Từ lúc dịch Corona xuất hiện, gia đình tôi xáo trộn một cách bất thường. Trước đó, hàng ngày, chúng tôi ít khi gặp nhau, chỉ đủ thì giờ hỏi câu How are you?, rồi mạnh ai nấy đi mất biệt. Sáng nào, ba mẹ tôi cũng ngủ tới trưa mới thức dậy, rồi vội vàng ra xe chạy thẳng tới tiệm Nail, gọt giũa đến 9 giờ tối, mới lục tục kéo nhau về nhà. Khi ba mẹ rời nhà, tôi cũng vừa nuốt xong tô mì ăn liền, sửa soạn ra trạm xe buýt, đón xe đến trường đại học. Chỉ có ông bà nội ở nhà, mỗi người mỗi góc, lặng lẽ với nỗi cô đơn riêng. Chủ nhật, cũng thế, tới phiên ông bà nội đi nhà thờ. Ba mẹ lại đèo nhau về Santa Ana, thăm mấy bà dì ở đó. Còn tôi, cà kê với mấy bạn trẻ ở các quán cà phê. Thế là, ngày nghỉ, cả nhà cũng chẳng có cơ hội bên nhau.
Hôm nay, Corona lây lan quá nhiều. Chính quyền phải ra lệnh phong tỏa khắp nơi. Các hãng xưởng nghỉ việc. Các trường học đóng cửa. Nên ba mẹ tôi đành ở nhà. Tôi nghỉ học. Thế là gia đình tôi có một cuộc sum họp bất đắc dĩ. Lần đầu, cả nhà gặp nhau, mỗi người đều thấy là lạ, ngỡ ngàng. Bữa ăn sum họp đầu tiên là bữa ăn khó khăn nhất, không dễ chi hòa hợp một cách bình thường. Trước hết, cái bàn được kéo dài ra, đủ chỗ cho cả gia đình ngồi. Những chiếc ghế được xếp lại ngăn nắp, đâu vào đó. Nhưng bà nội tôi vẫn loay quay, không biết ngồi hướng nào cho đúng ngôi thứ. Ông nội bắt đầu lên tiếng.
– Bà coi cái ghế nào trống thì tự động ngồi xuống. Làm gì luống cuống như gà nuốt dây thun vậy?
Ba tôi chêm vào.
– Ba ơi, cử chỉ của mẹ như thế, người ta gọi là gà mắc đẻ. Phải vậy không, thằng hai?
Tôi đang lùa miếng cơm tới môi, vội ngưng lại, lắng nghe câu hỏi. Vài giây sau, tôi chân thật trả lời.
– Con chưa bao giờ thấy mấy con gà làm như vậy bao giờ. Con chỉ thấy gà đạp mái ở sở thú.
Mẹ tôi cười ré lên.
– Ông tào lao quá! Có bao giờ nhà mình nuôi gà đâu, mà hỏi con những cái vớ vẩn?
Lúc này, bà nội tôi bỗng giận lên. Bà dằn mạnh đũa xuống bàn, hậm hực đi thẳng về phòng, đóng sầm cửa lại.
Ba tôi chợt day qua ông nội.
– Còn ba nữa. Con dặn hoài. Ba nên ở một chỗ. Đừng ra khỏi nhà. Vì theo thống kê, mấy ông già dễ chết bởi dịch Corona hơn mấy thằng trẻ.
– Tau già, nhưng vẫn khỏe. Mày đừng lo. Hãy lo cho vợ chồng tụi bây đi!
– Nhưng ba bệnh, cả gia đình này sẽ lây theo. Cả gia đình sẽ khổ, ba biết không?
Ông nội tôi lắc đầu, lẳng lặng dẹp chén, kéo ghế, bước ra ngoài hành lang.
Mẹ tôi cũng vụt đứng dậy, nhăn mặt, la lên.
– Trời ơi, canh gì mặn thấy mồ! Giống như húp nước muối. Chán quá!
Cuối cùng, bữa ăn chỉ còn lại ba tôi và tôi. Hai cha con cũng là hai thái cực. Cách ăn của mỗi người khác nhau hoàn toàn. Ba quen với vội vã để nhanh chóng làm việc. Tôi lại thích chậm rãi, nhai kỹ từng miếng ăn, thưởng thức hương vị đặc biệt của môn ẩm thực. Nhìn tôi nhơi giống một ông già, ba tôi khó chịu, kiếm chuyện.
– Còn con. Ăn chậm như bò. Điệu này vô lính, có nước chết đói.
– Ăn nhanh như ba, trước sau cũng đau dạ dày. Ba nên tập ăn uống kỹ lưỡng lại.
Ba tôi đuối lý, chuyển sang chuyện khác.
– Con phải nhín chút thì giờ theo dõi ông nội. Đừng cho ông ra khỏi nhà. Tình hình lúc này, nguy hiểm lắm!
Tôi uể oải đứng dậy, nhún vai.
– Làm sao cản được ông nội? Con bất lực.
Bữa ăn sum họp đầu tiên thất bại. Từ đó, không ai còn thích ngồi chung nhau nữa. Bà nội tự làm thức ăn riêng. Buổi trưa, lủi vô phòng, với một phần cơm nhỏ. Ông nội, đơn giản hơn, vài muỗng oatmeal nấu sôi hoặc một trứng gà chiên với bánh mì, thế là xong. Còn ba mẹ tôi, chỉ cần gọi điện thoại order, vài phút sau đã có thức ăn ngon lành. Phần tôi, quá dễ dàng, muốn ăn ké bất cứ người nào, đều được toại nguyện.
Thời gian đại dịch kéo dài. Nước Mỹ, có tiểu bang phải tuyên bố “đại thảm họa”. Dân chúng sợ quá, đa số đều đóng cửa cài then, không dám rời nhà. Ông nội tôi vẫn tìm cách trốn đi. Ông âm thầm leo lên xe, ngó tới ngó lui, rồi nhấn ga, chạy mất. Có khi đến chiều tối, mới trở về. Tôi chưa có bằng lái, chỉ đi xe buýt, nên không cách nào lê la khắp nơi để tìm ông. Ba mẹ tôi, còn tệ hơn. Ngày nào cũng ngủ trưa, tới giờ cơm mới ló ra cửa phòng. Khi hay tin ông nội tôi đi, ba chỉ có nước đưa tay lên trời, hét cho đỡ tức.
Một hôm, ông nội tôi ngã bệnh. Bà nội phải thức suốt đêm, xoa bóp, ủ ấm cho ông một cách tận tình. Mẹ tôi, ít khi vô bếp, giờ cũng chịu cực, tìm kiếm thảo mộc, nấu ngon lành một nồi cháo giải cảm. Ba tôi lo lắng, đi tới đi lui, vỗ trán suy nghĩ lung tung.
– Điệu này chắc ổng bị dính Corona rồi.
Bà nội cãi lại.
– Ổng chỉ bị lạnh và đau nhức toàn thân. Không có triệu chứng của Corona.
– Sao mẹ biết? Dịch này rất phức tạp. Bởi vậy người ta mới tìm không ra thuốc trị.
Mẹ tôi dịu dàng.
– Anh gọi bác sĩ đi. Nói rõ trường hợp của ba, bác sĩ sẽ xác định bệnh trạng.
Ba tôi ừ hữ, rồi hấp tấp lấy điện thoại, đi nhanh về phía hành lang.
Tôi ngồi ôm chân ông nội, nước mắt ứa ra. Tưởng tượng một ngày nào, căn nhà vắng bóng ông, tôi sẽ rất cô độc, cô độc một cách buồn bã. Ông tôi tuy ít nói, nhưng có sự suy nghĩ rất sâu. Cách thương yêu con cháu của ông cũng khác người. Ông thể hiện bằng hành động, không bằng những lời ngọt ngào rỗng tuếch. Tôi quý ông ở sự chia sẻ thật lòng. Ông vui cái vui của tôi. Ông đau cái đau của tôi.
Thông tin của ba tôi làm cả nhà bớt lo ngại. Bác sĩ cho biết, ông nội có thể bị cảm cúm thông thường. Chưa có dấu hiệu nhiễm Corona. Nhưng hãy theo dõi từng ngày. Nếu có sốt, báo bác sĩ biết. Hiện giờ nên cho bệnh nhân uống Tylenol. Nghe thông tin, người nở nụ cười đầu tiên là bà nội. Bà mừng quá, ôm chầm tôi, và siết cứng trong lòng.
Quả đúng như tiên đoán của bác sĩ, vài ngày sau, ông nội tôi trở lại bình thường. Ông vẫn khỏe mạnh, và vẫn là cái bóng, thầm lặng bên tôi. Tuy vậy, một thời gian sau, ông lại trốn nhà, ra đi bí ẩn như trước. Tôi biết, có những cú điện thoại nào đó kêu gọi ông, nhưng nguyên do – cũng chỉ nằm trong vòng bí mật.
Rồi buổi sáng hôm đó, ba tôi bỗng thức dậy sớm, khi nghe tiếng cửa cót két ở phía carport. Ông nội bắt đầu rồ xe để rời nhà. Tôi đang đứng phía sau ô kính, lặng lẽ nhìn theo ông, ngạc nhiên và lo lắng. Trời vừa tối xẩm, có thể có một trận mưa lớn kéo ngang thành phố này. Chợt, có tiếng bước chân, rồi giọng nói quen thuộc, vẳng vào tai tôi.
– Đi theo ba. Chạy theo ông nội, coi ổng đi đâu?
Thế là, xe ông nội chạy trước, xe ba tôi bám sau. Vì có lệnh của tiểu bang, người dân chỉ được phép ra ngoài, khi cần thiết. Nên đường xá vắng tanh, lâu lâu mới có vài chiếc xe lướt qua. Sợ ông nội phát hiện, ba tôi phải chen lane liên hồi, và khéo léo như một thám tử chuyên nghiệp. Tới khu Plaza, ông nội tôi dừng lại trước một Pharmacy. Ông xuống xe, rồi vào đó rất lâu. Ba tôi vội quành xe, tấp bên kia đường, im lặng theo dõi hành động của ông tôi.
Một lát, ông tôi ra xe với những túi thuốc tây lỉnh kỉnh. Ông lại tiếp tục lên đường, và dừng lại ở khu chung cư dành cho người già. Sau vài phút điện thoại, tôi thấy ở tầng nhì có một lão ông chống nạng ra hành lang. Lão chậm chạp buông xuống một thùng giấy nhỏ, có buộc sẵn sợi dây dài để lão có thể kéo lên. Ông nội tôi giữ thùng lại, rồi nhanh tay đặt lên đó những túi thuốc tây.
Tôi quay sang ba tôi.
– Ông nội đi lấy thuốc tây cho mấy ông già.
Ba tôi sụt sùi
– Ông làm công tác từ thiện. Từ lâu rồi, mình không hay biết.
Chiều đó, ba tôi ghé chợ, lựa những thức ăn ngon nhất cho buổi cơm tối. Tối đến, ba tôi trịnh trọng mời từng người, rồi hân hoan mở lời khai mạc.
– Hôm nay con làm một bữa tiệc, mời gia đình mình cùng chung vui. Bấy lâu, chúng ta mạnh ai nấy ăn, không khí gia đình thật là buồn bã. Bữa ăn trước, con cố gắng khởi đầu lại, tạo cho gia đình mình một nề nếp, một cảnh sum họp cần thiết. Nhưng rất tiếc, bữa ăn đó nhanh chóng thất bại. Hôm nay, con muốn dựng lại lần nữa. Lần này, tâm trạng con rất vui, và thành khẩn xin mọi người, hãy luôn duy trì bữa ăn này mãi mãi, cho đến tận thế hệ sau cùng. Lần này cũng là lần con mừng ba con. Bấy lâu nay ông làm công tác từ thiện, góp tay vào chiến dịch chống virus Corona mà chúng ta không hay biết. Xin cho một tràng pháo tay chúc mừng ông già!
Cả nhà mừng rỡ và ngạc nhiên ngó về phía ông nội. Vài ngày sau, gia đình chúng tôi tìm cách ghi tên vào những công tác có tính cách yểm trợ cho việc phòng chống Corona.
PHẠM HỒNG ÂN
(29/03/2020)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét