dân tộc thiểu số. “Thật sự rõ ràng rằng học sinh đến từ vùng nông thôn nghèo gặp khó khăn hơn rất, rất nhiều để có thể vào được một trường đại học tốt,” ông Scott Rozelle đến từ Đại học Stanford nhận xét. Theo ước tính của ông, khoảng 75% học sinh thành thị được học đại học so với con số 15% đối với học sinh vùng nông thôn. Có gần 80% tổng số trẻ em dưới 14 tuổi có hộ khẩu ở nông thôn. Tuy vậy, trong bài viết vào năm 2017, Wu Xiaogang hiện đang công tác tại Đại học New York – Thượng Hải (NYU Shanghai) – một trường liên kết Mỹ – Trung, cho biết chưa đến 17% sinh viên thuộc các trường đại học danh tiếng có hộ khẩu từ vùng nông thôn trước khi nhập học. Ông Wu nói rằng tình trạng này vẫn không có sự thay đổi từ đó đến nay. “Nếu có đi chăng nữa thì khả năng là bây giờ tình hình còn tồi tệ hơn”.
Sở dĩ như vậy là bởi những bất bình đẳng trong xã hội đang ngày càng trở nên rõ nét. Con cái của các gia đình giàu có được học ở những ngôi trường tốt nhất, hơn nữa còn được học phụ đạo cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa sau giờ lên lớp. Cha mẹ của chúng đủ khả năng để mua nhà ở những khu vực có dịch vụ công chất lượng tốt. Trung Quốc áp dụng chính sách giáo dục bắt buộc và miễn phí 9 năm học đầu, tuy nhiên ở cấp trung học phổ thông thì các trường công lập bắt đầu thu phí. Ở những địa phương nghèo, chi phí này có thể lên tới hơn 80% thu nhập ròng bình quân đầu người, gánh nặng này thuộc hàng lớn nhất thế giới. Vì vậy có những học sinh thích đi làm hơn: một người công nhân điển hình không có tay nghề làm việc ở nhà máy có thể kiếm được trong một tháng số tiền bằng cả năm làm lụng của một người nông dân nghèo.
Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia đã bị gián đoạn trong thập niên cuối dưới thời lãnh đạo của Mao Trạch Đông. Kể từ khi được tổ chức trở lại vào năm 1977, các trường đại học chủ yếu dựa vào điểm số của kỳ thi này để xét tuyển. Năm 2003, Trung Quốc bắt đầu cho phép một số trường đại học tuyển những sinh viên có tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực như thể thao và nghệ thuật. Lại một lần nữa, tầng lớp giàu có mới là những người được hưởng lợi chính: chỉ họ mới đủ khả năng chi trả cho việc đào tạo những năng lực này.
Trong nhiều thập niên, những trường trung học công lập ở các địa nghèo hơn đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cho học sinh giỏi từ vùng nông thôn có cơ hội được vào đại học. Nhưng nhiều trường đã phải đóng cửa do tình trạng người dân di cư đến các thành phố. Đồng thời, sự cạnh tranh để được vào học trong các trường trung học phổ thông chất lượng tốt đã tăng lên. Ma Hang học tiểu học tại làng của mình. Và trường cấp 2 tốt nhất trong huyện không nhận học sinh từ trường làng trừ khi phụ huynh đồng ý trả thêm phí hoặc có ‘quen biết rộng’. Cha mẹ của anh đã dựa vào các mối quan hệ để giúp anh được nhập học. Ma nói rằng đây là con đường để anh có thể vào học ở một trường cấp 3 và sau đó là trường đại học cùng tuyến với nó.
Trẻ em nông thôn ở Trung Quốc phải đối mặt với khó khăn trong mọi giai đoạn phát triển. Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng và thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Khi vào trường tiểu học, nhiều em mắc các bệnh như thiếu máu, thị lực kém hay nhiễm giun sán. Ông Rozelle cho biết khoảng 60% học sinh từ các huyện nghèo nhất nước mắc phải ít nhất một trong các loại bệnh này.
Những sinh viên nào có thể vượt qua các rào cản này để vào được một trường đại học danh tiếng cũng thường sẽ khó hòa nhập. Năm 2020, một sinh viên xuất thân từ nông thôn đã chia sẻ lên mạng xã hội tâm trạng “lạc lối và bối rối” của bản thân khi còn đang học đại học, người này đã chọn cách rời khỏi “môi trường đơn điệu” này, nơi mọi thứ chỉ tập trung quanh các bài kiểm tra. Hơn 100.000 sinh viên, trong đó nhiều người đến từ các vùng quê, đã chia sẻ trải nghiệm của chính họ về cảm giác lạc lõng với mọi người, kèm với đó là những than vãn về cơ hội việc làm trong tương lai. Họ đặt ra một thuật ngữ mới trong tiếng Hoa là ‘xiao zhen zuotijia’, nghĩa là ‘những con mọt sách đến từ các thị trấn nhỏ’.
Wang Jianyue, một nhà vật lý sinh ra ở vùng nông thôn, thấu hiểu những lời than phiền này. Ông từng theo học chuyên ngành tài chính ở đại học vì nghĩ rằng lĩnh vực này sẽ dễ tìm được việc làm. Nhưng sau khi chứng kiến một số bạn học của mình có cơ hội thực tập tại các công ty tài chính lớn nhờ vào quan hệ của cha mẹ, ông mới “thực sự nhận thức rõ cách biệt” giữa mình và họ. Ông Wang sau đó chuyển hướng sang lĩnh vực khoa học máy tính. Không như một số ‘con mọt sách đến từ các thị trấn nhỏ’ khác, ông may mắn đã nhận được việc làm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét