27 thg 1, 2023

Phiếm luận về Mẹ - Trường


Mấy hôm trước, nhân anh LN Minh chia sẻ bài thơ về “Mẹ”, làm trỗi dậy cảm xúc lâu nay nằm sâu trong đáy lòng.


Mẹ Ta Trả nhớ về Không

“Ngày xưa chào mẹ ta đi
Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười
Mười năm rồi lại thêm mười
Ta về thì khóc, mẹ cười lạ không
Ông ai thế? Tôi chào ông
Mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi
Ông có gặp thằng con tôi
Hao hao...tôi nhớ nó... người... như ông.
Mẹ ta trả nhớ về không
Trả trăm năm lại bụi hồng... rồi đi…
Đỗ Trung Quân

Khi tôi viết những dòng chữ này thì Mẹ tôi đã quy tiên gần 40 năm rồi. Mỗi năm khi gió bắc mưa lạnh bao phủ lên cảnh vật, cũng là lúc người người rộn rịp chuẩn bị cho mấy ngày lễ cuối năm đoàn tụ gia đình. Tôi lại ngậm ngùi nhớ đến Mẹ tôi, người Mẹ đã suốt đời lam lũ, tần tảo nuôi con. Những dòng chữ rất riêng tư này, tôi nghĩ rằng sẽ được nhiều bạn thông cảm lượng thứ. Thiết nghĩ mọi người hẳn có cùng tâm sự như tôi, tâm sự của đứa con vì tự do cơm áo phải phiêu bạt rong ruổi tha phương, cứ đến mùa đông hiu hắt lại ngậm ngùi nhớ về người Mẹ ở phương trời khác xa tít mịt mù.

Tất cả những ai khi mái tóc đã điểm sương mà vẫn còn có được người Mẹ để thương yêu phụng thờ thì thử hỏi có hạnh phúc nào lớn hơn thế nữa?

Ngày đi học, nghe thầy cô giáo giảng về sự tích của Địch Nhân Kiệt (狄仁杰) thời Đường, có ai trong thế hệ chúng tôi lại không rưng rưng cảm động? Địch Nhân Kiệt từng giữ chức tể tướng thời nữ hoàng Võ Tắc Thiên trị vị. Trong những năm đầu làm quan, lúc nhiệm chức tại Tĩnh Châu, Cha Mẹ thì ở Hà Dương, cách Tĩnh Châu mấy ngày đường. Một hôm lên núi Thái Hàng, nhìn đám mây trắng bềnh bồng nơi hướng quê nhà, ông bùi ngùi thốt lên: “Ngô thân xá kỳ hạ” (吾親舍其下) “Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng đó”. Ông đứng nhìn ngậm ngùi khá lâu, đợi đám mây bay khuất rồi mới bồi hồi quay về.

Câu chuyện chỉ đơn giản có thế, mà được người xưa trân trọng nâng lên và trở thành một điển tích trong văn học Trung Quốc, đủ thấy tâm hồn của người xưa đôn hậu biết bao. Với nền văn minh và khoa học tân tiến hiện đại khiến không gian như thu hẹp lại, nhưng khoảng cách của lòng người lại dần thêm xa cách và lạnh nhạt, không mấy ai còn rung động bởi những câu chuyện bình dị như trên. Chữ “Hiếu” dường như đã dần trở thành “xa xỉ phẩm” trong một xã hội mà mọi quan hệ đều bị cuốn vào cơn lốc của Danh Lợi và lòng vị kỷ. Người ta quên mất rằng một xã hội mà chữ Hiếu được coi trọng mới là một xã hội thật sự thanh bình lành mạnh, vì đạo Hiếu là nền tảng của đạo Nhân.

Khi còn bé, vì ham chơi và tính nghịch ngợm của trẻ con, tôi thường được dạy dỗ bởi những trận đòn roi của nghiêm phụ, mong cho con cái trưởng thành. Mỗi lần như vậy, mẹ tôi không can gián được, xót ruột quay mặt đi mà đầm đìa nước mắt. Mẹ khóc tôi cũng khóc theo, tôi khóc vì bị đòn roi thì ít, mà đa phần vì đã làm tổn thương Mẹ hiền. Lớn lên, tôi mới thấu hiểu rằng những giọt nước mắt lặng lẽ của Mẹ hiền còn khiến những đứa con nghịch ngợm lo sợ hơn những trận đòn roi và chính cái tình thương lặng lẽ ấy đã thức tỉnh bao con thơ hồi đầu quy chánh.

Tôi thường nghe câu nói được lưu truyền trong dân gian: “Ai còn Mẹ xin chớ làm Mẹ khóc”. Câu nói đơn sơ nhưng gói trọn ý nghĩa thâm sâu của lẽ hiếu đạo. Những người dân quê chân chất ít học hồi xưa sao lại hiểu cái đạo lý “ hiểu thảo” dễ dàng bằng những câu nói bình dị mà thiết tha đến thế? Giờ nay nước mắt trận đòn roi đã cạn, nhưng những giọt lệ vẫn cứ tuôn ra vì những vết roi đời khắc nghiệt đắng cay trong cuộc sống thăng trầm ngược xuôi nơi đất khách quê người.

Mỗi năm cứ đến mùa lễ Vu Lan, tăng ni Phật tử trong các chùa tụng kinh báo hiếu; hội từ thiện "Tzu Chi" cho diễn lại các vở ca kịch mang nặng ý nghĩa hiếu ân với mục đích hoằng dương hiếu đạo và tưởng nhớ công ơn của bậc sinh thành. Truyền thuyết Bồ Tát Mục Kiền Liên xuống địa ngục cứu Mẹ có thể chỉ là hư cấu, nhưng tấm lòng hiếu thảo của Bồ Tát Mục Kiền Liên gây chấn động cả chư Phật mười phương lại là điều tất nhiên, bình dị và dễ hiểu.

Sở dĩ đạo Phật được lưu truyền mấy ngàn năm là vì ngoài mục đích cứu nhân độ thế, đạo Phật còn luôn nhắc nhở con người không được quên đạo làm con, làm người.

Rồi sau này, khi đọc "Nhị thập tứ hiếu" (二十四孝) của Quách Cư Nghiệp, tôi càng cảm phục trước tấm gương của những người con hiếu thảo trong sách. Đó là những câu chuyện mà cứ mỗi lần nhớ đến, tôi đều xúc động nghẹn ngào. Tôi thầm nhủ với lòng mình rằng, nếu một ngày nào đó, bản thân có quên đi tất cả mọi chuyện trên đời, thì cũng sẽ không dám quên công ơn dưỡng dục bằng trời của cha mẹ.

Lòng Mẹ thương con biển hồ lai láng. Chỉ có những ai đã từng đứng trước biển cả bao la mà dụng tâm suy ngẫm mới hiểu được tại sao người ta lại ví lòng thương yêu của người Mẹ với biển hồ mênh mông. Biển dung nạp được tất cả mọi thứ nhơ bẩn trên cõi đời, mà muôn đời biển vẫn trong xanh. Mẹ chịu đựng tất cả những điều nghiệt ngã nhất trên đời này, mà lòng Mẹ vẫn hân hoan, bao dung độ lượng. Những đứa con thành đạt hay hư đốn Mẹ đều một mực thương yêu với cái tâm vô sai biệt. Cũng như tất cả chúng sinh đều bình đẳng trước Tam Bảo, tất cả những người con đều bình đẳng trước trái tim từ ái quảng đại của Mẹ hiền.

Trong giáo lý nhà Phật, “quy luật nhân quả” là quy luật bất di bất dịch của tất cả mọi sự vật trong vũ trụ. Ngày nay, nền văn minh khoa học tiến bộ, người ta thường dương dương tự đắc với tài năng tri thức của mình mà quên mất cái "quả" có từ cái "nhân". Khi thấy một vườn cây đầy những loài cây trái xum xuê nặng trĩu quả ngọt, người ta thường chỉ trầm trồ ca ngợi công sức của người làm vườn, mà quên mất rằng tất cả những trái cây tươi tốt trong khu vườn ấy phần lớn đều lấy chất dinh dưỡng từ lòng đất. Lòng đất đó chính là “phúc đức tại phụ mẫu tổ tiên”. Chúng ta thường vô tình để cuộc sống hạnh phúc riêng của mình che khuất mất hình ảnh cội nguồn của Mẹ, của Cha. Nếu không ý thức được điều này, thì những câu ca dao "Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" bỗng trở thành những tiếng kêu thương lạc điệu.

Ngôn ngữ là công cụ tư duy của con người, cũng là hiện tượng của nền văn hóa tinh thần. Văn tự của mỗi quốc gia tuy khác nhau, nhưng có điều kỳ diệu là rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới tiếng “Mẹ” đều bắt đầu bằng phụ âm “M” rất tương đồng: Mutter trong tiếng Đức, Mère trong tiếng Pháp, Mother trong tiếng Anh, Mẫu/Má trong tiếng Hán, Mẹ trong tiếng Việt. Có phải chăng Thượng Đế đã tạo lập tiếng nói đầu đời "ma... ma..." qua cửa miệng mọi trẻ sơ sinh trên đời, Mẹ là âm thiêng liêng nhất trong thế giới âm thanh của loài người.

Thi ca nhân loại khắp Đông Tây kim cổ đã nói rất nhiều về người Mẹ. Nhưng nói mãi mà sao vẫn chưa nói hết được những gì muốn nói, vẫn luôn còn một cái gì đó về Mẹ mà không sao nói cho hết được. Người Ấn Độ có một câu ngạn ngữ tuyệt vời : “Thượng Đế không thể hóa thân khắp nơi, nên Ngài phải tạo ra mẫu người Mẹ để thay thế cho Ngài”. Câu nói đơn giản đó có lẽ đã hàm chứa tất cả hình ảnh và ý nghĩa về trái tim Mẹ. Trái tim Mẹ dành cho con là trái tim của Thượng Đế dành cho nhân loại.

Mẹ tôi mất hồi thập niên tám mươi. Tấm thân tứ đại tạm mượn sáu mươi năm, đã trả về cho tứ đại. Năm đó tôi vừa hơn 30, mới vượt biên qua Mỹ bắt đầu cuộc sống mới, xứ lạ quê người khiến người khách lữ thứ tha phương cầu thực không làm tròn được hiếu đạo của phận làm con. Đến khi đời tôi tạm ổn định, tôi muốn được gần gũi Mẹ tôi để đáp đền phần nào ơn dưỡng dục cù lao thì lại không còn cơ hội. Đó là một trong những điều đau đớn day dứt nhất trong đời, mà cứ mỗi khi nghĩ đến thì ngấn lệ lại dâng trào. Tôi tự an ủi rằng mọi sự tụ tan trên đời đều do nhân duyên, tôi không có phúc phận được cận kề để chăm sóc Mẹ tôi, có lẽ vì tôi chưa hội tụ đủ Duyên lành.

Mỗi năm đến mùa Vu Lan, Phật tử thường lên chùa cài lên ngực những bông hoa màu khác nhau. Ai còn Mẹ thì cài một bông hoa đỏ lên áo; ai không còn Mẹ thì cài bông hoa trắng tinh nguyên. Bao nhiêu năm rồi, tôi chưa bao giờ có dịp được cài một đóa hoa để nói lên sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Nhân đọc bài thơ "Mẹ ta trả nhớ về không", tôi nguyện vun bồi đóa hoa lòng luôn tươi thấm để ghi nhớ công ơn dưỡng dục và sự hy sinh của Cha Mẹ đã dành cả đời cho con cái.

Trường
01-21-2023 (ngày giao thừa Tết Quý Mão)

nguồn :Thụ Nhân Bắc một Nhip Cầu 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét