Đợt Covid-19 thứ tư bùng phát từ ngày 27/4, đến sáng nay đã lây lan 42 tỉnh thành với gần 10.000 ca nhiễm. Ngành y tế đã triểi khai nhiều mô hình mới trong điều trị như "tách đôi" bệnh viện, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...
Theo các chuyên gia, đợt dịch mới đặc trưng bởi biến chủng nguy hiểm từ Ấn Độ, nhiều ổ dịch cùng lúc, số ca nhiễm tăng vọt, gấp nhiều lần mọi con số trước đây. Covid-19 lần này cũng tấn công vào các "thành trì" chống dịch như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM; bùng phát ở các khu công nghiệp - nơi tập trung nhiều công nhân.
Trong chiến lược phòng chống dịch, Bộ Y tế tiếp tục phương châm duy trì mục tiêu kép "sức khỏe và kinh tế" nhưng chuyển sách lược sang tấn công bằng xét nghiệm diện rộng và vaccine. Ngoài ra, để chủ động ứng phó, ngành y tế áp dụng nhiều mô hình điều trị mới đảm bảo tiếp nhận và điều trị lượng bệnh nhân lớn, nhiều ca trẻ tuổi nhưng diễn biến nặng.
Mô hình "bệnh viện tách đôi"
Mô hình được triển khai tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP HCM "Respiratory care split hospital" là một phương pháp khá thành công của Hàn Quốc trong ứng phó với đại dịch. Theo đó, nhiều bệnh viện ở nước này được "tách đôi", một nửa bệnh viện trở thành bệnh viện chuyên tiếp nhận và chăm sóc bệnh nhân có triệu chứng hô hấp.
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, chuyên bệnh phổi và lao, "tách đôi", một nửa bệnh viện tính theo chiều dọc, với cổng vào riêng, những khối nhà riêng để điều trị Covid-19. Theo Sở Y tế TP HCM, khi được yêu cầu, một nửa chuyên sâu về bệnh phổi không do lao của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch sẽ chuyển sang tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19.
Giải pháp này nằm trong kế hoạch ứng phó với quy mô 5.000 giường chuyên tiếp nhận và điều trị Covid-19 trên toàn thành phố, trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Nửa bệnh viện dùng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 đang được bố trí những buồng áp lực âm, giường hồi sức, các buồng bệnh thông thoáng không dùng điều hòa trung tâm... Khu vực cận lâm sàng cũng nằm riêng biệt, trong đó có xét nghiệm RT-PCR chẩn đoán Covid-19. Quy mô giường bệnh của một nửa bệnh viện chuyên phục vụ cho bệnh nhân Covid-19 có thể đạt 700 giường.
"Tháp 3 tầng" tại Bắc Giang
"Tháp 3 tầng" là mô hình rất mới, chỉ có tại Bắc Giang. Theo cơ chế "tháp 3 tầng", tầng thứ nhất là các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu bệnh nhân Covid-19, được tận dụng từ các cơ sở hạ tầng sẵn có của Bắc Giang như ký túc xá các trường, trung tâm chăm sóc người có công, khu nhà ở xã hội... Các cơ sở này có nhiệm vụ tiếp nhận những ca dương tính không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ, tuỳ theo mức độ lâm sàng.
Tầng thứ hai bao gồm 11 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19. Đây là các bệnh viện dã chiến được chuyển đổi từ các trung tâm y tế huyện và các bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn tỉnh. Bắc Giang đã xây dựng 2 bệnh viện dã chiến, gồm bệnh viện Dã chiến số 1 hoạt động tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh với quy mô 200 giường bệnh. Bệnh viện Dã chiến số 2 được đặt tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh với quy mô 620 giường bệnh. Bên cạnh đó, tỉnh còn thiết lập Bệnh viện Dã chiến tại Trung đoàn 831 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang) do Bệnh viện 103 vận hành.
Tầng thứ ba là cơ sở điều trị bệnh nhân nặng - Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) với hai ICU, gồm ICU lớn nhất miền Bắc quy mô 101 giường đặt tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang, và một ICU đặt tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang quy mô 58 giường.
Người dân hướng dẫn tự test nhanh
Cuối tháng 5, các chuyên gia y tế hướng dẫn người dân trong khu cách ly tập trung tại huyện Việt Yên, Bắc Giang tự lấy mẫu thực hiện test nCoV. Phương thức test nhanh nếu thực hiện chuẩn, đầy đủ các bước theo hướng dẫn, kết quả có độ chính xác 70-75% chỉ sau 15 phút kể từ thời điểm lấy mẫu.
Giáo sư Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết các F1 tại khu cách ly tập trung có thể chủ động tự lấy mẫu test nhanh cho nhau, giúp giảm tải cho lực lượng y tế, để nhân viên y tế tập trung vào những nhiệm vụ khác.
Ngoài ra, người dân tự lấy mẫu test góp phần đẩy nhanh quá trình sàng lọc, nhanh chóng phát hiện và tách những trường hợp có kết quả dương tính một cách nhanh nhất ra khỏi khu vực cách ly, giảm thiểu tới mức tối đa nguy cơ lây chéo. Trong tương lai nếu triển khai kết quả tốt, mô hình này cần nhân rộng và tiến tới người dân tự lấy mẫu test nhanh không chỉ trong khu cách ly tập trung mà cả ở những khu vực khác.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al) trong điều trị
DrAid là phần mềm AI trợ lý bác sĩ, được kỳ vọng có thể rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, với độ chính xác cao, đảm bảo yếu tố giãn cách an toàn tại các cơ sở y tế trong dịch. DrAid hiện có khả năng hỗ trợ chẩn đoán 20 dấu hiệu bất thường và bệnh lý về tim - phổi - xương với độ chính xác trên 88% trong vòng 5 giây, đồng thời tự động đưa ra báo cáo y tế theo chuẩn quốc tế JCI có khoanh vùng và đo kích thước chính xác tại khu vực bất thường.
DrAid giúp đẩy nhanh quy trình khám chữa bệnh, giải quyết bệnh nhanh hơn. Bên cạnh đó, ứng dụng cung cấp các thông tin hữu ích cho bác sĩ khi phân tích hình ảnh phim, đặc biệt là phân tích hình ảnh X-quang ngực. Kết hợp cùng xét nghiệm PCR, đội ngũ y tế có thể nâng cao độ chính xác, giảm thiểu tình trạng âm tính giả tránh bỏ sót.
Từ tháng 4, nhiều Sở Y tế cả nước triển khai sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo DrAid vào công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện và cơ sở y tế, điển hình như Sở Y tế Hà Tĩnh, Đồng Nai, Huế, Bắc Giang, Ninh Bình...
Ngoài ra, tính năng "Hỏi ý kiến bác sĩ thứ 2 (từ xa)" của DrAid hỗ trợ các bác sĩ gửi ảnh chụp trực tiếp từ máy chụp cho một bác sĩ khác để tham khảo ý kiến đối với những ca bệnh khó. Cách này giúp giữ nguyên chất lượng hình ảnh, đồng thời đơn giản hóa quy trình hội chẩn, giúp cho việc hội chẩn giữa hai bác sĩ diễn ra nhanh gọn, xóa bỏ các rào cản về địa lý và thời gian, đồng thời nâng cao chất lượng hội chẩn với gợi ý về chẩn đoán của AI.
Một số thay đổi khác trong đợt dịch mới là tăng thời gian cách ly tập trung từ 14 ngày lên 21 ngày, sau đó theo dõi tại nhà 7 ngày. Ngành y tế thay đổi phương thức"chạy theo" xét nghiệm sang "tấn công" bằng cách chủ động xét nghiệm sàng lọc để ứng phó với biến chủng mới lây lan nhanh.
Bộ Y tế cho phép áp dụng xét nghiệm kit kháng nguyên nhanh diện rộng. Các cơ sở nguy cơ cao như khu công nghiệp, nhà máy, dịch vụ lưu trú, khu vực tập trung đông người, đặc biệt là bệnh viện, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc thường xuyên nhân viên y tế, bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân trong viện.
Nhờ chiến lược xét nghiệm nhanh, tầm soát diện rộng, nhiều ca nhiễm trong cộng đồng được phát hiện. Bắc Ninh, Bắc Giang mục tiêu dập dịch trong hai tuần. Riêng TP HCM tiếp tục giãn cách xã hội, nếu thực hiện nghiêm có thể khống chế dịch.
Thùy An - Thúy Quỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét