PHỦ VÂN CÁT LÀ NỀN NHÀ CŨ VÀ LÀ NƠI GIÁNG SINH MẪU LIỄU HẠNH
PHỦ VÂN CÁT LÀ NỀN NHÀ CŨ
VÀ LÀ NƠI GIÁNG SINH THÁNH MẪU LIỄU HẠNH
Nguyễn Xuân Diện
Quần thể di tích Phủ Dày, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định bao gồm Phủ Vân Cát, Phủ Tiên Hương, Khu lăng Mẫu Liễu Hạnh và các đền phủ đình chùa xung quanh.
Tại Phủ Vân Cát có nhiều bức hoành phi, nhiều đôi câu đối xác nhận đây chính là NHÀ CŨ (cố trạch) và là nơi Mẫu Liễu Hạnh GIÁNG SINH (được xem như là nơi chôn nhau cắt rốn của Mẫu). Xin dẫn chứng các bức hoành phi và một đôi câu đối có hình ảnh kèm theo đây.
GIÁNG SINH TỪ (降 生 祠 )
Giáng: Ban cho, gieo xuống. Giáng sinh: Sự sinh thành xuống hạ giới. Từ: Đền. Giáng Sinh Từ: Đền thờ nơi Mẫu giáng sinh.
Tại Phủ Vân Cát có hai nơi có bức đại tự này: 1- Giữa hai tầng mái ở Cung Đệ Nhất, và 2- cửa Ngũ Vân lâu (từ sân đền nhìn ra cổng).
ĐẢN SINH CỐ TRẠCH (誕 生 故 宅 )
Đản sinh, cũng như Giáng sinh vậy. Cố: Cũ. Trạch: Ngôi nhà. Đản Sinh Cố Trạch: Ngôi nhà cũ, nơi giáng sinh của Thánh Mẫu.
TIÊN NHÂN CỰU QUÁN (仙 人 舊 館)
Tiên nhân: Người tiên, vị thần tiên. Cựu: cũ. Quán: Quê quán, nơi sinh. Tiên Nhân Cựu Quán: Nơi Sinh của Tiên chúa Liễu Hạnh.
Tiên Nhân Cựu Quán là chữ trong bài "Đằng Vương Các Tự" 滕王閣序 vô cùng nổi tiếng của Vương Bột, đời Đường.
Nguyên văn cả câu:
儼驂騑於上路,訪風景于崇阿。
臨帝子之長洲,得仙人之舊館。
Nghiễm tham phi ư thượng lộ, phỏng phong cảnh vu sùng a.
Lâm đế tử chi Trường Châu, đắc tiên nhân chi cựu quán.
Trần Trọng San dịch nghĩa:
Trông ngựa xe trên đường cái; hỏi phong cảnh nơi gò cao.
Đến miền Trường Châu của đế tử; tìm được quán cũ của người tiên.
VẠN CỔ TRẠCH (萬 古 宅 )
Vạn cổ: Muôn thuở. Trạch: Nhà ở, chỗ ở. Vạn Cổ Trạch: Nơi ở muôn đời (của Thánh Mẫu Liễu Hạnh).
Đây là ba chữ thấy trong bài “Tống Dương sơn nhân quy Tung Sơn” (Tiễn sơn nhân họ Dương về núi Tung) của Lý Bạch (701 - 762), đời Đường, Trung Quốc.
送楊山人歸嵩山
我有萬古宅,
嵩陽玉女峰。
長留一片月,
挂在東溪松。
爾去掇仙草,
菖蒲花紫茸。
歲晚或相訪,
青天騎白龍。
TỐNG DƯƠNG SƠN NHÂN QUY TUNG SƠN
Ngã hữu vạn cổ trạch,
Tung Dương Ngọc Nữ phong.
Trường lưu nhất phiến nguyệt,
Quải tại đông khê tùng.
Nhĩ khứ xuyết tiên thảo,
Xương bồ hoa tử nhung.
Tuế vãn hoặc tương phỏng,
Thanh thiên kỵ bạch long.
Dịch nghĩa:
TIỄN SƠN NHÂN HỌ DƯƠNG VỀ NÚI TUNG
Ta có ngôi nhà muôn thuở
Ở núi Ngọc Nữ huyện Tung Dương
Một mảnh trăng cứ ở mãi bên ta
Treo trên ngọn thông bên bờ suối phía đông
Ông đi hái cỏ tiên
Những cánh hoa xương bồ mịn màng màu tím
Cuối năm thảng hoặc ông ghé thăm ta
Ông sẽ cưỡi rồng trắng bay trên trời xanh
VÀ ĐÔI CÂU ĐỐI:
雲 葛 是 始浦 葛是 終人 知 有 母 之 親 直 北関山 皆 赤 子
壬 辰 而 生 丙辰之化 世 仰 祖 神 而 著塈 南 聲 教 沐 鸿滋
- Vân Cát thị thủy, Phố Cát thị chung, nhân tri hữu mẫu chi thân, trực Bắc quan sơn giai xích tử,
- Nhâm Thìn nhi sinh, Bính Thìn nhi hóa, thế ngưỡng tổ thần chi trứ, ký Nam thanh giáo mộc hồng tư.
Dịch nghĩa:
- Khởi đầu ở Vân Cát, kết thúc ở Phố Cát, người đời đều biết Mẫu hiện thân, một giải non sông từ địa đầu phía Bắc đều là con đỏ;
- Sinh năm Nhâm Thìn, hóa năm Bính Thìn, đời ngưỡng vọng Mẫu làm thần, khắp miền được giáo hoá tới cực Nam còn hưởng ơn mưa móc.
Tròn ¼ thế kỷ trước (25 năm), đoàn nghiên cứu sưu tầm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm mà tôi là thành viên có đến sưu tầm nghiên cứu các di sản Hán Nôm ở Phủ Vân Cát để lưu vào hồ sơ của Viện. Nay vẫn còn lưu.
Ngày 12/5/1998, chúng tôi ghi nhận Phủ Vân Cát có 14 hoành phi, 9 đôi câu đối, 9 bia đá, 2 chuông.
Các câu đối và hoành phi trên đều có trong hồ sơ hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Hồ sơ này đã được đánh số ký hiệu để tra cứu và lưu trữ, không ai có thể thêm bớt được.
Và việc thống kê từng di tích, câu đối, hoành phi, chuông, bia… đều có chữ ký của Trưởng thôn sở tại và Chủ tịch UBND xã (hoặc Phó Chủ tịch phụ trách văn xã). Tháng 5/1998, người đại diện chính quyền địa phương xác nhận là Ông Trần Ngọc Nhân (có chữ ký và đóng dấu Ủy ban).
Hồ sơ này là hồ sơ khoa học, đảm bảo không thể có sự thay đổi hoặc bổ sung tùy tiện. Vì thế, Phủ Tiên Hương hay Phủ Vân Cát làm mới hoành phi, câu đối hoặc treo lệch vị trí so với tài liệu lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thì đều xác nhận được ngay.
24.7.2023.
NXD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét