Ngày 8/3,mời đọc bài nầy:
Những đứa trẻ bị bỏ quên bên thiên đường du lịch Sa Pa
PNCN - Giàng Thị Say và Giàng Thị Tuyết sống tá túc ở nhà người bác họ thuộc diện đói nghèo của xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Người đàn bà góa chồng, một mình nuôi năm đứa con chưa đến tuổi lao động, lại bỗng dưng trở thành người đỡ đầu của hai đứa trẻ mồ côi suốt bốn năm nay mà không nhận được thêm bất cứ một sự hỗ trợ nào. Họ sống lay lắt trong một ngôi nhà mà mọi thứ áo quần, chăn chiếu đều đã rách nát tả tơi...
Ánh mắt trong trẻo của hai chị em Giàng Thị Say, Giàng Thị Tuyết
Lạc bầy
Bà Sùng Thị Sú - khi còn là trưởng bản Can Hồ A, xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, từng chứng kiến dân bản đội mưa đi cứu chị em Say về từ tay một kẻ buôn người. Không hiểu vì lý do gì mà suốt bốn năm qua, những đứa trẻ bị bán hụt ấy lại chẳng có tên trong danh sách trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã Bản Khoang. Bà Sú kể: “Hai đứa nhỏ vốn là con của vợ chồng Thào A Thống, nhà không đến nỗi quá nghèo so với nhiều người trong bản. Nhưng khi Thào A Thống mắc nghiện thì vợ con hắn cũng lâm vào tình cảnh khốn cùng. Trong một thời gian ngắn, Thống bán tất cả đồ đạc trong nhà để cung phụng “nàng tiên nâu”. Vợ Thống lo nghĩ quá đâm ra đổ bệnh nặng, qua đời sau khi sinh bé Giàng Thị Tuyết được vài tháng. Hai đứa trẻ mất mẹ, tan tác như chim non lạc bầy. Sau đám tang của vợ, dân bản thấy Thống trở nên lầm lì hơn, hắn không giao du bất cứ ai, kể cả anh em trong họ. Chẳng ai chứng kiến hắn đã làm gì với bọn trẻ, cho đến khi bà Thào Thị Bâu (chị gái Thống) phát hiện ra bọn trẻ đã biến mất, còn Thào A Thống thì rao bán nhà cho một người họ hàng. Bà Bâu gặng hỏi về bọn trẻ, nhưng Thống im lặng. Bất lực, bà Bâu cùng những người họ hàng đã tra khảo Thống, xem hắn mang bọn trẻ con đi đâu. Cuối cùng Thống mới chịu khai ra, hắn đã bán con cho một người đàn ông ở bản bên cạnh. Ngay trong đêm, bà Bâu dẫn theo mấy người đàn ông to khỏe, lực lưỡng rời Can Hồ A, lên đường đi đòi lại hai đứa cháu. Cuộc giải cứu thành công vì những tay buôn người bên Trung Quốc đã đến sau bà Thào Thị Bâu một bước. Kể từ đó, không ai thấy Thào A Thống đâu nữa, ngôi nhà của bọn trẻ đã bị bán mất, bà Bâu đương nhiên trở thành người đỡ đầu cho bọn trẻ.
Sự vô tình
Cuối năm 2013, một cơn lũ quét tan hoang trung tâm xã Bản Khoang, làm 19 người chết. Chúng tôi trở lại Bản Khoang nhiều lần để hỗ trợ cho học sinh vùng lũ. Một giáo viên trường tiểu học bản rỉ tai tôi: “Có gì ăn được, quần áo còn mặc tốt, chị cho tôi một ít để tôi cho hai đứa trẻ mồ côi đang học ở đây. Chúng nó khổ lắm, nhiều hôm đi học về nhà chẳng có gì ăn, lại quay về trường xin ăn. Mẹ chết, bố bỏ đi biệt tích đã bốn năm rồi mà chúng chẳng có chế độ hỗ trợ gì cả…”.
Ghé thăm nhà bà Bâu, chúng tôi không khỏi chạnh buồn. Ngôi nhà chật chội, tám mẹ con, bác cháu chui rúc, không bàn ghế, không giường chiếu... Hỏi chỗ ngủ của bọn trẻ ở đâu? Bà Bâu chỉ vào những chiếc bao tải rách, bên trong đựng đầy lá ngô, buộc chặt lại để làm ổ cho bọn trẻ. Bà Bâu chạy ăn từng bữa. Hôm nào bà ốm, những đứa trẻ đói ăn, chúng bám vào trường lớp, xin ăn của những đứa trẻ khác. Tìm hiểu tại Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Sa Pa, mới biết, hiện toàn huyện có 21.270 trẻ em dưới 16 tuổi. Trong số đó có 11.319 trẻ em thuộc hộ nghèo; 559 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tám trẻ em mồ côi đang được chăm sóc tại cộng đồng, với mức hỗ trợ 360.000đ/một em; có 13 em đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên là xã Bản Khoang không hề có trẻ mồ côi nào nằm trong diện khó khăn đặc biệt, cần được nhận bảo trợ xã hội.
Trở lại Bản Khoang, chúng tôi được các cán bộ phụ trách mảng chăm sóc, giáo dục trẻ em của xã cho biết: không chỉ riêng chị em Giàng Thị Say, Giàng Thị Tuyết không được công nhận là trẻ mồ côi, mà còn có vài trẻ em khác đang theo học ở trường cấp II xã Bản Khoang cũng chưa được nhận trợ cấp. Chị Đào Thị Thúy, người được giao phụ trách mảng chăm sóc - giáo dục trẻ em xã Bản Khoang thừa nhận: “Do quá nhiều việc kiêm nhiệm, nên tôi đã... quên mất việc này”. Thúy cho biết thêm: “Ai cũng tưởng Thào A Thống mất tích rồi, nhưng đến giữa năm 2012, công an huyện đưa Thống về trụ sở UBND xã Bản Khoang để xét xử lưu động. Lúc đó mọi người mới biết Thống bị bắt về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”. Ngày xử Thống ở xã, tôi nhìn thấy hai đứa trẻ lê lết ở sân, chúng ôm chặt lấy chân Thào A Thống khóc thảm thiết, ai cũng rớt nước mắt theo. Tôi đã làm hồ sơ xin chế độ cho các cháu ngay sau đó, nhưng thời gian trôi qua, nhiều việc quá nên chuyện này bị quên bẵng mất”.
Hai đứa trẻ mồ côi Giàng Thị Say, Giàng Thị Tuyết đã bị bỏ rơi từ năm 2009. Sự thiếu trách nhiệm của người lớn đã vô tình đẩy những đứa trẻ tội nghiệp vào hoàn cảnh bị bỏ rơi thêm một lần nữa...
Chi Mai(0)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét