3 thg 4, 2015

Bước đi mạo hiểm của nền GD thành công nhất TG (Khánh Minh tổng hợp)


Được đào tạo và tuyển chọn khắt khe, có quyển tự chủ lớn và mức lương xứng đáng, có thể nói giáo viên Phần Lan có nền tảng tốt hơn giáo viên
các nước khác để thực hành phương pháp dạy theo hiện tượng.

Phần Lan- một trong những nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới- đang bắt tay vào một trong những cải cách có thể nói là triệt để nhất trong giáo dục thời hiện đại. Đất nước này lên kế hoạch từ nay đến năm 2020 sẽ từng bước giảm thiểu việc dạy từng môn học riêng biệt và thay vào đó sẽ dạy học sinh theo các chủ đề thực tế, tích hợp nhiều lĩnh vực. Liệu đây có phải là một bước đi quá táo bạo?
Từ lâu, Phần Lan đã nổi tiếng thế giới với nền giáo dục “khác thường” và thành công của mình. So với các nước khác, họ có vẻ coi nhẹ học thuật hơn: học sinh không phải trải qua kỳ thi sát hạch nào cho tới hết trung học; môi trường học tập trong nhà trường cũng ít cạnh tranh mà chú trọng việc cộng tác và vui chơi (học sinh Phần Lan được nghỉ 15 phút giữa mỗi tiết học).

Mặc dù vậy, học sinh nước này luôn nằm trong nhóm dẫn đầu các bảng xếp hạng quốc tế về khả năng đọc, viết và tính toán. Phần Lan cũng đạt kết quả cao nhất trong số các nước phát triển trong bảng xếp hạng Pisa (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế độ tuổi 15) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Bởi vậy mà các chính trị gia và chuyên gia giáo dục từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Anh, Mỹ, đã đổ về Helsinki với hi vọng có thể học hỏi và áp dụng lại những bí quyết thành công của nền giáo dục Phần Lan.
Như vậy, thật đáng ngạc nhiên khi quốc gia có nền giáo dục được công nhận là tuyệt vời này lại chuẩn bị tiến hành một trong những chương trình cải cách giáo dục quyết liệt nhất ở cấp quốc gia trên thế giới, đó là bỏ phương pháp dạy theo môn học truyền thống như toán, lý, hóa, văn, sử, địa, v.v.  để chuyển sang dạy theo các chủ đề tích hợp, thực tế.

Ví dụ về một tiết học theo “hiện tượng” ở trường tiểu học Siltamaki có 240 trẻ độ tuổi 7-12 ở Helsinki: với một bản đồ châu Âu treo trên bảng, học sinh phải tìm những từ miêu tả thời tiết trong tiếng Anh để dán đúng vào các nước tương ứng trên bản đồ, ví dụ “sunny” (nắng) ở Phần Lan và “foggy” (sương mù) ở Đan Mạch. Như vậy các em học tiếng Anh và Địa lý cùng một lúc.  
Học theo “hiện tượng”
Ông Pasi Silander- quản lý phát triển của Helsinki- giải thích, kế hoạch cải cách xuất phát từ  nhận thức rằng họ cần giáo dục con em mình theo một cách khác để chúng có thể thích nghi tốt hơn với bối cảnh công việc và xã hội hiện đại hoàn toàn khác trước của thế kỷ 21. Phương pháp giáo dục truyền thống đã sản xuất ra được nguồn nhân lực cần thiết và có ích cho nền kinh tế thế giới trong thế kỷ 20; nhưng trong nền kinh tế tri thức và xã hội đang thay đổi chóng mặt từng ngày, nhiệm vụ của giáo dục là phải phát triển cá tính, khả năng thích nghi và kiên cường trước các thay đổi, cùng với các kỹ năng giao tiếp, chứ không phải là đẩy học sinh qua những “nhà máy thi cử”. 

Khi ta dạy từng môn học riêng rẽ tức là ta đã tách bạch những nội dung mà trong thực tế cuộc sống lại không thể tách bạch được. Với phương pháp học tích hợp nhiều lĩnh vực, học sinh sẽ không còn phải đặt câu hỏi: “Học môn này để làm gì?” nữa.

Khi ta dạy từng môn học riêng rẽ tức là ta đã tách bạch những nội dung mà trong thực tế cuộc sống lại không thể tách bạch được. Với phương pháp học tích hợp nhiều lĩnh vực, học sinh sẽ không còn phải đặt câu hỏi: “Học môn này để làm gì?” nữa.
Thủ đô Helsinki đang đi đầu trong chương trình cải tổ này. Các tiết học chuyên về các môn học cụ thể theo kiểu truyền thống đã được dần cắt bỏ cho học sinh độ tuổi 16 ở các trường trung học ở Helsinki từ hai năm nay. Thay vào đó, các trường bắt buộc phải có một số tiết học nhất định dạy theo chủ đề - người Phần Lan gọi là dạy theo “hiện tượng”. Ví dụ, một khóa học nghề có thể bao gồm tiết học về việc cung cấp dịch vụ quán cà phê, như vậy học sinh sẽ được học các kỹ năng tính toán, ngoại ngữ (để phục vụ khách nước ngoài), viết và giao tiếp v.v. Các môn học hàn lâm cũng sẽ được dạy theo các chủ đề tích hợp, ví dụ như các tiết học về Liên minh Châu Âu sẽ tổng hợp các kiến thức về kinh tế, lịch sử, ngôn ngữ, địa lý.
Tất nhiên điều này cũng sẽ dẫn đến các thay đổi khác trong cách tổ chức lớp học. Biểu hiện rõ ràng nhất sẽ là không còn cảnh lớp học truyền thống với học sinh ngồi thụ động nghe giáo viên giảng nữa. Thay vào đó sẽ là cách tiếp cận mang tính cộng tác, tức là các học sinh sẽ làm việc theo nhóm nhỏ để giải quyết các vấn đề. Như thế kỹ năng giao tiếp của các em cũng sẽ được trau dồi hơn. Một quy định quan trọng nữa là học sinh phải cùng tham gia vào xây dựng giáo án cho các tiết học theo hiện tượng và cũng phải tự đánh giá kết quả mình học được những gì sau mỗi tiết học đó.
Marjo Kyllonen - nhà quản lý giáo dục của Helsinki - đã trình bày kế hoạch cải cách chi tiết trước hội đồng vào cuối tháng Ba vừa qua, theo đó, đến năm 2012, tất cả các trường học cho trẻ 7-16 tuổi ở Phần Lan bắt buộc phải có một số tiết học tích hợp. Bà tuyên bố, không chỉ Helsinki mà toàn thể đất nước Phần Lan sẽ ủng hộ thay đổi này. 

Một bước đi mạo hiểm?
Ý tưởng về bức tranh giáo dục mà Phần Lan đang hướng tới thông qua cải cách lần này thực ra không có gì mới mẻ cả. Mô hình học tập kiểu tích hợp, với trường học hoạt động như một xã hội thu nhỏ và trẻ em tham gia các hoạt động thực tế của cuộc sống đã được khởi xướng cách đây một thế kỷ từ thời của nhà triết học và cải tổ giáo dục John Dewey. Trước Thế Chiến thứ Hai ở Mỹ, phương pháp này đã được các nhà sư phạm tiến hành trong một thời gian ngắn tại trường Thực nghiệm thuộc Đại học Chicago của Dewey; nó cũng được áp dụng trong làn sóng giáo dục tiến bộ (progressive education) ở Mỹ và châu Âu trong các thập niên 60-70. Nhưng các phong trào này đều chỉ bùng nổ rồi lại lụi tắt. Chương trình học kiểu tích hợp bị chỉ trích là xem nhẹ tính học thuật và kỷ luật, dẫn đến kết quả thấp của học sinh trong các kỳ thi.
Theo Larry Cuban- giáo sư giáo dục học tại Đại học Stanford, kinh nghiệm đã cho thấy cách tiếp cận tích hợp không phù hợp với mô hình trường công lập phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới, trong đó học sinh cần phải học một lượng kiến thức nhất định trước khi được chuyển lên các lớp tiếp theo. Không chỉ vậy, hệ thống mới đòi hỏi cao hơn từ giáo viên, bắt buộc giáo viên phải có kiến thức sâu ở nhiều môn học khác nhau và phải có khả năng thiết kế các bài học dựa vào thế mạnh và mối quan tâm của từng cá nhân học sinh.
Ngoài ra, vẫn còn ít người có thể chấp nhận được ý tưởng xóa bỏ mọi môn học truyền thống trong nhà trường. Porter-Magee, thành viên của Viện Fordham-một think-tank nghiên cứu giáo dục ở Mỹ và là giám sát viên của sáu trường tiểu học, cho rằng chính phủ Phần Lan có vẻ đang đi quá đà trong việc cải tổ. Như nhiều giáo viên khác, bà cho rằng một số môn như văn học vẫn luôn cần có chỗ đứng độc lập trong chương trình giảng dạy.
Kể cả ở Phần Lan, việc cải tổ đã gặp phải sự phản đối của nhiều giáo viên và hiệu trưởng- những người đã dành cả đời tu nghiệp ở một môn học cụ thể mà giờ đây bị buộc phải thay đổi cách tiếp cận. Đáp lại vấn đề này, bà Kyllonen đã đưa ra chủ trương “cộng tác trong giảng dạy” (co-teaching) trong việc soạn giáo án, theo đó yêu cầu phải có nhiều hơn một giáo viên bộ môn tham gia soạn giáo án. Những giáo viên tham gia vào hệ thống mới này sẽ được tăng một khoản lương nhỏ.
So với giáo viên ở các nước khác trên thế giới thì phải nói là giáo viên Phần Lan có nền tảng chuẩn bị tốt hơn để hiện thực hóa mô hình trường học tích hợp đã từ lâu là ước mơ của các nhà giáo dục theo tư tưởng của Dewey. Bộ trưởng Giáo dục Phần Lan Krista Kiuru tự hào khẳng định rằng giáo viên Phần Lan được trao quyền tự chủ rất lớn; họ có bằng cấp cao (ít nhất là thạc sĩ), phải đạt được những yêu cầu khắt khe và trải qua những tuyển chọn hết sức cạnh tranh để có thể trở thành giáo viên. Họ cũng được trả lương xứng đáng, thường ở mức ngang ngửa các ngành nghề đào tạo cấp đại học khác trong nước và cao hơn so với giáo viên ở các nước khác như Mỹ.
Theo ông Pasi Silander thì khoảng 70% giáo viên trung học của Helsinki đã được đào tạo để áp dụng cách tiếp cận mới này. Ông cho biết, họ đã thực sự thay đổi được tư duy của giáo viên; mặc dù rất khó khăn để thuyết phục các giáo viên thay đổi cách tiếp cận nhưng những người đã chuyển sang phương pháp mới nói rằng họ không thể quay lại cách dạy cũ được nữa. Những dữ liệu ban đầu cũng cho thấy mô hình mới đã có tác động tích cực đến học sinh. Trong hai năm kể từ khi phương pháp giảng dạy mới được áp dụng, kết quả học tập của học sinh đã có sự cải thiện (theo Richard Garner, The Independent).
  
Như vậy, có vẻ như với nền tảng hệ thống và nhân lực phù hợp đã được xây dựng với tầm nhìn xa trong nhiều năm nay, Phần Lan đã sẵn sàng cho những cải tổ có thể đánh giá là mạo hiểm nếu nhìn từ kinh nghiệm quá khứ. Những cải cách mới của giáo dục Phần Lan đang được cả thế giới dõi theo- nhiều con mắt hi vọng, nhưng cũng nhiều con mắt nghi ngại. Liệu Phần Lan có giữ vững hoặc nâng cao kết quả trong bảng xếp hạng PISA? Kết quả của bước đi này chắc hẳn sẽ có tác động lớn lên nền giáo dục không chỉ của Phần Lan mà của cả thế giới nữa.
(GĐ Phan Lê st)
(ảnh VTC news:1 lớp hoc tại Phần Lan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét