6 thg 6, 2021

Loài Khỉ - Luis De Lion - Trần C.Trí chuyển ngữ (TC Da Màu )

 Luis de Lión (1939-1984) là nhà văn Guatemala, có nguồn gốc thổ dân Maya. Như một số nhân vật không được lòng chính quyền độc tài của nhiều quốc gia ở Trung và Nam Mỹ, ông đã bị quân đội của chính phủ Guatemala bắt cóc và làm cho “biến mất” vào năm 1984. Tiểu thuyết El tiempo principia en Xibalbá (tạm dịch ‘Thời Gian Bắt Đầu ở Xibalba’), ra mắt độc giả sau khi ông mất tích, được coi là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của nền văn chương Trung Mỹ. Truyện ngắn El simio dưới đây nằm trong tuyển tập La puerta del cielo y otras puerstas (‘Cánh Cửa Lên Trời Và Những Cánh Cửa Khác’), xuất bản năm 1998.

 
 Tôi vẫn thường nghĩ người ta hơi quá đáng khi vẽ những nhà độc tài Mỹ La Tinh như loài khỉ trong các bức biếm hoạ.

Cho đến một ngày nọ…

Trên đường sắt xe lửa xuất hiện hằng trăm tên lính mặc đồng phục màu lá cây, nhiều chiếc xe tăng chặn các ngã tư lại và trên trời là hai con chim sắt quen thuộc.

Hôm ấy là Chủ nhật.

Ở vùng quê, một trận đá banh đang diễn ra, trong quán rượu, nhiều người đang chơi thảy bóng gỗ và tiếng đàn marimba1 vang lên điệu nhạc ngày hội hè. Trong một thoáng, tất cả như vào một ngày thứ Hai. Kẻ nào rút lui được về vùng núi non thì rút lui, kẻ nào không kịp chạy thì giam mình trong trang trại. Thình thịch, thình thịch, thình thịch… tim ai cũng đập như trống làng. Tin tức từ khắp nơi bay về cho biết về những làng mạc đã biến thành tro bụi, còn bây giờ thì đến lượt ngôi làng này.

Nhưng chẳng có gì xảy ra. Chuyện tốt cũng như chuyện xấu.

Đôi khi quả cũng xuất hiện những khẩu hiệu khắc trên thân mấy cây gòn hay những con bồ câu mang thư trên đường sắt xe lửa, theo như cách những người dân quê gọi các tờ truyền đơn bí mật. Ngoài ra chẳng có gì nữa cả.

Sau cơn hoảng hốt, những người trong làng bắt đầu ra ngoài trở lại và biết được một tin tức mới: Nhà Độc Tài sắp đến thăm làng.

Nhà Độc Tài có chút máu khôi hài này đã đến đây ba lần, cũng như bao nhiêu người khác. Ông ta mập mạp, béo tốt như một con heo, đầu đội mũ lưỡi trai, vai gắn một ngôi sao, trên ngực đầy những huy chương kệch cỡm và bên hông đeo khẩu súng lục bán tự động. Ông ta đi thẳng người, dáng hùng dũng, vây quanh là vị bộ trưởng quốc phòng, nhiều tai to mặt lớn khác và những tên sát nhân, người nào người nấy đều mang kính râm.

– Ông ta đến làm gì đây há? Ai cũng thắc mắc.

Trong làng không có sự kiện gì sắp khai mạc, không ai dựng rạp kết lều chi cả. Vậy mà…

– Chắc họ đến đây để làm hệ thống cống rãnh cho chúng ta.

– Không phải vậy. Trước khi làm ống cống thì phải lo chuyện nước nôi đã chứ. Làm sao chúng ta cứ phải tiếp tục dùng cái thứ nước đen ngòm từ những cái giếng trong làng? Tới mùa đông còn tệ hơn nữa.

– Hay là họ đến để xây thêm nhà cửa?

– Đất đai trước! Không có đất lấy đâu xây với dựng?

– Nhưng mình cũng cần có một cái bệnh xá nữa, anh không thấy vậy sao?

– Và phải tráng nhựa lại đường sá để xe tải còn vào làng được, chứ lúc nào cũng phải dùng xe lửa.

Mọi người thi nhau đoán theo nhu cầu của mình, nhưng Nhà Độc Tài không buồn hỏi ý ai và cũng không ai dám hỏi ông ta điều gì.

– Vậy thì ông ta tới đây để làm gì nhỉ?

Nhà Độc Tài đến để tìm don2 Juan Đẹp Trai.

Mới đây, nhiều người đã hỏi tôi về chuyện đó khi tôi đến ngôi trường này, và tôi đã trả lời họ rằng tôi có biết về những cây đu đủ xinh đẹp trong ngôi làng, nhưng không biết mảy may gì về don Juan Đẹp Trai hay Xấu Trai gì gì đó. Nhưng cái tên ngộ nghĩnh này cũng làm tôi chú ý để tìm hiểu thêm.

– À, đó là một người đàn ông.

– Thì đã hẳn, nhưng sao người ta lại đặt tên cho ông ta như vậy?

– Cứ nhìn mặt ông ta thì sẽ biết.

– Biết ông ta đang ở đâu mà gặp đây?

– Đằng sau trường học đó.

Tôi đi tìm ông ta, nhưng phía sau ngôi trường chỉ có một trang trại bỏ không, chẳng có ma nào ở cả.

Cuối cùng, một ngày nọ, tôi gặp được một người ở đó.

Và tôi đã thấy gương mặt của người ấy.

Đó chính là ông ta. Không thể là ai khác.

– Chào thầy, ông ta nói, rồi bước vào trong trang trại.

Cũng như đối với tất cả mọi người, ông ta đã để lại một ấn tượng mạnh mẽ trong tôi.

– Anh đã gặp ông ta rồi sao? – Người ta hỏi tôi.

– Gặp rồi.

– Có thật ông ta đẹp trai không?

– Lại chả thật – tôi cười đáp.

– Giống như con khỉ nhỏ của ông ta vậy hả?

– Giống như vậy đó.

Nhưng không, con khỉ nhỏ còn đẹp chán.

Người ta kháo nhau rằng kẻ này không thể nào sống thiếu kẻ kia, rằng con khỉ chính là linh hồn của don Juan, mà chính ông ta cũng bảo vậy. Ông đi đâu cũng có con khỉ đi cùng. Ông cột cổ nó bằng một sợi dây xích, chẳng khác nào một tên nô lệ.

Nhưng không…

– Ông ta mới thật là nô lệ – người ta xầm xì. Con khỉ đã hoá thân thành ông Juan và ông ta phải phục dịch nó.

– Hoá thân là thế nào? Lúc nào? Ở đâu?

– Vào ban đêm, ở Nhà Thờ.

– Nhà thờ nào?

– Nhà thờ đằng sau trường học ấy.

Nhà thờ gì cái trang trại đó nhỉ? Nhà Thờ Chính Toà hay nhà thờ ở Công Trường Quân Sự ở thành phố Antigua mới gọi là nhà thờ. Hay bất cứ ngôi nhà thờ nào khác. Nhưng… cái trang trại đó… Hoá ra tên của trang trại là Nhà Thờ, thật là có một không hai, vô tiền khoáng hậu.

Don Juan và con khỉ quả là độc đáo.Trong những lần ngồi đồng, don Juan để con khỉ ngồi bên cạnh ông ta và ghì chặt lấy nó để nó không cựa quậy gì được, đồng thời để hồn của nó dễ dàng nhập qua xác ông ta. Số thân chủ ông ta có được một phần là nhờ vào ấn tượng mà ông ta và con vật nhỏ này gây nên.

Tuy rằng…

– Tôi chẳng có thân chủ thân chiếc gì cả, vì tôi có lấy ai đồng nào đâu – Ông ta thường bảo vậy. Những món mà người ta cho tôi là đồ cúng dường. Rõ ràng là như thế. Tiền mặt là tôi dứt khoát không nhận. Có chăng là gà vịt, đậu, bắp, gạo, muối, thuốc lá, rượu mía, đèn nến, diêm quẹt, bánh kẹo, hoa quả. Thảng hoặc cũng có con heo, con bò…

Vì chủ tớ chỉ vỏn vẹn hai mống, một phần các món cúng dường là để tiêu thụ, phần còn lại ông ta bán lấy tiền để mua sắm những thứ khác.

Một hôm ông ta bảo tôi:

– Thầy ạ, thầy làm một chai bia nhá?

Lúc ấy là giữa trưa, rất dễ bị ma xui quỷ khiến. Vả chăng, hôm đó lại là thứ Bảy.

– Vâng, xin ông.

Ông ta gọi một chai bia cho tôi, một cho ông và một cho cả con khỉ.

– Don Juan, ông cho con khỉ uống bia à?

– Chứ sao ạ. Tôi nốc thì nó cũng phải nố

 Quả vậy, con khỉ cũng nốc bia, nhưng nó chẳng cầm cự được mấy; chẳng bao lâu nó đã say mèm. Don Juan không ngừng cười nhạo con vật cưng của mình. Khi con khỉ nhỏ ngủ thiếp đi, ông ta ve vuốt nó như một đứa con. Ông bế nó lên, chân nam đá chân chiêu, mang nó về Nhà Thờ. Ông không để cho nó say cho đến ngày hôm sau. Rượu hay bia gì, lúc nào ông cũng sẵn sàng bỏ chất giải rượu vào nồi xúp trứng của nó. Xong xuôi, chủ và tớ lại lăn ra ngủ tiếp. Có khi cả hai còn nằm tênh hênh giữa đường từ văn phòng thị chính về đến làng. Người và khỉ còn lai vãng cả đến các nhà chứa. Nhìn con khỉ nhỏ ngồi giữa hai đùi của một cô gái nào đó mà uống rượu thì đố ai nhịn được cười.

– Hoan hô don Juan và chú khỉ! – các cô gái nhao nhao nói mỗi lần thấy cả hai bước vào. Đoạn các cô bắt đầu trò chơi chữ.

– Ối chà, chú khỉ này lông lá dữ há. Giống con khỉ của Vilma quá.

– Còn lâu! Con khỉ này chưa đáng xách dép cho con khỉ của tôi đấy nhá.

Rồi các cô cười ha hả, cứ thế mà thi nhau bỡn cợt.

Phần don Juan thì cứ ly này qua ly khác. Ông ta liên tục bỏ tiền cắc vào cái máy nghe nhạc, khiêu vũ với hầu hết các cô.

– Ai muốn nhảy với nó không? – ông ta chỉ tay về phía con khỉ.

– Em sẵn sàng, nếu ông chịu trả tiền.

– À, thế thì khỉ nhảy với khỉ nhé – ông ta đồng ý, móc túi trả tiền.

Nhưng vì con khỉ không biết nhảy, cô gái chỉ biết ôm lấy nó, dìu nó ra giữa sàn nhảy, một mình cô lắc lư theo điệu nhạc.

Ai nấy đều phá lên cười rũ rượi.

– Sao cô không dắt nó vào phòng luôn thể?

– Don Juan! Nó có phải là người đâu kia chứ!

– Nhưng tôi sẽ trả tiền cho cô mà.

– Ông mà có hỏi cưới em thì em cũng không chịu.

– Ha ha ha! – Don Juan vừa cười vừa ra lệnh cho các cô – Mang cho anh ly nữa đi!

Đó là người mà Nhà Độc Tài đang đi kiếm.

Khi don Juan nhìn thấy Nhà Độc Tài đứng ngay trước cửa nhà mình, ông thấy tay chân rụng rời, hồn phi phách tán.

Nhờ kẻ nói ra người tán vào, tiếng tăm của don Juan đã vượt ra khỏi làng xóm, thành thị, xứ miền, bay qua núi non trùng điệp để đến tận Toà Thanh Cung3.

Trước đây Nhà Độc Tài đã có lần cho người vời don Juan đến gặp, nhưng ông ta dù sao đi nữa cũng có chút tự trọng nên đã khước từ. Khi nhác thấy Nhà Độc Tài, don Juan ngỡ là ông ta đến để xử bắn mình, sau mới biết là đã nghĩ lầm. Ông ta đến để làm gì thì không ai biết được, mặc dầu bằng cách này hay cách khác, don Juan đã khiến tôi hiểu rằng Nhà Độc Tài đến để tìm hiểu về một cuộc đảo chính khả dĩ nào đó. Nhưng nào ai dám đoan chắc chuyện gì.

Dẫu sao đi nữa, điều thú vị không phải là Nhà Độc tài đến để làm gì, mà chính là nhìn ông ta nhũn như con chi chi khi ngồi ở cái bàn đối diện với don Juan, lúc này đã hoàn toàn tỉnh táo. Thú vị hơn nữa là nghe Nhà Độc Tài lập lại câu thần chú của con khỉ, người đang có cả một tập đoàn tâm lý gia sẵn sàng phục vụ để gieo rắc khủng bố, và cuối cùng là nhìn ông ta uống một thứ nước đùng đục mà don Juan để trên bàn thờ, dành cho tất cả những ai tìm đến ông để vấn kế.

Cứ thế, Nhà Độc Tài đã ở lại đó suốt buổi chiều rồi mới ra về, đột ngột như lúc đến. Về phần mình, don Juan không lấy làm kiêu ngạo về việc được Nhà Độc Tài đến thăm. Ông ta làm như không có gì xảy ra, mặc cho người vừa đến đó là ai. Sự thật là nếu Nhà Độc Tài có đến đi chăng nữa thì cũng là tự ông ta muốn mà thôi.

– Thế ông ta đã trả công cho ông những gì, don Juan?

– Trả công cái con khỉ khô! Nhưng thầy cứ đi đánh chén với tôi đã.

Một tháng trôi qua…

Rồi hai tháng…

Có vẻ như Nhà Độc Tài muốn thử trước xem don Juan có thật là tài giỏi không, hay chỉ là do đồn đại mà ra.

Một ngày nọ, một chiếc xe Jeep chở theo vài người mang kính râm vào đến làng. Họ tìm don Juan để nhắn rằng Tổng thống gởi lời cám ơn ông ta đã giúp đỡ ngài, đồng thời gởi đến ông một món quà.

– Quà gì thế, don Juan?

– Xem này.

– Rượu whiskey!

Phải nhìn don Juan liếm mép như thế nào mới thú.

Đối với ông ta, rượu whiskey là một món xa xỉ. Chỉ mới nhìn thấy cái hộp đựng rượu ngoại quốc trong nhà mình thôi mà ông ta đã sướng điên lên được. Nhưng sau khi nếm thử một chút và thấy rượu có vị như thuốc tẩy, không giống như loại rượu thông thường, ông quyết định đem bán. Những chai rượu có giá cắt cổ, ông ta chỉ bán với giá rẻ mạt. Nếu một chai whiskey đáng giá 40 quetzal4, ông chỉ bán với giá 20, 15, 10 hay thậm chí vỏn vẹn có 5 quetzal ở ngoài chợ. Dầu vậy, vì một phần tám của các chai rượu Venado5 hay Indita6 có giá khoảng 50 xu vào thời đó, cứ mỗi chai ông ta lại rót ra một ít, vừa đủ hai ba ngụm, nhất là vì ông ta rất dễ say, cũng như con khỉ của ông vậy. Khi ông đã say mèm, đến whiskey ông cũng đem đổi lấy rượu rẻ tiền.

Rồi một hôm…

– Có chuyện gì vậy?

– Con khỉ nhỏ của don Juan, sáng dậy mới thấy nó đã chết từ lúc nào không biết!

Chủ và tớ đã say khướt từ đêm trước. Đến khoảng nửa đêm, lá gan của con khỉ trở bệnh. Nghe tin con khỉ chết qua một viên quân uỷ, Nhà Độc Tài gởi một bức điện tín chia buồn. Ông ta còn gởi thêm một bức nữa, ra lệnh cho don Juan tổ chức một tang lễ. Don Juan thấy mình như bay bổng đến tận mây xanh khi nghĩ đến lúc con khỉ cưng của mình sẽ được mai táng trang trọng. Ông ta ngừng uống rượu ngay, đem con khỉ ra giữa trang trại, đặt nó lên một cái bàn rồi phủ lên xác con vật một tấm vải trắng. Ông đặt bốn cây nến chung quanh và một bức tượng Chúa Giê-su ở đầu bàn, tứ bề rải đầy hoa lá. Ông còn thuê cả một ban nhạc để họ chơi nhạc suốt đêm bên thi hài con khỉ, và mời dân làng đến dự tang lễ. Cố nhiên là nhiều người từ chối không đến.

– Nó có phải là người đâu kia chứ! – Họ xầm xì bảo nhau.

Nhưng cũng có vài người đến. Kẻ thì vì hiếu kỳ, người thì vì miếng ăn, tách cà-phê hay ly rượu, cũng có người đến chỉ vì don Juan là don Juan.

– Xin thành thật chia buồn, don Juanito7.

– Xin thành kính phân ưu, don Juanito.

Lúc các cô gái trong những quán rượu ngoài phố đến, don Juan tiếp nhận không biết bao nhiêu là nước mắt, làm lây đến tất cả mọi người, không ai cầm được giòng lệ nữa.

Suốt đêm đó, có đủ cả mọi thứ: trò lô-tô, bánh kẹo, bài bạc, chuyện tiếu lâm và chuyện ngồi lê đôi mách. Lúc trời hửng sáng, hai kẻ say rượu rời đám tang bắt đầu gây gỗ và cuối cùng đâm chém cả nhau. Ngoài sân banh thì có một cô gái bị cưỡng dâm. Lúc ba giờ sáng, mặt đất còn xông lên hơi lạnh, người ta bắt đầu đọc kinh Kính Mừng.

Hàng loạt giọng ê a, rầm rì vang lên:

Kính mừ…ừ…ừng

Mari…i…i…a

Đầy ơn phú…ú…úc…

Khi trời đã sáng hẳn, một chiếc Jeep xuất hiện cùng với vài người mang kính râm và một cái hộp nhỏ phủ lụa trắng. Một cái áo quan dành cho con nít.

Lúc thấy cái áo quan, tôi sực nghĩ đến đứa bé mà cách đây mấy ngày người ta canh xác nó ở ga xe lửa rồi quấn giấy báo đem chôn.

– Ông ta còn gởi cả tiền cho tôi nữa – don Juan cho tôi biết.

– Sao ông còn chưa hiểu nữa? Thì để ông có mà trang trải các chi phí chứ.

Don Juan lợi dụng ngay lúc ấy để xin tôi kiếm cho một nhóm học trò.

– Để chúng giúp khiêng xác, thầy ạ.

Tôi có cảm tưởng thiếu điều ông ta yêu cầu dành cả một ngày lễ cho con khỉ. Tôi bảo ông ta rất tiếc rằng bọn trẻ chỉ đến trường vào ban sáng, mà lễ an táng lại là vào buổi chiều.

– Rầy rà nhỉ.

Ông ta hiểu rằng tôi không muốn giúp, nên cũng không nài nỉ gì thêm.

Vào lúc chôn cất, mọi người lục tục đến: một số đại diện của Nhà Độc Tài, mấy cô gái bán hoa, nhiều người trong làng, và tất nhiên có cả don Juan. Cũng là chỗ chòm xóm với nhau cả, nhưng tôi cứ giả bộ làm như kẻ ngốc. Tuy vậy, tôi cũng ra trước nhà ngó đám tang đi qua. Mấy cô gái đỡ cỗ quan tài của con khỉ trên vai, theo sau là năm sáu người dân làng vừa đi vừa đọc kinh ê a, sau rốt là các đại diện của Nhà Độc Tài và don Juan. Dĩ nhiên là nhiều người rất lấy làm tức tối. Làm thế nào mà một con khỉ lại được trịnh trọng mang ra nghĩa địa để chôn cất như thế chứ? Kẻ lộn gan lộn ruột nhất hẳn là don Jacinto. Ông này là một người đàng hoàng, dáng cao lớn, lúc nào cũng mang kính, bảo thủ đến tận xương tuỷ, nhưng vô cùng thẳng thắn. Ông là hình ảnh của quyền uy trong vùng, người đi khắp nơi với cây roi đại diện cho ông thị trưởng. Trong làng, ông chính là người phụ tá của thị trưởng.

– Don Juanito, tôi rất lấy làm tiếc, nhưng thế này thì không được đâu ông ạ. Con khỉ này—cầu cho linh hồn nó được yên nghỉ—dẫu sao cũng không phải là người nên ông không được phép chôn nó trong nghĩa trang này. – Giọng ông ta nhẹ nhàng nhưng đanh thép.

Nếu hai người không phải là bạn bè thì họ cũng chẳng phải là kẻ thù của nhau. Don Juan đã gần như muốn công nhận là don Jacinto có lý và suýt nữa đã ra lệnh cho đám tang quay về.

– Ông là ai mới được chứ?

– Tôi là phụ tá của ngài thị trưởng.

– À ra thế. Ông đừng lo, chúng tôi có mang giấy phép đây.

– Hay lắm, cho tôi xem nào.

– Giấy phép đây! – một người trong đám đại diện của Nhà Độc Tài vứt cái áo khoác qua một bên, rút trong bao súng ra khẩu 45 và kê vào ngực don Jacinto.

– Để xem ai có quyền hơn nhá, cây roi chết tiệt của thị trưởng hay cái này!

Don Jacinto lùi lại.

– Ô, phép tắc kiểu này thì khỏi nói nữa – ông ta đáp rồi thiểu não quay đi.

Vậy là con khỉ được an táng trong nghĩa trang, trong tiếng cầu kinh và tiếng hát ê a rời rạc, cùng một trận mưa hoa mà người ta đã chất đầy trong chiếc xe Jeep để mang đến. Don Juan đặt lên cỗ quan tài một cái thánh giá thật đẹp bằng gỗ tùng thơm, một trong những món phúng điếu của Nhà Độc Tài. “Nơi đây yên nghỉ một kẻ đã từng sống”, hàng chữ khắc vào gỗ như thế, không tên không tuổi, vì con khỉ chưa từng được đặt tên, bên dưới là ngày tháng nó qua đời. Don Juan than khóc không ngừng, vài cô gái bán hoa cũng rơi lệ, còn các đại diện của Nhà Độc Tài thì mắt ráo hoảnh.

Tôi những tưởng rằng mọi việc đến đây là đã chấm dứt. Thế nhưng, ngay đêm hôm ấy, người bắt đầu tuần cửu nhật kính lòng thương xót Chúa. Suốt chín ngày trời, dù không đông người cho lắm, trong trang trại Nhà Thờ, tôi có thể nghe vang vang tiếng đọc kinh Kính Mừng Maria, kinh chúc tụng Chúa, và cơ man nào là những kinh khác mà người ta đọc để cầu cho những linh hồn của người đã khuất. Lẽ dĩ nhiên là không thiếu bánh mì và cà-phê. Mọi thứ đều do Nhà Độc Tài trang trải hết.

Don Juan là chỗ hàng xóm láng giềng với tôi, và cứ cho rằng ông ta và tôi đã cùng trải qua những khoảnh khắc bên nhau để canh xác con khỉ, một phần vì tình lân lý, phần khác là do hiếu kỳ, mà một phần cũng chỉ để cho xong phức cái trò khỉ đó! Nhưng nếu đã không đi dự đám tang thì lại càng không nên đến chỗ cầu kinh ấy làm gì. Tôi xử sự như thế là đã hết mức rồi. Cũng không hoàn toàn là vậy, nhưng tôi dạy về khoa học cơ mà.

Nhưng don Juan đã quên khuấy về tôi. Khi tuần cửu nhật kết thúc, vào giờ ăn chiều, có người ghé qua trường nói với tôi:

– Don Juan bảo gởi thầy mấy món này.

Đó là hai cái bánh tamal8 loại hảo hạng, cùng một ly rượu đầy.

Tôi sống một thân một mình và ăn uống chẳng nhiều nhặn gì cho lắm, cho nên mấy cái bánh và ly rượu chẳng khác gì cao lương mỹ vị. Tôi đã không muốn đến chỗ tang ma con khỉ, nhưng suốt đêm vẫn phải nghe đi nghe lại cái thứ nhạc vo ve ấy, cùng với tất cả những điều kệch cỡm trong đêm canh xác chết.

Suốt chín ngày liền, don Juan say khướt, vô cùng đơn độc. Nhưng khi tuần cửu nhật chấm dứt, cơn thịnh nộ của ông bùng lên. Sáng, trưa, chiều, tối, ông lang thang cùng làng khắp xóm. Vậy mà ông vẫn không biết được chuyện thời cuộc, tuy rằng ông có một cái radio hiệu Phillips, cũ rích nhưng vẫn còn xài được. Cho nên đối với ông, cuộc đảo chính của tên Bộ trưởng bộ Quốc phòng hạ bệ Nhà Độc Tài đã từng đến thăm ông là điều đã không xảy ra.

Một hôm, tôi nhảy nhổm lên khi thấy bộ máy quyền lực quen thuộc mà Nhà Độc Tài bị thất sủng đã từng sử dụng lại đến làng, dừng ngay trước cổng trường.

Khoảng hai ba tuần trước, một nhóm giáo viên chúng tôi tuyên bố đình công. Chúng tôi thiếu tổ chức nên bị phân tán rất manh múng. Tôi không phải là người cầm đầu, nhưng vì có tham gia vào cuộc đình công, tôi nghĩ là họ đến bắt mình. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi đã biến mất.

Nhưng không. Muốn bắt tôi thì chỉ cần một hai tên cảnh sát chứ đâu có cả một đám người hùng hậu như thế này. Hoàn hồn đôi chút, tôi bước ra ngoài hành lang. Tôi thấy một người từ trên chiếc xe Jeep bước xuống, tay ôm một con khỉ nhỏ, đi về hướng nhà của don Juan, don Juan Đẹp Trai.

– Ngài tổng thống mới ấy mà! – Don Juan bảo tôi. Thầy xem, ông ấy cho tôi một con thú cưng mới.

Sau đó ít lâu, don Juan bỏ hẳn rượu, nhưng ông ta cũng chẳng còn khách vãng lai nữa.

– Bây giờ là lúc tôi phải vươn lên trở lại, thầy ạ.

Tôi nói với don Juan là tôi muốn thấy ông được thành công.

– Thầy thấy không, ngài đương kim tổng thống tin tưởng tôi lắm. Ông nói rằng, vì tôi đã giúp cho đời tổng thống trước, bây giờ tôi cũng sẽ giúp ông để ngăn ngừa “hậu hoạn”.

Tôi tưởng mình nghe không rõ, rằng chắc mình nặng tai hay quên ráy tai cũng nên. Nhưng không, hai tai tôi hoàn toàn sạch sẽ.

Vậy mà trước giờ tôi vẫn cho rằng các tay biếm hoạ chỉ giỏi tài thêm mắm thêm muối mà thôi.

 Trần C. Trí chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Tây Ban Nha

Chú thích

 1 Loại đàn phím gỗ, dùng hai que để gõ, tương tự đàn xylophone.

Tước hiệu trong tiếng Tây Ban Nha, tương đương với Mr. trong tiếng Anh. Trong nguyên tác, nhân vật này được nhắc tới lần đầu là ‘don Juan Bonito’ (tính từ ‘bonito’ là ‘đẹp trai’, được viết hoa kèm theo tên Juan, trông như một cái họ).

3 ‘Palacio Verde’, tên gọi thân mật của Palacio Nacional de la Cultura (‘Cung Văn Hoá Quốc Gia’), một thời dùng làm tổng hành dinh của tổng thống Guatemala.

4 Đơn vị tiền tệ của Guatemala, cũng là một danh từ trong tiếng Nahuatl, tên loài chim có bộ lông sặc sỡ, sống trong vùng rừng nhiệt đới và bán nhiệt đới.

5 Một loại rượu rhum trắng.

Tên gọi thân mật—có nghĩa là ‘thổ dân da đỏ’—của nhãn hiệu rượu nổi tiếng ở Guatemala Quezalteca Rosa de Jamaica.

Cách dùng dạng diminutivo (‘từ ngữ giảm thiểu’) để diễn tả sự thân mật.

Loại bánh truyền thống của vùng Trung Mỹ làm bằng bột bắp, nhân thịt, phô-mai, trái cây hay rau cải tuỳ theo khẩu vị, thường gói trong lá bắp hay lá chuối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét