Nếu chỉ dùng một từ để mô tả
tình trạng của các ngành nhân văn tại Việt Nam trong năm 2011 thì có lẽ không
có từ nào thích hợp hơn là từ “báo động”.
Trước
khi phân tích thêm về nhận định trên, cần làm rõ cụm từ “các ngành nhân văn”.
Tại Việt Nam, chúng ta thường gộp chung “các ngành xã hội – nhân văn”, hoặc
thậm chí chỉ là “các ngành xã hội”, như thể “xã hội” và “nhân văn” chỉ là một.
Nhưng
thực ra, sự khác biệt giữa các ngành xã hội và nhân văn là khá rõ ràng, và số
phận của chúng tại Việt Nam cũng đang rất khác nhau. Cũng thuộc về khối ngành
“xã hội và nhân văn” nhưng hiện nay các ngành Kinh tế, Luật, và Tâm lý học –
những ngành xã hội – đang rất được ưa chuộng. Trong khi đó các ngành nhân văn,
những ngành truyền thống được đào tạo tại hầu hết các trường đại học lâu đời
như Văn học, Ngôn ngữ học, Triết học, Sử học, Nhân học, Chính trị học, hoặc một
vài ngành có liên hệ khác lại lâm vào tình trạng khủng hoảng và không có người
học. Bài viết này chỉ đề cập đến các ngành nhân văn mà thôi.
Cuộc
khủng hoảng được báo trước
Sự sụt
giảm của các ngành nhân văn ở Việt Nam đã được bộc lộ trong những năm gần đây.
Ở các trường trung học phổ thông, ban xã hội-nhân văn là ban được ít học sinh
chọn nhất, đến nỗi rất nhiều trường không thể tổ chức lớp học cho ban này vì số
học sinh đăng ký không đủ dù chỉ một lớp. Trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học
phổ thông và tuyển sinh đại học, năm nào cũng có những bài Văn ngô nghê, ngớ
ngẩn đến nực cười của các cô tú, cậu cử tương lai được đưa lên báo chí. Nhưng
sự kiện hàng ngàn điểm không (0) cho bài thi môn Sử trong kỳ thi tuyển sinh đại
học, cũng như việc hàng loạt các trường phải đóng cửa một số ngành nhân văn như
Ngoại ngữ, Đông phương, Việt Nam học, Văn hóa học, cho thấy tình trạng của các
ngành nhân văn ở Việt Nam thực sự đã ở mức báo động.
Tình
trạng báo động nói trên tất nhiên không chỉ xảy ra ở Việt Nam, và cũng không
hoàn toàn bất ngờ. Tương lai ảm đạm này thực ra đã được báo trước từ thập niên
cuối của thế kỷ trước. Trong bài phát biểu nổi tiếng năm 1998 có tựa đề là
“Giáo dục nhân văn cho thế kỷ 21”, W. R. Connor, trước tình hình suy giảm của
các ngành nhân văn ở Mỹ vào thời gian ấy, vị Giám đốc đương nhiệm của Trung tâm
Nhân văn quốc gia thuộc Hiệp hội giáo dục khai phóng Hoa Kỳ, đã phải thốt lên
rằng nếu không ai chịu làm gì để thay đổi tình hình thì khối ngành nhân văn có
thể sẽ “tuyệt chủng” hoàn toàn trong vòng một thế hệ nữa.
Lời
cảnh báo của Connor ngày nay dường như đang trở thành hiện thực. Phải chăng đây
là một điều không thể đảo ngược, vì các ngành nhân văn đã quá lỗi thời và không
còn cần thiết cho thế kỷ 21 này nữa? Ngược lại, nếu như sự tồn tại của các
ngành nhân văn vẫn cần thiết cho con người của thế kỷ 21 thì liệu có có cách
nào để cứu vãn chúng hay không, đặc biệt là tại Việt Nam? Đó là những câu hỏi
đang khẩn thiết được đặt ra cho tất cả chúng ta trong năm mới.
Ngành
nhân văn trong thế kỷ 21
Vào
thời điểm sắp bước sang thế kỷ 21, Connor đã từng đưa ra nhận định rằng vai trò
của các ngành nhân văn trong thế kỷ 21 không những không giảm đi mà càng được
khẳng định mạnh mẽ hơn. Bởi, trong một xã hội với quá nhiều đổi thay và biến
động như ngày nay, thì những kỹ năng mà các ngành nhân văn giúp phát triển ở
người học – khả năng hiểu các lập luận, cảnh giác với sự ngụy biện, tư duy
logic, kỹ năng diễn đạt và thuyết phục, hiểu biết về con người và xã hội, kỹ
năng giải quyết vấn đề, phán đoán và ra quyết định – lại càng quan trọng và cần
thiết hơn bao giờ hết.
Gần
một thập niên sau lời phát biểu của Connor, vị Hiệu trưởng đương nhiệm của Đại
học Harvard là Derok Bok đã tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của các ngành
nhân văn trong thế kỷ này trong một phát biểu vào năm 2007. Theo ông, những
tiến bộ của khoa học đã giúp con người dễ dàng kéo dài hoặc hủy diệt, biến đổi
sự sống bằng những biện pháp nhân tạo, đến nỗi sự sống của con người dường như
cũng cần được định nghĩa lại. Trong bối cảnh như vậy, Derok Bok cho rằng những
câu hỏi cốt lõi của ngành nhân văn như các giá trị, ý nghĩa của cuộc sống, các
vấn đề về đạo đức càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, thay vì đẩy
các ngành nhân văn ra bên lề, các trường đại học cần phải tạo điều kiện cho các
ngành nhân văn phát triển, sao cho chúng ta không bị choáng ngợp bởi sự phát
triển vũ bão của công nghệ, mà bắt công nghệ phải phục vụ chúng ta một cách
nhân văn hơn.
Đặt
những lời phát biểu bên cạnh sự kiện gây rúng động dư luận trong năm 2011 tại
Việt Nam của sát thủ máu lạnh Lê Văn Luyện, hay đi xa thêm một chút sang nước
láng giềng Trung Quốc là sự kiện bé Duyệt Duyệt bị xe cán hai lần trước sự dửng
dưng của rất nhiều người qua đường, và kết hợp những sự kiện ấy với tình trạng
khủng hoảng của các ngành nhân văn, ta mới thực sự cảm nhận được tầm quan trọng
của các ngành nhân văn trong xã hội đầy biến động của thế kỷ 21. Có lẽ giờ đây
nhân loại đã bắt đầu thấm thía những hậu quả khôn lường của việc mải mê chạy
theo giá trị trước mắt (nói theo lời của Derek Bok là “choáng ngợp” trước những
thành tựu của khoa học và sự phát triển về kinh tế) mà quên đi những giá trị
lâu dài, bền vững mà trí tuệ của nhân loại đã để lại cho chúng ta thông qua các
ngành nhân văn như triết học, đạo đức, tôn giáo, văn học, lịch sử, văn hóa –
danh mục này còn có thể kéo dài thêm nhiều nữa.
Đánh mất chính mình
Nếu các ngành nhân văn có tầm quan trọng lớn lao như vậy, thì phải giải thích như thế nào cho sự sụt giảm trên phạm vi toàn cầu của các ngành nhân văn hiện nay? Trong bài phát biểu năm 1998, Connor đã lý giải điều này bằng một phán xét vô cùng khe khắt: sự sụt giảm này là do các ngành nhân văn đã tự đánh mất chính mình!
Nếu các ngành nhân văn có tầm quan trọng lớn lao như vậy, thì phải giải thích như thế nào cho sự sụt giảm trên phạm vi toàn cầu của các ngành nhân văn hiện nay? Trong bài phát biểu năm 1998, Connor đã lý giải điều này bằng một phán xét vô cùng khe khắt: sự sụt giảm này là do các ngành nhân văn đã tự đánh mất chính mình!
Để
hiểu các ngành nhân văn đã đánh mất chính mình như thế nào, cần quay ngược về
với giai đoạn khởi thủy và lần theo những phát triển của nó cho đến ngày nay.
Theo Connor, các ngành nhân văn như ta biết hiên nay có nguồn gốc từ những môn
học đầu tiên của nền giáo dục khai phóng (liberal education) được bắt đầu tại
thành Athens nhằm phục vụ cho nền dân chủ sơ khai của xã hội Hy Lạp thời ấy.
Một
nền giáo dục được gọi là “khai phóng” nếu nó chỉ có một mục tiêu duy nhất là
tạo ra những con người biết suy nghĩ độc lập, có tư duy phản biện, và có những
kỹ năng cần thiết để có thể tham gia vào xã hội với tư cách là một chủ thể tự
do. Nói cách khác, mục tiêu duy nhất của các ngành nhân văn chính là để “giải
phóng” con người ra khỏi những trói buộc của tinh thần nô lệ và phụ thuộc – nô
lệ cho những tư duy do người khác áp đặt, và nô lệ cho những cách tiếp cận vấn
đề theo thói quen và lối mòn, cho dù nó có thể không còn phù hợp với bối cảnh
mới và thời đại mới.
Để tạo
ra những “người tự do”, nền giáo dục khai phóng của Hy Lạp ở thế kỷ thứ 5 TCN
nhấn mạnh các kỹ năng tư duy, lập luận, giải quyết vấn đề, và đặc biệt là các
kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ nói (kỹ năng diễn thuyết). Các môn học của giáo
dục khai phóng ở buổi đầu chỉ gồm có 3 môn: ngữ pháp (grammar), tu từ
(rhetorics), và biện chứng (dialectic) – tất cả đều là những môn có liên quan
đến các kỹ năng ngôn ngữ, trong đó ngôn ngữ được quan niệm như là một công cụ
tối quan trọng của tư duy, đồng thời là phương tiện để biểu đạt ý tưởng của cá
nhân đến những người khác trong xã hội.
Với
những mục tiêu như vậy, các ngành nhân văn không nhằm chuẩn bị cho người học đi
vào một ngành nghề cụ thể nào. Làm như vậy là trái với tinh thần “khai phóng”.
Khác với đào tạo nghề nghiệp mà mục đích chính là truyền lại cho người học
những quan điểm và cách tiếp cận đã được thiết lập bởi các bậc thầy trong nghề,
các ngành nhân văn nhắm đến việc cung cấp cho người học những năng lực tổng
quát mà bất cứ người học nào cũng cần khi tham gia vào các hoạt động xã hội
trong mọi tình huống và mọi ngành nghề. Những năng lực ấy bao gồm khả năng độc
lập tư duy, phán đoán sắc bén, ra quyết định hợp lý và giải quyết vấn đề có
hiệu quả, cũng như kỹ năng diễn đạt và giao tiếp thành công với người khác.
Cần
nhấn mạnh thêm rằng những năng lực nói trên hết sức quan trọng cho sự phát
triển của một xã hội dân chủ đang hình thành như Hy Lạp lúc ấy. Với những kỹ
năng mang tính tổng quát do các ngành nhân văn trang bị như vậy, một người được
xem là “có học” cũng đồng nghĩa với việc người ấy là một con người tự do, có
thể tự mình tư duy và đưa ra những quyết định phù hợp cho mình trong bất kỳ một
tình huống hoặc một bối cảnh nào. Điều này rõ ràng là cũng rất cần thiết cho xã
hội của hiện nay chúng ta.
Tiếc
thay, những đặc điểm mang tính “khai phóng” ban đầu đã bị nhạt phai nhanh chóng
cùng với sự phát triển về uy thế và số lượng của các ngành nhân văn trong giới
hàn lâm sau đó. Các tác phẩm kinh điển của các nhà tư tưởng lớn qua cá thời đại
đã được đưa vào giảng dạy và phân tích, với mục đích ban đầu là nhằm phát triển
kỹ năng tư duy và ngôn ngữ của người học. Nhưng dần dà, mục tiêu của các ngành
nhân văn không còn là để giải phóng con người nữa, mà trở nên thực dụng và được
sử dụng vào những mục đích cá nhân. Và, thật oái oăm, thay vì biến những con
người nô lệ thành những người tự do, thì lúc này hay lúc khác chính các ngành
nhân văn lại muốn biến người học từ những người tự do thành những người nô lệ.
Nô lệ cho cách nghĩ, cách nói và cách hiểu của các nhà tư tưởng lớn mà các tác
phẩm đã được đưa lên thành kinh điển để dạy trong các nhà trường mà ở đó người
học chỉ có quyền ngưỡng mộ và nhất nhất làm theo các bậc thầy.
Và cứ
thế, qua thời gian, nội dung học tập của các ngành nhân văn không còn gắn liền
với xã hội nữa. Người đi học cũng không còn mục tiêu đạt được những kỹ năng
thiết yếu cho việc tham gia vào một xã hội dân chủ, mà chỉ để được lọt vào giới
thượng lưu, có học, trong đó việc học được xem như một công cụ thăng tiến về
mặt xã hội hoặc nhằm đạt được những lợi ích về kinh tế của thời ấy.
Tất
nhiên, một nền giáo dục như vậy cũng đem lại những lợi ích trước mắt cho người
học - chẳng hạn, để được lọt vào giới thượng lưu - nhưng nó rất xa với ý nghĩa
nguyên thủy của giáo dục khai phóng. Và điều quan trọng hơn là nó hoàn toàn
không bền vững, vì những kiến thức nó cung cấp cho người học sẽ trở nên hoàn
toàn vô ích mỗi khi xã hội có những thay đổi, biến động, khi những giá trị cũ
đã bị đào thải.
Phải
chăng đây chính là lý do của sự suy giảm đến báo động của các ngành nhân văn
tại Việt Nam trong những năm gần đây, mà đỉnh điểm là năm 2011 vừa qua? Khi các
ngành nhân văn – các môn học như Văn, Triết, Sử – không còn là những môn giúp
rèn luyện khả năng tư duy phê phán, sáng tạo, lập luận chặt chẽ, diễn đạt
thuyết phục, mà trở thành những môn biến học sinh thành các con vẹt, như quan
niệm phổ biến hiện nay về các thí sinh dự thi khối C trong kỳ thi đại học?
Khôi
phục các ngành nhân văn để cứu vãn tương lai
Thật
là một nghịch lý khi các nhà tuyển dụng và toàn xã hội thì cứ mãi kêu ca về
việc sinh viên ra trường không có năng lực tư duy và kỹ năng giao tiếp – cả
bằng tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt, lẫn tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế rất cần thiết
cho nền kinh tế toàn cầu ngày nay, thì các ngành nhân văn – vốn là những ngành
giúp rèn luyện năng lực tư duy, khả năng ngôn ngữ, kể cả ngoại ngữ, và kỹ năng
giao tiếp tốt nhất – lại liên tục suy giảm đến nỗi một vị trưởng khoa Văn học
và Ngôn ngữ của một trường đại học lớn trong nước phải đưa ra lời cảnh báo về
tình trạng “báo động đỏ”.
Và
cùng với tình trạng báo động ấy là một loạt những vấn đề trong xã hội Việt Nam
hiện nay, khiến cho sự phát triển về kinh tế đã chẳng hề làm chất lượng cuộc sống
tăng lên mà thậm chí có thể còn kém đi. Hàng ngày ta đều nghe những chuyện như
nữ sinh đánh nhau quay clip đưa lên mạng, trò đánh thầy, cô giáo đánh học sinh
gây thương tích, vợ đốt chồng, cháu giết bà, và cả các sát thủ máu lạnh kiểu
Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện. Rồi những tai họa bất ngờ như đứt cáp thang
máy, xe máy, xe hơi tự phát nổ hoặc cháy giữa đường. Dường như chúng ta đang
trở thành một loại nô lệ mới, không có tư duy, cắm đầu làm theo đám đông, không
còn chút khả năng phê phán, và hoàn toàn không có khả năng tự quyết định vận
mạng của mình, khi lúc nào cũng phải nơm nớp lo sợ không biết khi nào xe gắn
máy của mình bị bốc cháy trên đường.
Rõ
ràng là chúng ta phải khôi phục lại các ngành nhân văn, chứ không thể chịu bó
tay nhìn những ngành nhân văn – ngành học về con người – đi dần đến “diệt
chủng”. Một điều không dễ, đặc biệt đối với Việt Nam hiện nay, nhưng vẫn phải
làm, và vẫn có thể làm nếu ta có đủ quyết tâm và sự kiên trì.
Nhưng
khôi phục các ngành nhân văn như thế nào? Cách làm ở mỗi nơi có lẽ sẽ khác nhau
tùy theo hoàn cảnh và điều kiện ở nơi đó, nhưng định hướng cách làm thì đã được
Connor chỉ ra từ cách đây hơn một thập niên: Hãy kiên trì với mục tiêu khởi
thủy của giáo dục khai phóng, đó là cung cấp cho người học những kỹ năng của một
con người tự do, tức kỹ năng tự giải phóng (the skills of freedom). Những kỹ
năng mà khối ngành nhân văn giúp phát triển ở người học – khả năng đọc và hiểu
các lập luận, cảnh giác đối với sự ngụy biện, tư duy logic, khả năng diễn đạt
và thuyết phục, có những hiểu biết sâu sắc về con người và xã hội đương đại, kỹ
năng phán đoán và giải quyết vấn đề – sự quan trọng và cần thiết của chúng đối
với người học ngày nay là điều không còn gì để bàn cãi.
Khôi
phục lại các ngành nhân văn cho xã hội Việt Nam với rất nhiều phát sinh và vấn
nạn mới của ngày hôm nay cũng chính là để cứu vãn tương lai cho thế hệ con cháu
chúng ta.
Vũ thị Phương Anh
Vũ thị Phương Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét