Trúc Giang
1* Mở bài
Ngày 14-10-2014, lên tiếng tại Hội Đồng Bảo An LHQ, Đặc phái viên về Somalia của Tổng Thư Ký LHQ, ông Nicholas Kay đã cảnh báo về nạn đói đang đe dọa nghiêm trọng tới hàng triệu người Somalia. Theo đó có tới 3 triệu người đang cần cứu trợ khẩn cấp. Một triệu người không có lương thực và sẽ chết nếu không được trợ giúp kịp thời.
Điều phối viên nhân đạo của LHQ, ông Philippe Lazzarini cũng xác nhận hơn một triệu người Somalia trong đó có 250,000 trẻ em cần cứu trợ khẩn cấp.
Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) công bố, có 260,000 người Somalia đã chết đói trong thời gian từ tháng 10 năm 2011 đến tháng 4 năm 2012, trong số đó có trẻ em dưới 5 tuổi.
2* Nạn đói năm 2012 ở Somalia
2.1. Liên Hiệp Quốc công bố nạn đói ở Somalia
Thiên tai, chiến tranh, bịnh dịch, nạn đói là thảm họa của loài người. Những thảm họa nầy bao trùm lên lãnh thổ đen bất hạnh là châu Phi.
Hồi đầu tháng 8 năm 2011, thế giới bàng hoàng xúc động trước hình ảnh của những em bé Somalia, chỉ còn da bọc xương, cái đầu chờ vờ, đôi mắt sâu hoắm, da nhăn nheo giống như cụ già, đang hồi sức một cách tuyệt vọng tại các trại tỵ nạn người Somalia ở hai nước láng giềng là Kenya và Ethiopia.
Ngày 20-7-2011, Liên Hiệp Quốc (LHQ) chính thức công bố nạn đói đã xảy ra ở một số khu vực miền Nam Somalia. Hàng chục ngàn người đã chết vì đói trước khi công bố nầy được đưa ra.
Hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm qua đã gây khủng hoảng lương thực trầm trọng nhất trên khắp nước Somalia. Tổ Chức Lương Nông LHQ (Food and Agriculture Organization of the United Nations-FAO) phát đi những lời kêu gọi cứu trợ nhân đạo để cứu trẻ em ở Vùng Sừng Phi Châu nầy (Horn of Africa).
Đợt hạn hán kéo dài 4 năm khiến cho gần 12 triệu người bị đe dọa bởi nạn đói, trong đó có 3.7 triệu người Somalia cần sự cứu trợ khẩn cấp.
2.2 Nạn Đói lan rộng
Ngày 3-8-2011, LHQ cho biết nạn đói lan rộng ra thêm 3 khu vực, số người chết vì đói và khát gia tăng, không có con số chính xác, nhưng ước lượng khoảng 100 người chết mỗi ngày.
3 triệu người Somalia ở miền Nam là khu vực do phiến quân Hồi Giáo Al-Shabaab kiểm soát đang cần sự giúp đở khẩn cấp.
LHQ đang kêu gọi quốc tế đóng góp 6 tỷ đô la để cứu 12 triệu nạn nhân nầy.
Chương Trình Lương Thực Thế Giới (World Food Program-WFP) thuộc LHQ cho biết, “Các gói cứu trợ khẩn cấp và ưu tiên cao nhất, là điều quan trọng để làm giảm thiệt hại về sinh mạng con người.”
Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ (United Nations High Commissioner for Refugees-UNHCR) cho biết đã có 370,000 người phải rời bỏ Thủ đô Mogadishu của Somalia, chạy sang các trại tỵ nạn ở hai nước Kenya và Ethiopia.
2*3 Con đường chết
Vì Somalia không có an ninh, nên LHQ vận chuyển lương thực đến trại tỵ nạn Dadaab (Kenya) việc nầy tạo ra “Con đường chết”. Con đường dài 1,000km từ Somalia đến các trại tỵ nạn ở Kenya mà đã có nhiều ngàn người ngã gục trên đường đi tìm sự sống, quá dài, thiếu nước và thực phẩm.
Bà Josette Sheeran, Giám đốc Chương Trình Thực Phẩm Thế Giới (WFP) báo động, “trại tỵ nạn Dadaab ở Kenya dựng lên để đón tiếp 90,000, hiện đang phải chịu đựng tới 400,000 người. Đương nhiên là thiếu thốn mọi thứ.
Các viên chức LHQ tiết lộ “nhiều bà mẹ phải bỏ những đứa con hấp hối trên vệ đường trước khi họ đến được trại nầy.”
Bà Sheeran nói:”Chúng tôi muốn dựng lên những trại phát thực phẩm dọc đường, vì nhiều con đường đến đây đã trở thành “tử lộ”. Con cái và các phụ nữ đau khổ nầy không còn đủ hơi sức để đi, vì quá yếu và đã chết dọc đường”. Chương trình WFP đã cung cấp thực phẩm cho 2.5 triệu trẻ em bị đói và đang cố gắng quyên góp thêm tiền bạc từ những tấm lòng nhân đạo trên thế giới”.
Nạn đói đã cướp đi 29,000 sinh mạng của trẻ em Somalia.
3* Câu chuyện của đứa bé Mihag
“Mihag Gedi Farah, 7 tháng tuổi mà cân chỉ nặng bằng một đứa bé mới sanh, 3kg200, làn da nhăn nhúm giống như một cụ già. Sau chuyến đi bộ kéo dài một tuần qua các vùng thiếu nước và khô hạn, đôi mắt “đau khổ” hai má hóp, thân hình gầy trơ xương”
Một chuyên viên dinh dưỡng tên Sirat Amine cho biết, cơ hội sống sót của Mihag chỉ có 50/50, nửa sống nửa chết.
Mihag là con út trong một gia đình 7 con. Gia đình đi bộ đến trại tỵ nạn Dadaab, phía nam Kenya, sau khi đàn gia súc bị chết hết vì đói.
Bà Asiah Dagane, mẹ của Mihag đã cùng 4 con lê lết suốt một tuần lễ để đến được trại tỵ nạn, bà phát biểu “Nhìn con trai đang chết lần chết mòn mà tôi không làm gì được, vì bản thân tôi cũng đang mắc bịnh, chúng tôi cần giúp đỡ”.
Một y tá cho biết, “tình trạng sức khỏe của các bà mẹ và trẻ em đến đây rất nguy kịch. Nhiều bà mẹ không còn đủ sức bế đứa con 3 kí, chỉ còn da bọc xương. Họ là những người đang đói, đang cần thức ăn và thuốc men. Chúng tôi cố gắng, nhưng bất lực. Và cần sự giúp đở của thế giới”.
4* Dịch tả lan rộng ở Somalia
Ngày 13-8-2011, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization-WHO) cho biết, nạn dịch tả ở thủ đô Mogadishu tăng vọt. Đã có 4,000 ca dịch tả được ghi nhận ở bịnh viện Banadir, 75% ca bịnh là trẻ em.WHO cho hay, họ đã phân phối thuốc men để chữa trị cho 2,000 ca bịnh nặng.
WHO là một cơ quan của LHQ, giữ vai trò điều phối các vấn đề sức khoẻ và y tế công cộng trên bình diện thế giới. Trụ sở đặt tại Geneva, Thụy Sĩ. WHO có các dự án tiêm chủng và phát vaccine, chống sốt rét và ký sinh trùng sinh ra sốt rét, phòng chống bịnh lao và các bịnh truyền nhiễm, chủ yếu ở châu Phi là phòng chống HIV/AIDS.
5* Quốc tế cứu đói
5.1. Al-Shabaab rút khỏi Mogadishu
Ngày 6-8-2011, phát ngôn viên chính phủ, Abdirahman Omar Osman thông báo phiến quân Al-Shabaab đã rút ra khỏi thủ đô. Ông tuyên bố, “đây là chiến thắng huy hoàng đối với người dân Somalia”. Ông kêu gọi người dân trở về nhà và quân đội sẽ cố gắng bảo vệ an ninh cho họ.
Chính quyền Somalia hiện tại là chính quyền tạm thời, không có hiệu quả cho nên hiện có 12,000 quân đội của Liên Minh châu Phi (Africa Union-AU) phụ trách giữa an ninh.
Trong khi đó, nhóm al-Shabaab tuyên bố việc rút quân chỉ là thay đổi chiến thuật, củng cố lực lượng để phản công.
Phóng viên Peter Greste của hãng tin Al Jazeera ở Mogadishu nêu nhận xét, phiến quân đã mất nhiều tay súng, cũng như mất sự ủng hộ về chính trị và tài chánh, nhất là nguồn cung cấp từ nước ngoài bị gián đoạn, cho nên phải thay đổi chiến thuật, chớ chúng không dễ dàng gì từ bỏ mục đích chiếm thủ đô để thành lập một quốc gia Hồi Giáo như đã chủ trương.
Hiện nay, tổ chức nầy vẫn còn kiểm soát 1/3 lãnh thổ phía nam Somalia.
Phiến quân đã rút, cầu không vận cứu trợ đã được thiết lập đến thủ đô Mogadishu.
5.2. Hoa Kỳ cứu trợ
Ngày 9-8-2011, Tổng thống Obama chấp thuận 105 triệu USD để cứu trợ nạn nhân hạn hán và nạn đói ở Đông Phi. Cho tới thời điểm đó HK đã góp 565 triệu cứu trợ cho Somalia, Kenya và Ethiopia.
Bà Jill Biden, phu nhân Phó Tổng thống Joe Biden đang có mặt ở trại tỵ nạn Dadaab (Kenya), nơi hiện có hàng trăm ngàn người Somalia đến xin cứu trợ. Bà Biden gặp Tổng thống Mwai Kibaki và Thủ tướng Raila Odinga để thảo luận các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.
Hoa Kỳ cũng nới rộng biện pháp chế tài al-Shabaab để giúp nạn đói. Ngày 2-8-2011, HK tuyên bố, các nhân viên cứu trợ sẽ không bị truy tố, nếu họ giao lương thực đến tận tay cho nạn nhân ở những khu vực do al-Shabaab kiểm soát. Trước đó coi như tội hình sự đối với những trợ giúp cho phiến quân.
Các tổ chức cứu trợ cũng nêu ra một nguyên tắc chung là không đóng thuế, đóng tiền cho phiến quân để được đưa thực phẩm đến tận tay nạn nhân.
5.3. Liên Hiệp Quốc cứu trợ
Ngày 8-8-2011, Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ đã dùng phi cơ đưa phẩm vật cứu trợ đến thủ đô Mogadishu. Theo chương trình thì 2 chuyến bay nữa sẽ được thực hiện ngay sau đó. Chuyến bay đầu tiên chở 31 tấn vật liệu dựng lều tạm trú và các phẩm vật cứu trợ khác.
Người Somalia đã rời thủ đô đi tìm thực phẩm để sống, số người bỏ nhà cửa tính đến giữa tháng 8 năm 2011 lên tới nửa triệu.
Ngày 11-8-2011, Liên Đoàn Túc Cầu Thế Giới (FIFA) cho biết sẽ tặng cho Hội Hồng Thập Tự Quốc tế một triệu đôla để cứu đói. Liên đoàn túc cầu Somalia ngỏ lời cám ơn sự giúp đở của FIFA.
6* Tổng quát về nước Somalia
Cộng Hoà Liên Bang Somalia là một quốc gia nằm ở mũi của một vùng, mà trên bản đồ nhìn giống như cái sừng của con tê giác, nên được gọi là Vùng Sừng Phi Châu (Horn of Africa)
Somalia có bờ biển dài nhất lục địa là 3,035 km, tiếp giáp với Ấn Độ Dương ở phía đông.
Phía tây giáp Djibouti và Ethiopia, bắc giáp Vịnh Aden và nước Yemen, đông giáp Ấn Độ Dương và nam giáp Kenya.
Diện tích: 637,657 km2
Dân số: 9,832,017 người
Thủ đô: Mogadishu
Tôn giáo: Hồi giáo hệ phái Sunni.
GDP đầu người: 227 USD/năm.
Số người bị nhiễm HIV/AIDS: 43,000
Quân đội: 10,000 người. Hải quân: 500 lính thủy. Phi cơ chiến đấu: 2 chiếc.
7* Phiến quân Al-Shabaab cấm các tổ chức cứu trợ
Al-Shabaab tìm mọi cách ngăn chận hàng cứu trợ từ các tổ chức Tây Phương.
Ngày 6-8-2011, mặc dù LHQ cảnh báo nạn đói và kêu gọi giúp đở, nhưng các hoạt động cứu trợ diễn ra hết sức chậm chạp vì gặp nhiều trở ngại do nhóm phiến quân Hồi Giáo Al-Shabaab tìm mọi cách ngăn chận. Phiến quân nầy kiểm soát gần như toàn thể miền nam Somalia, lên tiếng cáo buộc LHQ đã “phóng đại sự thật” và phủ nhận nạn đói, cho rằng các nước Tây phương tiến hành âm mưu chính trị dưới cái vỏ bọc viện trợ nhân đạo để can thiệp vào nội bộ của nước nầy, đồng thời nhắc lại lịnh cấm các hoạt động cứu trợ.
Ông Sheik Ali Mohamoud Rage, phát ngôn viên của al-Shabaab, nhắc lại họ chỉ cho phép các tổ chức cứu trợ nước ngoài đã hoạt động tại các căn cứ của họ, chớ không cho phép những tổ chức bị cấm.
Ông Adrian Edwards, phát ngôn viên Cao Ủy Tỵ Nạn cho biết, “Nhân viên cứu trợ LHQ không làm được những gì họ phải làm, chúng tôi không tiếp cận được những người sắp bị chết đói”.
Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) cũng báo động, số người chết sẽ gia tăng, nếu việc cứu trợ bị ngăn cấm.
Vì bị cấm các hoạt động cứu trợ cho nên hàng trăm ngàn người Somalia phải chạy đi tìm miếng ăn ở các trại tỵ nạn Kenya và Ethiopia để sống, nhưng số người ngã gục trên tử lộ cũng nhiều, nhất là trẻ em.
Ngày 5-8-2011, mặc dù Hoa Kỳ ước lượng có khoảng 29,000 trẻ em Somalia chết vì suy dinh dưỡng, bịnh tật, nghĩa là chết do đói gây ra, nhưng nhóm al-Shabaab phủ nhận, cho rằng không có nạn đói ở đó.
Nhà báo Jamal Osman đã mạo hiểm đi vào khu vực của Al-Shabaab, là lần đầu tiên nhà báo Tây phương được thực hiện phỏng vấn, al-Shabaab cũng xác định lại là không có nạn dói, mà chỉ có nạn hạn hán mà thôi.
8* Al-Shabaab là ai?
Tên đầy đủ là Harakat al-Shabaab al-Mujahideen (HSM) là Phong Trào Chiến Sĩ Thanh Niên, một nhóm Hồi Giáo cực đoan nổi dậy vào mùa hè năm 2009 xuất phát từ nhóm đã có từ nhiều năm trước với cái tên là Hội Đồng Toà Án Hồi Giáo.(Islamic Courts Union)
Vào tháng 5 năm 2011, lực lượng al-Shabaab khoảng 14,000 người, chiếm hầu hết lãnh thổ miền nam Somalia, theo đúng chủ trương của Taliban và al-Qaeda của bin Laden.
Thủ lãnh đầu tiên của tổ chức Hồi Giáo là Aden Hashi Farah Ayro được huấn luyện ở Afghanistan.
Hoa Kỳ, Úc và Tây phương đã xếp nhóm nầy vào các tổ chức khủng bố quốc tế.
Nhóm International Crisis Group (ICG) trụ sở ở Brussels (Bỉ) ghi nhận, al-Shabaab là tổ chức tương tự như al-Qaeda của bin Laden, và được xem như một al-Qaeda mới ở Vùng Vịnh Aden.
8.1. Mục đích của al-Shabaab
Nhóm nầy chủ trương làm cuộc cách mạng Hồi Giáo bằng thánh chiến, để thành lập một quốc gia Hồi Giáo chính thống ở Somalia, trong đó kinh Koran làm hiến pháp, luật đạo Hồi Sharia làm luật pháp quốc gia. Luật Sharia như: chặt tay về tội ăn cắp, ném đá đến chết về tội ngoại tình, cho phép đa thê, đánh đòn bằng gậy ở nơi công cộng, xử tử bằng cách chặt đầu…
Chủ trương chống ảnh hưởng của Tây phương, cho là thế lực thù địch và phản động, nhất là Hoa Kỳ, tư tưởng dân chủ, tự do, công bằng, nhân quyền, văn minh của Tây phương là kẻ thù của Hồi Giáo. Họ chống lại những chính quyền Hồi giáo ôn hòa hiện tại, gọi là phản lại Hồi Giáo.
Vì chống Tây phương, cho nên không còn mặt mũi nào để ngữa tay nhận cứu trợ của “các thế lực phản động và thù địch”. Thà để dân chết đói.
Phương pháp thực hiện cuộc cách mạng Hồi giáo là dùng chiến thuật du kích, tấn công bằng bom tự sát, gài bom ven đường, ám sát, tấn công bằng vũ khí nhẹ để thực hiện “thánh chiến”.
8.2. Các tổ chức yểm trợ cho al-Shabaab
Bộ An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ cho biết, al-Shabaab được yểm trợ tài chánh bởi những tổ chức người Somalia trên khắp thế giới, bằng hệ thống chuyển tiền thẳng cho cá nhân, chớ không qua những ngân hàng, cho nên khó theo dõi và kiểm soát.
8.3. Khủng bố có liên quan đến người Mỹ gốc Somalia
Từ năm 2005 đến 2010, đã có 56 thanh niên Mỹ gốc Somalia có liên hệ đến những hoạt động khủng bố của al-Shabaab. Một số thanh niên đã bị Hoa Kỳ bắt giữ ở Song Thành (Twin Cities: Minneapolis-Saint Paul) bang Minnesota, kế đó ở Alabama, Seattle (WA). Họ là những người bị đưa ra toà kết án tù hoặc đã “thoát ly” rời HK trở về Somalia thực hiện “thánh chiến”.
Shirwa Ahmed là người Mỹ gốc Somalia đầu tiên đánh bom tự sát vào trụ sở LHQ ở Ethiopia làm chết 24 người, đã từng cư trú tại Minneapolis-St. Paul, Minnesota.
Chính quyền HK lo ngại những thanh niên nầy sẽ dùng thông hành HK, trở lại Mỹ thực hiện khủng bố.
Hiện có từ 280 đến 300 chiến binh Hồi giáo không phải là người Somalia trong hàng ngũ al-Shabaab.
8.4. Các hoạt động khủng bố của al-Shabaab
Từ đầu năm đến tháng 9 năm 2009, al-Shabaab đã thực hiện 7 vụ tấn công ở Úc, Somalia, Yemen, Ethiopia…
Vụ khủng bố lớn nhất của thủ lãnh đầu tiên tên Aden Hashi Farah Ayro là đánh bom vào toà đại sứ Mỹ ở Kenya năm 1998, làm thiệt mạng 224 người. Vụ tấn công năm 2002 vào khách sạn do người Do Thái sở hữu, làm chết 15 người.
8.5. Hoa Kỳ oanh kích giết thủ lãnh al-Shabaab
Ngày 1-5-2008, khoảng 3 giờ sáng địa phương, các phi cơ không người lái HK từ ngoài khơi Ấn Độ Dương, bay vào dùng hỏa tiễn có điều khiển tấn công cơ quan đầu não là một ngôi nhà đá ở Dusamareb, miền nam Somalia, giết chết 30 người, trong đó có thủ lãnh Aden Hashi Farah Ayro và Sheikh Muhyadin Omar.
9* Trẻ em, chiến tranh và nạn đói
9.1. Trẻ vô rội là nạn nhân của nạn đói và nội chiến
Theo Quỹ Nhi Đồng LHQ (United Nations Childrens Fund), tên UNICEF là chữ viết tắt của tên cũ là “Quỹ Khẩn Cấp Nhi Đồng Quốc Tế LHQ (United Nations International Childrens Emergency Fund-UNICEF), thì trong số 10,000 chết vì đói đã có 30% trẻ em dưới 5 tuổi.
Sau khi phiến quân Hồi Giáo tự ý rút ra khỏi Mogadishu, thì thủ đô nước nầy trở thành một trại tỵ nạn khổng lồ. Hơn 1,000 trẻ em được ghi nhận là suy dinh dưỡng trầm trọng, nhiều trẻ em được tiếp nhận quá muộn.
Ở những điểm cứu đói, số người xếp hàng quá đông, nhiều đứa trẻ chết trước khi tới phiên mình được vào cứu chữa.
Hôm thứ bảy 13-8-2011, Phó Tổng Thư Ký LHQ đặc trách các vấn đề nhân đạo, bà Valerie Amos đến thăm bịnh viện ở Mogadishu, bà cho biết “cảnh tượng trẻ em suy dinh dưỡng, còi cọc trong bịnh viện trông thật đau lòng”. Bà nói, “cần phải nổ lực giúp đở trẻ em và gia đình, mặc dù an ninh chưa hoàn toàn ổn định, al-Shabaab tuyên bố rút quân, nhưng một số các tổ chiến đấu vẫn còn ở lại để đánh du kích”.
Các viên chức cứu trợ cho biết, có khoảng 800,000 đứa trẻ có thể chết vì đói ở Vùng Sừng Phi Châu.
9.2. Trẻ em cầm súng để tạm sống
Theo tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International-AI), một tổ chức phi chính phủ, mục đích thúc đẩy tất cả “quyền con người” đã được nêu ra trong bản “Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền” của LHQ, thì trước tình trạng đói kém nầy, trẻ em Somalia được nhóm al-Shabaab tuyển chọn một cách có hệ thống. Chúng dùng trường học để tuyên truyền cách mạng Hồi giáo và tuyển chọn binh lính. Chúng dùng tiền bạc, điện thoại di động làm mồi nhử lũ trẻ, tham gia vào các vụ bắt cóc, tấn công trường học, ra mặt trận và tham gia các hoạt động khủng bố khác. Đa số đám trẻ từ 10 đến 17tuổi, nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt, là chọn trẻ lên 8 tuổi. Thật không thể tưởng tuợng được. Nếu trẻ không đồng ý thì bị đánh đập, thậm chí bị giết nữa.
Nhiều trẻ coi đó là một cách kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Trước tình trạng nầy, nhiều trường học đã đóng cửa.
Ông Michelle Kagari, Phó giám đốc tổ chức Ân Xá QT nhận định “Trẻ em ở đây, ngày càng đối mặt với những điều khủng khiếp, chúng có nguy cơ trở thành một thế hệ bị diệt vong, nếu như thế giới tiếp tục làm ngơ trước những tội ác chiến tranh đang ảnh hưởng trực tiếp đến chúng.
10* Các vấn đề gây đói khổ của Somalia
10.1. Thành lập chế độ Cộng Sản ở Somalia
Ngày 21-10-1969, Trung tướng Mohamed Siad Barre làm đảo chánh, giết chết Tổng thống Abdirashi Ali Sharmarke, thành lập chế độ Cộng Sản, lấy tên nước là Cộng Hòa Dân Chủ Somalia (Somali Democratic Republic).
Hủy bỏ hiến pháp, giải tán quốc hội, bắt giam những người chế độ cũ, quốc hữu hoá tất cả đất đai, cơ sở kinh tế và công nghệ, ngân hàng…Về nông nghiệp, áp dụng mô hình của Mao Trạch Đông. Trường trung học bị đóng cửa, 25,000 học sinh từ 14 đến 16 tuổi bị đưa về nông thôn, tổ chức thành nhóm lưu động, giống như Thanh niên xung phong ở VN.
Hình ảnh của lãnh tụ Siad Barre cùng với hình của Karl Marx và Lenin được trưng bày khắp nơi, dọc theo các đường phố. Nói chung, chế độc CS nào cũng có khuôn mẫu giống nhau, cho nên, căn cứ vào các chế độ CS ở VN, Trung Cộng thì hiểu Somalia Cộng Sản như thế nào…
10.2. Somalia xâm lược Ethiopia
Vào những năm 1977, bộ máy tuyên truyền nhà nước CSVN trong nước loan tin cách mạng xã hội chủ nghĩa đã lan đến châu Phi, các nước Angola, Nicaragua, Ethiopia và Somalia đã bắt đầu tiến lên CNXH. Và khẳng định, tiến lên CNXH là quy luật phát triển tất yếu của lịch sử loài người. Từ cộng sản nguyên thủy lên chiếm hữu nô lệ, lên Phong kiến, tư bản và tất yếu là phải lên chế độ XHCN rồi CSCN. Nhưng họ không nói là sau CNXH thì phải lùi lại Chủ nghĩa tư bản như thực tế hiện nay ở VN và trên thế giới.
Somalia Cộng Sản xâm lược Cộng Sản Ethiopia.
Năm 1977, Siad Barre đưa quân sang xâm lược nước Ethiopia dưới quyền cai trị của trung tá Mengistu Haile Mariam để đòi lại phần đất Ogaden trước kia thuộc Somalia. Bước đầu, Somalia thắng thế, chiếm gần hết vùng Ogaden.
Liên Xô và các nước chư hầu trong khối Warsaw phản đối Somalia, cúp viện trợ kinh tế và vũ khí, thay vào đó, gia tăng viện trợ cho Ethiopia. Tháng 9 năm 1977, Somalia kiểm soát 90% phần đất Ogaden.
Liên Xô can thiệp quân sự lớn nhất không lường được, là đưa 20,000 quân Cuba và chuyên viên Liên Xô đến giúp Ethiopia.
Liên Xô cắt đứt quan hệ với Siad Barre, và ngược lại, Barre trục xuất cố vấn và xé Hiệp ước hữu nghị với Liên Xô, và ngã sang Tây phương.
Somalia có vị trí chiến lược quan trọng là nằm ngay ở cửa của Hồng Hải (Red Sea), có kinh đào Suez nối liền với Địa Trung Hải (Mediterranean Sea). Tàu bè quốc tế qua lại tấp nập ở kinh đào Suez. Hồng Hải đi qua các nước Ethiopia, Djibouti, Eritrea, Sudan, Ai Cập, Libăng, Do Thái…
Vì thế, năm 1989, Hoa Kỳ nhảy vào Somalia, viện trợ 100 triệu USD mỗi năm về kinh tế và quân sự.
10.3. Sự tan rả của chế độ Cộng Sản Somalia
Những năm 1980, người dân Somalia đã chán ghét chế độ độc tài CS đến cao độ, nhiều nhóm phản kháng nổi dậy khắp nơi. Chính phủ độc tài của Siad Barre suy yếu, nên ra tay đàn áp mạnh. Ở thủ đô Mogadishu, cấm tụ tập nơi công cộng trên 5 người. Tình trạng thiếu nhiên liệu, xe ôtô phải xếp hàng dài ở những trạm xăng, lạm phát gia tăng, giá thực phẩm nhảy vọt. Một kí mì sợ giá 5 đô la. Phải bỏ ra nhiều bó tiền để trả cho một bữa ăn bình thường. Một thị trường chợ đen ở giữa thủ đô để trao đổi hàng hoá cho nhau, không xài tiền, vì đồng tiền hết giá trị.
Chế độ CS của Siad Barre trên đà bị tiêu diệt. Quần chúng bất mãn chế độ, nổi dây khắp nơi. Cấm tụ tập, cấm chụp hình ở nhiều nơi công cộng.
Giới nghiêm ban đêm để công an, mật vụ thi hành các cuộc hành quân bắt cóc thủ tiêu. Nhiều vụ mất tích xảy ra. Những nhóm nổi dậy được nước Ethiopia trợ giúp vũ khí hoạt động ngày càng mạnh hơn.
Tháng 5 năm 1986, Tổng thống Siad Barre bị tai nạn ôtô, chiếc xe của ông đụng vào một xe bus trong cơn mưa to. Barre bị thương nặng ở đầu, gãy xương sườn, phải điều trị ở Saudi Arabia. Trung tướng Mohamed Samatar và con rể của Barre là tướng Ahmed Suleiman Abdille nắm quyền cai trị trong nhiều tháng.
Barre cố gắng trở lại nắm quyền, nhưng sức khoẻ còn quá yếu.
Năm 1991, lãnh tụ của nhóm nổi dậy là Mohamed Farrah Aidid đánh chiếm thủ đô Mogadishu.
Ngày 26-1-1991, Tổng thống Barre bị lật đổ, phải chạy về vùng nông thôn phía nam Somalia.
Sau 2 lần đem binh về lấy lại chính quyền bị thất bại, nên phải chạy đến Nairobi của Kenya lánh nạn, ở đó Barre bị phản đối nên phải chạy đến Nigeria. Ngày 2-1-1995, Barre chết vì chứng đau tim. Chế độ CS cũng đã chết trước người lập ra nó.
11* Nội chiến Somalia
11.1. Nhóm nổi dậy tuyên bố thành lập quốc gia
Tháng 5 năm 1991, nhóm quân sự của tướng Mohamed Farrah Aidid phối hợp cùng với những nhóm dân quân của các bô lão, tù trưởng các bộ lạc, thành lập Phong trào Quốc Gia Somalia, tuyên bố độc lập, lấy tên nước là Somaliland. Quốc gia nầy không được ai thừa nhận cả.
Tình hình phía nam Somalia vẫn còn hỗn loạn. Các nhóm vũ trang đánh nhau khốc liệt để tranh giành những tài sản của quốc gia mà trước kia Cộng Sản đã quốc hữu hóa và tập trung lại.
Ông James Bishop, đại sứ HK sau cùng ở Somalia giải thích, nguyên nhân nội chiến là do sự tranh giành nguồn nước, đất đai, đồng cỏ, những đàn gia súc, các cơ sở bị quốc hữu hoá trước kia.
Nội chiến vẫn tiếp diễn, phá hỏng nền nông nghiệp, làm gián đoạn hệ thống phân phối lương thực xuống miền Nam. Các lực lượng vũ trang chiếm đoạt phần lớn thực phẩm, kết quả là nạn đói làm chết 300,000 người dân và 1.5 triệu người bị ảnh hưởng.
11.2. Liên Hiệp Quốc đến giữ hòa bình
Trước nạn đói và bất ổn, LHQ đưa một lực lượng đến Somalia giữ hoà bình, bảo vệ công tác cứu trợ. Hội Đồng BA/LHQ cho phép thành lập một lực lượng giữ hòa bình hạn chế mang tên Chiến Dịch LHQ tại Somalia (UNOSOM I). Hạn chế, là việc xử dụng vũ khí, chỉ ở mức phòng vệ nên các nhóm dân quân xem thường nên UNOSOM I không có hiệu quả.
Hỗn loạn tiếp diễn, nạn đói hoành hành gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo, cho nên Chiến Dịch LHQ ở Somalia II (UNOSOM II) được thành lập.
Thủ lãnh Mohamed Farrah Aidid ở thủ đô Mogadishu coi UNOSOM II là mối đe dọa quyền lực của mình nên ra lịnh tấn công quân đội giữ hoà bình của LHQ.
Ngày 5-6-1993, quân của Aidid tấn công lực lượng LHQ UNOSOM II, giết chết 24 binh sĩ Pakistan và làm bị thương 80 người khác.
Ngay ngày hôm sau, HĐ/BA/LHQ ra NQ 837 yêu cầu bắt và xử những phần tử người Somalia chịu trách nhiệm về cái chết của quân LHQ nói trên.
12* Hoa Kỳ vào trận
12.1. Trận Mogadishu năm 1993
Hoa Kỳ thành lập một chiến đoàn Đặc Biệt gồm lực lượng Delta, Biệt kích hải quân SEAL (Team 6) và một đơn vị không quân. Cuộc hành quân mang tên Con rắn Gothic (Operation Gothic Serpent)
Lực lượng hành quân dưới quyền chỉ huy của Trung tướngWilliam F. Garrison, khởi hành từ một căn cứ Hoa Kỳ ở ngoại ô, tiến vào trung tâm thủ đô Mogadishu để bắt hai lãnh tụ của nhóm dân quân bộ lạc Habar Gedri, có trách nhiệm về vụ giết 24 binh sĩ Pakistan, Bộ lạc nầy dưới quyền của Mohamed Farrah Aidid, tự xưng là tổng thống nước Somalia (Somaliland).
Thành phần hành quân:
– 160 binh sĩ
– 19 trực thăng
– 12 chiếc xe. (9 chiếc Humvee và 3 xe chở quân)
Kế hoạch
– Một toán Delta 4 người, do Đại úy Michael D. Steele chỉ huy, từ trực thăng đu dây xuống khách sạn Olympic để bắt 2 lãnh tụ, là Bộ trưởng Ngoại Giao của tướng Aidid là Omar Salad Elmi và cố vấn chính trị cao cấp tên Mohamed Hassan Awele. Đồng thời, các toán yểm trợ cũng từ trực thăng đu dây xuống chiếm giữ và kiểm soát 4 phía của khách sạn, bảo vệ toán đột kích tấn công bắt người.
– Một đoàn xe gồm 9 chiếc Humvee và 3 xe chở quân do Trung tá Danny McNight chỉ huy, phải đến địa điểm vài ba phút sau khi cuộc tấn công mở màn, để chở “tù binh” và toàn thể lực lượng hành quân về căn cứ ở ngoại ô.
– Toàn bộ cuộc hành quân chỉ kéo dài trong 30 phút.
Thi hành kế hoạch hành quân
Ngày 3-10-1993
15:42 phút.
4 biệt kích đu dây từ trực thăng xuống mục tiêu để bắt người. Binh nhất Todd Blackburn bị tuột tay, rơi từ độ cao 70 ft (21m) xuống mặt đường, bị thương rất nặng. Không biết lý do rơi, nhưng suy đoán là do trực thăng giật mạnh để né tránh rocket bắn từ nóc nhà kế bên.
15:47 phút
Dân quân Somalia ùa đến bao vây cả khu vực. Cuộc ác chiến xảy ra trên từng góc phố.
16:02
Biệt kích báo cáo đã chiếm mục tiêu. Bắt sống 2 lãnh tụ và 21 người khác. Yêu cầu cho đoàn xe đến đưa về căn cứ.
16:15
Đoàn xe 9 chiếc Humvee và 3 xe chở quân vẫn chưa khởi hành được, vì trục trặc truyền tin. Hai bên hiểu lầm nhau về lệnh lạc, cho nên bên nầy chờ bên kia mất 20 phút. Trở ngại nầy gây thêm trở ngại khác là, dân quân Somalia có thì giờ lập những rào cản và tổ chức chiến đấu trên các đường vào mục tiêu. Làm cho giao chiến xảy ra và mất nhiều thì giờ hơn 30 phút đã định trong kế hoạch.
16:20 phút. Trực thăng thứ nhất bị rớt.
Chiếc Black Hawk UH-60 bị trúng rocket, rơi xuống cách toà nhà khách sạn 5 khu phố.
16:22 phút
Các toán quân Somalia bắt đầu tràn về phía trực thăng rớt.
16:26 phút. Trực thăng thứ hai bị rớt.
Đoàn xe 9 chiếc Humvee đến mục tiêu, chở tù binh và binh sĩ chạy về phía trực thăng rớt để cứu nạn.
Trong khi đó, một trực thăng khác do phi công Michael Durant liều mình, bay vào chỗ chiếc thứ nhất bị rớt để tiếp cứu, nhưng lại bị trúng đạn do súng phóng lựu bắn lên, rớt cách khách sạn khoảng 1 dặm. Đó là chiếc thứ hai bị rớt, những người trên trực thăng bị giết hết, Michael Durant bị bắt làm tù binh.
16:35 phút
Đoàn xe Humvee chở binh sĩ và tù binh chạy lạc đường, thay vì chạy về doanh trại ở ngoại ô, nhưng chạy vào trung tâm thủ đô, làm bia cho các toán bắn tỉa và các tổ dân quân tấn công, quân số tử thương và bị thương gần phân nửa, mà thuốc men không có, đạn dược không còn. Một trực thăng bị trúng đạn trong khi cố gắng bay vào trung tâm thủ đô để thả xuống những đồ tiếp tế.
Trời tối, vì không có thiết bị để nhìn thấy ban đêm, cho nên đoàn quân án binh bất động cho qua đêm.
Bộ chỉ huy hành quân HK yêu cầu Bộ chỉ huy LHQ cứu viện. Hai đại đội được thành lập, gồm quân Mả Lai và Pakistan với vài trăm chiếc xe bao gồm xe tăng M-48 và thiết vận xa khởi hành lúc 23:23 phút.
Ngày 4-10-1993
5:30 phút (sáng)
Toán biệt kích HK phải đi bộ theo xe tăng, thiết giáp, vì các xe chở 2 đại đội không còn chỗ, quân Mỹ rút lui dưới làn đạn của dân quân Somalia, về căn cứ của quân đội Pakistan.
Kết quả
Cuộc hành quân kéo dài từ chiều 3-10-1993 đến sáng 4-10-1993.
Phía Hoa Kỳ
– 19 binh sĩ thiệt mạng
– 84 bị thương
– 1 phi công bị bắt
– 2 trực thăng bị rớt
Quân Mả Lai
– 1 thiệt mạng
– 7 bị thương
Quân Pakistan-
– 2 bị thương
Phía dân quân Somalia
– Thiệt mạng: ước lượng từ 315 đến 2,000
– Bị thương: ước lượng từ 1,000 đến 3,000
Phía dân chúng
– Hồng Thật Tự Quốc Tế cho biết có khoảng 200 thường dân chết và nhiều trăm người bị thương.
Trận đánh Mogadishu 1993 gây kích động trong quần chúng Mỹ khi hình ảnh những tù binh bị trói, những xác người Mỹ bị kéo lê trên đường phố. Những thi thể được quật mồ sau 11 ngày, để hoàn trả cho HK trông rất khủng khiếp, trong đó có một người bị chặt đứt đầu.
Phi công Michael Durant được trao trả cho HK.
Hai tuần lễ sau, trong một bản văn viết tay gởi cho Tổng thống Clinton, Trung tướng William F. Garrison nhận lấy trách nhiệm về hậu quả của trận đánh. Tuy đạt được mục đích, nhưng thiệt hại quá nặng do những khuyết điểm trong kế hoạch hành quân.
Những tai hại của chế độ Cộng Sản, của chiến tranh với Ethiopia, và nội chiến không ngừng, làm cho Somalia suy yếu, kiệt quệ cho nên khi gặp hạn hán thì dân chúng chết đói trước các nước láng giềng như Kenya và Ethiopia.
13* Kết luận
Ngày thứ năm 18-8-2011, Giám đốc Tổ Chức Lương Nông LHQ (FAO), ông Jacques Diouf tuyên bố trong buổi họp khẩn cấp của tổ chức, ông nói “Quốc tế có tiền và kỹ năng để giúp nông dân chăn nuôi và trồng trọt, chống nạn khô hạn, nhưng đã không áp dụng được lợi điểm đó vì không có an ninh. Thế giới không thể chấp nhận tình trạng hơn 12 triệu người trong vùng nầy có nguy cơ chết đói vì hạn hán nghiêm trọng”.
LHQ cũng cảnh báo rằng sản lượng hoa màu ở miền nam Somalia sẽ thấp dưới mức trung bình.
Ngoại trưởng Clinton phát biểu, “Việc ứng phó với nạn đói phải có tầm nhìn vượt ra ngoài khủng hoảng hiện tại, bảo đảm rằng khủng hoảng sẽ không tái diễn. Cứ vài thập niên thì chu kỳ nầy tái diễn một lần, nếu chúng ta phủi tay, đổ lỗi cho những thế lực ngoài vòng kiểm soát thì thật dễ dàng, nhưng chu kỳ nầy, không phải là không thánh khỏi được”.
Bà Clinton nói tiếp “Có hơn 7.6 triệu nông dân và nhà chăn nuôi nhỏ ở Ethiopia và Kenya đã được “Mạng lưới an toàn xã hội” trợ giúp, nên họ không cần đến những cứu trợ khẩn cấp như hiện nay. Hoa Kỳ đã trợ giúp 3.5 tỷ USD cho những quốc gia cam kết thực hiện chương trình nầy”.
Bà Clinton cũng kêu gọi thế giới tham gia chương trình nầy và nếu không hành động như vậy, thì sẽ phải đối diện với một cuộc khủng hoảng khác trong Vùng Sừng Phi Châu nầy. Bà Clinton nói rất đúng, năm nay 2014 Somalia bắt đầu chu kỳ chết đói như LHQ vừa công bố.
Những người phản đối Tây phương cho rằng, chương trình do HK đề xướng là một công cụ chính trị mục đích dùng mạng lưới trợ cấp để lôi kéo người dân về phía đảng cầm quyền. Nhất là nhóm Hồi Giáo al-Shabaab, quyết chống Tây phương đến cùng. Nghèo chết bỏ.
Người châu Phi có lẻ còn phải chịu khổ sở dài dài bởi những “vấn đề” của người châu Phi, bao gồm tham nhũng, độc tài, nội chiến, phong tục lạc hậu, tôn giáo cực đoan, quá khích…cái vòng lẩn quẩn không phá được. Nghèo đói sinh ra tham nhũng, tham nhũng sinh ra độc tài, độc tài sinh ra nội chiến, nội chiến sinh ra nghèo đói, nghèo đói sinh ra tham nhũng…
Hình ảnh của trẻ em vô tội ở Somalia đã chết hoặc sắp chết làm xúc động lòng người. Thế hệ nầy của châu Phi sẽ đi về đâu của kiếp người.
Minnesota ngày 7-11-2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét