Thạc sĩ nọ nổi tiếng hay kể chuyện trên lớp nên được sinh viên mệnh danh là “chuyên gia kể chuyện". Trong giờ giảng thầy kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, từ chuyện vợ thầy mua cá, kho tôm
đến chuyện động trời là đã có lần thầy được đứng trước cổng trường…Đại học Hơvớt (Mỹ)!
Hôm giảng “Truyện Kiều”, thầy nói: Tác giả của “Truyện Kiều” là Nguyễn Du. Nguyễn Du quê ở Hà Tĩnh. Các em biết vì sao người ta gọi dân Hà Tĩnh là “dân mang áo tơi đá bóng” không? Cả lớp đồng thanh “không”.
Và thầy giải thích. Mà đã giải thích vì sao gọi dân Hà Tĩnh là “dân mang áo tơi đá bóng” thì để cho bài giảng “logic”, thầy cũng phải giải thích luôn vì sao gọi dân Nghệ An là “dân cá gỗ”, dân Thanh Hóa là “dân đào rau má
phá đường tàu”. Như vậy, chỉ riêng việc thầy “giới thuyết ba khái niệm cơ bản đầy tính lí luận” trên đã mất gọn tiết 1.
Sang tiết 2, thầy bắt đầu đi vào “nội dung” của Truyện Kiều. Đến câu “Dưới dòng nước chảy trong veo, Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”, thầy dừng lại phân tích chữ “cầu”. Giọng thầy chậm rãi: Cầu thời Nguyễn Du thô sơ chứ không phải hiện đại như cầu bây chừ mô! Rồi để sáng rõ vấn đề, thầy so sánh cái cầu trong “Truyện Kiều” của cụ Nguyễn với cái cầu Vượt ở thành phố Đông Hà. Thầy kể, cầu Vượt Đông Hà được làm từ thời gian nào, dài rộng ra sao, tốn kém bao nhiêu, hiện đại như thế nào. Và để sinh viên cảm nhận vấn đề một cách trực quan, thầy vẽ luôn cả cái cầu Vượt lên bảng! Thế là hôm đó thầy kể chuyện cầu Vượt hết 40 phút, minh họa cầu Vượt hết 10 phút, vị chi là hết tiết 2.
Cái mẹo của thầy là dạy ở Huế thì kể chuyện cái cầu Vượt Đông Hà, ra Đông Hà dạy lại kể chuyện cái cầu Chui ở Huế. Thầy dạy nhiều môn lắm nhưng vì kể chuyện là thủ thuật chính của thầy nên không có môn nào vắng bóng cầu Vượt, cầu Chui! Mỗi lần nghe thầy “giảng”, sinh viên kém thì phục thầy sát đất, xuýt xoa khen thầy uyên thâm, cái chi cũng biết, còn sinh viên khá thì ngán thầy đến tận… Lăng Cô, và gọi thầy là “Thạc sĩ tập tàng”!
Tác
giả gửi Quê Choa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét