15 thg 4, 2014

Vài cảm nghĩ khi đọc bài Cảm tác"VỀ NƠI NGƯỜI ĐÃ Ở" của Mai Xuân Thanh

                                Bài thơ gốc của Thuyên Huy :
                                                             Về nơi người đã ở.
Về Tây Ninh nhớ Ngũ Long
Nghe Vàm Cỏ nhận làm sông một đời
Cổng biên thùy gió không vui
Quán đêm hong lửa chờ người khách xưa
Gò Dầu mấy ngõ me thưa
Em theo bụi đó cuốn mùa hạ đi
Ừ thôi biết nói năng gì..
                                                                         Thuyên Huy

                                         Bài Cảm tác của Mai Xuân Thanh :"
                                                          Về nơi người đã ở"
Bài thơ thy ngn đa danh nhiu, 
Vàm Cỏ , Ngũ Long ngã bóng chiều. 
Biên tái, Tây Ninh , lòng hiếu khách, 
Bên đồi hiu quạnh vắng người yêu. 
Gò Dầu nổi tiếng hơn mùa hạ.., 
Nắng gió ơi nàng lạc bước xiêu... 
Bụi cuốn về đâu tình tuổi mộng, 
Ve sầu tấu nhạc vẵng buồn thiu..!
                                                               Mai Xuân Thanh   


Vài cảm nghĩ khi đọc bài cảm tác "Về nơi người đã ở" của Mai Xuân Thanh.
         Qua lời giới thiệu của Hoà P. tôi lại được thưởng thức thêm một bài thơ hay của tác giả Mai Xuân Thanh trong chùm thơ "Nhớ cố hương". Bài cảm tác nầy tôi nói nó hay một  phần  do nó gợi lại cho ta nhiều kỷ niệm thời thơ ấu mà những địa danh đã hằn sâu trong ký ức tưởng đã phai mờ theo năm tháng, nay chợt hiện về qua những vần thơ gợi tả đầy cảm xúc của Mai Xuân Thanh. Cám ơn bạn đã đưa tôi về miền quê cũ, nơi đó tôi đã sống quảng đời thơ dại. Đó là làng Rừng Da, xã Lợi Thuận thuộc huyện Bến Câu tỉnh Tây Ninh. Do biến cố lịch sử, làng tôi trở thành khu vực bất an ninh nên cha mẹ tôi phải bỏ làng mà đi. Tôi xa quê lúc 8 tuổi nay tuổi  hơn thất thập cổ lai hy, vậy mà tôi chưa một lần về thăm.
   Bài cảm tác nầy là một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật một thể thơ tương đối khó , do quy luật rất chặt chẻ của nó. Thể thơ nầy phát xuất từ Trung Quốc mà cực thịnh là đời nhà Đường kéo dài 300 năm. Thơ  truyền qua VN do ảnh hưởng văn hoá Tàu, lại được ghi vào chương trình thi cử của nước ta, nhưng các cụ đồ ngày xưa đã cải cách chút ít để thành thuần tuý VN. Tuy nhiên về quy luật thì  cũng  còn chặt chẽ lắm, nên có nhiều người phá luật để chọn cái dễ hơn đó là thơ Cổ Phong. Bài thơ của bạn Thanh, xét về mặt qui luật bằng trắc thì rất chặt chẽ, nhưng về mặt đối thì tác giả lại coi nhẹ nên tôi xếp bài thơ nầy vào loại Cổ Phong. Ở đây tôi xếp loại như vậy để chúng ta thấy được cái khó khăn của người làm thơ Đường luật , ví nó giới hạn có 8 câu ,56 chữ. 5 vần mà thôi cho nên khó diễn tả ý thơ một cách trọn vẹn cho những ai mới tập làm thơ loại nầy. Tất nhiên ta không thể nào bì kịp các thi bá về thơ Đường luật như bà Huyện thanh Quan, Hồ xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà v.v.
 Trên đây là vài nét về thơ Đường luật để giới thiệu với các bạn bài thơ của X. Thanh.
  Tác giả xử dụng thi từ thật khéo léo, nhiều từ mới được chọn lọc , chắt chiu đầy gợi cảm, còn những sáo mòn cũ kỹ được loại bỏ, lơ quên.. Những địa danh Vàm Cỏ, Ngũ Long, và những từ ngữ "ngã  bóng chiều" v.v.   làm chùng lòng người lữ khách khi dừng chân bên quán trọ.Ai trừng là dân TN ắt hẳn không quên dòng sông Vàm Cỏ Đông quanh năm nước ngập tràn , dòng sông như tấm thảm bạc trãi dài quanh co chạy miết về nơi nao, rồi khuất mất dưới rặng bần, rặng đước cuối chân trời.
  Từ ngữ "biên tái" nghe thật hay ho, chỉ ải biên  thuỳ, ranh giới giữa hai nước. Dầu không nói ra nhưng tôi cũng hiểu được đây là cửa khẩu Mộc Bài , tại Gò Dầu Hạ, TN. Chính nơi nầy ngày xưa ,má tôi dẫn  hai chị em tôi  đón xe bò lộc cộc, cà rịch cà tang đi về quận Gò Dầu, cho nên tôi không thể nào quên được dầu thời gian xa cách gần 60 năm!
   Từ ngữ" bên đồi hiu quạnh " nghe sao u buồn thê thiết. Ngồi đây , trên đồi vắng, đưa mắt nhìn về quê cũ khuất sau luỹ tre xanh, nhớ người yêu không biết bây giờ ra sao,em trôi giạt phương trời nào? thì còn cảnh nào buồn hơn?
  Ta gặp thêm một cảnh khác cũng không kém phần gợi tả "Nắng gió ơi nàng lạc bước xiêu". Thật xúc động trong cảnh trời chiều nhạt nắng người xưa yêu dấu bước về đâu ? Em đi đâu trong lúc hoàng hôn sắp tắt, gió chiều lồng lộng, bòng em nghiêng ngã , chân em liêu xiêu trong khi đó tiếng ve sầu bắt đầu tấu khúc biệt ly buồn thê thiết?. Bài thơ tuy là phá thể của bài Đường luật nhưng vần điệu vẫn biểu hiện cảm xúc ngọt ngào êm dịu , âm hưởng hồn hậu, cảm kích nỗi buồn bâng khuâng xa vắng khi nhớ về quê cũ và nhớ cả người thương.

  Âm tiết và tư tưởng bài thơ là yếu tố chủ đạo của bài thơ truyền cảm hứng cho người đọc khiến ai đọc xong cũng cảm thấy nhờ về quê cũ như một tình cảm thiêng liêng không làm sao xoá mờ dầu bụi thời gian có bào mòn cảnh vật.
Nguyễn, Cang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét