6 thg 4, 2014

Tử tù được phóng thích..........

CHUYỆN LẠ TẠI NHẬT: TỬ TÙ ĐƯỢC PHÓNG THÍCH SAU 48 NĂM CHỜ TRẢ ÁN TỬ HÌNH
Trong suốt hơn 45 năm, Iwao Hakamada đã thức dậy mỗi buổi sáng để chờ đón chuyện tồi tệ sẽ xảy ra nếu đó là ngày cuối cùng của ông. Tuy nhiên, hôm nay, cựu tử tù ngồi chờ trả án lâu năm nhất thế giới, đã là một quý ông tự do, ngủ ngon giấc trong một khách sạn ở Tokyo, sau khi một toà án Nhật tuyên bố rằng bằng chứng của cảnh sát từng chống lại ông, có thể là một thứ bằng chứng giả tạo.  
PHÓNG THÍCH SAU 48 NĂM CHỜ TRẢ ÁN 
Theo tin từ Tokyo. Trong ngưỡng tuổi tam tuần của mình, Iwao Hakamada là một tay đấm quyền Anh lành nghề, vạm vỡ và dẻo dai, rồi bất thình lình anh bị tống giam vào ngục vì tội đã “sát hại” một gia đình 4 người, vụ án này từng gây “sốc” trên toàn nước Nhật vào thập niên 1960. Hôm thứ Năm (27/3/2014), Iwao khập khiễng rời khỏi xà lim dành giam các tử tù, người tử tù già nua 78 tuổi, nheo nheo mắt nhìn mọi thứ xung quanh, vây quanh ông là các thành viên gia đình, tất cả cùng khóc oà, họ không thể tưởng nổi rồi có một ngày Iwao còn sống để trở về. Trải qua vô số toà án, mất gần nửa thế kỷ, các cấp toà mới quyết định rằng bằng chứng chống lại Iwao có thể đã bị làm giả bởi các cảnh sát viên điều tra vụ án mạng, Toà án ra phán quyết phải phục dựng lại cuộc điều tra và tái xét xử vụ án. Quyết định vào hôm thứ Năm vừa rồi cũng đã phóng thích cựu tử tù Iwao Hakamada, người được cho là tử tù chờ trả án lâu nhất thế giới, vụ này đã nhấn mạnh đến mặt tối của hệ thống tư pháp hình sự của một đất nước từng tự hào với tỷ lệ gần 100% các vụ án đã xét xử, dân Nhật đang kêu gọi một sự cải cách toàn diện trong hệ thống tư pháp.

Cựu tử tù Iwao Hakamada, 78 tuổi, đã được phóng thích khỏi một nhà tù ở Tokyo hôm thứ Năm (27/3/2014)
Từ lâu rồi, những người chỉ trích đã tố cáo rằng các công tố viên ở Nhật Bản luôn duy trì tốc độ xét xử, không hề thay đổi, bởi có quá nhiều lời buộc tội – thay vì phải xây dựng một bằng chứng vững chắc – đôi khi lại thành ra chống lại những người vô tội bởi họ quá lo sợ hoặc bị kích động trước áp lực xét hỏi từ phía cảnh sát. Ngày nay, phần lớn những bằng chứng chống lại cựu tử tù Iwao Hakamada đã bị mất uy tín, vụ việc đã dấy lên sự tranh luận từ phía thân nhân của Iwao và các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế rằng nên giảm hẳn những vụ án bắt nguồn từ lời thú tội sai lầm như thế. Về phía mình, ông Iwao Hakamada không ngừng kêu oan và nói mình buộc phải thú tội sau một thời gian xét hỏi quá khắc nghiệt từ phía điều tra viên. Ông Iwao khai rằng trong suốt thời gian bị thẩm vấn, ông đã bị cảnh sát đánh đập bằng dùi cui, bắt phải thức và buộc phải tiểu tiện trong một cái bồn tiểu tạm thời tại phòng thẩm vấn. Các điều tra viên đã không ngừng xét hỏi Iwao trong suốt 240 giờ đồng hồ, và kéo dài hơn 20 ngày trời. 
Bị cưỡng ép và đánh đập, tù nhân Iwao Hakamada buộc phải nhanh chóng thú nhận. Ông David T. Johnson, giáo sư tại Đại học Hawaii, đồng thời là tác giả của các quyển sách về hệ thống hình sự tại Nhật Bản, khẳng định: “Những khó khăn, sai trái trong hệ thống tư pháp hình sự tại Nhật Bản, hầu hết đều xảy ra từ phòng thẩm vấn”. Quyết định của toà án Nhật cũng nhấn mạnh đến những gì mà nhiều nhà hoạt động đề cập đến một sự tàn bạo của các quy định tử hình ở Nhật Bản, phần lớn là chống lại tù nhân và gia đình của họ, đề cập đến các vụ hành quyết để ngừa sự hoảng loạn từ phía tù nhân đồng thời ngăn chặn những vụ biểu tình bên ngoài cánh cổng nhà tù. Những quy tắc này có nghĩa là trong suốt thời gian trong xà lim, tử tù Iwao Hakamada phải bật thức dậy vào mỗi lúc tảng sáng, để rồi không rõ chuyện gì sẽ xảy ra trong ngày cuối cùng của đời mình. 
Người chị gái của Iwao tâm sự trên đài truyền hình NHK rằng, những lá thư mà em trai của bà gửi từ phòng giam cho bà ngày càng bị rơi vào ngữ cảnh sai chính tả; ngay cả đài truyền hình và các luật sư của Iwao cũng cho rằng Iwao đang có dấu hiệu của người mất trí nhớ. Iwao không ngờ rằng quyền Anh đã mang lại cho ông những năm tháng đen bạc. Vào thời gian các luật sư nói với Iwao rằng ông được trả tự do vào hôm thứ Năm, họ nhớ lại rằng, cựu tử tù thậm chí còn không biết diễn tả ra sao niềm hạnh phúc của mình. Lúc đó, bằng vẻ thận trọng, Iwao lơ đãng: “Ông nói dối. Đời tôi đã an bài”. Cuộc phiêu lưu của ông Iwao Hakamada trong hệ thống toà án Nhật đã bắt đầu sau khi ông giải nghệ là một võ sĩ quyền Anh hạng lông và trở thành công nhân sản xuất tương Miso ở Shizuoka, miền Trung Nhật Bản. Vài năm sau khi Iwao trở thành công nhân làm tương, vào năm 1966, những cái xác cháy đen của người quản lý công ty, vợ ông ta và 2 đứa con của họ, đã được tìm thấy tại nơi đã diễn ra “vụ mưu sát” và có một vụ hoả hoạn tại nhà của người quản lý; căn nhà này cũng có dấu hiệu của trộm viếng thăm. Hơn một tháng sau đó, thình lình công nhân Iwao Hakamada bị cảnh sát tóm cổ.

Chân dung võ sĩ quyền Anh-Iwao Hakamada hồi trẻ
Vụ án nhanh chóng trỗi lên với những bằng chứng: Hai chiếc quần dính máu đã được tìm thấy trong một bể chứa bột miso, và các công tố viên cho rằng nó thuộc về bị cáo Iwao, bởi vì những chiếc quần khá nhỏ. Bất chấp những lời kêu oan, bằng chứng vẫn đanh ác chống lại Iwao. Vụ án chỉ mới được giải mã vào thời điểm gần đây khi các nhà phân tích thông qua xét nghiệm ADN đã quả quyết rằng vết máu trên hai chiếc quần không trùng khớp với máu của tử tù Iwao! Trong một thông báo tuyên bố phóng thích Iwao, vị chủ toạ phiên toà, ông Hiroaki Murayama, đã ra một công cáo rằng “Có bằng chứng về sự vô tội của Iwao, và đây là sự thật đáng kính trọng, do đó không nên có bất kỳ án giam cho bị cáo thêm ngày nào nữa”.  
ÁP LỰC ĐÒI CẢI CÁCH HỆ THỐNG TƯ PHÁP
Hệ thống tư pháp hình sự của Nhật Bản đã gia tăng sự giám sát trong vòng một thập niên qua, sau khi một số vụ án trọng điểm đã cho thấy cái ung nhọt của công lý, bao gồm một vụ án vào năm 2007 khi đó toà án xét xử 13 nam và 1 nữ bị cáo, họ bị ép phải thú nhận có liên quan đến một sự vụ kỳ quái trong việc mua phiếu đại cử tri bằng rượu và tiền mặt. Một bị cáo đã tự vẫn trước khi được minh oan. Là một phần của các chiến dịch cải cách, vào năm 2009, Nhật Bản đã giới thiệu một hệ thống bồi thẩm đoàn cho phần lớn các vụ án hình sự, và giờ đây các luật sư biện hộ đã có nhiều quyền hơn trong việc phát hiện và bảo vệ thân chủ. Nhưng tỷ lệ kết án ở Nhật Bản vẫn cao hơn 99%, không có gì thay đổi đáng kể. Những cố gắng yêu cầu các nhà điều tra phải ghi lại những cuộc thẩm vấn đã nhận lại sự kháng cự từ phía cảnh sát và các công tố viên, họ cố gắng tắt các máy ghi âm.
GS David T. Johnson phát biểu: “Mọi thứ đang dịch chuyển trong hệ thống tư pháp Nhật Bản. Nhưng nước này vẫn bước đi rất chậm”. Hệ thống tư pháp ở Mỹ cũng bị đặt dưới sự giám sát chặt chẽ bởi vì còn có những lời kết tội giả mạo. Dự án vô tội đặt trụ sở ở New York, cho hay rằng hơn 300 người bị kết án đã được minh oan ở Mỹ dựa trên bằng chứng ADN. Tỷ lệ kết án ở Nhật Bản không thể so sánh trực tiếp với Mỹ. Không có thương lượng để nhận tội tại Nhật, và các công tố viên luôn chắc mẩm họ sẽ giành chiến thắng trong mọi vụ án. Tuy vậy, các chuyên gia nói rằng hệ thống tư pháp Nhật rất dễ bị tổn thương bởi vì sự vô tội có thể bị xem là gây nguy hại cho đường thăng quan tiến chức của các công tố viên và thẩm phán. Ngay cả ban hội thẩm, họ vẫn có tiếng nói quyết định trong nhiều vụ án.
Ông Iwao Hakamada, trong bức ảnh không đề ngày về thời còn làm võ sĩ quyền Anh
Truyền thông địa phương nói rằng các công tố viên đã có quyết định kháng cáo quyết định của toà án về Iwao Hakamada. “Nếu có bất kỳ vụ án nào giành được thành tích về tái thẩm thì chính là nó”, bà Roseann Rife, giám đốc nghiên cứu Đông Á của Tổ chức ân xá quốc tế, đã viết trong một thông cáo. Vụ phóng thích tử tù Iwao Hakamada đã được đăng ngay trên trang nhất các báo, tạo ra một làn sóng đau buồn và cảm thông sâu sắc. Trong số những người kêu gọi cải cách là một cựu thẩm phán toà phúc thẩm, ông đã đề nghị một hình phạt tử hình trong một cuộc phỏng vấn trên đài NHK. Những nhà phê bình khác yêu cầu hệ thống tư pháp di chuyển nhanh hơn. Việc kết án tử hình tử tù Iwao Hakamada vào năm 1968 đã được duy trì bởi một toà án phúc thẩm Tokyo vào năm 1976, và Toà án tối cao vào năm 1980, cho thấy Iwao có đủ điều kiện để lên đoạn đầu đài bất kỳ lúc nào
Ảnh tư liệu về gia đình của võ sĩ Iwao Hakamada
Bất chấp những khiếu nại từ các luật sư, xuyên suốt 3 thập niên sau đó, toà án vẫn mặc nhiên từ chối đưa ra tái xét xử. Vụ án của Iwao đã tạo nguồn cảm hứng đấu tranh từ phía người chị gái của nạn nhân, các nhà hoạt động và một số bạn bè đấm bốc của Iwao năm nào, tất cả họ đã quyên góp để gây quỹ hoạt động nhằm đòi trả tự do cho Iwao. Một liên đoàn quyền Anh địa phương đã giữ một ghế trống cho Iwao. Trong số những người ủng hộ khác, có một trong những vị thẩm phán, người này từng tuyên án tử cho Iwap. Vị thẩm phán đó tên là Norimichi Kumamoto, sau này đã bày tỏ mối hoài nghi của mình. Trong một bản kiến nghị tái thẩm hồi đầu năm nay, Norimichi Kumamoto cho rằng ông tin vào sự vô tội của Iwao Hakamada, nhưng ông đã bị phản bác bởi 2 thẩm phán khác của vụ án. Normichi đã từ chức chỉ 7 tháng sau khi phiên toà đầu tiên bắt đầu, và theo truyền thông địa phương, Normichi từng có ý định tự vẫn.
Hôm thứ Năm, vẻ khó nhọc vì căn bệnh ung thư hành hạ, và nói khó khăn, Iwao Hakamada đã xuất hiện trên đài truyền hình NHK, giơ nắm đấm lên trời, mắt ầng ậc nước, Iwao nghẹn ngào nói: “Xin lỗi quý vị, tôi không nói được nhiều. Tôi ước sẽ nói nhiều hơn sau khi quay trở lại”. 
Nguồn:  http://www.nytimes.com/2014/03/28/world/asia/freed-after-decades-on-death-row-man-indicts-justice-in-japan.html?_r=1 
NGUYỄN THANH HẢI  (Theo New York Times – 29/3/2014)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét