Điều 6: Có tin người thì người mới tin mình (1)
Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng
Nếu được tin tưởng, con người sẽ cố gắng đáp lại sự tin tưởng này. Hãy triệt đễ lòng tin của bạn dù có thể bị dối gạt.(2)
Mùa thu trong công viên Showa-kinen Park, Thành phốTachikawa, Nhật Bản
Đến nay tôi đã làm việc chung và có duyên quen biết nhiều người. Điều mà thấm thía cảm giác được là nói chung con người rất tuyệt vời, nếu chúng ta tin họ thì chắc chắn họ sẽ đáp lại lòng tin tưởng của chúng ta. Ngoài ra sự tin tưởng lẫn nhau tạo ra lợi ích cho cả 2 bên và cho cả 2 mặt tinh thần và vật chất, quan hệ con người cũng sẽ thuận lợi.
Không bao lâu sau khi tôi ra riêng bắt đầu chế tạo đồ điện với 2 người trong thân tộc, chuyện sau đây đã xảy ra. Bởi vì chỉ có 3 người làm nên công việc nhiều làm không kịp nên lần đầu tiên tôi mướn thêm 4, 5 người để cùng làm nhưng gặp phải vấn đề sau. Số là sản phẩm chế tạo lúc đó là đồ (ổ) cắm điện (hoặc để gắn thêm bóng đèn) (3) (4). Đồ cắm điện lúc đó là hỗn hợp nhão làm bằng vật liệu nhựa trải đường lộ trộn với bột đá. Vấn đề là có nên dạy bí mật của phương pháp chế tạo hỗn hợp nhão này cho nhân viên hãng không? Vào thời điểm lúc đó hỗn hợp nhão này còn trong giai đoạn mới được chế tạo và ở hãng sản xuất nào người ta cũng giữ bí mật, phương pháp chế tạo người ta chỉ dạy cho anh em hoặc người trong thân tộc để cùng nhau sản xuất.
Tuy nhiên lúc đó tôi đã suy nghĩ như sau. Nếu như giữ bí mật phương pháp chế tạo như ở các hãng xưởng khác thì chỉ có những người trong thân tộc mới làm công việc sản xuất, và phải không cho các nhân viên khác thấy nơi chế tạo. Như vậy rất phiền phức và năng suất thấp đi. Hơn nữa đối với đồng nghiệp cùng làm chung trong hãng của mình mà áp dụng thái độ đối xử như vậy có được không? Kết cuộc tôi đã quyết định dạy phương pháp chế tạo cho những người tôi mướn và để họ phụ trách công việc chế tạo. Với cách làm việc trên, một người trong cùng ngành nghề đã cảnh giác tôi “Anh làm như vậy có rủi ro là phương pháp chế tạo sẽ bị lộ ra ngoài, và sẽ có nhiều người bắt chước chế tạo. Điều này không những gây tổn thất cho chúng tôi mà cũng gây thiệt hại cho cả anh”. Tôi tiếp nhận lời cảnh giác với lòng biết ơn nhưng lúc đó tôi đã nghĩ rằng nếu nói cho nhân viên biết sự quan trọng của bí mật phương pháp chế tạo khi giao phó công việc thì chắc họ không khinh suất phản bội lại mình.
Kết cuộc may mắn không có ai tiết lộ bí mật ra ngoài. Hơn nữa, do được giao phó công việc quan trọng nên nhân viên trở nên tích cực trong công việc và không khí làm việc trong toàn hãng trở nên vui vẻ, phấn chấn lên và thành quả sản xuất tăng lên đưa đến kết quả rất tốt.
Từ đó về sau tôi tin tưởng nhân viên và dứt khoát giao phó công việc cho họ trong phạm vi có thể thực hiện. Thí dụ tôi đã giao phó cho một nhân viên trẻ mới vừa hơn 20 tuổi công việc thành lập một chi nhánh mới ở vùng Kanazawa hoặc là tôi đã giao phó việc khai thác sản phẩm mới cho những người mà tôi nghĩ là họ có khả năng. Tôi nghĩ rằng các người tôi đã giao phó công việc đại khái đều đã đem đến thành quả hơn mức tôi kỳ vọng.
Trong môi trường tôi được trải nghiệm việc nói trên nhiều lần nên tôi trở nên có cảm nhận thấm thía mức độ quan trọngviệc con người tin cậy lẫn nhau.
Nếu như tôi có lòng không tin tưởng (bất tín) đối với những người làm chung thì kết quả như thế nào? Phải chăng chắc chắn tinh thần của tôi cũng khổ sở và công việc sẽ không có năng suất ở nhiều mặt.
Chính xác là con người có lòng yêu ghét, lòng tính toán được thua và nhiều loại ham muốn. Do đó khi nhìn người khác với sự ràng buộc của các tinh thần nói trên phải chăng chúng ta sinh ra lòng nghi ngờ đối phương sẽ tranh đoạt những gì mình đang có, hoặc sẽ làm tổn hại lập trường của mình. Tuy nhiên tôi cảm thấy rằng những thứ sinh ra từ lòng bất tín không có gì khác ngoài việc phi năng suất và hình ảnh bi thảm.
Điều quan trọng là việc trước tiên tin tưởng nhau. Có thể có trường hợp do tin tưởng mà chúng ta bị lường gạt hay bị tổn thất. Tuy nhiên nếu chúng ta có thể triệt để tin người ở mức độ giả sử do tin người mà bị người gạt đi nữa cũng vẫn tin người, tôi nghĩ rằng chúng ta không bị người gạt đến độ chúng ta không ngờ. Lương tâm của con người không cho phép việc dối gạt người tin tưởng mình. Tôi nghĩ rằng phải chăng “con người là sinh vật đáng được tin tưởng”?
Nguyễn Sơn Hùng, 5/9/2022
(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.
Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng
Nhận xét của người dịch
Thật đáng buồn cho thế giới văn minh ngày nay về việc không có nhà kinh tế nào nghiên cứu và thử tính hiệu quả của việc “con người tin tưởng lẫn nhau”! Không lẽ sẽ không bao giờ có việc “con người tin tưởng lẫn nhau” đối với loài người của chúng ta sao? Và hầu như không có ai đề xướng lấy điều này làm chỉ tiêu để đánh giá trình độ văn minh của loài người” và lấy đó làm mục tiêu để hướng tới! Tại sao vậy? Bản chất của con người là không tin tưởng lẫn nhau sao? Mục tiêu này không có khả năng đạt được sao?
Người dịch nghĩ rằng không phải là không thể đạt được mà nguyên nhân chính là những nhà lãnh đạo trên thế giới không quan tâm thực hiện thôi! Một khi không bắt đầu đi thì làm gì có việc đi đến đích! Đó là chân lý hiển nhiên.
Chỉ nghĩ sơ qua chúng ta cũng có thể thấy hiệu quả kinh tế của việc “con người tin tưởng lẫn nhau” to lớn biết bao. Nếu mọi người thành thật tin tưởng lẫn nhau thì công sức và thời gian dùng để suy nghĩ, xem xét, bàn thảo nội dung rồi thành lập các văn bản ký hợp đồng cam kết, tranh cãi trước tòa án v.v…đều trở nên không cần thiết.
Người dịch không có đi du lịch nhiều nên không rõ những quốc gia khác như thế nào nhưng ở Nhật Bản có những máy bán nước uống, thực phẩm tự động. Gần đây các siêu thị áp dụng phương pháp khách hàng tự tính chi phí để trả. Tất cả việc này tiết kiệm được chi phí nhân sự cho bên bán và từ đó cũng giảm được giá bán. Ngoài ra còn giúp con người giảm được thời giờ phải làm những công việc nhàm chán hoặc nghi ngờ nhau để làm những công việc thú vị khác giúp đời sống nhân loại phong phú hơn cho cả 2 mặt vật chất và tinh thần.
Có lẽ ai sống ở Nhật Bản lâu năm cũng dễ dàng thấy lợi ích của việc “con người tin tưởng lẫn nhau” nói trên. Điều này cho thấy việc thực hiện “con người tin tưởng lẫn nhau” không phải là không có khả năng thực hiện. Điều quan trọng là mọi người thấu đáo lợi ích và đồng lòng thực hiện, người lớn và cấp trên cần phải làm gương. Điều đáng tiếc là đặc tính tốt này của Nhật Bản ngày nay có khuynh hướng giảm dần! Phân tích nguyên nhân và lập ra đối sách vượt quá khả năng của người dịch.
Một điều cơ bản khác mà tác giả cũng đã nhấn mạnh trong bài viết, đó là “Trước tiên bạn phải tin người”, và “triệt để tin người ở mức độ giả sử do tin người mà bị người gạt đi nữa cũng vẫn tin người”. Tuy nhiên đây là nội dung rất khó cần phải suy ngẫm kỹ để áp dụng.
Người dịch hiểu rằng không phải bất kỳ ai tác giả cũng tin tưởng và giao phó công việc quan trọng, bởi vì tác giả có nói “tác giả giao cho người tác giả nghĩ là có khả năng thực hiện”. Ngoài ra, tác giả đã tin tưởng nhân viên làm chung với tác giả, chúng ta cần nhớ rằng số nhân viên lúc đó còn ít và chính tác giả là người trực tiếp tuyển chọn nhân viên. Đồng thời trong môi trường ít người làm chung với nhau mà có lòng nghi ngờ lẫn nhau thì kết quả như thế nào không cần phải nói thêm. Ngoài ra, đứng vào lập trường của người được giao phó, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được hiệu quả của việc không tin tưởng triệt để.
Tóm lại việc dùng người, cộng tác chung với người không phải dễ và không phải với ai cũng có thể làm chung với bất kỳ việc gì nhưng khi đã quyết định làm thì phải tin tưởng lẫn nhau mới có thể thành công lớn và lâu dài.
Ghi chú
- Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.
- Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.
- Đồ (ổ) cắm điện: xem Hình 1 và Hình 2.
Ở Nhật Bản vào 2 thập niên 1950~1960 người ta tính tiền điện theo chế độ chi phí cố định tính theo dụng cụ xài điện không phải theo lượng điện sử dụng trong mỗi tháng. Thí dụ ký hợp đồng (khế ước) xài 1 bóng đèn 20 watt hoặc xài 2 bóng, mỗi bóng 40 watt. Khi bóng đèn bị đứt bóng, người xài điện đem tới đổi bóng mới và sử dụng tiếp. Do đó, Matsushita mới chế tạo ổ cắm điện như Hình 2 và bán được rất nhiều. Một ổ dùng cho bóng đèn đã khế ước với công ty điện lực và một ổ khác để làm nhánh phân điện ra cho các dụng cụ xài điện khác như radio, bàn ủi (bàn là) như Hình 1.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét