Chị Tôi Trời Bắt Xấu
Viết mà nhớ chị tôi, sinh ra trời bắt xấu, đã ngủ yên đâu đó từ lâu lắm rồi Chuyện tưởng tượng mà như thật
Tôi và chị không phải là chị em ruột, cả hai là con nuôi của ba má, tôi không biết mình sinh ra ở đâu, ngày tháng năm nào vì ba má không hề nói tới, và cũng không biết là ở đây từ hồi nào, chỉ biết chị lúc đó chừng bảy tám, tôi chập chửng lên ba. Tôi chưa hề nghe tiếng ru nằm nôi hay bầu sửa mẹ, cái võng đong đưa cho con nồng giấc ngủ và không biết gọi tiếng ba tiếng má khi nào, đơn giản là ở nhà này, ba má tôi là đó. Ba má thương hai chị em nhiều lắm, không la rầy, mắng chữi gì cả nhưng có phần thương tôi nhiều hơn chị một chút, không biết tại sao. Chị thương tôi lắm, ẳm bồng, dắt díu đi chơi chỗ này chỗ nọ quanh chợ xã, tôi đòi ăn cái gì thì chị cũng cười cho, tôi ngủ với chị nhiều hơn ngủ với ba với má, ít khi thấy ba má buồn, nói vậy chứ từng tuổi đó mà biết buồn là cái gì, cứ cười cứ khóc, cứ đòi cứ hỏi cái này cái kia cho được, vậy thôi. Nhà nghèo nhưng không túng quẩn, cũng đủ ăn đủ mặc, ba má tôi lúc này chắc hơn năm mươi ngoài, không còn trẻ nhưng vẫn mạnh khỏe, ít khi đau ốm, trời chắc thương nên hai chị em cũng vậy, lâu lâu sổ mũi, ho hen chút chút vậy thôi.*
Nhà tôi, căn nhà mái tôn vách ván, miếng chầm miếng vá, miếng hở miếng khít, trên khoảnh đất thịt nhỏ, nằm cách khu phố chợ xã, một cái xã nghèo, nửa quê nửa chợ, con đường mòn chia đôi nhà tranh nhà ngói, có sân trước sân sau, lại cách căn nhà kế bên về phía dưới ấp một hàng cây chùm ruột thường có trái muộn, chị cũng hay trèo hái, hái chơi thôi chứ không ăn vì chua quá. Cái sân cũng khá rộng, má trồng đủ thứ rau cà, có ba bốn bụi chuối sứ to đùng, và hai cây ổi xá lị rậm tàng nhưng không cao, chị nói ba trồng, trồng hồi nào chị không biết, đầu mùa trái tới, trái nhiều lắm, mẹ sai chị trèo lên, bắt thang hay chuyền từ nhánh này qua nhánh kia, lấy bao giấy má làm hình cái giỏ nhỏ, cột che từng trái một, ba má nói cột như vậy, trái sẽ lớn, trắng tinh và ngọt lịm cũng như không bị chim ăn quạ rĩa. Má nói trúng thiệt, lúc ổi chin, chị phụ má hai xuống, mùa nào cũng cả hai cần giỏ lớn, trài lớn bằng chén ăn cơm, trắng xanh thấy thèm, má lựa ba bốn chục ở nhà ăn, còn lại đem bán. Lúc đầu chưa có nhiều lắm, đâu đó chừng cở trăm trái, chị phụ má đem ra chợ xã bán, người ta mua cũng bộn, sau đó không biết trong chợ có ai mách bảo mà hai ba thiếm từ dưới quận lên, mua mảo hết, trả tiền ngay, má cho biết họ chở xuống bán lại cho mấy vựa chuyên buôn bán trái cây ở tận dưới Sài Gòn.
Ba đi làm người giữ kho xuất nhập của xưởng làm đồ nhôm nồi nêu soong chảo của ông cựu cai tổng thời còn Tây dưới quận, sáng đi chiều về với cái xe gắn máy hiệu gì đó của Đức, cơm nước chiều xong, ba ngồi dạy hai chị em học, chị đọc bài làm toán tôi thì đánh vần ê quanh ngọn đèn dầu lớn, sau này nhờ chú thiếm chủ tiệm vàng quen, nhà cuối dãy phố gạch, kéo dây điện chuyền qua, phụ trả tiền chút đỉnh, ba gắn được mấy bóng đèn nhà trước nhà sau nên sáng sủa hơn.
Chị học dở và xem ra, theo má nói chị chậm hiểu và hơi ngu ngu một chút, tôi chả hiểu ngu ngu là gì nhưng thấy ba bắt chị đọc đi đọc lại, làm tới làm lui nhiều lần, cũng không xong, chị nhìn ba cười trừ, ba cũng chịu thua cười với chị thôi. Chị học tới lớp Nhất, thôi học năm tôi vào lớp Năm, trường tiểu học xã cách chợ một khoảng sân cỏ rộng, đầy hoa Mười giờ, cách nhà tôi không mấy xa, đi bộ chừng bốn năm phút, trống trường vào học ra về nghe rõ mồn một, tội nghiệp chị, ba má muốn chị học nữa nhưng, chị không mấy thiết tha vì mình kém và chậm nhớ quá, ba má buồn đó nhưng đành thôi, dù sao thì chị là con gái nên cũng không sao.
*
Từ ngày nghỉ học, chị lăng xăng làm gần hết mọi việc trong nhà, dù mới mười một mười hai, chị biết nấu cơm, rửa chén, phụ má giặt quần áo, nhúm lửa bếp ông táo rất hay, má thường khen, nói vậy là vì thời đó ở nhà chụm lửa bằng củi khô, nhánh nhỏ thì chị ưa dắt tôi đi theo ra con đường làng rộng, sau nhà lượm mấy nhánh khô từ mấy cây sao cao ngất đem về, còn củi lớn thì ba nhờ xe kéo của ai đó mua về, chất đầy ngay ngắn bên hàng rào, phơi nắng mau khô, mưa thì hai chị em phụ má lấy mấy tấm tranh đậy lại khỏi ướt. Sáng chiều chị quét sân trước sân sau, lo cho đám gà mười mấy con, sáng mở chuồng, cái chuồng ba làm, để sát cạnh hàng rào cây cuối sân cho ăn trùng ăn dế, chiều rải thóc cho ăn rồi lùa vào chuồng nhốt lại cẩn thận, ngày nào cũng có trứng, nhà ăn không hết.
Tôi học lớp Năm chừng đâu độ nửa năm, hình như là ăn Tết xong, thì cô dạy tôi và thầy hiệu trưởng, đến nhà nói chuyện với ba má, không biết nói gì nhưng tôi xách tập vở lên lớp Tư, hỏi ra mới biết vì giỏi quá nên cho lên lớp, ba má vui quá đổi, nhưng nhờ ba tôi đó, không uổng công đã dạy tôi biết đọc viết, mà viết rất đẹp từ lâu rồi, chị khoái chí dẫn tôi tới tiệm tạp hóa bà hai Tựu mua cho cây cà rem nước cam, khi đón tôi chiều tan trường về.
Chị ít khi long nhong, tụ năm tụ ba ngoài đường, ngoài chợ như đám con gái bên dãy phố gạch, lẩn quẩn trong nhà, phụ tay phụ chân với ba má khi có việc đó cần phải giúp, ngay cả những ngày còn đi học. Chị chỉ có người bạn duy nhất, chị Vạn, cùng lớp, con của chú thiếm tư Tấn, nhà làm ruộng ở cuối ấp, xế con đường đất làng tới bờ con sông lớn, chị Vạn cũng nghỉ học cùng lúc với chị, hai người có vẻ hợp tính nhau, vui cười những khi gặp gỡ, chị cũng thường tới nhà chị Vạn cũng như chị Vạn cũng thường tới nhà tôi, chị Vạn dễ thương lắm, hiền hậu, ăn nói nhỏ nhẹ dạ thưa như chị tôi, cho nên hai nhà đều thương đều mến.
*
Năm tôi lên lớp Nhất, chị cũng đã mười lăm mười sáu, với tuổi này, tôi không thấy chị soi gương, thay quần đổi áo, cứ những thứ mà chị thường mặc từ đó tới giờ, với tôi tuổi lên mười thì cũng biết, hiểu những gì mà còn nhỏ không hiểu, không biết được. Dù mọi thứ đều như cũ nhưng, tôi chợt nhận ra, chị tôi đã biết buồn, hình như tuổi biết buồn con gái, một vài lần thấy chị đứng cuối sân, mắt nhìn đâu đó xa xăm, trông ngóng vời vợi mỗi khi chiều xuống, chắc má cũng nhận ra, nhìn chị mà thở dài quay mặt đi, rồi thoáng qua phút chốc, chị lại cười nói như thường.
Buổi sáng hôm thứ bảy nghỉ học, chị Vạn tới đem theo cho ba má tôi một rổ cá lòng tong tươi, hai chị kéo nhau ra ngồi trước sân nhà, nắng rực lên hâm hấp ấm, đứng trong nhà ngó ra, má buồn buồn lắc đầu, không nói gì rồi bỏ đi, cũng trong nhà ngó ra, chợt dưng nhớ lời má mấy bữa trước khi tôi hỏi chuyện người ngoài chợ nói chị tôi “con nhỏ lùn tịt, xấu hoắc, thấy ghê” , mà tôi nghe thằng bạn cùng lớp, má nó là thiếm làm cô mụ đở đẻ, nhà bên cạnh tiệm tạp hóa bà Hai Tựu nói lại, má cười mĩm, nhưng buồn bảo “má biết từ lâu rồi”, ngoài sân hai chị nói qua nói lại gì đó, xem ra vui hơn là buồn.
Cũng biết phân biệt chút ít, đẹp xấu màu này màu nọ khi vẽ hình vẽ lá vẽ bông trong lớp, trúng hay trật, tôi ngó hai người thật kỹ, thật lâu, so với chị Vạn và mấy chị bán hàng ngoài chợ, thở dài như má, chị tôi xấu thiệt. Chị lùn thấp hơn chị Vạn nhiều, chắc không hơn tôi, những cái từ đó tôi chưa hề nghĩ tới, chỉ biết chị tôi là người tôi thương nhất sau ba má, chị tôi là người con gái đảm đang giỏi giang, nhưng bây giờ, lúc này chị tôi khác quá, da chị ngâm đen, người mập mạp, tóc ngắn cụt, mặt tròn, không có đường nét gì và mắt hình như hơi hí một chút. Đó là hình ảnh của chị tôi trong đầu của thằng em chưa tròn mười tuổi, tôi chạy vụt ra, ngồi bên chị, ôm đầu chị hun mấy cái, chị Vạn thấy tức cười, kéo tôi qua, lấy tay chỉ đầu mình, nghe tiếng má kêu, tôi đi vào, ngoảnh đầu ngó lại, nói thầm “chị vẫn là chị trong tim”. Từ hôm đó, cứ len lén ngó, xem chị có gì đổi khác không, ngày qua ngày lại chị vẫn vậy, vẫn nói vẫn cười, vào lớp học hình dáng chị tôi mang theo, nhớ tới tôi chỉ biết buồn mà không biết tại sao và buồn cái gì.
*
Đậu đệ Thất lên trường tỉnh trọ học, xa nhà nhớ chị nhiều hơn, nhớ gay nhớ gắt, nhớ để rồi giận, ghét những người quanh phố chợ xã nhà, ghét vì lời xì xầm nhỏ to về chị. Mấy hôm đầu trên tỉnh, nhà lạ, lẻ loi một thân một mình, đêm rấm rứt khóc, khóc nhớ ba nhớ má, nhớ chị, ngóng chờ ba cỡi xe gắn máy lên đón về mỗi chiều thứ sáu, hai cha con chưa vô tới nhà đã thấy chị đứng chờ trước sân sẳn rồi, nắm tay, xách túi xách, cười luôn miệng, vậy đó, ở nhà tôi lẩn quẩn bên chị, kể chuyện phố xá tỉnh thành dù chưa đi hết bao con đường có cột đèn điện sáng choang, đếm chưa hết cây cao bóng mát, xe cộ dập dìu, kể không đầu không đuôi, chị nghe hoài mà không chán, tôi vẫn nghĩ, chị tôi vẫn là chị tôi. Vui nhất là mùa hè, bải trường, về ở nhà, bên chị mấy mươi ngày, vậy mà vẫn thấy không đủ, chị có vui thật không tôi không biết, chị vẫn cười như cái cười của từng bao năm qua. Tuy vậy, bất chợt có đôi lần ngó chị ngồi giặt áo quần hay loanh quanh cho gà ăn, buồn buồn se thắt lòng thương chị, chị tôi xấu như xưa. Chắc ba má tôi cũng buồn, ba thì ít nói còn má thở ra thở vào, không biết ba má có nói gì với chị không, theo tôi nghĩ chắc là có, chị vẫn như ngày nào, không hề mở miệng than van buồn chán, tươi cười, nhỏ nhẹ, niềm nở với những ai, chú bác, thiếm dì, tới nhà thăm, nhất là ông cựu cai tổng, chủ của ba, có chuyện tới kiếm ba, đều cho chị mấy xấp vải đẹp tốt và tiền lì xì cho hai chị em dù chưa tới ngày Tết.
*
Mới đó mà đã sắp hết hè, cuối năm đệ Ngũ, hè lần này không như mấy hè trước, ít khi thấy chị Vạn tới chơi, hỏi chị, chị cho hay, chị Vạn đã thành hôn với một anh cũng con nhà ruộng rẫy, đã về quê chồng tận miệt dưới Mộc Hóa, Tuyên Nhơn rồi, chị nói mà cười, không thấy có vẻ gì buồn trên mặt. Chị Vạn kêu chị đến chung vui, nhà nghèo mà, gọi là đám cưới cho vui chứ, theo lời chị kể, đâu đó chừng hơn mười mấy người khách, bên chồng bên chị Vạn, tạm đủ chỗ ngồi, bữa tiệc cũng ráng có thịt gà, thịt heo, rau cải, hơn thường ngày một chút,vậy thôi, ba má có tới nhưng chị không đi, tặng cho chị Vạn số tiền nhỏ, gọi là quà mừng cưới. Khi chị nói không đi, chợt dưng tôi hiểu được lý do tại sao, nghe lòng mình đau nhói, đau nhói mà thương cho chị và cũng là lần đầu, buổi chiều sau cơm nước, dọn dẹp rửa chén xong, chị ra ngồi sau sân, ngó trời chiều mông lung, không kêu tôi như mọi bữa, hơi ngờ ngợ, tôi rón rén bước tới, thấy tôi chị cười rồi quay đầu qua, lẹ tay quẹt mặt, làm dấu cho tồi ngồi xuống, lần đầu chị tôi khóc.
Trước hôm trở lên trường tỉnh học lại, năm nay lớn rồi, lên đệ Tứ, ba không còn chở đi như mấy năm trước, hai chị em bên nhau, ngoài sân trong nhà, chị vui vẻ nhắc lại chuyện cũ, chuyện xưa, chuyện cả hai còn nhỏ, làm gì, đi đâu, khóc cười vòi vĩn, miếng ăn cái bánh chia hai, phần tôi nhiều phần chị ít, phần tôi lớn phần chị nhỏ, chuyện lung tung, cười và cười, ít khi nào chị nói nhiều như vây, tôi thấy cũng là lạ nhưng thôi, không biết sao mà chị nhắc lại đủ thứ, chị vẫn vậy. Buổi sáng, ba đi làm từ sớm, má và chị theo đưa tôi ra đường lộ đón xe đò lên tỉnh, chợ xã cũng vừa mới nhóm, đám người dọn hàng ngưng tay, đứng ngó ra khi chị nắm tay tôi đi ngang qua, có tiếng xầm xì sau lưng, má không nói gì, ra tới đường, chị dặn dò đủ thứ, những thứ mà chị đã dặn mấy năm trước rồi, má bỏ về trước, chị ở lại, xe tới, tôi lên, xe chạy đi, chị còn đứng đó, vẫn đứng đó tới khi xe qua khúc quanh, không còn thấy chị nữa, không biết chị đứng đó tới bao giờ.
*
Đám tang chị, không có mấy người đưa, không kèn không trống,ba má đem chị ra chôn tại một góc nhỏ, bên cạnh gốc cây Sao già, cao và tàng lớn rậm lá, của cái nghĩa địa làng nghèo nàn. Đứng quanh mồ là ba má chị Vạn, thiếm Tựu chủ tiệm tạp quá, chú thiếm chủ tiệm vàng và má thằng bạn lớp nhất hồi tiểu học, làm cô mụ đở đẻ, chừng đó người, ai nấy buồn so, lâm râm khấn vái gì đó, tôi không biết, rồi thì cũng mấy người này, chung tay chung sức cùng ba má lấp huyệt, má tôi khóc. Trời lưng lửng trưa, nắng rực lên lâu rồi, những tàng cây Sao già phủ rợp bóng trên mồ chị, nấm mồ cao tới đầu gối người bằng đất ươn ướt nước mưa mấy ngày qua, không mộ bia, ba lấy nhánh cây chỉa ba khô cắm phía trước làm dấu để nhớ. Chú thiếm chào ba má, lần lượt ra về, ba má cũng theo sau không lâu sau đó, tôi ngồi lại, một mình bên mồ chị, khóc sướt mướt thì thầm hai tiếng “chị ơi”, nước mắt tuôn dài, rớt xuống trên từng khe đất nứt nẻ.
*
Chiều, ra thăm mồ chị lần nữa, sáng mai trở lên trường lại, một lần nữa tôi khóc, nhìn nấm mồ nhớ lời má kể và nhớ lời chị nói hôm ra đường đón xe lên tỉnh cuối hè năm đệ ngủ “mai mốt chị đi làm xa, lâu lắm mới về một lần, chắc em về nhà không gặp chị, đừng buồn, ráng lo cho ba má” mà lòng quặn thắt đau.
Hôm đó, trời sáng, thả gà ra cho ăn, quét sân trước sân sau, cũng quần áo thường ngày, giường chiếu xếp ngay ngắn, khác ngày thường, nói má chị đi xuống nhà chú thiếm Tấn, ba má chị Vạn chơi một chút rồi về. Chị có ghé ngang đó rồi đi về hướng sông lớn, chỗ này thì chị và chị Vạn thường tới, ba má chị Vạn không lấy gì làm lạ. Tời gần trưa trời sụp nắng, mây đen từng cụm thấp xuống, lừ đừ kéo về từ miệt trời bên kia sông, trời sắp mưa, hai ba người đi gở chài, hớt hơ hớt hãi chạy về, la hoáng lên, có người chết đuối đang bập bềnh bên bờ, nhấp nhô trên đầu lau sậy, hình như là con gái, người trong xóm rủ nhau chạy túa xuống, phụ nhau khiêng xác chị tôi về để trên khoảnh đất trống thiếu cỏ, gần nhà ba má chị Vạn. Chị tôi chết, tự kết liểu đời mình hôm đó. Một lần nữa, người ta đem chị về nhà, đứng bên xác chị, da đã đen giờ trở thành đen xám hơn, má và chú thiếm Tấn buồn thiu nhìn, chỉ biết khóc mà không biết nói gì hơn.
*
Cuối cùng, sau những năm câm nín, mang nổi khổ riêng mình, chắc chỉ một mình chị hiểu, chị đã chọn cái chết, tư kết liểu đời, giải thoát cho mình, không còn chịu đựng đau buồn trong cỏi đời ô trọc. Không ai ngờ lời chị nói hôm chờ xe năm đó lại là lời vĩnh biệt. Tôi khóc vì mất chị, vì thương nhớ chị, không biết chị giờ ở nơi nào, nhưng chắc là nơi đó xa và xa lắm, chị sẽ không về như đã nói và chắc không bao giờ về, khóc nức nở không cầm được nước mắt, tôi mân mê mồ đất thầm gọi hai tiếng “chị ơi”. Con quạ đen lẻ bạn từ đâu đó bay về đậu trên cành cao cây Sao già, cất tiếng kêu gọi bạn, tiếng kêu kéo dài và nảo nuột. Vĩnh biệt chị, chị tôi trời bắt xấu.
Thuyên Huy
Đầu thu, cuối hạ xứ người 2024.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét