2 thg 3, 2014

BAN CŨ TRƯỜNG XƯA - Hồ thị Đậm


BẠN CŨ TRƯỜNG XƯA


Ông Hội-trưởng Hội Ái hữu Biên hòa ở Texas mời tôi đi Paris với phái-đoàn, viếng thăm đồng-hương Biên-hòa ở Pháp,Anh và Thụy-sĩ. Tôi còn phân-vân không biết có nên đi hay không?Ông Hội-trưởng cho tôi biết danh sách những người bạn ở Âu-châu; trong những người bạn đó có chị Tăng thị Tiết.Nghe tên chị tôi mừng quá. Sau khi gọi điện-thoại liên lạc, biết rõ chị là bạn học cũ của tôi khi xưa, cùng ở chung Ký-túc-xá Phan-thanh-Giản , tôi quyết- định mua vé máy bay tháp tùng theo phái-đoàn.

Ngồi trên máy bay tôi nhờ đến những kỷ-niệm xa xưa thuở chúng tôi cùng ở chung. Nhớ gương mặt xinh-xinh và tánh tình hiền lành của bạn.Nhớ ngôi trường cũ cùng sinh-hoạt hàng ngày trong Ký-túc-xá với các bạn khác. Ít người biết trường nầy vì trường tọa lạc ở cuối con hẽm của đường Lê –văn-Duyệt, Sài-gòn, cách chợ Hòa-Hưng độ một cây số ngàn và gần đường rầy xe lửa.Từ cổng vào là cái sân trường rộng, có trồng nhiều cây trứng cá. Bên phải gồm các phòng học dành cho học sinh ngoại trú và nội trú.Bên trái có một dãy nhà dài, kê nhiều giường cho nữ sinh ở trọ.Bên hông trường là sân vận-động để học sinh chơi thể thao. Cách sân vận-động một khoảng đất trống là khu mộ gia đình của ông Đốc-phủ-Sứ,nghe đâu chủ trường là cháu của vị nầy, nên khu mộ nằm trong vòng rào của trường. Xung quanh khu mộ có nhiều cây cao bóng mát.

Trong Ký-túc-xá có độ bốn mươi nữ sinh, đủ cấp lớp.Chúng tôi sống chung với nhau có biết bao kỷ-niệm êm-đềm của thuở học trò, cùng đùa-giỡn, cùng chơi thể thao, trò chuyện, ca hát vui vẻ.Bây giờ tôi còn nhớ rõ nét mặt dễ thương của các chị ngủ gần giường. Có chị siêng học, lúc nào trong tay cũng có sách vỡ. Chị thì ca hát nghêu-ngao. Chị thì hay pha trò, chọc phá bạn. Có chị thích chưng diện, lúc nào cũng ăn mặc bảnh-bao.

Cứ đến 6 giờ sáng là có tiếng chuông reo, tất cả chúng tôi đều thức dậy, dọn dẹp mùng mền cho gọn, làm vệ-sinh cá-nhân và chuẩn bị ăn điểm tâm. Bữa ăn lót dạ thường gồm cháo trắng, cháo đậu ăn với thịt kho mặn, hoặc cơm chiên hay một ổ bánh mì nhỏ dồn thịt. Khi ăn điểm tâm xong, chúng tôi sửa-soạn tập vỡ và đến lớp học. Sau giờ học, tất cả tất cả học sinh ngoại-trú về nhà, rồi học sinh Tiểu học vào học buổi chiều

Chúng tôi về phòng trọ độ nửa giờ là có tiếng chuông reo báo gời cơm trưa. Cứ bốn đứa ngồi ăn chung một mâm (gọi là một carre’ ).Sau bữa ăn trưa, chúng tôi lên giường nghỉ khoảng một tiếng đồng hồ. Những giờ kế tiếp chúng tôi được tự do, nhiều người làm bài, học bài, các bạn khác đi tắm gội hay ra khu mộ, ngồi dưới bóng mát học bài ,đan áo, móc khăn, đùa-giỡn hay hàn huyên tâm sự.

reo, tất cả học sinh phải vào lớp học (gọi là giờ estude ) đế làm bài, học bài dưới sự kiếm-soát của Bà Giám-thị. Đến 9 giờ tối thì chúng tôi về phòng ngủ.

Vì ở chung quá đông, chúng tôi chia làm nhiều nhóm, mỗi nhóm có sự thân thich nhau hơn. Nhóm của tôi gồm bốn đứa cùng học chung một lớp. Hai người ở miền Tây là chị Trâm và 
tôi, chị Phước ở Bến Tre và chị Hà ở Bình-dương. Trong bốn đứa chỉ có chị Hà được về thăm 
nhà thường xuyên vì Bình-dương ở gần Sài-gòn. Vào dịp Tết hay bảy trường, ba chúng tôi mới về thăm gia-đình. Hết dịp Lễ, lúc trở lại trường, chúng tôi đem quà địa phương cúa mình để bốn đứ cùng ăn.Nhưng người cung cấp quà nhiều nhất là chị Hà.Quà của chị gồm chôm-chôm, măng cụt, bòn-bon.Đặc-biệt nhất là khô “Cá Sơn “. Mỗi khi chị Hà trở về trường, thì tối đến chúng tôi sẽ có bữa “ăn vụng” cơm nguội thật hấp-dẫn.

Lần ăn lén nào cũng vậy; buổi tối, học bài xong, sau tiếng chuông báo hiệu 9 giờ, chúng tôi giả bộ lên giường nằm, đắp mền như ngủ thật. Độ nửa giờ sau, chị Hà bắt đầu sờ chân chúng tôi ra hiệu, chúng tôi biết ngay là chị Hà mời đi ăn vụng cơm. Nhà bếp ở sau khu nhà trọ, cách cái sân và cái hàng rào thật cao, có cánh cửa to để người bên nhà bếp tiện việc đem cơm cho chúng tôi ăn hàng ngày. Ống khóa nằm bên nhà bếp, nên chỉ có người bên nhà bếp mới mử cửa được.

Chị phụ bếp và vài người khác phụ dọn cơm cho chúng tôi ăn, nên chúng tôi quen thân với chị. Thỉnh-thoảng chị cho riêng nhóm chúng tôi cơm cháy nóng giòn, thơm phức, nấu bằng ‘chảo đụng lá sen”. Chị không quên cho thêm mỡ hành nên ăn rất ngon. Ban đêm nhà bếp vắng lặng chỉ có chị phụ bếp ngủ ở đó. Mỗi khi nghe tiếng gõ cửa rào, chị nhìn qua khe hở hàng rào, thấy chúng tôi là chị mở cửa cho qua. Chúng tôi nướng khô và xin chị cơm nguội, rồi leo lên sân thượng cùng ăn vụng, có sự tham gia của chị phụ bếp nữa. Bữa cơm của chúng tôi thật đạm –bạc, một thau nhỏ cơm nguội và vài con khô cá Sơn, được nướng vàng tươm mỡ. Thề mà chúng tôi ăn thật ngon, và đặc biệt là sau bữa ăn vụng, chúng tôi được tráng miệng bằng trái cây tươi, ngon tuyệt vời.

Vừa ăn chúng tôi vừa trò chuyện thật vui, nhất là những đêm trăng sáng, chúng tôi kéo dài những bữa ăn lâu hơn để được nhìn Trời, nhìn trăng hay cùng hưởng những luồng gió mát ban đêm trên sân thượng, hít thở không khí trong lành. Thỉnh-thoảng có cơn gió đưa mùi thơm của bông dạ -lý-hương từ nhà bên cạnh bay sang, chúng tôi ngửi hoài không chán. Ăn xong, lần nào phần rửa chén thì chị phụ bếp cũng bảo để sáng chị rửa giùm. Thế là chúng tôi rón-rén về phòng ngủ.Bốn đứa không dám đi một lượt.Từng đứa khom lưng thật thấp, bước nhẹ-nhàng hầu không đánh thức các bạn khác.

Nhưng “ Đi đêm có ngày gặp ma “. Chúng tôi không gặp ma mà gặp Bà Giám –thị. Một hôm, chúng tôi lên sân thượng ăn vụng cơm như mấy lần trước. Đêm đó trăng sáng vằng-vặc, bầu trời trong xanh, làn gió thổi vi-vu thật mát. Ăn xong, chị Hà đề-nghị mỗi đứa ca một bài. Chị Phước ca bài Bạch-Đằng-Giang .Đến phiên chị Trâm, muốn đùa-giỡn cho vui, chị ca bài “Thầy tôi “, một bài ca dạy thiếu-nhi đếm xuôi rồi đếm ngược.Bắt đầu đếm từ một đến mười, rồi từ mười trở về một.

“Thầy tôi có một cái râu,Thầy tôi có một cái râu-Một râu.

Không ai thấy được râu tài, Không ai thấy được.

Thầy tôi có hai cái râu, Thầy tôi có hai cái râu-Hai râu –Một râu.

Không ai thấy được râu tài, không ai thấy được

Thầy tôi có ba cái râu, thầy tôi có ba cái râu-Ba râu -Hai râu-Một râu

Không ai thấy được râu tài, không ai thấy được.....”

Bài ca phải đến mười râu mới chấm dứt. Chị Trâm vừa ca đến đấy, thình-lình có tiếng nói lớn:”Sao không thấy? Thấy được rồi “. Đang thả hồn theo bài ca bỗng Bà Giám-thị xuất- hiện, chúng tôi hoảng-hốt,cùng im bặt. Thì ra sau khi chúng tôi qua nhà bếp, chị phụ bếp quên khóa cửa. Chị Hà đứng mũi chịu sào, chị nhận là đã rủ chúng tôi ăn vụng cơm nguội. Bà Giám-thị rầy hết bốn đứa và cả chị phụ bếp nữa. Sau nầy chị Hà không còn mang khô vào, chỉ đem trái cây và chúng tôi cùng chia nhau ăn dưới bóng mát gần khu mộ.

Tuy bốn đứa chúng tôi thân nhau, nhưng hàng ngày chúng tôi cũng đùa-giỡn, trò chuyện hay chơi thể thao với mấy chị khác trong Ký-túc-xá, không phân biệt cấp lớp. Ở chung với nhau suốt thời gian dài, nên chúng tôi xem nhau như ruột thịt. Một hôm chúng tôi đang chơi bóng rổ ở sân trường, chơi một lúc lâp trúng chân chị Tiết, chị đau điếng la ré lên,chị vội –vã chạy về phòng.

Vốn bản chất hiền lành, chị không than phiền gì cả.Chúng tôi bỏ cuộc chơi, cùng về phòng xem chân chị Tiết có nặng lắm không? Ngón chân cái của chị bị bầm tím và sưng lên, một chị lấy dầu xoa bóp cho chị. Tôi hù chị:

---Nếu không trị, để lâu ngón chân làm mủ và tróc móng là xấu người đẹp đấy.

Nghe nói, vẻ mặt chị Tiết lộ vẻ lo sợ. Chị Chi lên tiếng phản-đối:

---Người ta đau không biết an-ủi, chỉ biết nói gở

Bà Giám-thị bảo chúng tôi không được tranh cãi nữa, bà sẽ nhờ chị phụ bếp mua một cái mật heo tròng vào ngón chân, mật heo sát trùng rất tốt. Sáng hôm sau chị phụ bếp đem tặng chị Tiết cái mật heo tươi, chị làm theo lời dạy của Bà Giám –thị, vài tuần sau là chân của chị Tiết lành hẳn.

Chị Lệ là người đọc nhiều loại sách, lại có tài kể chuyện. Lúc rảnh chúng tôi hay quây-quần bên chị, say mê nghe chị kể nào Tây du hý, Tiết nhơn Qúi , Thủy-Hự Tam quốc v.v...Có khi chị kể chuyện ma hay chuyện Khoa-học-giả tưởng.

Sau buổi học ngày thứ bảy, mấy chị ở vùng gần Sài-gòn được cha mẹ rước về nhà, đến sáng thứ Hai mới trở về Ký-túc-xá. Chúng tôi, khoảng bảy, tám đứa ở tỉnh xa, phải ở lại trường.Bà Giám-thị hay rủ chúng tôi đi xem phim vào ngày Chúa-nhựt.

Một lần nọ Bà cùng sáu chị đi xem phim, đi trên hai chiếc xe Taxi. Tôi còn nhiều bài cần học, nên xin phép ở lại một mình trong Ký-túc-xá. Trước khi đi Bà dặn-dò cẩn-thận:

----Ở nhà một mình con phải khóa cửa rào và cửa phòng thật kỹ, chỉ ở trong phòng, không được ra san chơi, độ 5 giờ chiều thì Má Năm về( Bà Giám-thị hay xưng Má Năm với chúng tôi và chúng tôi cũng gọi Bà bằng Má Năm)

Nhưng lạ quá, mấy lần trước Bà về thật đúng giờ, mà lúc bấy giờ tôi đợi mãi,đến 7 giờ chiều rồi mà Bà và mấy chị vẫn chưa về. Trời càng lúc càng tối đen, một mình tôi ở trong Ký-túc-xá rộng lớn và vắng ngắt.Nghe tiếng động nhẹ, hay tiếng xào-xạc của mấy cành cây cọ vào nhau tôi cũng sợ-hãi.

Tôi sợ ma vì Ký-túc xá cách khu mộ chừng 30 mét. Rồi tôi nhớ đến những chuyện ma kinh-dị mà chị Lệ đã kể cho chúng tôi nghe. Nào là chuyện Ma-cà rồng, Ma Lai rút ruột, ma không đầu, ma trùm khăn trắng, ma xõa tóc đến chân v.v....Nỗi sợ-hãi của tôi càng lúc càng tăng, tưởng chừng như những bóng ma sắp rấn công tôi. Tôi không còn vâng lời Bà Giám-thị nữa.Tôi mở cửa phòng, chạy ù ra sân, tiến nhanh đến các phòng học, vặn hết đền lên. Lúc bấy giờ có ánh sáng từ các phòng học chiếu sáng-choang ra sân trường, nhờ vậy tôi bớt sợ ma. Nhưng chỉ trong khoảnh-khắc, tôi lại nhận ra là: ánh sáng sẽ làm cho kẻ bất-lương thấy chỉ có một mình tôi ở trong sân trường, họ có thể trèo rào vào thì thật tai hại. Tôi vội trèo lên cây trứng cá to nhất, vì cây nầy có cái cháng ba, tôi ngồi trên đó. Ngồi trên cây tôi an tâm một phần nào, mắt luôn hướng về cổng trường trông chờ Bà Giám-thị và các chị về.

Ngồi hồi lâu tôi thấm mệt, tôi lại lo-lắng: Nếu đêm nay họ không về thì tôi phải làm gì? Nếu trời mưa thì tôi phải làm sao?Gần 8 giờ tối họ vẫn chưa về .Tôi càng sợ càng giận họ, trách thầm:”Xem hát xong rồi còn đi đâu bỏ tôi một mình trong Ký-túc-xá?” Thình-lình có hai chiếc Taxi ngừng trước cổng trường, thì ra họ đã về. Tôi mừng quá vội tuột xuống khỏi cây, ra mở cổng. Vừa bước vào sân trường Bà Giám-thị đã hỏi dồn-dập:

Tôi ấm-ức trả 
-Tại Má Năm và mấy chị về trễ quá, con sợ ma, nên con phải mở hết đèn lên và con không dám ở dưới đất, con phải ở trên cây.

Bà Giám-thị và mấy chị cười ngất, Bà cho biết:

-Hôm nay Má Năm định đưa mấy chị đi xem phi Ấn-độ ở rạp Khải-Hoàn, nhưng ông Taxi giới-thiệu phim Les Mise’rables cúa Pháp hay lắm, có phụ-đề Việt-ngữ, hiện đang chiếu thường-trực ở rạp Đại-Nam. Vì vậy Má Năm đưa mấy chị đi xem phim đó. Rủi quá, khi đến nơi thì hết vé, đành phải mua vé xuất sau, nên về trễ .Má Năm không ngờ con sợ ma đến như vậy, con thông-cảm, đừng giận Má Năm nhé

Nghe Bà Giám-thị cho biết lý do về trễ tôi hết giận, nghe nói phim hay, tôi quyết tuần sau xin đi xem. Muốn tôi vui lòng, Bà nói tiếp:

-Phim nầy phỏng theo cuốn Les Mise’rables của nhà Đại Văn Hào Pháp Victor Hugo. Cốt chuyện đã hay mà các diễn-viên diễn rất tự-nhiên, có tính cách giáo-dục .Họ còn chiếu đến vài tuần nữa ở rạp Đại-Nam. Má năm cũng muốn xem lại, Má sẽ đưa con đi xem

Đang ngồi nhớ lại những kỷ-niệm thân yêu ở Ký-túc-xá, tôi chợt nghe tiếng thông-báo của cô tiếp-viên hàng-không, báo hiệu máy bay sắp-sửa đáp xuống phi-trường De Gaulle.Có lẽ vì niềm tin về tình bằng-hữu thâm-sâu đang ngự-trị trong thâm-tâm tôi, khiến tôi không có chút sợ-sệt hay lo-lắng gì cả.Chỉ có một mình tôi đi từ phi-trường ở Louisville còn tám bạn khác đi từ phi-trường ở Houston(Texas).Vì máy bay bị delay nên tôi đến Pháp trể mất hai tiếng đồng hồ. Tám bạn trong phái-đoàn đã được anh văn-sĩ Nuyễn văn Tài mời về nhà hàng của con anh dùng cơm. Hai vợ chồng chị Tiết ngồi đợi tôi ở Phi-trường cả hai giờ!

Lấy hành-lý xong, tôi vừa đi ra cổng, thì chị Tiết đã tiến lại hỏi tên tôi.Chúng tôi mừng quá, hỏi nhau tíu-tít.Thật thất lễ, vì lo mừng nhau mà tôi quên chào anh Trung, phu-quân của chị Tiết, nhưng anh đã tươi-cười chào hỏi tôi trước.Tôi thật ái-ngại.

Anh chị Tiết chở tôi đến nhà hàng để cùng dùng cơm với các bạn.Họ vẫn chưa dùng cơm, hãy còn đợi tôi.Tuy bạn-bè trên báo-chí, trên thực-tế tôi chưa biết mặt người nào kể cả Ông Hội-trưởng Hội Ái-Hữu Biên-Hòa. Điều mừng nhứt là trong dịp nầy tôi gặp lại người Thầy kính mến của tôi là Thầy Trần-Thượng-Thủ, Thầy đã dạy chúng tôi ở trường Trung-học Phan-Thanh-Giản ngày xưa.Tôi nhận ra Thầy ngay vì thỉnh-thoảng tôi có gặp Thầy. Trước đây Thầy dạy giỏi có tiếng ở trường Petrus Ký, Việt-nam học-đường, Hưng-Đạo, Phan-thanh-Giản,v.v... Tôi phục Thầy nhứt là môn Sinh-vật, Thầy vẽ hình trên bảng thật nhanh,thật khéo mà không cần nhìn sách.Thầy lại pha trò rất vui, lớp học vào giờ của Thầy lúc nào cũng sinh-động. Thời gian Thầy dạy chúng tôi đã thật xa xưa, nhưng tình Thầy trò vẫn như tự thuở nào. Khi đi tham-quan thắng-cảnh ở Thụy-sĩ, chân tôi yếu mà phải đi bộ nhiều nên tôi mệt và đi chậm. Thầy sợ tôi lạc, thỉnh-thoảng Thầy nhìn lại xem tôi(cô học trò cũ của Thầy ) có theo kịp phái-đoàn không. Nhờ lần tham-quan nầy, tôi có dịp học hỏi thêm được ở Thầy nhiều điều hay, lẽ phải để xử-thế với đời.Thầy thật xứng-đáng với danh-hiệu “Thầy giáo gương-mẫu “.

Suốt thời-gian ở Pháp, anh Trung và chị Tiết tất-bật lo cho chúng tôi. Trước khi chúng tôi qua, anh chị đã mua vé xe lửa tốc-hành đi Anh và Thụy-sĩ, cũng như đặt phòng ở khách-sạn trước để chúng tôi được giá rẻ. Anh chị hướng-dẫn chúng tôi đi tham-quan nhiều thắng-cảnh, lo chu- toàn mọi việc. Ngoài giờ sinh-hoạt chung với Hội, chị Tiết còn chở tôi đi mua sắm, dùng cơm riêng để chúng tôi có cơ-hội tâm-sự nhiều hơn. Chị vui mừng như vừa tìm lại được đứa em đã bị thất-lạc từ lâu!

Găp lại Thầy xưa bạn cũ, hình-ảnh trường lớp xưa lại sống dậy trong lòng tôi: những gương mặt đáng kính của những Thầy Cô, lúc nào cũng tận-tụy dạy dỗ chúng tôi nên người.Ròng-rã 4 năm trong Ký-túc-xá Phan-Thanh-Giản, Bà Giám-thị luôn xem chúng tôi như con , và chúng tôi cũng vô cùng kính-mến Bà.Còn các bạn tôi nữa,tôi làm sao quên được những nét mặt dễ thương,vô tư đã cùng sống chung, cùng ăn chung có chung nhau biết bao kỷ-niệm thời thơ ấu thân-thương !

Và một diễm-phúc nữa cúa tôi là tôi hân-hạnh quen được quý vị đồng hương Biên-Hòa ở Texas, California, Illinois cũng như ở Pháp, Anh và Thụy-Sĩ. Người nào cũng nhiệt tình, thân-thiện.Quý vị ở Âu-châu:Pháp,Anh,Thụy-Sĩ đã đón tiếp chúng tôi thật ân-cần, nồng-hậu, thật vui.

Ở Châu Âu một thời-gian ngắn-ngủi, rồi chúng tôi phải chia tay. Ngày tôi về Mỹ, mới 5 giờ sáng, anh Trung và chị TIết đến đưa tôi ra phi-trường. Chu-đáo biết bao!Mỗi đứa con của tôi đều có món quà của chị. Còn nhiều điều làm tôi cảm-động, tôi không thể kể hết được.Từ ánh mắt nhìn trìu-mến, nụ cười rạng-rỡ khi gặp lại tôi, cử-chỉ dịu-dàng, thân-thiện như tự thuở nào.Mắt tôi như chiếc máy ảnh, đã thu tất cả hình ảnh đó vào tim ,óc mình. Chia tay anh chị ở phi-trường, tôi xúc-động mạnh, không nói được gì hơn, chỉ có lời chào tạm-biệt, nhưng lòng tôi tê-tái.Lên máy bay, nước mắt tôi tuôn dài trên má. Khi về đến nhà, vài tuần sau, tôi ghi lại mấy câu thơ mộc-mạc, chân-thành, viết theo dòng cảm-xúc của tôi khi tôi ngồi trên máy bay về Mỹ. Tôi gởi đến chị.

ĐÔI BẠN XƯA

Hơn năm mươi năm chúng mình gặp lại,

Tình đồng-môn nồng ấm vẫn chưa phai.

Kỷ-niệm cũ, tuổi ngọc thuở học-trò,

Phan-Thanh-Giản trường xưa, thời gian dài chung sống.




Đã từ lâu tôi hằng mãi chờ mong,

Gặp bạn cũ, cô gái Biên-Hòa xinh-xắn ấy.

Mừng biết bao ngày tái-ngộ tương-phùng!

Kể nhau nghe quá-khứ buồn vui, trong thời-gian ngắn-ngủi.



Ngày vui tan, rời Paris ôi sao quá bùi-ngùi, 

Còn luyến-tiếc những ngày vui bên chị.

Lo chu-toàn từng li, từng tí,

Như chăm-sóc em, đứa trẻ lạc-loài.
*

Lên máy bay , tôi thẩn-thờ ngây-dại,

Hồn chơi-vơi, nước mắt tuôn dài.

Xa cách lần nầy, mái tóc pha-sương bao giờ ta gặp lại? 

Cố-nhân ơi! Bạn hiền ơi ! 
 HỒ THỊ ĐẬM 
(ảnh minh họa:Google)
                            
                                               




1 nhận xét:

  1. Quê hương Tây Ninh nghèo, khô cằn...vùng đất" Địa linh nhân kiệt"của một thời.Nơi đây, có những người Thầy kiệt xuất: Thầy Trần Văn Hương,Nguyễn Văn An,Trần Văn Giảng,Nguyễn văn Lộc,Trần văn Thử.v..v..Tôi còn nhớ, trước cổng trường Đạo Đức, có hai câu chử:"Đạo đức lưu truyền hậu tấn-Hiếu trung phò xã tắc.Học đường giáo hóa thơ sanh- Nhơn nghĩa lập giang san".Các thế hệ sinh ra, lớn lên, từ mãnh đất này, tiếp nối sự nghiệp" Hiếu trung- Nhơn nghĩa" của lớp người đi trước....và cô Đậm, là một trong số người đó.Thế hệ trẻ TN hãy noi gương và tự hào điều này.........

    Trả lờiXóa