17 thg 1, 2021

NGÀY ĐẦU TIÊN TẠI PARIS

Lê Học Lãnh Vân

Phi cơ đáp xuống lúc khoảng sáu giờ sáng. Theo con mắt của lần đầu xuất ngoại, phi trường Charles de Gaule thật mênh mông. Ánh sáng tràn ngập không gian rộng lớn với rất nhiều máy bay sắp xếp thứ tự, mỗi chiếc một đường ống áp sát. Vừa bước ra khỏi Việt Nam đang rất nghèo kém, Vương như đứa bé gặp cảnh tượng gì cũng mở to mắt ngạc nhiên học hỏi. Bây giờ là mùa thu, trời không nắng gắt như mùa hè, cũng không tối quá như mùa đông, chị bạn người Pháp chỉ sân bay giải thích.

Dù đã khoác chiếc áo khoác dày cui Vương vẫn lạnh tê, thầm thán phục và mong ước ngó anh chị bạn Pháp vẫn người chiếc áo sơ-mi dài tay, người mặc pull với áo len chạy đi chạy lại. Hai bạn Pháp chịu khó chỉ Vương mọi việc, từ lúc ra khỏi ống dẫn đi tới nơi đợi hành lý mà nhiều khi Vương phải lúp xúp chạy theo họ, và họ dừng lại chờ biểu cẩn thận, không gấp. Họ chỉ Vương cách đọc các bảng chỉ đường, cách tìm băng chuyền hành lý, lấy xe đẩy và đợi hành lý từ từ chạy tới trên băng chuyền, rồi cùng nhau ra khỏi cửa nhà ga phi trường. Vương không tưởng tượng mình sẽ lay hoay thế nào nếu không có sự chỉ dẫn chu đáo đó. Họ còn ân cần dắt anh tới quầy hướng dẫn các du học sinh.

Chiếc xe bus con thoi của sân bay đưa Vương tới trạm tại quảng trường La Fayette, ngửa mặt ngó lên thấy một tòa nhà thật cao và to. Trước tòa nhà La Fayette là một khoảng rộng, Vương dí giày xuống gạch lát khoan khoái, à, mình đã đứng giữa Paris. Ngó lên trời, anh thấy mây trắng nổi giữa trời xanh không khác gì trời Việt Nam quê hương anh hết!

Kéo va-li tới một tường vách, Vương dựa vào đó nhìn ra mấy phía đường xe cộ liên tiếp vùn vụt nối nhau lướt qua. Đèn đỏ, xe dừng, trên phần đường kẻ vạch trắng cho người đi bộ, tây, đầm, áo sơ-mi, áo vest, áo khoác, áo đầm lũ lượt băng qua đường, có người đi mau như chạy. Đường phố thẳng tắp những khối nhà cổ kính chạy dài uy nghiêm và đồ sộ. Hoặc dãy nhà màu xám sậm, hoặc dãy nhà màu trắng ngà, phương nào cũng là những dãy nhà mút mắt…

Từ thành phố Hồ Chí Minh cũ kỹ, nhà cửa lớp trệt, lớp hai hay ba tầng cao thấp chen nhau một cách vô trật tự, ngoài đường đa số là xe đạp, một vài chiếc Honda và thưa thớt lắm những chiếc xe bốn bánh cũ kỹ thô kệch, người đi bộ đi dưới lòng đường băng qua đường tại bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào… Paris, với Vương, thật là cả một chân trời ngăn nắp, mới lạ!

Một giọng nói lạ lùng, hơi cứng: “Bonjour Monsieur, s’il vous plait…”

– Thưa ông, xin lỗi ông, tôi có chuyện rắc rối một chút, có thể làm phiền ông một chút được không?

Một người đàn ông cao, khoác áo vest, chăm chú quan sát chờ Vương trả lời.

– Dạ, có gì vậy ông?

– Tôi có chuyện rất gấp phải gọi cho vợ tôi. Tôi không có tiền lẻ. Ông có thể cho tôi mượn năm quan, gọi xong tôi sẽ vào các quầy đổi tiển bên kia đường đổi tiền lẻ trả lại ông?

Vương thọc tay vào túi cẩn thận đếm năm quan trao cho người đàn ông Pháp. Anh cám ơn và chỉ một phòng điện thoại sau lưng Vương.

– Tôi sẽ vào phòng điện thoại sau lưng ông.

Anh chàng mở cửa bước vào phòng điện thoại bằng kính trong suốt cách Vương chừng hai mươi thước. Vương yên tâm quay lại quan sát phố phường, xe cộ, và cũng không muốn chăm chăm ngó anh chàng mượn tiền vì e bất lịch sự…

Trong túi Vương lúc đó chỉ còn hai quan Pháp. Thật sự, Vương chỉ có tổng cộng bảy quan Pháp, tức bảy đơn vị tiền Pháp! Chắc các bạn trẻ bây giờ không tưởng tượng được có thời một người xuất ngoại với chỉ bảy quan trong túi! Theo hối suất thời đó, bảy quan tương đương một đô-la Mỹ. Bảy quan này là quà tặng của một chị bạn học trên mấy lớp, chị Diệp Mỹ Hạnh. Một ngày trước khi Vương đi, khi từ giã Vương, chị dúi vào tay nói em cầm chút đỉnh, coi như chị mời em hai ly cà-phê bên Pháp. Vương bỏ túi với ý nghĩ nếu để dành được, sẽ giữ lại như một kỷ niệm lâu dài.

Khoảng một thời gian đủ lâu, Vương ngó lại thấy căn phòng điện thoại trống trơn. Quay đầu bốn hướng cũng không thấy anh chàng kia đâu. Hay ảnh qua bên kia đường đổi tiền lẻ trả mình? Dân Pháp lẽ nào cũng lường gạt?

Nửa tiếng. Một tiếng. Nắng lên cao, người thưa đi, Vương không biết làm gì với chiếc va-li to tướng. Chỉ còn hai quan, không biết đủ gọi điện thoại người quen không! Lỡ bỏ hai quan vô chưa kịp nói gì đã hết tiền thì biết làm sao?

Đang bối rối thì một chiếc bus con thoi của phi trường ghé lại! Vương chạy tới cầu cứu. Bác tài hỏi Vương có địa chỉ của người quen nào tại Paris không, rồi nhờ một hành khách kêu taxi đưa Vương tới địa chỉ đó. Đây là nhà một người Thầy cũ, giáo sư trường đại học Khoa Học Sài Gòn. Hai ông bà qua Pháp sau năm 1975, mở một tiệm thuốc tây. Tới nơi, Vương mượn 200 quan, đủ để anh trả tiền taxi 80 quan, và tiêu xài cho tới thứ Hai tuần sau khi anh sẽ được lãnh ba ngàn năm trăm quan tiền học bổng cho tháng đầu tiên.

Cũng tới bữa trưa rồi. Biết Vương qua, bà đặt trước món ra-gu lưỡi bò. Món nầy đặc biệt của dân Pháp, mầy ăn cho biết. Dĩa ra-gu lưỡi bò mềm, thơm hơn hẳn phần ăn trên máy bay. Chai rượu vang được giới thiệu mười hai tuổi, trân trọng khui ra mà Vương không biết ngon ở chỗ nào!

Nghe Vương kể lại chuyến đi từ lúc rời nhà tại Sài Gòn, lên máy bay gặp hai anh chị Pháp tốt bụng, rồi bị mất năm quan giữa Paris, Thầy Cô chủ nhà vừa ăn bánh mì vừa ôm bụng cười. Thầy nói:

– Sao tới phi trường mầy không kêu tụi tao ra đón? Chỗ tụi tao ở tên Le Blanc-Mesnil, gần phi trường, mầy chạy vô trung tâm Paris rồi vòng ra tốn 80 quan là rẻ đó. Còn bị tụi nó gạt mất năm quan nữa. Tướng mầy thiệt tình ngó khờ quá đi!

Cô chen vô:

– Thầy mầy nói kỳ, nó mới chân ướt chân ráo qua, tốn có năm quan mua bài học là rẻ. Cho mầy nhớ, không không phải Tây nào cũng ngon lành hết. Tây có nhiều loại Tây nghe mậy, Tây Âu, Tây Mỹ, Tây Tàu, Tây Rệp… Bên đây cũng có lừa gạt, móc túi…

Tàn bữa, dọn dẹp xong Thầy nói tụi tao xuống mở cửa tiệm thuốc bán, mầy vô phòng ngủ cho khỏe. Tụi tao dọn sẵn cái phòng cho mầy ở mấy bữa.

Chiều đó, Thầy gõ cửa phòng. Ngủ đã chưa, bữa ăn chiều tụi tao để mầy ngủ, không kêu. Thôi, ra đây coi biết ai không!

Sáu bảy người lố nhố ngoài hành lang. Cậu mợ Tám, các anh, chị con cô cậu. Cậu Tám chạy tới ôm Vương, con ốm quá, qua đây lần lần mạnh khỏe lên, gia đình cậu mợ hỗ trợ con hết mình. Mợ đưa chiếc áo len và chiếc áo gió. Các anh chị mỗi người cầm tay xúc động, trao Vương một bao thơ nói anh chị gởi em trước năm trăm xài đỡ mấy ngày đầu tiên.

Cậu Tám dặn dò:

– Con còn ở đây bốn năm năm, rồi từ từ rồi kiếm cách ở luôn. Sức con kiếm bằng đốc-tơ mấy hồi, ở lại cũng dễ. Con qua đây bằng máy bay vậy là quá sướng. Mấy anh con vượt biên đường biển, lúc mới tới làm lụng cực khổ lắm, bẻ sắt giữa trời tuyết lạnh căm căm. Con cứ lo làm luận án cho giỏi, rồi tụi nó chỉ con cách ở lại…

Những ngày ấy việc liên lạc giữa Việt với Pháp rất rất khó khăn, và cũng do hoàn cảnh chính trị xã hội cùng các mối lo ngại mơ hồ, Vương không báo chuyến bay của mình cho bất kỳ người nào bên Pháp. Cho nên việc người thân tới thăm ngay buổi chiều ngày đầu tiên với sự chuẩn bị chu đáo và tình cảm thân thiết thực lòng khiến Vương quá xúc động. Tình cảm đó đi theo và khuyến khích anh những năm về sau.

Bây giờ sắp thất tuần, kể lại chuyện xưa cho trong nhà nghe, không dễ để con cháu hiểu, thông cảm được hoàn cảnh lúc đó.

– Trước khi đi sao chú không điện thoại báo bà con bên Pháp? Cháu thấy thật tức cười, ông bà Tám và các cô chú bên đó không giận chú cũng là may!

Ôi các cháu ơi, các cháu không biết ngày đó trong giới làm khoa học kỹ thuật lan truyền câu nói sau đây như một bài đồng dao:

Ăn như tu
Ở như tù
Đi như chạy trốn!

Các cháu không hiểu không khí xã hội thời đó rất ngột ngạt, người ta rỉ tai nhau rằng ngày giờ chuyến bay phải được tuyệt đối giấu kín. Rủi có ai ganh tị hay muốn chiếm suất học bổng của mình, chỉ cần một tin đồn tung ra là người đã tới sân bay cũng có thể bị chặn lại. Chú chưa tận mắt chứng kiến sự việc đó, nhưng từng chứng kiến nhiều việc khó thể tưởng tượng lại công nhiên xảy ra, chú nghĩ “có kiêng có lành”, cương quyết không hé môi. Cho tới lúc máy bay bắt đầu chạy nhanh trên phi đạo lấy đà cất cánh, chú mới thở phào chắc chắn mình sẽ rời Việt Nam! 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét