Những năm đầu 1930, ở miền Nam, nhất là các tỉnh miền Tây, ngành giao thông, vận tải đường bộ phát triển. Khắp nơi rộ lên phong trào thành lập các hãng xe đò để chở khách. Các tiệm mua bán phụ tùng xe hơi làm không hết việc.
Cửa hàng phụ tùng xe của ông Hảo nằm ở trung tâm Sài Gòn, chỉ cách chợ Bến Thành mấy bước chân, hàng nhập khẩu bán đúng giá lại càng thu hút khách, nhất là giới tài xế miền Tây lên Sài Gòn mua phụ tùng thay thế. Khi đó ở Sài Gòn cũng có vài cửa hàng mua bán phụ tùng xe hơi nhưng chỉ có cửa hàng ông Hảo đủ lớn để cạnh tranh với các tiệm người Pháp trong vùng.
Cạnh tranh với người Pháp
Hạn chế của các hãng do người Pháp làm chủ là nhân viên ít nói tiếng Việt, trong khi đó đa phần giới tài xế lại không rành tiếng Pháp nên ngại vào. Thay vào đó, họ qua tiệm của ông Hảo để mua hàng.
Khi hoạt động kinh doanh mở rộng, ông Hảo giao phần lớn việc kinh doanh phụ tùng cho vợ, còn mình chỉ phụ trách việc giao dịch với bạn hàng Pháp để mua phụ tùng về bán. Vợ ông Hảo ngoài việc có duyên buôn bán còn là người phụ nữ rất chịu thương, chịu khó. Bất cứ giờ nào, kể cả 2 - 3 giờ sáng, nếu có khách gọi cửa, bà đều sẵn sàng bán hàng dù thứ khách mua chỉ lời không hơn một đồng.
Vợ ông Hảo còn có kiểu kinh doanh khá đặc biệt. Đó là khi tài xế tới mua hàng, bà chỉ hỏi: “Chú là chủ xe hay tài
xế?”. Nếu là tài xế, ngoài việc bán đúng giá, bà Hảo còn trích ra vài cắc cho họ có thêm lộ phí đi đường, cà phê, ăn sáng. Cách làm của bà Hảo giống như kiểu “khuyến mãi” bây giờ. Dù số tiền “lại quả” không đáng là bao nhưng lại thu hút giới tài xế tìm đến cửa hàng.
Nhờ kiểu kinh doanh gần gũi, bình dị và lấy công làm lãi đó mà cửa hàng phụ tùng xe của ông Hảo dù mới mở nhưng kẻ mua người bán tấp nập, tiền đếm mỏi tay. Kinh doanh ngày càng phát đạt nên ngoài cửa tiệm chính ở Sài Gòn, ông Hảo kết hợp với một người bà con ở Trà Vinh mở thêm chi nhánh dưới miền Tây.
Chở gạch từ Pháp xây nhà bốn mặt tiền
Trước năm 1933, ông Hảo mua miếng đất ở đường Trần Hưng Đạo - Ký Con - Yersin - Lê Thị Hồng Gấm (ngày nay) để xây cất nhà. Ban đầu ông chỉ mua nửa miếng ở phía đầu đường Trần Hưng Đạo, nhưng sau do chủ đất nài nỉ nên ông mua luôn cả miếng. Việc xây nhà kéo dài từ năm 1933 và hoàn tất vào năm 1937, song từ năm 1935 cả nhà ông đã chuyển về đây sinh sống.
Tòa nhà có diện tích gần 800 m2, được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp thịnh hành thời đó như Nhà hát Thành phố, khách sạn Continental, khách sạn Grand Palace, khách sạn Majestic… Gạch bông của tòa nhà được đưa từ Pháp qua. Do lúc đó chưa có xi măng nên thợ phải lấy mủ cây trộn với vôi cát, nước để xây.
Tòa nhà tuy có hai lầu nhưng sau này có gắn thang máy để “ông Hảo đi lên sân thượng ngắm chim cho đỡ mỏi chân”, như lời con cháu kể lại. Năm 1966, khi ông Hảo về quê ở ẩn, do không có nhu cầu sử dụng thang máy, con cháu ông đã tháo ra đem bán.
Tòa nhà sau khi hoàn tất, phía trước đường Trần Hưng Đạo ông Hảo kết hợp với Hãng Caltex mở cây xăng dầu. Căn kế tiếp bán đồ phụ tùng xe hơi, rồi tới nhà kho. Phòng bên phải là văn phòng làm việc của ông. Phía sau là garage xe hơi. Dãy lầu trên garage có thêm 6 căn được cho thuê. Còn phía trên của dãy trước để toàn bộ đại gia đình ông ở.
Ngoài tòa nhà vừa làm nhà vừa là chỗ kinh doanh trên, ông Hảo còn mua miếng đất ở bốn mặt tiền đường Bùi Viện - Trần Hưng Đạo - Đề Thám - Nguyễn Thái Học (ngày nay) để xây cất hai dãy phố nhà lầu cho thuê.
Theo những người từng thuê nhà thì công ty ông Hảo hoạt động theo nhu cầu thị trường, tức là có cầu có cung. Điều khiến các dãy nhà thuê hút khách là giá thuê mà ông đưa ra rất dễ chịu và không tăng giá đột ngột, dù đó là người thuê ngắn hay dài.
Sau đây là một số hình ảnh về ngôi nhà cổ:
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét