24 thg 1, 2023

Viên pháo “xì” của ông tôi - Vụ Ngoc Giao

 


Cái thời nhà nhà đốt pháo vào đêm giao thừa qua cũng đã lâu. Thời đó ở thành phố nhà nào cũng có ít nhất một dây pháo để đốt trong đêm giao thừa. Quê nội tôi không vậy, toàn nhà tranh vách đất, Tết đến chỉ lo mâm cơm sao cho đủ đầy, trước là cúng ông bà tổ tiên, sau để con cháu được ăn ngon trong ba ngày Tết. Nhà nào đêm đến cũng thức khuya giã nếp, gói bánh. Ai cũng cố giã cho thật nhuyễn, sao cho bánh được dẻo, được thơm, đâu có gia đình nào dư dả để sắm một dây pháo cho ngày Tết. Duy nhất nhà bác tôi, khả giả nhất làng, đốt bốn dây pháo. Một dây cho đêm giao thừa, ba dây kia cho ba ngày Tết. Nhà nội tôi vào giờ giao thừa cũng đốt pháo, nhưng chỉ đốt một viên pháo tống. Pháo tống là loại pháo cỡ trung, nhỏ hơn viên pháo đại. Giờ giao thừa, ông tôi mang viên pháo đặt lên cục gạch trước sân, tay run run châm ngòi. Ông tôi quan niệm rằng, năm nào pháo nổ thật to, thật đanh là năm đó mọi sự trong gia đình tốt đẹp. Ngược lại, lỡ pháo xì, coi như xui cả năm. Vì thế con cháu trong nhà luôn hồi hộp khi ông đốt pháo.

Ngày còn nhỏ tôi thường về quê ăn Tết nên nhiều lần được chứng kiến ông tôi đốt pháo đêm giao thừa. Tôi chạy tưng tưng quanh cái sân gạch hò hét “Cố lên! Ông ơi cố lên!”. Năm nào pháo nổ “đùng” con cháu cười haha. Năm nào pháo xì, con cháu im re.

Nhớ năm đó…

Đến giờ giao thừa, cúng bái xong, ông tôi trịnh trọng mang viên pháo ra sân kê lên cục đá. Mọi người trong nhà ngồi im, chỉ được ló đầu nhìn ra cửa. Ngoại trừ tôi ra, ông tôi không cho ai ra sân cả, sợ đến giờ xông đất, vía người lớn không tốt bằng trẻ con. Tôi chạy quanh cái sân gạch hò hét, chờ hoài không thấy pháo nổ, mọi người ai nấy cũng im re. Mặt ông tôi nhìn nghiêm trọng quá, đang chạy tôi phải dừng lại “Ông ơi pháo xì hả ông?” Ông tôi chẳng nói chẳng rằng, chắp tay sau đít bỏ vô nhà, tôi lon ton theo sau. Không khí trong nhà có phần trầm xuống, riêng tôi vẫn hớn hở. Ơ hay! Tết mà! Cả nhà bắt đầu nói chuyện bâng quơ. Cô Út tôi lẩm bẩm một mình “Bánh tét năm nay đứa nào gói đẹp ghê, chắc tay thiệt!” Cha tôi “thực tế” hơn chút, “Lạnh dầy pháo ẩm hết, nổ gì được!” Đáp lời cha tôi, pháo từ nhà bác tôi đùng đoàng nổ một tràng giòn tan. Tôi khoái trá chạy khắp sân, “De de… đã quá đi… đã quá đi!”

Nhà bác tôi cách nhà nội tôi chưa đến năm mươi mét nên pháo nổ nghe rõ mồn một. Con cái trong nhà bắt đầu thấy ông nội tôi đâu là tránh đó. Ông đi ra đi vào, đi lên đi xuống, gặp ai ông cũng gây, “Thằng Bảy! Hồi chiều tao nhắc rút rơm bỏ vô chuồng cho bò, làm chưa?” Chú tôi cười cười trả lời gọn lỏn, “Dạ xong rồi!” Ông tôi lại lò dò xuống bếp, đụng cô Út, “Con Út, lấy đòn bánh xuống, cắt miếng tao ăn tao đi nằm cái coi!” Cô tôi “dạ” rồi nhanh nhảu đi làm cho kịp. Ông tôi lại lững thững ra hiên, “Thằng Năm (tức cha tôi) hồi chiều vô rẫy thắp hương cho mẹ có nhớ thắp luôn cho ông bà nội với chú Bảy hông?” “Có chớ cậu, con đi hết một lượt thắp hết chớ cậu,” (cha tôi gọi ông nội tôi là cậu). Không còn lý do gì, ông lại quay vào nhà, đụng cô tôi, “Con Tám! đứng chàng ràng chi đó, đem cái chậu vô cho tao chưa?” Cô tôi thẽ thọt, “Đem để dưới gầm giường rồi cậu,” (ông tôi đêm đến không dám ra vườn… tè vì… sợ ma.)

Coi bộ không “gỡ gạc” được ai, ông tôi tính chuyện đi nằm. Thấy tôi vẫn còn lăng xăng với cái dư âm pháo xì, ông lầm bầm, “Chạy cho hung đi, rồi hen suyễn!” Nói rồi ông lò dò đi lại tấm phản kê giữa nhà, leo lên phủi chân cái “bẹt”, xong trầm ngâm nằm vuốt râu, mắt ngó lên trần nhà trân trân. Cô Út tôi muốn chấm dứt sớm cái cảnh đó, chu miệng thổi vô cây đèn dầu cái “phụt”. Nhà tối om, tôi đành phải leo lên giường, chen vào nằm giữa hai cô, vừa chen vừa vô tư cứa vào “nỗi đau” của ông tôi, “Nhà bác Bốn pháo nổ đã thiệt, nổ gì mà nổ dễ sợ, nổ gì mà nổ dễ sợ!” Cô Út tôi thò tay ngắt vô đùi tôi một cái đau điếng, “Im cho ông nội ngủ, mai còn dậy sớm chúc Tết!” Tôi nằm chứ có ngủ được đâu, lòng rạo rực nghĩ đến viên pháo bị xì lúc nãy ông nội quăng ra góc vườn.

Sáng mùng Một. Tôi dậy thiệt sớm, diện bộ đồ mới keng chạy ra vườn. Viên pháo vẫn còn nằm lăn lóc ở đó, tôi nhặt giấu vào trong áo. Đợi lúc ông đi chúc Tết, tôi ra ngõ khoe với tụi trẻ chăn bò, “Ông nội tao đêm qua đốt pháo á!” Nghe đến pháo mắt tụi nó sáng trưng, “Ngon vậy?” “Chứ sao, pháo ông tao to lắm á!” Tụi nó nhìn tôi nghi ngờ, “Đốt hồi nào? Sao tụi tao không nghe gì hết? Mày nói láo!” Tức mình, tôi lôi ngay viên pháo trong túi ra, “Đây nè!” Tụi nó ồ lên rồi dừng ngay, “Đốt mà sao giờ còn đây?” Tôi gân cổ, “Thì tại pháo xì chứ sao!” Tôi vừa nói đến chữ “xì”, ngẩng lên đã thấy ông tôi đứng trước mặt. Ông đi chúc Tết về sớm hơn dự đoán của tôi.

Ông chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng chống gậy đi vào sân. Ông tôi dáng người cao ráo, râu trắng như cước, mỗi khi ra khỏi nhà ông rất chỉn chu. Ông luôn mặc áo dài, đội khăn đóng, tay cầm dù, tay chống gậy, thong thả bước đi trông rất uy nghi. Ông vẫn lặng thinh đi trước như không nhìn thấy tôi đang lẽo đẽo theo sau, “Ông nội đẹp ghê! giống y chang ông tiên trong truyện cổ tích.” Vừa nói tôi vừa cười nịnh, cốt để ông quên chuyện pháo xì mà tôi vô tình kể với tụi trẻ chăn bò. Ông tôi cười chòm râu rung rung “Cha mày, mới bây lớn mà bỡn ông!”

Hai ông cháu tôi ngồi bên hiên nhìn nắng lên, nghe con chim Chích Mào về hót trên cành Xoan trước ngõ. Tôi hít hà mùi hoa Vạn Thọ thoang thoảng khắp vườn. Một mùa Xuân thật bình yên lại về bên ông cháu tôi…

Một cái Tết nữa lại về…

Còn đâu không khí ấm cúng của đêm giao thừa năm xưa? Ông bà tôi giờ đã theo nhau lên đồi cao và ngủ yên ở đó. Cha tôi và các cô, các chú tóc cũng đã bạc màu, nhưng tôi biết, vào ngày cuối năm ai cũng nhớ quê. Chiều ba mươi, bên mâm cơm sum họp, anh em í ới gọi nhau về, hỏi han chuyện cháu con, chuyện sức khỏe, chuyện làm ăn… Nhưng một điều ít ai nhắc đến vì quá đỗi thiêng liêng, ai cũng muốn cất giữ trong lòng những kỷ niệm về cha mẹ, anh em, về nơi đã sinh ra… Nếu bất chợt gợi lại, ai cũng rưng rưng…

Có tiếng pháo nổ đùng đoàng trên… tivi. Nhìn di ảnh ông nội trên bàn thờ, tôi lại bùi ngùi nhớ ông, nhớ viên pháo xì lăn lóc ở góc vườn năm xưa, nhớ hương hoa Vạn Thọ thoang thoảng trong vườn, nhớ đêm giao thừa năm cũ… Tất cả như chỉ mới đây thôi, nhưng không bao giờ tôi còn được gặp lại. Nghe chừng như ông đang ở bên cạnh, khàn khàn mắng yêu tôi, “Cha mày! Mới bây lớn mà bỡn ông…”

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét