Một số truyền thuyết sai lầm về Cao Bá Quát
Nguyễn Thị Chân Quỳnh
Cũng như nhiều danh nhân khác, Cao Bá Quát đã bị người đời gán ghép cho những chuyện xét ra phần lớn là ngụy tạo, ngay tiểu sử của ông cũng không minh bạch.
1- Cao Bá Quát sinh năm nào ?
Cao Bá Quát là dân ngụ cư ở Thăng Long nhưng quê ở làng Phú
Thị, huyện Gia Lâm, Kinh Bắc (Bắc Ninh), cách Hà Nội 17 cây số về phía đông.
Nhiều sách viết về Cao Bá Quát đánh dấu hỏi khi đề cập đến
năm sinh của ông, có người phỏng đoán ông sinh năm 1800 nhưng không cho biết
dựa vào đâu. Sở Cuồng, Lãng Nhân đều nói ông đỗ Cử nhân năm 14 tuổi. Ai cũng
biết ông đỗ khoa 1831, vậy ông sinh năm 1831 - 14 = 1817 ?
Song nếu căn cứ vào bài "Thiên cư thuyết" (Câu
chuyện dời nhà) của ông ta có thể tính ra được khá chính xác nhờ hai câu trong
bài :"Mùa thu năm ngoái, sau khi chiếm được tên trên bảng, định dời nhà đi
nơi khác..." và "Tuổi ta mới ngoài hai kỷ mà núi sông thành quách cũ
đã thay đổi ba lần..." (1). Cao Bá Quát "chiếm được tên trên
vảng" năm 1831, vậy thì bài "Thiên cư..." đựợc viết vào năm sau
tức là 1831+1 = 1832. Lúc ấy Cao Bá Quát "mới ngoài hai kỷ", mỗi kỷ
là 12 năm, "ngoài hai kỷ" tức là 2 x 12 = ngoài 24 tuổi. Vậy thì Cao
Bá Quát sinh vào khoảng :
1832 - 24 = 1808
Tôi nói "vào khoảng" vì hai chữ "mới
ngoài" không cho biết đích xác là bao nhiêu năm, thứ nhất thời xưa tính
theo âm lịch nên cuối năm âm có thể lấn sang đầu năm dương lịch. Dù sao thì năm
sinh của Cao cũng không thể là 1800 hay 1817.
Hiện nay năm 1808 được chính thức coi là năm sinh của Cao, Hà
nội vừa làm lễ kỷ niệm 200 năm sinh của Cao Bá Quát (1808-2008).
2- Tên tự và tên hiệu
Cao Bá Quát là em sinh đôi với Cao Bá Đạt, sinh ra sau nhưng
không chịu gọi Đạt bằng anh viện cớ trong bụng mẹ mình ngồi trên nên sinh sau
(2). Cụ thân sinh ra hai ông tên là Cao văn Chiếu (Chiến ?) vốn là một cụ Đồ
nho, đã đặt tên các con theo một điển tích trong Luận Ngữ : "Lúc triều đại nhà Chu mới
lập, có nhiều hiền tài giúp. Một nhà có bốn cặp sinh đôi là Bá Đạt-Bá Quát, Trọng
Đột-Trọng Hốt, Thúc Dạ-Thúc Hạ và Quý Tùy-Quý Oa đều là hiền sĩ" (3). Cụ
Đồ Cao đặt tên hai con là Bá Đạt, Bá Quát ngụ ý mong cả hai sau này cùng thành
những bậc hiền tài, giúp vua trị nước. Tên Chu
Thần (bầy tôi nhà Chu) của
Cao Bá Quát cùng chung một ý ấy.
Cao Bá Quát có tới ba tên khác nhau vừa là tên tự vừa là tên
hiệu : Chu Thần, Mẫn Hiên và Cúc
Đường, song có sách nóiChu Thần là
tự của ông, sách khác lại cho đấy là hiệu của ông. Căn cứ vào một số sách và từ
điển (4) thì Hiệu là "Danh hiệu" "Bút
hiệu" do đương sự tự đặt lấy, gói ghém ý nguyện ở trong ; Tự là tên chữ Hán, qua tên tự người
ta liên tưởng được tên chính. Chu
Thần với nghĩa "bầy tôi
nhà Chu" đúng là tên tự của Cao Bá Quát. Thơ
văn Cao Bá Quát, Danh nhân lịch sử Việt Nam đều
chép tự của ông là Chu Thần,
hiệu Cúc Đường, bút hiệu
là Mẫn Hiên.
3- Học vấn
Cao Bá Quát nổi tiếng "văn hay chữ tốt", nói đến
ông không ai không nhớ đến hai câu :
"Thần Siêu (Nguyễn văn Siêu), Thánh
Quát"
và :
"Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán,
Thi đáo Tùng (Tùng Thiện Vương), Tuy (Tuy Lý Vương) thất Thịnh Đường"
tương truyền của vua Tự Đức ngụ ý ca tụng văn thơ
hai ông Siêu, Quát vượt cả nhà Hán, nhà Đường (5).
Ngay từ nhỏ hai anh em ông Quát đều có tiếng học giỏi, 14
tuổi đã biết làm đủ mọi thể văn bài trường thi và thi Hạch (6) ông Quát đã đỗ
Thủ khoa. Tương truyền kỳ thi Hạch ấy hai anh em ông còn quá trẻ, đầu còn để
trái đào, nhưng lại làm xong văn bài trước tiên, cổng trường còn đóng chưa được
phép ra về bèn rủ nhau đá cầu đợi giờ mở cổng. Quan trường thấy lạ, gọi lại hỏi
rồi ra một vế đối để thử tài :
Nhất bào song sinh, nan vi huynh nan vi đệ
(một bọc sinh đôi, khó biết ai là anh ai là em)
Quát đối :
Thiên tải nhất ngộ, hữu thị quân, hữu thị thần
(nghìn năm mới gập một lần, có vua thế nên mới có bầy tôi như thế)
Vì câu trên trỏ vào hai anh em ông nên câu dưới
có thể hiểu là ông Quát mà làm vua thì ông Đạt làm bầy tôi. Quan trường lấy làm
kinh dị, sai mở cổng cho hai anh em ông về trước.
Theo Trúc Khê Ngô văn Triện kỳ thi Hạch ấy diễn ra ở Bắc
Ninh, đầu đề bài thơ là "Thiếu niên anh tuấn" Quát làm bài rất hay
nhưng hai câu cuối thất niêm, các bài khác cũng xuất sắc, quan trường không câu
nệ, cố chấp, vẫn cho đỗ Đầu Xứ (7).
Vì ông tuổi trẻ đỗ sớm nên mắc tật kiêu ngạo. Để chứng tỏ
tính nết kiêu ngạo của ông, người ta thường kể ông từng tuyên bố :"Thiên
hạ có bốn bồ chữ, riêng tôi giữ hai bồ, anh tôi giữ một bồ" (có chỗ chép
"Anh tôi là Bá Đạt và bạn tôi là Nguyễn văn Siêu giữ một bồ) còn một bồ
chia cho kẻ sĩ khắp thiên hạ". Song theo cụ Lãng Nhân, Giai thoại làng Nho toàn tập,
thì câu này phỏng theo ý của Tạ Linh Vận (Trung quốc) "Trong thiên hạ tài
có một thạch (mười đấu), Tào Tử Kiến (Tào Thực, con Tào Tháo) được tám đấu,
riêng tôi giữ một đấu còn một đấu phân phát cho khắp kẻ sĩ cổ kim" (8).
Như vậy rõ ràng là chuyện bắt chước Trung quốc, liệu có phải Cao đã
"cóp" người xưa thật hay vì thấy ông mang tiếng kiêu ngạo mà có người
đã đem chuyện này gán ghép cho ông ? Bởi vì đã có khá nhiều chuyện người ta nói
chắc như đinh đóng cột mà xét ra lại không đúng như sẽ được trình bầy ở phần
cuối bài này.
Năm 1831 ông thi Hương, được lấy đỗ Á nguyên (đỗ thứ nhì)
trường Hà Nội song khi bộ Lễ duyệt lại hạ xuống đỗ cuối bảng. Người ta cho vì
cái tính ngông mà mấy lần thi Hội ông đều bị đánh hỏng. Chẳng hạn gập đầu đề
thích ý thì ông bất chấp luật trườnng quy, có lần làm bài ông viết đủ bốn loại
chữ :thảo, lệ, triện, chân. Có người nói vì quan trường ghét tính ông ngông
nghênh, kiêu ngạo nên cố ý đánh hỏng. Chuyện này hơi khó tin vì thi Hội các
quan trường chỉ được chấm bản sao do các "ông Nghè bút thiếp" chép
bằng mực đỏ thì làm sao có thể nhận biết tự dạng của ông mà đánh hỏng ? Trừ phi
các quan thông đồng với nhau sau khi chấm xong và kháp phách (9), biết đích xác
quyển văn nào của ông để đánh hỏng.
4- Hoạn lộ
Tuy đỗ Cử nhân từ khoa 1831 nhưng mãi mười năm sau (1841) ông
mới được triệu vào Kinh giữ xhức Hành tẩu bộ Lễ, một chức qquan hàng thất hay
lục phẩm, có nhiệm vụ truyền các mệnh lệnh của vua, của các quan Thượng Thư hay
quan đầu nha môn.
Tháng tám năm 1841 ông được cử làm Sơ khảo trường Thừa Thiên.
Lúc chấm bài thấy cố mấy quyển viết hay nhưng lỡ phạm trường quy, ông cùng bạn
là Phan Nhạ lấy muội đèn (10) chữa hộ. Việc phát giác, Cao bị giam cầm, đánh
đập gần ba năm mới thành án trảm, nhờ vua Thiệu Trị tiếc tài, cho giảm án xuống
"giảo giam hậu", tức là đáng lẽ bị chặt đầu thì nay được giam lại chờ
ngày bị thắt cổ, được chết toàn thây kể như tội nhẹ hơn. Cuối cùng án đổi sang
"dương trình hiệu lực" nghĩa là được phép lập công chuộc tội, đi theo
phái đoàn Đào Trí Phú sang "Tây dương" bán hàng nội hóa và mua những
sản vật Tây phương như ống dòm, phong vũ biểu v.v...
Về chuyện ông được cử đi xứ nào mỗi chỗ chép một khác, người
thì nói đi Tân-gia-ba, người nói đi In-đô-nê-xia, người nói đi Căm-pu-chia,
người nói đi Ba-ta-via v.v... bởi chữ "đi Tây dương" không minh bạch.
Thuyết đi Tân-gia-ba có lý hơn cả, dựa vào mấy câu thơ sau đây ông viết bằng
chữ Hán, Trúc Khê dịch :
Nhai văn nhá chữ buồn ta,
Con giun còn biết đâu là cao sâu !
Tân-gia từ biệt con tầu,
Mới hay vũ trụ một bầu bao la (11).
Năm 1843, sau khi xuất dương về, ông trở lại Đà
Nẵng rồi được phục chức ở bộ Lễ, sau thăng Chủ sự, rồi lại bị sa thải phải quay
về Thăng Long sống những ngày rất túng thiếu.
Năm 1847, sau bốn năm bị thải, ông lại được triêu vào Kinh
làm trong Hàn-lâm-viện. Hơn một tháng sau phải đi công cán ở Đà Nẵng, rồi trở
về sưu tầm, sắp xếp các "văn thơ" cho vua (có chỗ chép các "vần
thơ" cho vua vì vua Tự Đức thích làm thơ nên muốn có vần sắp sẵn).
Năm 1850, ông đổi đi làm Giáo thụ ở Quốc Oai (Sơn Tây). Năm
1853 các tỉnh Sơn Tây, Kinh Bắc bị nạn châu chấu cắn lúa, dân đói khổ, nổi
loạn. Ông từ chức, lấy cớ nuôi mẹ già rồi liên lạc với các nhóm nghĩa quân, bầu
Lê Duy Cự (tức Duy Đồng, tự xưng là cháu bốn đời của Lê Hiển Tông) lên làm Minh
chủ, mình làm Quốc sư. Ông khởi nghĩa ở Mỹ Lương, tức Chương Mỹ và Lương Sơn,
Bắc Ninh), tiến đánh vùng Hà Nội, Sài Sơn (Sơn Tây) nhưng mấy tháng sau thua
trận phải rút về Mỹ Lương. Tháng 11 năm 1854 ông mất.
5- Cái chết của Cao Bá Quát
Về cái chết của ông có nhiều thuyết khác nhau. Một số người
tin ông bị bắt, giải về Hà Nội rồi đưa vào giam ở Huế trước khi đem ra chém
đầu, Trong thời gian bị giam trong ngục ông làm hai đôi câu đối nổi tiếng :
Một chiếc cùm lim chân có đế,
Ba vòng dây xích bước cỏn vương.
và :
Ba hồi trống giục, đù cha kiếp,
Một nhát gươm đưa, đ.. mẹ đời !
Dựa vào văn phong người ta có thể tin là do ông
sáng tác được song theo chính sử nhà Nguyễn, Đại
Nam Thực Lục Chính Biên, thì năm 1854 ông bị "suất đội Đinh Thế Quang
bắn chết tại trận. Vua Tự Đức hạ lệnh bêu đầu ông khắp các tỉnh miền Bắc rồi bổ
ra ném xuống sông. Sau Quang được thăng lên Cai đội" (12). Như vậy là ông
chết trận chứ không hề bị giam cầm, chết trận không nhục nhã bằng bị giam cầm
rồi đưa ra chém. Bộ Thực Lục do các sử thần nhà Nguyễn chép, không
có lý do gì dám sửa sự thật để giữ thể diện cho một phản thần nhà Nguyễn. Cho
nên, theo tôi, hai đôi câu đối trên là ngụy tạo.
Cũng có thuyết nói ông bị bắt và tự sát trên đường giải về
Kinh. Có lẽ người ta đã nhầm ông với anh ông là Bá Đạt khi ấy đang làm Tri
huyện Nông Cống (Thanh Hóa), vì em làm phản bị vạ lây, giải về Kinh, giữa đường
cắn ngón tay viết bản trần tình rồi tự tử.
Lại có thuyết cho khi bị giải về Hà Nội, có người thương ông
đã đem một tử tù giống ông thay thế để ông trốn lên Lạng Sơn làm sư, mấy năm
sau mới chết, nhưng không đưa ra bằng chứng (13).
Người ta còn nói ông bị vu hãm vào tội phản nghịch mà chết,
chẳng hạn ngồi nói chuyên với Tùng Thiện Vương, ông chê Tổng đốc Sơn Tây Nguyễn
Bá Nghi là dốt nên Nghi để tâm thù, biết ông dự một đám chay có cờ bằng giấy,
gươm bằng gỗ cũng cứ vu cho ông tội "khởi nghĩa" đóng cũi đem về Hà
Nội chém. Thuyết khác nói ông từng làm gia sư cho một viên Tri Huyện chỉ có
chân Tú tài nên bị một Chánh tổng khinh, ông giúp viên Tri huyện vu oan cho
Chánh tổng tội phản nghịch phải xử tử nên sau bị quả báo v.v...
Ông Quát có thể phê bình chê Bá Nghi nhưng tại sao ông ngồi
với Tùng Thiện Vương mà Bá Nghi lại nghe được ? Còn chuyện viên Tri huyện thù
Chánh tổng thì gia sư Cao, vốn vẫn khinh những người dốt, sao lại có thể giúp
Tri huyện dốt mà không đồng tình với viên Chánh tổng ?
6- Tâm trạng Cao Bá Quát
a- Chu Thần
hay phản thần ?
Vì sao Cao Bá Quát trước làm quan với nhà Nguyễn, chọn tên tự
là Chu Thần mà sau lai quay ra làm phản chống lại
Nguyễn triều ? Phần đông người ta cho vì ông bất mãn với chính thể, có tài mà
không được trọng dụng. Sở dĩ ông bị nhiều người ghét bỏ chính là vì cái tinh
kiêu ngạo, khinh người khiến cho con đường sĩ hoạn lộ của ông bao phen lận đận
mà vẫn không toại chí. Khi giữ chức Giáo thụ ở Quốc oai, gập năm mất mùa, nhân
dân nổi loạn ông mới quyết tâm xoay thế cuộc, dứt tình với nhà Nguyễn, phất cờ
khởi nghĩa, tố cáo triều đình không phải thời Nghiêu, Thuấn.
Có người đi xa hơn nữa, cho là ông nuôi mộng đế vương (14),
dựa vào đôi câu đối ông sáng tác khi ông bị giam trong ngục trước khi bị xử
trảm :
Một chiếc cùm lim chân cố đế,
Ba vòng dây xích bước còn vương.
"đế " và "vương" ở cả dưới
chân ông. Song chính sử đã chép ông bị chết trận chứ không bị giam trong ngục,
đôi câu đối này rõ ràng là ngụy tạo, thuyết "mộng đế vương" không có
cơ sở. Hơn nữa, nếu quả ông nuôi mộng đế vương thì sao không tự mìng xưng làm
Minh chủ mà lại suy tôn Lê Duy Cự lên chức ấy, chỉ nhận mình là Quốc sư cho
thêm rắc rối ? Phải chăng vì ông tự biết mình không đủ uy tín nên phải dựa vào
Lê triều ?
Thuyết ông bất mãn với thời cuộc hợp lý hơn.
b- Mặc Vân
Thi Xã
Thi Xã này do Tùng Thiện Vương Miên Thẩm và Tuy Lý Vương Miên
Trinh, con vua Minh Mạng lập ra để cùng các nhà thơ đương thời trong hoàng tộc
và các danh sĩ xướng họa.
Tương truyền Cao Bá Quát đã chê thơ của Thi Xã như sau :
Ngán cho cái mũi vô duyên,
Câu thơ Thi Xã, con thuyền Nghệ An.
(thuyền Nghệ An chở nước mắm nên nặng mùi).
Tuy nhiên, không thiếu gì người chép ông là bạn
tri kỷ của Tùng Thiện Vương. Đặc biệt khi ông đổi đi làm Giáo thụ Quốc Oai,
Tùng Thiện Vương nhờ ông đề Tựa cho tập thơ mới sáng tác, ông đã viết
bài Tựa hai trang (15). Xưa nay người ta viếtTựa để khen, dù là khen dè dặt chứ
không ai viết để chê. Một mặt Cao chê thơ Thi
Xã, mà Tùng Thiện Vương làm Minh chủ, nặng mùi, mặt khác lại khen thơ Vương
và làm bạn tri kỷ của Vương, mâu thuẫn là ở chỗ ấy. Sở Cuồng giải thích là
trước kia Cao vẫn tỏ ý khinh thị hai anh em Vương nhưng nhờ hai Vương đều trọng
tài ông và tính khí độ lượng nên về sau cảm hóa được ông trở thành bạn và gia
nhập Thi Xã. Tuy cách giải
thích cũng có lý nhưng tôi vẫn thấy bất ổn. Người ta chỉ nói Cao Bá Quát rất
mực thông minh và kiêu ngạo không thấy ai nói ông "tiền hậu bất
nhất". Đã chê tất phải thấy thơ không hay, rồi vì cảm tình riêng mà bỗng
chốc thơ không hay lại hoá hay thì khó mà tin được. Mấy câu thơ trên chắc cũng
là ngụy tạo.
c- "Tử năng thừa phụ nghiệp"
Đây cũng là một thí dụ người ta đưa ra để chứng tỏ tinh ngạo
mạn của Cao. Tương truyền một hôm Cao đến chơi, Tùng Thiện Vương đem đôi câu
đối mới làm ra khoe :
Tử năng thừa phụ nghiệp (nghiệp cha con nên nối
theo)
Thần khả báo quân ân (ơn vua kẻ làm tôi nên báo)
Cao đọc xong chê :"Tối hảo ! Tối hảo ! Quân
thần điên đảo !" (sao con lại đứng trước cha, tôi đứng trước vua ?). Vương
yêu cầu sửa lại, Cao bèn viết :
Quân ân thần khả báo
Phụ nghiệp tử năng thừa.
Có sách chép đôi câu đối này là của vua Tự Đức,
sự thật nó là của người Trung quốc, it nhất đã được kể trong hai cuốn Nhất kiến cáp cáp tiếu và Hải Nam nhân vật chí (16) Dựa vào Hải Nam nhân vật chí, Sở Bảo
viết :"Danh thần đời Minh Khâu Văn Trang khi tám, chín tuổi đi qua cổng
một vị quan to về hưu có treo đôi câu đối mới gỗ sơn son thếp vàng. Mỗi lần đi
qua Khâu giơ tay đánh lõ tót (?) vào câu đối tỏ ý khinh bỉ. Viên quan già cho
đòi vào hỏi lý do, Khâu chê đôi câu đối không hay, con đứng trước cha, tôi đứng
trên vua là bất kính. Viên quan hỏi Khâu có biết sửa không, Khâu nói có biết và
sửa lại như trên.
Hai chuyện giống nhau như hệt, vậy ai "cóp" ai ?
Khâu là danh thần đời Minh, Cao là danh nho thời Nguyễn, dĩ nhiên Khâu không
thể "cóp" Cao được. Nhưng liệu có phải Cao đã "cóp" Khâu
hay không ? Khẩu khí của hai câu "Quân ân thần khả báo", "Phụ
mhiệp tử năng thừa" có hợp với tính tình Cao hay không ? Một người có tính
ngạo mạn, quật cường, đã từng lên án vua Tự Đức không phải Nghiêu, Thuấn, đã
phất cờ khởi nghĩa với hai câu thêu trên cờ :
Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu, Thuấn
(ở Bình Dương, Bồ bản đã không có vua hiền như Nghiêu, Thuấn)
Mục Dã, Minh Điều hữu Võ, Thang
(thì ở Mục Dã, Minh Điều tất phải có những người như vua Võ, vua Thang) (17).
có thể nào lại câu nệ "tôn ti trật tự"
đến thế trong văn thơ không ?
Biết con không ai bằng cha, tương truyền cụ Đồ Cao xem văn
hai con đã đánh giá như sau : "Văn Bá Đạt hơn về khuôn phép mà thiếu tài
tử, văn Bá Quát hơn về tài tử mà thiếu khuôn phép" (18).
Chính mình từ nhỏ văn đã thiếu khuôn phép lại có thể chê văn
người "cương thường điên đảo" được ư ? Có thực Cao Bá Quát mâu thuẫn
đến bậc ấy không ?
Người đời gán ghép hai câu ấy cho ông, tưởng làm tăng giá trị
của Cao lên nhưng lại không nghĩ rằng vì thế khiến Cao mang tội "đạo
văn".
Châtenay-Malabry thàng 1-1991
Giao Điểm số 3, tháng 5-1991
Sửa lại, Hà Nội tháng 12-2008
2- Tuy có thể là
Cao cãi bướng nhưng ngày nay y học nhìn nhận ngưới sinh trước là em.
3- Luận Ngữ, tr. 295.
4- Toan Ánh, Nếp cũ, tr. 53.
5- Sở Cuồng nói
là của Trung quốc, Cao Bá
Quát, Tư liệu, tr. 186.
Nguyễn văn Siêu
(1799-1872) hiệu Phương Đình, người huyện Thọ Xương.
Tùng Thiện Vương
Miên Thẩm (1819-1870), con thứ 10 vua Minh Mệnh.
Tuy Lý Vương
Miên Trinh (1820-1897), con thứ 11 vua Minh Mệnh.
6- Lãng Nhân, Giai thoại Làng Nho Toàn tập,
tr. 306. chép là thi Hương năm 14 tuổi, Ông sinh năm 1808 + 14 = 1822, nói ông
đỗ Cử nhân năm 1822 là không đúng vì ông đỗ khoa 1831.
7- Trúc Khê, tr.
336. chép ông thi Hach đõ Đầu Xứ ở Bắc Ninh, mới hợp lý.
8- Lãng Nhân,
sđd tr. 303 -
Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ, tr. 252.
9- Kháp phách : Quyển văn của học trò phải rọc phách
tức là xé trang đầu cung khai tên tuổi, quê quán v.v... cất đi trước khi giao
cho quan trường chấm để tránh chuyện gian lận, chấm xong , xếp thứ tự rồi mới
đem cái phách tức tờ cung khai tên tuổi ra ráp vào quyển thi, gọi là kháp
phách, để biết tên tác giả quyển thi.
10- Theo Thực Lục, ông làm Sơ khảo
trường Thừa Thiên chứ không phải Phúc khảo. Theo lệ, quan trường chấm bằng mực
xanh, hồng hay son ta, son Tầu nhg cấm khg được dũng mực đen như học trò nên
ông phải hơ son lên đèn cho thành muội đèn mầu đen để sửa hộ bài cho học trò.
11- Trúc Khê,
tr. 353- Lãng Nhân, tr. 311.
12- Thực Lục, XXVIII, tr. 85. Thực Lục về Dực Tôn Anh
Hoàng Đé,quyển XI, đệ tứ kỷ (1854-58)
13- Sở Cuồng, Cao Bá Quát, Tư liệu, tr. 89.
14- Lê Kim Ngân, Văn Học Việt Nam thế kỷ XIX, tr. 218.
15- Thơ văn
Cao Bá Quát, tr. 33.
16- Sở Bảo,
"Râu nọ cầm kia", Trung
Bắc Chủ Nhật, số 13,
26-5-1940.
17- Sở Cuồng, Cao Bá Quát, Tư liệu, tr. 88.
Vua Nghiêu đóng
đô ở Bình Dương, vua Thuấn đóng đô ở Bồ Bản.
Vua Võ đánh vua
Trụ ở Mục Dã, vua Thang diệt vua Trụ ở Minh Điều.
(Kiệt, Trụ là
hai ông vua tàn ác, hại dân)
18- Lê Kim Ngân,
tr. 186.
SÁCH THAM KHẢO
Cao Bá Quát Toàn
Tập, tập I : Văn Học & Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc
Học, 2004.
Cao Bá Quát. Tư
liệu - Bài viết từ trước tới nay. TP Hồ Chí Minh : Văn Học & Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học,
2004.
Diên Hồng, Từ Điển Thành ngữ, Điển tích,
Houston, Texas : Zieleks tái bản, 1981.
Đại Nam Thực Lục
Chính Biên. Hà Nội : Sử Học, Khoa Học, KHXH, 1962-1978.
Đặng Thị Hảo, Từ Điển Văn Học, I I, Hà Nội :
KHXH, 1984 (Nguyễn Thuyên).
Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời,
Hà Nội : KHXH, 1965 ; Paris tái bản.
Đào Trinh Nhất,
"Đức Minh Mệnh quở trách Khâm Thiên Giám", Trung Bắc Chủ Nhật, số 187.
Đoàn Trung Còn
dịch , Luận Ngữ. Saigon :
Trí Đức Tùng Thư, 1950 (?).
Khâm Định Việt
Sử Thông Giám Cương Mục. Hà Nội : Văn Sử Địa, 1957.
Lãng Nhân, Giai Thoại Làng Nho Toàn tập.
Saigon : Nam Chi Tùng Thư, 1966 ; tái bản ở Mỹ.
Lê Kim Ngân, Văn học Việt Nam thế kỷ XIX, Phần
Cổ văn.
Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ng. Saigon : Phủ Quốc Vụ Khanh đặc
trách Văn Hóa, 1972.
Dịch giả : Tạ
Quang Phát.
Nguyễn Huyền
Anh, Việt Nam danh nhân từ
điển. Houston, Texas : Zieleks, 1981.
Nguyễn Lộc, Từ Điển Văn Học, I, Hà Nội :
KHXH, 1983.
Sở Bảo,
"Râu nọ cầm kia", Trung
Bắc Chủ Nhật số 13,
26/5/1940.
Toan Ánh, Nếp cũ, Con người Việt Nam.
Xuân Thu tái bản ở Mỹ.
Thơ văn Cao Bá
Quát. Hà Nội : Văn Học, 1984.
Trần văn giáp
chủ biên, Lược truyện các tác
gia Việt Nam, I. Hà Nội : Sử Học, 1962.
Trương Hữu
Quỳnh, Phan Đại Doãn, Danh
nhân lịch sử Việt Nam. Hà Nội : Giáo Dục, 1987.
Tuyển Tập
Trúc Khê Ngô văn Triện . Văn Hóa Thông Tin, 2003.
Vũ Ngọc Khánh, Bi kịch nhà vua. Hà Nội : Văn Hóa, 1990.
Ngộ Không Phi Ngọc Hùng chuyển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét