Nghi vấn về những giai thoại Cao Bá Quát
Câu đối “Nhất sinh đế thủ bái mai hoa”
Câu đối của Cao Bá Quát :
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
(Mười năm lặn lội tìm cây kiếm cổ
Một đời chỉ biết lạy hoa mai)
Theo các tài liệu đã được các nhà nghiên cứu tiền bối công bố, thì đôi câu đối trên có xuất xứ như sau :
Theo “Như Thanh Nhật ký” năm Mậu Thìn (1868) vua Tự Đức cử đoàn sứ bộ sang triều cống nhà Mãn Thanh : cầm đầu là chánh sứ Lê Tuấn (đỗ Hoàng Giáp năm 1853); Hành trình của sứ bộ theo lối xưa từ ải Nam Quan đến Yên Kinh “bộ khôn bằng bộ, thuỷ khôn bằng thuyền” mất 181 ngày (lưu trú 64 ngày đi 117 ngày trong đó 44 ngày đường bộ, 73 ngày đường thuỷ). Khởi hành ngày 1/8 Mậu Thìn, sau 125 ngày thì đến thành Hà Dương tỉnh Hồ Bắc, ở đó đoàn Sứ bộ được viên tri phủ Hán Dương là Ngải Tuấn Mỹ đón tiếp và tặng đôi câu đối cho chánh sứ Lê Tuấn :
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
(Mười năm chọn bạn như tìm thanh kiếm cổ
Một đời chỉ biết cúi đầu lạy hoa mai)
Sự kiện trên được chép trong “Yên thiều bút lục” của Nguyễn Tử Giản (1823-1890), câu đối “... bái mai hoa” của Ngải Tuấn Mỹ tặng chánh sứ Lê Tuấn vào năm 1868, trước đó 14 năm, Cao Bá Quát đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (Giáp Dần 1854)... phải chăng người đời do quá yêu Cao Chu Thần nên cứ thích tương truyền câu “nhất sinh đê thủ bái mai hoa” là của ông như một giai thoại để đời?
(Nguyễn Khôi – Câu đối có phải của Cao Bá Quát?)
Bồ chữ
Vì Cao Bá Quát tuổi trẻ đỗ sớm nên mắc tật kiêu ngạo. Để chứng tỏ tính nết kiêu ngạo của ông, người ta thường kể ông từng nói : "Thiên hạ có bốn bồ chữ, riêng tôi giữ hai bồ, anh tôi giữ một bồ" (có chỗ chép "Anh tôi là Bá Đạt và bạn tôi là Nguyễn văn Siêu giữ một bồ) còn một bồ chia cho kẻ sĩ khắp thiên hạ".
"Trong thiên hạ tài có một thạch (mười đấu), Tào Tử Kiến (Tào Thực, con Tào Tháo) được tám đấu, riêng tôi giữ một đấu còn một đấu phân phát cho khắp kẻ sĩ cổ kim" (8).
Như vậy rõ ràng là chuyện bắt chước Trung quốc, liệu có phải Cao đã "cóp" người xưa thật hay vì thấy ông mang tiếng kiêu ngạo mà có người đã đem chuyện này gán ghép cho ông ? Bởi vì đã có khá nhiều chuyện người ta nói chắc như đinh đóng cột mà xét ra lại không đúng vì người đời gán ghép hai câu ấy cho ông, tưởng làm tăng giá trị của Cao Bá Quát lên nhưng lại không nghĩ rằng vì thế khiến họ Cao mang tội "đạo văn".
Một chiếc cùm lim chân có đế
Cao Bá Quát bất mãn với triều đình Tự Đức, quay sang chửi đời :
- Tưởng đến khi vinh hiển đã an tường
Song nghĩ lại trần ai không đếch chỗ. (Tài tử đa cùng phú)
Ông mộ quân nổi lên chống lại triều đình. Nhưng cuối cùng thất bại, ông bị giết.
Hoàng Xuân kể nhiều chi tiết về cái chết của Cao Bá Quát :
- Cao bị bắt giam tại ngục Sơn Tây, rồi bị đóng cũi đưa về Hà Nội, và giải vào Huế...
Tới kinh, Quát bị bỏ ngục chờ ngày hành quyết.
Nằm trong ngục, Cao Bá Quát không hề sợ sệt, tự nhạo cái mộng đế vương của mình :
Một chiếc cùm lim chân có đế
Ba vòng xích sắt bước thì vương !
Sau được lệnh của triều đình, người ta giải ông cùng hai con (Bá Phùng và Bá Thông) về quê nhà để hành quyết.
Trước khi thọ hình, ông cũng còn ứng khẩu ngâm hai câu chửi rủa :
Ba hồi trống giục, đù cha kiếp
Một nhát gươm đưa, bỏ mẹ đời !.
(Hoàng Xuân, Cao Bá Quát thi tập, Á Châu, 1959, tr. 7).
Lãng Nhân cũng viết giống Hoàng Xuân, trừ hai câu thơ sau chép hơi khác.
Ba hồi trống giục mồ cha kiếp
Một nhát gươm đưa đ. mẹ thời !
Lãng Nhân chú : Thời là thời thế, mà cũng lại là tên vua Tự Đức ! Có bản chép chữ thời ra chữ đời có ý than tiếc cho đời mình, e không phải khẩu khí họ Cao.
Lãng Nhân, Giai thoại làng Nho, Nam Chi tùng thư, 1966, tr. 316).
Cả hai giai thoại của Hoàng Xuân và Lãng Nhân đều hay nhưng... không đúng.
Sử nhà Nguyễn chép Cao Bá Quát bị " Phó lãnh binh ở Sơn Tây là Lê Thuận Đại đem quân tới đánh, Bá Quát bị thua chết ở trận. (...) Việc đến tai vua, sai đem thủ cấp Bá Quát truyền giao cho các tỉnh Bắc Kỳ bêu lên và khuyên bảo dân chúng rồi xé xác vất xuống sông.
Minh Mạng năm thứ 15 (1834) Bá Đạt cũng đỗ hương tiến trải làm tri huyện Nông Cống. Vì cớ của Quát cũng mắc tội chết, dân ở huyện lấy làm thương có lập đền thờ ".
(Cao Xuân Dục, Đại Nam chính biên liệt truyện, Văn Học, 2004, tr. 1053).
Hoàng Đạo Thuý viết : "Quát đi khởi nghĩa, cuối cùng với em là Đạt bị hành hình một ngày", cũng không khớp với chính sử.
(Hoàng Đạo Thuý, Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, Hội Văn Nghệ Hà Nội, 1971, tr. 64).
Không có chuyện Cao Bá Quát bị giam trong ngục, bị giải vào Huế, bị chém ngoài pháp trường.
Bốn câu " khẩu khí " của giai thoại đã được người đời sau làm (cùm là cangue, xích là chaînecủa tiếng Pháp) , rồi đem gán cho Cao Bá Quát.
(Nguyễn Dư, Cùm lim, xích sắt, Chim Việt cành Nam số 32, tháng 8/2008).
(Chửi thề, văng tục ! - Nguyễn Dư)
Ngộ Không Phi Ngọc Hùng chuyển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét