24 thg 1, 2021

CÀ PHÊ NEW ORLEANS- Nguyễn Xuân Thiệp (Văn Việt )

Nguyễn Xuân Thiệp

Một buổi chiều cuối năm, ngồi buồn không bạn bè, tưởng nhớ xa xôi. Nhớ những khúc hát thân quen của đời mình. Nhớ những vỉa hè góc phố từng bước chân qua. Và nhớ tới cà phê New Orleans qua hình bóng người phụ nữ da đen tên Rose Gla ở đầu thế kỷ trước. Như em đã biết, vùng đất New Orleans, với đầm lầy truông phá và những cầu tàu sương mù Quai de brumes, là đất của cà phê. Và của nhạc blues cùng điệu Jazz cháy bỏng, tất nhiên. Họa sĩ Degas, thuộc trường phái ấn tượng Pháp, cũng đã có thời sống và vẽ ở New Orleans.

Ôi. New Orleans

và mùi cà phê trên bến cảng

em có nghe

sóng vẫn vỗ. trên dòng Mississippi

và những cuộc đời

bay đi như chim

này. em có biết

"A good cup of coffee

một ly cà phê ngon

can turn the worst day tolerable,

có thể biến một ngày xấu thành dễ chịu

and can rekindle a romance,"

và có thể nhen lại ngọn lửa tình lãng mạn

như chuyện tình của anh và em

đầy ảo hoặc



Đúng rồi. Rất lâu trước khi có cà phê Starbucks và Seattle, thành phố cảng nằm trên sông Mississippi này đã là một thành phố của mùi hương cà phê. Và New Orleans trở thành cảng xuất cà phê từ hồi giữa thế kỷ 17, và từ đó vẫn là cảng cà phê lớn nhất nước Mỹ. Vào năm 1850, đã có 500 quán cà phê được ghi vào danh bạ thành phố, phần lớn tập trung dọc những kè tàu và trong khu thương mại Exchange Alley, nơi các thương nhân trao đổi mua bán và chuyện làm ăn. Không có thành phố nào mang dáng vẻ nền văn hóa cà phê cho bằng The Big Easy (tức New Orleans) nơi có những đường phố rào sắt với những ngôi nhà bằng gạch chói chang ánh nắng ban ngày và sáng trưng đèn màu đến tận khuya. Ở Seattle, do khí hậu ẩm và mưa, hương vị cà phê đem lại sự ấm áp dễ chịu, còn tại thành phố vành trăng khuyết này (Crescent City) nơi những tiệc vui rộn rã bốn mùa, ngày cũng như đêm, thì cà phê không thể nào thiếu được trong cuộc sống. Cà phê cần cho những cuộc chuyện trò họp mặt, bởi vì nó nóng, không thể uống nhanh được, cho nên người ta phải ngồi lại và những câu chuyện buồn vui mưa nắng nở ra như pháo bông.

Quán cà phê nổi tiếng nhất ở New Orleans, dĩ nhiên, là quán Café du Monde ở trong khu chợ French Market gần quảng trường Jackson Square. Ở đây, trước 1974, còn có cà phê Morning Call cũng rất nổi tiếng. Café du Monde, mở cửa từ năm 1862 trong khu Pháp cổ, lừng danh với những chiếc bánh beignet và mùi hương chicory (rau diếp xoăn) trong cà phê. Cà phê ở đây có hai loại Black (cà phê đen) và Au Lait (cà phê sữa). Một chuyến đi chơi New Oeleans mà không ghé tới khung cảnh lịch sử và uống cà phê ở Café du Monde là cả một thiếu sót lớn (cũng như ngày xưa ta lên chơi Đà Lạt mà không ghé uống cà phê Tùng vậy). Café du Monde mở cửa suốt ngày, chỉ trừ Lễ Giáng Sinh hoặc khi cơn bão từ biển thổi vào thành phố.


Và đây, chúng ta hãy nghe một nhà văn (hình như là Sông Ngự (?), trong một lần từ quê nhà qua ghé thăm New Oeleans, viết cho người yêu ở phượng thành Huế: “Em biết không, cà phê New Orleans ngon nhất là uống tại Café du Monde, bên bờ sông Mississippi trong khu Pháp Cổ, gần tượng đài Di Dân. Cà phê có vị chicory hơi đắng và đậm cho nên phải gọi cà phê sữa theo lối Việt Nam, ăn với bánh beignet chấm bột đường. Tuyệt vời, ngây ngất. Mà anh muốn tự tay anh lau những vệt đường trên mép, môi em cơ. Lúc ấy trông em thật rạng rỡ và thật đẹp. Anh nhắc lại, cà phê New Orleans phải uống ở Cafe du Monde mới ngon. Còn mua cà phê hộp về pha hình như hết phê.

Tất nhiên, cư dân New Orleans ghi công người Pháp đã đem cà phê đến thành phố này. Thoạt tiên, khoảng 1720, người Pháp đã thành công trong việc trồng cà phê ở xứ thuộc địa Martinique của họ trong vùng biển Caribbean. Từ đó, họ mang cà phê theo tới những vùng định cư dọc theo con sông Mississippi. Và bởi vì người dân New Orleans thích và cà phê vốn khan hiếm nên những lưu dân này mới thêm chicory vào. Do đó, nảy sinh truyền thống uống cà phê hương chicory ở vùng New Orleans.

Và này, em ơi, hãy tưởng tượng – theo lời kể của một ký giả vùng New Orleans thế kỷ trước – vâng, hãy tưởng tượng một buổi sáng sau một đêm mất ngủ, một ông Pháp cổ gọi là Creole gentleman đứng trước quầy cà phê của một cô gái da đen ở khu French Market. Ông hát nho nhỏ với cô gái: Pitti fille, pitti fille. Petite fille, pette fille. Ơi cô gái nhỏ, cô gái nhỏ. Và có thể ông bỏ mũ, nghiêng đầu ứng khẩu đọc một câu thơ ca ngợi sự khéo léo của cô gái nhỏ dùng nước pha cà phê, và dường như cô cũng biến thành hạt cà phê: Pitti fille qui couri dan dolo – Petite fille qui court dans l’eau – Little girl who ran in the water. Cô gái nhỏ chạy chơi trong nước.

Trong bài về văn hóa Louisiana – Louisiana Culture – Gambo Ya Ya, Lyle Dixon kể lại những mẩu chuyện vui vui như thế. Ông kể về những người đàn bà bán cà phê dọc theo đại lộ Canal, trước nhà thờ St Louis. Ta nghe tiếng rao hàng đầy âm nhạc của họ café noir, café au lait ngân vang trên phố. Và đây, em hãy nghe một ký giả của tờ Daily Picayune ca ngợi vẻ đẹp của nàng Rose Gla ở cuối thế kỷ 19: “Nàng là một trong những người duyên dáng tao nhã nhất của chủng tộc da đen. Da nàng đen như thần Erebus, nhưng Rose luôn luôn tươi cười và thân ái như bình minh. Ôi, cà phê của nàng thơm sao!”. Và khi người đẹp tượng thần da đen bán cà phê qua đời, ký giả nói trên đã viết tang ca cho nàng: “Kể từ khi nàng chết đi, những người yêu hương cà phê của nàng cứ vào những sáng chủ nhật lại đi lang thang qua những quầy hàng cà phê với trái tim nhói đau trong lồng ngực mà than ôi có bao giờ được mãn nguyện đâu.

Lẽ tất nhiên, bạn và tôi đã từng uống cà phê nguyên chất Việt Nam nửa thế kỷ nay, khó mà mê ngay cà phê hương chicory. Nhưng cũng như các cư dân vùng New Orleans dần dần cảm thấy thích rồi ghiền hương cà phê New Orleans. Một tờ báo địa phương viết: Người Việt, vốn thích cà phê đậm và ngọt với sữa, khi gặp cà phê New Orleans là bắt đầu thấm và cảm thấy ưa thích. Họ mua gởi cho thân nhân bạn bè ở Mỹ cũng như tại quê nhà. Và nhiều người vào làm trong quán Cafe du Monde để được gần với mùi hương cà phê chicory. Nhiều cửa hàng người Việt cũng đã bắt đầu bán cà phê New Orleans.

Đúng, cà phê là một nét văn hóa trong đời sống ở thành phố New Orleans. Nó có chút gì đó bảo thủ, dị ứng với những gì ngoại nhập, một chút gì đó có vẻ cao ngạo, mang vẻ chauvin. Người dân New Orleans rất tự hào về di sản cà phê của mình. Cho nên cà phê Starbucks và Seattle khó mà chen chân lấn lướt ở thành phố cảng này.

Ngoài Cafe du Monde đã nói ở trên, phải kể đến hai loại quán cà phê đặc biệt của thành phố vành trăng khuyết. Đó là CC’s Coffee House và PJ’s. Bà Jordan mở quán cà phê PJ’s đầu tiên ở New Orleans vào năm 1978, từ đó PJ’s mọc lên ở nhiều nơi khác. Gia đình ông Saurage cũng tha thiết với truyền thống văn hóa cà phê ở New Orleans. Ông cụ cố của Saurage đã mở một quán cà phê nhỏ ở thành phố Baton Rouge vào năm 1919, và chẳng bao lâu danh tiếng truyền lan. Ông Saurage mua cà phê tươi nguyên hột ở New Orleans, mang về sao rang theo công thức riêng, rồi xay và đóng gói cho xe ngựa chở đi giao bán trong vùng. Cà phê mang tên Community Coffee, gói trong cái bao màu đỏ nên được gọi là cà phê Red Bag. Gia đình Saurage lập quán cà phê CC’s Coffee House đầu tiên ở Baton Rouge rồi sau đó phát triển qua New Orleans và sang tận thành phố Dallas.

Trong cuộc đời lưu lãng này, xin được cùng nhau ngồi uống cà phê New Orleans ở Cafe du Monde vào một sáng trời trong, một trưa vàng nào đó hay vào lúc đêm khuya trên phố cảng. Để nghĩ về những cánh chim trời bạt gió. Và cùng nghĩ về, nhớ lại những quán cà phê của chúng ta ngày nào ở Sài Gòn, Đà Lạt… Mong lắm thay.

NXT

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét