1 thg 4, 2014

Quê tôi - Hồ thị Đậm

Xin giới thiệu bài viết "Quê tôi" của chị Hồ thị Đậm,bút hiệu Trường Phan.
Chị Hồ thị Đậm là GV tiểu học,đã từng học khóa SPCT tai Saigon


                                                                                              QUÊ TÔI
                                                Trong cuộc sống đôi khi có những bất ngờ gây ấn tượng sâu xa vào tâm não con người chúng ta, nhất là những bất ngờ về quê hương.Hầu hết ai cũng nghĩ mình chỉ có một quê hương. Vậy mà sau biến cố 1975, biết bao người con của Việt nam đã gọi một đất nước xa lạ nào đó là quê hương thứ hai của mình. Chung qui, tôi cũng thế.Tôi còn thấy, tôi có vài quê hương nhỏ trong quê hương lớn Việt-nam.Mỗi quê hương nhỏ ấy có bao kỷ-niệm khó quên. Tôi có quê hương thời thơ ấu, quê tôi thời trưởng-thành và quê tôi buổi chiều vàng bóng xế, khi cuộc sống lôi cuốn tôi từ một cù lao thơ mộng ở Tiền-giang đến vùng đất đạo Tây-ninh, rồi nay ở một tỉnh nhỏ Kentucky. Các nơi đều có nét thân thương riêng biệt, tuy nhiên khi trở về già người ta hay hoài tưởng thời thơ-ấu và thường nhớ về quê hương của tuổi non dại. Tôi không ngoài thông lệ đó.
                                                Tiền-giang là một trong  hai con sông lớn nhất ở miền Nam Việt-nam, cách huyện Tân châu về nướng Đông khoảng năm cây số ngàn. Khúc sông nầy rất rộng và chính giữa lòng sông là cù-lao Long-khánh lớn và cù lao Long khánh nhỏ, chúng nằm cạnh nhau, chỉ ngăn cách bởi cái hồ dài. Theo mấy cụ già xưa kể lại rằng, có lẽ khúc sông nầy trước kia không rộng như thế, nhưng vì giữa sông nổi lên hai cồn cát to, nên khi nước chảy tới đây bị nghẽn, vì thế hướng nước lại đẩy vào hai bên bờ sông, lưu-lượng nước khá lớn nên làm đất hai bên bờ bị xói mòn và lở dần, lở dần theo năm tháng; vì vậy khúc sông ở đây trở nên rộng bao la.Cồn cát thì ngày càng lớn và cao dần, biến thành cù-lao. Dân chúng sống trên hai cù –lao nầy từ lâu đời rồi và Long khánh lớn là nơi tôi sống cả một thời thơ-ấu.
                                                Vào khỏng tháng bảy ta , nước sông Tiền-giang bắt đầu dâng cao, gọi là mùa nước nổi. Nước chảy mạnh, dòng nước trở nên màu hồng vì trong nướtc có chứa đất phù-sa. Nước sông theo mấy con rạch, kênh đào chảy vào đồng ruộng, mang đấtt phù-sa đấp lên ruộng vườn, nên đất ở cù- lao rất màu-mỡ. Mùa nước lớn, trong đồng nước ngập sâu, chỗ cạn khoảng vài mét, chỗ sâu độ ba, bốn mét.Vì vậy trước khi nước sông dâng, nông dân lo dọn đất và sạ lúa, loại lúa nầy gọi là lúa nổi vì lúc nào lúa cũng vượt cao hơn mặt nước sáu hoặc bảy tấc.Đến khi nước rút cạn, coi như qua thời gian sáu tháng thì lúa chín. Tuy cùng làm ruộng nhưng nông dân ở cù-lao quê tôi được nghỉ ngơi suốt mùa nước nổi, vì họ không cần bón phân, không phải làm cỏ như mấy vùng ruộng cao, nhưng số lúa thu-hoạch được gấp bội.Người giàu có đất nhiều, số thu-hoạch  đến vài ngàn giạ lúa. Người nghèo có ít đất ruộng cũng có lúa đổ đầy bồ để ăn suốt năm. Mấy cụ già đắc ý hay nói “ Dân làng ta làm chơi ăn thiệt “
                        Mùa khô nông dân trồng dưa, đậu hoặc bắp.Số thu-hoạch mùa nào cũng cao, nhờ vậy đời sống người dân ở đây thật thoải-mái.Nhờ cuộc sóng dễ dàng nên lòng người dễ dãi, việc lễ-nghĩa được coi trọng, người người cư xử với nhau thân thiện, đoàn-kết, trộm đạo ít xảy ra. Đặc-biệt dân làng hiếu khách, khi có khách xa đến viếng, họ hay làm gà, vịt đãi khách, bữa cơm rất thịnh- soạn vì gia-cầm nhà nào cũng có nuôi và rau quả thì nhà nào cũng có trồng.
                        Trong mùa nước nổi, người dân  không phải bận-rộn việc đồng-áng, nhóm người trẻ thường rủ nhau đá gà, đá cá, đá gà hoặc đờn ca giải-trí. Những cụ già gặp nhau đàm-đạo, đánh cờ tướng hay ngâm vịnh.Có khi chánh quyền địa phương mời mấy gánh hát về hát ở đình làng. Trong những ngày nầy, trai gái có dịp gặp nhau, trẻ con vui nhộn như ngày Tết. Cũng trong mùa nước nổi, có nhiều người đi giăng câu, đặt nò, đặt lọp kiếm cá ăn hoặc bán. Không có gì thú-vị bằng bơi xuồng vô đồng vào sáng sớm, hít thở không khí trong lành của đồng ruộng bao-la, nhìn bầu trời xanh với vài cánh nhạn bay lượn trên không, phía dưới là thảm lúa xanh, gió thổi rì-rào, ngọn lúa rập-rờn theo làn gió, chạy tít tận chân trời xa thẳm. Trên thảm lúa xanh, lác-đác mấy cụm  điên-điển với những bông vàng rực-rỡ, khoe mình trong nắng sớm. Có những khoảng trống không có lúa, đó là giang-sơn của bông sen và bông súng, lộng-lẫy với những cánh hoa màu trắng hoặc hồng, chen nhụy vàng đẹp mắt. Đó đây những con ốc bươu mập tròn đeo trên thân lúa, rau muống non mềm, dài cả thước nằm rải-rác nhiều nơi. Bơi xuồng vô đồng ruộng, sau vài ba giờ, trong khoang xuồng đầy ấp nào ốc, bông điên-điển, rau muống, ngó sen, bông súng. Người dân ở đây thường xào ốc với bông điên-điển hoặc với cọng súng hay ngó sen ăn với cơm. Người ta cũng dùng ngó sen làm gỏi làm dưa, ăn giòn, ngon tuyệt.

Sau khi gặt lúa là tới ngày tát cá đồng trong những cái đìa to lớn, nằm rải-rác trong những thửa ruộng. Đìa là cái ao to, bề dài độ hai mươi mét, bề ngang độ sáu, bảy mét, bề sâu độ ba, bốn mét. Trong đìa người ta để chà gai, lục bình để cá thích vào trú-ngụ.Người có ruộng nhiều, họ đào đìa để khi nước bắt đầu cạn, cá đồng tập trung xuống đìa, định cư ở đó.Ngoài lúa, người chủ ruộng còn có số tiền khá lớn khi bán cá ở các đìa.Những ngày tát cá, trong cánh đồng cũng vui nhộn Người ta đi mua cá về bán lại cho các vựa ở chợ, mua về làm khô, làm mắm, hoặc cho vào ao nuôi, khi cần bắt lên ăn. Có nhiều loại cá đồng như cá lóc, cá trê, cá rô, cá chạch, lươn...Cá lóc to lớn, có con nặng hơn một ký, các loại cá khác cũng mập tròn, béo ngậy. Từ đìa ra đường cái, không có đường cho  xe đi, người ta phải gánh cá đi trên bờ ruộng nên vất-vả lắm. Vì lúc đó cá rẻ, nên ai cũng muốn mua nhiều, nhưng khi gánh cá đi thì ôi thôi nặng quá, vì vậy, đi dọc đường họ hay dừng lại, lựa những con cá nhỏ bỏ bớt. Trẻ con biết thế, xách giỏ đi theo sau, nhặt những con cá bị bỏ rơi, khi về đến nhà cũng được ba ,bốn ký; mỗi ngày chúng nhặt ba, bốn lượt, , có khi chúng không mang về nhà nữa ,mà cùng nhau nhặt cá, đem vào bóng mát dưới lũy tre, dùng nhánh tre khô đốt lên nướng cá, quây-quần cùng nhau ngồi ăn vui-vẻ. Ở cù lao tuy được nhiều ưu-đãi của thiên-nhiên nhưng cũng có cài bất tiện, như việc đi lại khó-khăn, muốn ra khói cù lao, phải dùng đò ngang qua sông, mất nhiều thì giờ.Bây giờ ở đây có trường Cấp ba, ngày xưa chỉ có trường Sơ cấp (chỉ có Lớp Một, Lớp Hai và Lớp Ba ) Nhà nào muốn cho con học cao hơn thì phải có nhiều tiền cho con ở trọ học ở Tỉnh hoặc ở Sài-gòn . Việc cho con đi học xa là cả vấn đề khó-khăn !
Những người khá-giả, có đất thổ cư nhiều, họ đấp đất cao, trồng cây trái xung quanh nhà, trước nhà là sân xi măng hoặc sân gạch tàu rộng lớn để phơi lúa bắp.Sau nhà họ, gần bờ ruộng còn có gò đất cao để chôn cất thân-nhân khi quá-cố. Trái lại những người nghèo, khi có thân-nhân chết vào mùa nước nổi, không có gò đất cao, họ phải cất nhà quàn thô-sơ trong cánh  đồng  xa, để quan tài thân-nhân ở đó. Mỗi ngày họ bơi xuồng đến đó đốt nhang, đèn hay cúng cơm, chờ khi nước rút khô thì đem quan tài về chôn-cất ở phần đất sau nhà họ.Ban ngày, giữa cánh đồn g bao la, gặp nhà quàn cũng sợ lắm rồi, ban đêm ,  một mình bơi xuồng trong ruộng, gặp nhà quàn càng kinh-dị hơn. Cậu tôi kể, có một lần, vào buổi chiều nọ, cậu vào đồng xa để giăng câu. Trên đường về nhà, trời sắp mưa to, mây kéo đen nghịt một góc trời, dông gió nổi lên, cậu tôi cố bơi xuồng về nhà, nhưng cậu nghĩ, đường còn xa không thể về kịp vì cơn mưa sắp tới, cậu phải tìm chòi nhỏ mà người nông dân hay cất để nghỉ trưa trong mùa nước cạn , để  cậu nghỉ tạm cho qua cơn mưa. Thình-lình cậu thấy một căn chòi, mừng quá,cậu cố bơi xuồng về hướng  đó, khi tới nơi trời tối đen và cơn mưa vừa trút xuống, cậu vội cột xuồng vào cây cột tre trong gian chòi rồi nằm trên xuồng hút thuốc, chờ qua cơn mưa sẽ về nhà. Cậu nằm nghỉ chừng mười phút thì trời chớp, lóe lên ánh sáng, cậu thấy có một quan tài trong gian chòi nầy. Thì ra đây là nhà quàn người chết !. Vì gió to, làm nhang đèn tắt hết nên cậu lầm tưởng đó chỉ là căn chòi bình thường.Sợ quá, cậu lấy dầm cố bơi khỏi nhà quàn dù mưa to, gió lớn. Cậu cố bơi, bơi hoài không được, cậu tưởng người chết kéo níu xuồng cậu lại, rồi cậu chợt nhớ ra, cậu chưa mở dây xuồng !Sợ điếng người, loay-hoay mãi cậu mở dây không được, cuối cùng cậu phải dùng dao chặt vội dây và bơi riết về nhà. Vừa bơi cậu vừa tưởng chừng người chết đang theo sau lưng cậu, cậu mất bình-tĩnh, run lập-cập, lạnh vì mưa thì ít, nhưng lạnh vì sợ ma thì nhiều. Nghe cậu kể, sắp nhỏ chúng tôi lúc bấy giờ cũng sợ theo, càng lấn xích dần về chỗ cậu ngồi. Sau nầy vì vệ-sinh chung, tục nhà quàn không còn nữa .
Trong mùa khô, trước nhà tôi, cách nhà chừng hai trăm mét là cái cồn cát to. Mỗi ngày vào buổi sáng, nước thủy triều dâng cao thì cồn cát mất dạng, nó nằm dưới mặt nước. Đến chiều, khi nước thủy triều xuống thì cồn cao hơn mặt nước độ năm, sáu tấc.Cồn nằm phơi mình với những hột cát vàng óng-ánh dưới ánh mặt trời. Vì sông lớn nên nước rất sạch, trong  veo. Cồn nằm cách bờ không xa và mực nước không sâu nên đó là nơi lý tưởng cho trẻ con trong  xóm đến tắm, đùa-giỡn trên bãi cát. Ở đây có nhiều ốc gạo nên người lớn cũng thích đến tắm để nhặt ốc.Lúc yên trời, trẻ con chúng tôi hay rủ nhau ra chơi ở vườn chuối gần bờ sông, chặt tàu chuối làm nhà chòi, xé lá chuối làm kèn, lấy hộp nhận cát vào rồi gõ ra trên lá chuối làm bánh.Chúng tôi thích nghe tiếng xào-xạc của những tàu lá chuối cọ vào nhau khi gió thoảng qua hay tiếng vi-vu như sáo thổi của hàng lau sậy cạnh mé sông. Lúc bình minh, Tiền-giang đẹp lắm, trên là bầu trời rộng bao-la,mây xanh cao vút, đó đây xen vào những đám mây ngũ sắc đẹp tuyệt vời, phía dưới là dòng nước trong xanh lững-lờ chảy. Những cụm lục bình với những hoa to màu hoa cà rực-rỡ,nổi bập-bềnh trôi theo dòng nước. Nhấp-nhô đó đây những thuyền tàu qua lại.Dân làng lúc nào cũng được hít thở không-khí trong lành, mát rượi từ phía sông thổi vào.
         Trước năm 1.954, đoàn tàu buôn của Pháp từ Nam-vang đi Sài-gòn, khi đến huyện Tân châu, tàu dừng lại, , cất hàng lên bán và nhận hàng khác đem bán ở Sài-gòn. Một đoàn tàu có khoảng hai mươi chiếc tàu, tàu không lớn lắm nhưng mỗi chiếc dòng theo sau khoảng hai mươi chiếc ghe chài lớn hoặc xà-lan sắt chở những khúc gỗ to từ Nam-vang. Những chiếc ghe chài khác chở nhiều mặt hàng như: đậu, bắp, lúa, cá ,khô, mắm, bò, heo...Chiếc nầy được dòng sau chiếc kia bằng sợi  dây thừng thật to bằng cổ tay quấn ngang,quấn dọc và ghe nầy cách ghe kia không xa ,khoảng cách chỉ độ một mét nên khi tàu chạy, người ta có thể bước từ ghe nầy sang ghe kia một cách dễ-dàng.
                        Mỗi khi nghe đoàn tàu kéo còi inh-ỏi, trẻ con chúng tôi chạy nhanh ra mé sông , đứng nhìn tàu chạy ra chiều thích-thú. Muốn đi Sài-gòn, dân ở cù-lao Long-khánh hay lên Tân-châu mua vé và đi theo đoàn tàu nầy.Khi tàu lướt sóng, tôi thích đứng ở bao-lơn tàu ngắm dòng sông. Tàu đang chạy, nhìn hai bên bờ sông, chỉ thấy hai rặng cây xanh trải dài mút mắt, như chạy ngược chiều với đoàn tàu, gió lồng-lộng thổi, trên là vòm trời xanh, dưới là làn nước biếc, lă-tăn gợn sóng.
                        Mỗi khi có bão tố, Tiền-giang trông hung-dữ vô cùng. Những lượn sóng to, cao đến một, hai mét, hùng-hổ  đuổi xô nhau liên tiếp để rồi cùng va mạnh vào bờ oàm-oạp và biến mất. Không có ai đủ can đảm xuống sông lúc bão tố, vô phước cho những chiếc ghe xuồng đang đi trên dòng sông, họ vội chèo thuyền vào bờ ẩn-núp tạm. Năm nào Tiền giang cũng nhận chìm bao ghe thuyền và cướp bao mạng sống người dân vô tội.trong những năm chinh-chiến, thỉnh-thoáng có xác người bị giết thả trôi sông, xác trôi giạt vào bờ, vì lòng trắc-ẩn, dân làng cùng nhau vớt lên chôn cất giùm
                        Bao nhiêu năm trôi giạt nhiều nơi, nhưng tôi chưa thấy nơi nào yên lành, nhàn hạ hơn ở quê tôi.Tôi yêu quê tôi và những người dân hiền lành, chất- phác.Ngày nay vẫn còn mái đình ở đầu làng với cây cổ-thụ cao vút, vẫn còn lũy tre xanh lã ngọn bao bọc làng mạc, vẫn còn những bến đò ngang thơ mộng và những cây dừa nghiêng bóng bên sông. Tuy nhiên làng tôi giờ đây đã thay- đổi nhiều vì dân số gia tăng nhanh và người ở xứ khác đến định cư khá đông, nhà cửa nhiều gấp bội.
                        Sau 1.975, nhà nước mới muốn có nhiều gạo để xuất khẩu, nên bắt buộc nông dân khắp nơi trong nước trồng lúa ngắn ngày. Nông dân ở cù lao phải lấp mấy con kênh lại để tránh nước sông tràn vào ngập ruộng trong mùa nước nổi. Có nghĩa là đồng ruộng ở cù lao không còn nhận phù-sa của Tiền-giang nữa, do đó ruộng ở đây dần-dần kém màu-mỡ, người dân phải dùng phân bón nhiều và không được hưởng cuộc sống an-nhàn trong mùa nước nổi như ngày xưa.
                        Trước kia khi nước sông dâng cao, cá sông theo mấy con kênh vào ruộng sống , đẻ trứng, bây giờ dòng nước bị găn-chận, không  vào ruộng được và vì ảnh hưởng thuốc trừ sâu nên cá càng ngày càng khan-hiếm, không còn dư thừa phung-phí như câu hò:

                                                                                                “ Xóm trên làm cá bỏ đầu,
                                                                                                Xóm dưới thấy vậy xỏ xâu đem về “ 
                        Sau bao năm bon-chen , dãi dầu với cuộc sống, lắm lúc tôi thèm sống lại khoảng thời gian thanh bình, thơ mộng của quê tôi thời thơ-ấu,  dưới mái gia-đình ấm-cúng bên cạnh cha mẹ, anh chị thân-thương. Dù ở cách xa vạn dặm mà tâm-hồn tôi vẫn hướng về chốn cũ , quê xưa vô cùng yêu- quí.

                                                                                                                                                                        Hồ thị Đậm  (2005 )                                                                                                                                                                                                                                           
                                                                                                                                                                                                                                            (chèo ghe trên sông Tiền,ảnh:Wikipedia.VN)                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                   


                                               





               




                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         

                                               





               







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét