Với tôi, hình Phu Văn Lâu, Đại Nội v..v... có lẽ nhàm chán không gây một nỗi niềm. (Để khỏi mất lòng người Huế hăng bọ xít, nói rõ các bức hình chứ không phải đại nội trong thế tự thân). Tôi thích những nơi vô danh, một khúc đường vắng, một cảnh chợ nhỏ “phiêu bồng” đây đó. Hình Chợ Xép nầy đã làm ông bạn trở lui 75 năm thường theo mạ ra đấy. Me Xừ ni nhà ở đường Bộ Thị (Nguyễn Biểu) từ 1947 đến 1951 đi chợ xưa ở góc đường Mai Thúc Loan và Ngô Đức Kế; về sau chợ xích ra ngoài một ô đường.
Chợ Xép nằm ngay con đường theo bờ thành, sau khi bạn qua lọt cửa Đông Ba, chợ hai bên trái phải. Dân chúng sống bên đường chỉ cười thôi, chờ cho chợ vãng yên tĩnh mới trở lại, đã quen “thị tại môn tiền náo”.
Nói là chợ nhưng chỉ là một chỗ họp chợ ngay trước cửa nhà dân cư. Đường Nguyễn Thành từ Cống Lương Y đến Eo Bầu phía bên chân thành không có nhà cửa, cho nên chợ họp dễ; bạn hàng chỉ gánh hàng tới ngồi bán, mà không có thuế chợ; đường nầy phía chân thành bắt đầu có nhà cửa từ quán cà phê Ngõ Hạnh.
Bắt đầu từ phía phải của Mai Thúc Loan, Chợ Xép tiến qua phía trái; khi đông như dịp Tết, chợ kéo gần tới Eo Bầu. Một số rất ít tư gia mở quán và có thể giữ giúp hàng, lưa thưa như trong hình. Nói chung, chợ chỉ là chợ chồm hổm như dân Bến Ngự có lần đem rau cải ra bán ngay lề cầu. Do đó, hàng bán là những thứ tươi cần tiêu thụ ngay như thực phẩm, thịt cá, rau cải, không có hàng nằm như gạo, nếp, đường, những hàng cần có sạp.
Khi Mậu Thân ngưng tiếng súng, tôi từ Saigon về Huế đi qua Chợ Xép, chợ tiêu điều. Một bà già trong mưa lạnh đứng bán ớt tươi. Bà chỉ có cái ngảu to bằng miệng tô ăn phở, hai ba chục trái ớt vừa xanh vừa đỏ, loại nhỏ như ớt mọi ớt xiêm. Vì chuyến đi khó khắn, tôi được trợ cấp công cán khá lắm, tôi trả gấp năm, nghe thì to, gấp năm mấy chục trái ớt tý xíu. Tôi định biếu lại số hàng nầy nhưng lại thôi, sợ bà đứng tiếp mà bán trong mưa lạnh Huế đô.
Một lần tôi theo người chị họ từ Bến Ngự về nhà chồng đường Nguyễn Thành, đoàn đám cưới rước dâu phải đi bộ hàng một từ đường Mai Thúc Loan xuyên qua Chợ Xép. Những thứ mang theo như quả hộp phải đội đầu, khác nào lội nước lụt.
Hình cho thấy cái tơi dầu (nylon) bên cạnh tơi cá; ước chừng thập niên 1950; 1952 tôi được thưởng cái áo tơi dầu không tay như cái bao nylon bây giờ tiệm dry cleaner trùm các bộ veste. Hoa hậu trong hình mang chiếc áo dài cổ cao, hai vạt áo quấn quanh bụng, rõ là xắn quần vén áo.
Còn nhớ thời trang nầy chừng 1955. Một ký giả tên Phương, Đài Phát Thanh Huế, đã hóm hĩnh nhiều cách: đừng gọi, các cô không thể quay đầu; rồi ra các bà vợ tương lai sẽ rất cứng cổ, cổ các bà mềm quá phải niềng cho cứng không thì quặp xuống ngực. Nhưng nay nhờ kiểu áo các bà sẽ rất cứng đầu cứng cổ, đàn ông thì cứng theo kiểu đàn ông, không cứng theo kiểu các bà.
Lại nhớ người Huế không công bằng với đàn ông; cổ áo dài của các cô cao hai phân lên mười phân không ai phản đối. Nhưng cái quai nịt kiểu mới đơn giản như chữ I thì cho là cao bồi; từ hai pờ li qua một pở li quần đã bão táp nghiêng thành, huống hồ là xăng pờ li..
Hình nầy với tôi quá nhiều ý nghĩa. Nếu thiếu nữ gánh gồng nầy đi học Đồng Khánh, nàng đã sẽ tạo ra một loạt thi sĩ ca tụng nàng. Em đi học về, anh theo em về, lớ ngớ lộn cổ xuống sông mà chết vì tình. Nếu nàng vô chợ Đông Ba bán vải, bán đường thì mấy thầy giám thị Quốc Học bận bịu cấm túc học trò bỏ học đi nghễ. Dân sành diệu dòm gái cho rằng mấy o trong chợ Đông Ba yêu kiều thân thiện dễ thương hơn các cô Đồng Khánh. Nếu, nếu…Với những cái nếu, có thể bỏ Paris trong cái chai. Avec des “si” on peut mettre Paris dans une bouteille.
Cung điện nguy nga không bằng cái chợ xép; vì cung điện không có người ở, chợ đông người, trai khôn tìm vợ chợ đông. Đền thờ mênh mong, tượng ngọc, tượng đồng, tượng gỗ ngồi yên như xác chết.Thảo nào Âu Châu có câu nói: ông vua không thương yêu cung điện bằng kẻ bán khai yêu chòi tranh.
Đòn gánh có ba hình thái: thẳng, cong xuống và cong lên.
Với một khúc tre pheo thẳng bạn có hai đòn thẳng.
Khúc tre cong cho bạn một cong lên một cong xuống.
Cong lên để quân bình với trọng lượng như cái nhíp xe cong lên, thường thấy mấy bà gánh cá.
Biến thái của cong lên là đòn xóc (nhọn hai đầu) để gánh lúa, chỉ xóc vô hai bó lúa nặng.
Cong xuống dễ nằm yên trên vai hơn nhưng gánh nhẹ như gánh đậu hủ, gánh bún. Muốn gánh nặng hơn mà êm thì tháp phía trên một khúc dài bằng 1/3.
Trung bình là đòn thẳng như gánh nước. Người đẹp trong hình (nay 85? 90?) gánh hàng đi bán và dùng thúng lớn nên có gióng sáu, có thể nặng bằng hai thùng nước. Thùng dầu hôi 20 lít, hai thùng 40 lít, xấp xỉ 90 cân.
Trời mưa trơn trợt, mưa mô gió nấy, lạnh lắm người ơi.----
Tôn Thất Tuệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét