Thấp
thoáng giữa chợ đời suốt tháng năm phiêu bồng đất khách, khi qũy thời gian dần
cạn những người tha hương hay nhớ về quê nhà…Một rừng thông, một ngọn thác, một
giòng suối, một lưng đèo, một phố nhỏ, một ngoại ô, một hẻm lớn.... Tất cả
những hình ảnh ấy trong phút chốc bỗng hợp thành cố quận, khiến người ta thương
hoài một cảnh đời đã trôi xa trôi khuất vào quá khứ. Tiếng thở dài kín đáo của
người cha, không thể che giấu trước cảm nhận sâu sắc nhạy bén của người con
gái: "Xa xăm trong mắt nhìn của ba
có khóm trúc xanh mà cậu bé nào ngàn năm trước, đã bẻ làm con ngựa cưỡi quanh
giường đùa với cô bạn gái của tuổi thơ. Lối mòn nào Lỗ Tấn đã đi qua thành
đường. Và vầng trăng nào Lý Bạch đã ngẩng đầu nhìn rồi cúi đầu nhớ cố hương…" [1] Cả một không gian thấp thật buồn!
Người cha nhớ quê chiều nào xa xôi, muốn "đê
đầu tư cố hương" [*]
muốn trở về mái nhà xưa tìm lại cảm giác hồn nhiên của thời lên bốn lên năm,
khi trong tay cầm phong bao lì xì sắc đỏ. Người con gái thấy cha mình "suốt đêm đi quanh quẩn trong
nhà, xếp đặt đồ đạc, dặn dò đủ điều, mỗi điều ba bảy bận…" [1] chợt rùng mình lo sợ trước một
linh cảm chẳng lành đã nói: "Đường
xa xôi quá ba đừng đi!" [1]
Nhưng người cha mỉm cười: "Ba
không đi. Ba chỉ trở về." [1]
Người cha không đi, ông chỉ trở về. Mỗi người có một cách trở về
khác nhau. Người cha trở về nguồn cội thân thương, hai giòng lệ chảy cùng đường
viễn du. Còn tác giả trở về bằng khát vọng riêng tư, muốn dùng câu chữ khắc họa
lại những sinh hoạt đời thường; bởi vì trong những sinh hoạt đời thường ấy, có
những nhân cách không thể nào quên. Như hình ảnh "một thằng nhỏ bán vé số đêm đêm về ngủ ở thềm nhà
tôi. Nó cũng ý tứ, chờ cho trong nhà khóa cửa tắt đèn rồi mới trải tấm ny lông
cũ sát bên hiên trái, để phòng khi có chuyện bất kỳ nửa đêm người trong nhà vẫn
còn lối ra vô." [2]
Thằng nhỏ từng bị đánh sưng mặt, giập môi, chảy máu, vẫn không chịu nhận mình
là kẻ ăn cắp, vẫn "đứng
thẳng dậy nhìn tôi. Đôi mắt nó rõ ràng là muốn nói điều gì. Nhưng đôi mắt tôi
lại tránh đi nơi khác như xấu hổ?" Đêm về thằng nhỏ "nhìn tôi với đôi mắt trong
suốt...em không ăn cắp. Em bán vé số chứ không ăn cắp. Thằng cha kia mới ăn
cắp. Nó ăn cắp nên nó đánh nó chửi em là đồ ăn cắp." [2] Nhân vật xưng "tôi"
trong câu chuyện đã "xấu
hổ quay mặt đi, vội vã như chạy trốn câu hỏi trong ánh mắt dữ dội của thằng
nhỏ." [2] Bởi vì
từng có lần cô chứng kiến thằng bé bị người ta vu cáo là ăn cắp, bị đánh đòn -
không bênh đỡ đã đành, cô mặc nhiên nghĩ thằng này đúng là trẻ ranh ăn cắp!
Thằng nhỏ cá tính quật cường nhìn thấu tâm địa hời hợt hẹp hòi của cô, đã tránh
né bàn tay cô vuốt tóc xoa đầu nó để đấu dịu, đã đáp trả bằng cái nhìn như
thiêu như đốt, khiến cô gái vốn "không
buồn nhìn lên cũng ít khi nhìn xuống" [2] từ đó phải hỏi lại chữ Nhân của
lòng mình.
Trượt dài trên vũng lầy vô thức, nhân vật nữ xưng tôi một lần
nữa lại băn khoăn trăn trở, khi viết về đại dương: "Ngày còn biển mà tôi nhớ xảy
ra câu chuyện người ta gọi là tình yêu. Tất nhiên phải định nghĩa cho người bây
giờ biết tình yêu là gì, như phải vẽ ra con hải cẩu để minh hoạ khi nhắc đến
nó. Tình yêu là quan hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà, tất nhiên
là chỉ xảy ra vào thuở còn đủ đàn bà và đàn ông. Quan niệm đó thông thường đặt
trên cơ sở sự nhầm lẫn, mà cả hai bên gọi là gặp được nửa cái tôi mình suốt đời
tìm kiếm. Họ cố ráp hai cái nửa ấy lại, với nỗ lực không tưởng nhằm tạo ra sự
hoàn hảo gọi là hạnh phúc. Từ khi không còn đàn ông nữa, đàn bà chỉ đơn giản
sao chép chính mình thành nhiều bản với những lý lịch khác nhau, và hạnh phúc
là nằm dài trên bãi biển phơi nắng, ngắm những bản sao của mình đi lại, như
loài hải cẩu của thời xa xưa."[3]
Tác giả nói về biển và phong cách của người đi biển: "Người đàn ông khi ở trong biển
chỉ cần một cái quần đùi, thực ra cũng chẳng cần bất cứ thể loại y phục gì;
nhưng khi bước lên bờ y cần sơ-mi, quần tây, dây thắt lưng, giầy vớ, ca-vát, áo
vét, sĩ diện. Cho nên y cần địa vị, tiền bạc, tiếng tăm. Y cũng cần những người
đàn bà ngưỡng mộ các thứ phụ tùng trên người y như kính gọng vàng, đồng hồ
vàng, dây chuyền vàng, nhẫn vàng." [3] Chỉ riêng phụ nữ "chấp nhận bị lừa dối để thí
nghiệm tình yêu. Từ xưa đến lúc ấy, những tuyên ngôn bảo vệ chân lý hay truy
tìm sự thật đều là sáng tác của đàn ông. Người đàn bà trong truyện này khi lên
núi, chưa biết sáng tác lớn nhất của đàn ông là câu chuyện vu khống Eva, để đổ
vấy tất cả những chuyện đau khổ nhảm nhí của loài người, của đàn ông và đàn bà,
lên đàn bà mà thôi. Nhưng bản chất đàn bà thời đó là nhân nhượng. Như biển thời
đó, cứ nhận tất cả vào lòng mình, từ những dòng sông đen ngòm hoá chất đến cánh
hoa đào trôi." [3]
Phải chăng "Biển Như Tôi Còn Nhớ" là một ẩn dụ mà tác giả cố ý
dùng, để so sánh sự tương phản giữa bản chất trăng hoa phản trắc lạnh lùng của
đàn ông, với lòng cam chịu đến khờ khạo của phụ nữ, khi lưu giữ những lời ong
bướm vô tình bất nghĩa của họ.
"Đất Khách" là tập truyện ngắn của nhà văn Lý Lan -
một trong số những nữ văn sĩ khoa bảng ở hải ngoại, hiện định cư tại Hoa Kỳ.
Sinh năm 1957 tại Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương, Lý Lan có mẹ là người Việt Nam,
cha là người Tàu gốc Quảng Đông. Mang trong lòng hai giòng máu, nên Lý Lan đã
viết những câu chuyện thật cảm động về cố hương, về đời sống của những người
Hoa ở Chợ Lớn. Cô là tác giả của 24 quyển sách đủ thể loại, từ tùy bút, truyện ngắn,
cho đến thi ca và tiểu thuyết. Cô cũng là dịch giả đã chuyển ngữ bộ sách "Harry Potter" từ Tiếng Anh sang Tiếng Việt. Tuy viết
nhiều thể loại, nhưng Lý Lan tự nhận mình là người "miên man tùy bút," nên có thể nói tùy bút là thế mạnh của
cô. Từng đoản văn, từng truyện ngắn được Lý Lan viết bằng câu chữ mộc mạc chân
chất, đầy hương đồng gió nội của miền quê, ở chừng mực nào đó cho thấy cô đã kế
thừa văn phong đậm đà chất Nam Bộ của Hồ Biểu Chánh, của Vương Hồng Sển, của
Sơn Nam, của Trang Thế Hy...Hiện nay Lý Lan đang chuẩn bị hội nhập vào giòng
văn chương chính (mainstream) của Hoa Kỳ, như LeLy Hapslip, Lan Cao, Barbara
Tran, Đào Strom…v.v…
"Đất Khách" – câu chuyện vô cùng cảm động Lý Lan viết
về cha của cô - một người đàn ông di dân mù chữ, đi chân trần từ đường này sang
phố khác bán hàng rong, cần cù tằn tiện nuôi con ăn học. Từ bệ phóng tình yêu
gia đình, Lý Lan hồi tưởng: "Đôi
khi máu ngông nghênh tuổi trẻ bốc lên, tôi cũng có khao khát một điều. Nhưng
điều ấy chỉ có trời mới ban cho được. Vì người ta gọi đó là thiên tài. Đôi lúc,
như lúc này, tôi bỗng ao ước có đủ tài năng để vẽ một bức tranh. Bức tranh mà
cứ hàng năm đến tiết Thanh Minh dắt tôi đi thong dong trên lối mòn cát mịn đến
ngồi nơi lưng đồi này nhìn xuống lòng chảo kia, ba đã phác thảo trong tâm hồn
tôi." [2] Đóng
quyển sách lại nhìn ra biển...Chừng như triền sóng lặng thinh, nghe con hát
khúc tâm tình thương cha.
Hoàng Nhất Phương
[1]. "Đất
Khách"
[2]."Một Thằng Nhỏ"
[3]. "Biển Như Tôi Nhớ"
[*]. "Tĩnh Dạ Tứ" của Lý Bạch
[2]."Một Thằng Nhỏ"
[3]. "Biển Như Tôi Nhớ"
[*]. "Tĩnh Dạ Tứ" của Lý Bạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét