27 thg 11, 2024

Phạm Đức Thân: BÀN TAY NHÁM NHÚA (STICKY FINGERS)

Arun Kolatka (1932 – 2004) là thi sĩ Ấn Độ viết 2 thứ tiếng: Anh và bản ngữ Marathi. Ông cũng viết truyện, bàn về âm nhạc, văn học, hội họa (ông là họa sĩ làm trong ngành quảng cáo)… Năm 1974 ông quen Balwant Bua, người hát thánh ca bhajan và có tài kể chuyện, và chuyện trò thường xuyên với nhau cho tới khi Balwant chết năm 1991. Kết quả là tác phẩm Balwant Bua hơn 1200 trang Marathi, chưa xuất bản, gồm những truyện nhỏ nhặt của đời thường, với giọng văn hoạt kê rất thích thú. Có người cho rằng tác phẩm này có thể làm lu mờ khía cạnh thi thơ của ông.

Sticky Fingers là 1 trong 6 truyện Balwant Bua nguyên bản English, thuật chuyện cậu bé phụ giúp cha bán rau quả. Cha cậu rất bủn xỉn và cậu phải nghĩ ra phương thức ăn cắp vặt để tự bồi dưỡng. Văn phong tinh tế và khôi hài lôi cuốn độc giả từ đầu tới cuối, không quên điểm những nụ cười mỉm tán thưởng.

Phạm đức Thân dịch từ nguyên bản English đăng trên tạp chí Granta số 130 (2015) đặc biệt về Ấn Độ.


Cha tôi luôn luôn nghe khó. Nhắc bạn, không phải vì người già có tai yếu kém – ông có thể nghe hoàn hảo khi ông muốn – nhưng ông có cái mánh giả điếc nếu muốn. Đúng ra là bất cứ khi nào thuận lợi cho ông.

Giống như khi tôi hỏi ông, ‘ Bố, con có thể đi uống trà?’ ông không tỏ dấu hiệu nào đã nghe thấy.

Hỏi ông lần nữa. Hỏi ông hai lần. Không có gì. Không phản ứng.

Vì như thế có nghĩa là ông phải nhả ra tiền, bạn hiểu chứ. Không nhiều, chỉ 2 paise có thể cho bạn trà và bích-quy những ngày này. Nhưng không phải số tiền liên quan làm phiền ông. Mà chính là cái nguyên tắc của sự việc. Tôi muốn nói, ngay chỉ cái ý nghĩ cho ai tiền, nó luôn luôn làm ông khó chịu. Và khi có nghĩa là phải miễn cưỡng trả tiền cho thằng cu con thì ông càng ghét tệ.. 

‘Bố, đã được một lúc rồi, con tạm nghỉ để đi uống trà được không?’ Tôi hỏi ông lần nữa.

Lúc này ông mới thở dài, và quay người, miễn cưỡng, nhìn tôi.

‘Cái gì? Mày nói gì?’

‘Con đang nghĩ có nên chạy vội đi uống gấp một ly trà,’ tôi lí nhí.

‘Trà?’ ông nói, ‘Đã tới giờ trà cho mày rồi sao? Từ lúc mày đến tiệm sáng nay tới giờ là bao lâu?’

‘Một hai giờ.’

‘Nhưng tao muốn hỏi, có phải chúng ta cùng nhau đến đây không? Hay là mày đến đây trước tao?’

‘Chúng ta cùng nhau đến đây.’

‘Vậy thì tại sao mày làm như đã đang chết khát vì một ly trà. Tao không khát. Lại còn đống hàng nằm đây suốt sáng nay? Đứa quỷ nào sẽ bán chúng?’ Ông vừa hỏi tôi vừa quơ tay chỉ đống rau quả chung quanh ông, những rổ cà chua, bắp cải, cà tím, bầu dài, súp-lơ, ớt chuông và dưa chuột.

Tôi có thể luôn luôn bảo ông giải quyết làm sao đống hàng, nếu ông thực sự muốn biết, nhưng tôi nín thinh.

Rồi khách hàng thương hại, đến giải cứu tôi.

‘Cho nó đi, tội nghiệp thằng nhỏ,’ họ nói. ‘Mọi trẻ khác đã nghỉ đi uống trà cả rồi.’

Và chỉ khi những người khác đã xin cho tôi cha mới đổi ý và rộng lượng rời bỏ 2 paise.

Tuy nhiên cha là một người huênh hoang khoác lác.

Chẳng hạn, khi người ta nhắc đến tình trạng sức khỏe yếu kém của tôi và bảo, giọng lo lắng, ‘Ông phải làm cái gì cho Balwant, ông thấy đấy, thằng nhỏ trông te tua!’ ông đáp, ‘Thằng nhỏ vô phương! Tôi bảo nó, Đi tới chỗ thể dục, uống nhiều sữa, ăn nhiều jalebi (ND. bánh chiên ngọt), nhiều hạnh nhân. Bảo nó không chỉ một lần mà cả trăm lần, nhưng nó đâu có nghe. Tôi phát chán ngấy!.’ 

Sữa và hạnh nhân, thật vậy! Hai paise ngày xưa tốt đẹp cũng qua được một đoạn đường, nhưng chẳng bao xa, tôi có thể bảo bạn vậy. Tôi tìm đâu để được sữa, jalebi và hạnh nhân với số paise đó?

Thành thử tự nhiên thôi, nếu tôi phải tự chăm sóc, tôi phải ăn cắp. Bạn hiểu chứ, đúng không?

Và tôi quả có ăn cắp, cha đã không để cho tôi cách nào khác.

Tay tôi ngứa ngáy, người tôi như bị bỏng, toàn thân nóng lạnh bất cứ khi nào tôi gần ngăn kéo tiền. Tay tôi bị đẩy tới ngăn kéo, không thể cưỡng lại được. Tôi chỉ việc thò vào và mọi triệu chứng biến mất tức thời, tay chạm vào vài đồng cắc bằng kền, đồng hay bạc, và cơn sốt hạ nhiệt, mọi sự lắng xuống, mọi sự bình thường trở lại. Chỉ cần cha đi tiểu, ngủ gật hay nhìn đi chỗ khác là đủ cho tôi chụp lấy cơ hội. 

Một đứa ăn cắp bẩm sinh. Tôi là cái thứ đó, tôi đoán vậy, một đứa mạt hạng. Nhưng cũng có cái gì thần đồng ở đây. Tài năng tôi với thiên hướng đó đã biểu lộ sớm, nhưng trưởng thành và thực sự nở rộ trong sự nghiệp làm người giúp việc tại các tiệm khác nhau ở Chợ Crawford.

Đây là một chỗ tốt để tôi thừa nhận công ơn tôi nợ cha. Vì chính trong thời gian làm việc ở tiệm cha, đã cho tôi thời gian và cơ hội để mài giũa, thử thách và hoàn thiện một phương thức tiện lợi, giản dị, tốt đẹp (và gần như không sai chạy) làm biến đi đồ gian vừa cuỗm nhẹ.

Tôi giấu đồ ăn cắp vào bên trong quả cà chua hay ớt chuông, và lén đưa nó ra khỏi tiệm.

Cà chua nhỏ thôi, nhắc bạn vậy. Không có gì giống như bạn thấy ngày nay. Chúng hình như ngày càng to ra năm này qua năm khác. Nhưng ngay hồi đó cà chua cũng đủ to để thích nghi một số khiêm tốn đồng cắc 2 anna hay 4 anna, đủ tốt cho tay ăn cắp vặt nhỏ như tôi, vì mặc dù là một nghệ sĩ thực thụ tôi thiết yếu là một nhà tiểu họa.

Cà chua. Ôi tôi yêu chúng! Ấn vào cạnh cà chua, một đồng cắc sẽ lún sâu vào nó, biến mất dạng không tăm hơi! Thật là tuyệt.

Và một quả ớt chuông hay ớt capsicum, nếu bạn gọi nó như vậy, là cả một không gian. Bạn có thể tiếp tục nhét đồng cắc vào nó và vẫn còn chỗ. Cám dỗ thật. Bạn có thể dễ dàng giấu một tài sản nhỏ trong những thứ này. Nhưng xin đừng đụng tới chúng. Tôi chắc chắn không giới thiệu chúng cho một tay mơ. Bạn cần phải hết sức cẩn thận khi xử lý chúng. Phiền cái là chúng gây nhiều tiếng động. Bạn có thể cầm mỗi tay một quả ớt chuông, và thế là bạn có một cặp maracas (ND. lục lạc) giống như cặp gõ người hát dạo, một phụ nữ da đen, thường dùng. Ớt chuông, chuyện nguy hiểm. Nhìn chung, tôi để chúng yên, không đụng tới.

Sau khi đã ký thác tiền vào quả cà chua, tôi đặt nó xuống lẫn giữa những cà chua khác trong rổ, đặt nó sát cạnh rổ, và tôi che đậy nó điệu nghệ với vài quả cà chua khác. Tôi luôn luôn biết chính xác quả cà chua đặc biệt đó nằm ở đâu trong rổ. Tôi phải đứng canh chừng nó, cẩn thận không để nó lẫn lộn với những quả khác và cuối cùng lầm lẫn nằm trong gói của khách hàng – chuyện này không khó cho lắm vì một phần bổn phận tôi là giúp khách hàng chọn rau quả, cân chúng và bỏ vào gói cho khách. .

‘Mày không chết nếu có ngày nào mày hụt một ly trà,’ cha tôi thường chế nhạo tôi, khi tôi đứng trước ông với vẻ mặt ân hận thích hợp, trong khi nhìn xuống, tập trung cao độ vào một điểm đặc biệt trong rổ đầy cà chua, đợi cho ông mủi lòng, mà cuối cùng ông thường là vậy.

‘OK. Đây cầm lấy 2 paise và cuốn xéo. Đừng quên: Tao cần mày trở lại đây sau đúng 5 phút.’ 

Tôi thường biến ngay khi tay cầm tiền cha cho, chỉ chợt ngừng lại sau khi đi 4, 5 bước, làm như thể vừa đột nhiên nghĩ ra điều gì, quay người, trở lui, ra vẻ tình cờ, nhặt quả cà chua đã nhồi nhét, giơ cho cha thấy và nói, ‘Có cái gì để nhâm nhi. Con lấy được không?’

Cha thường nhìn tôi, trước tiên không chấp thuận, rồi ngó xoi mói quả cà chua, xong mới quyết định rộng lượng cho tôi lấy đi.

Chọn lựa đúng loại quả cà chua là điều quan yếu để cú lừa hiệu quả. Bạn có từng nghĩ ông già sẽ để tôi đi với quả cà chua hoàn hảo? Nếu chỉ có chút xíu may mắn bán được, ông đã giựt phắt nó trong tay tôi và thẩy lại vào rổ. Quả cà chua, ừ, bạn hiểu chứ, phải thuộc loại trông nửa quá chín nửa gần như hư, nếu không muốn nói hư đứt đuôi, thì mới có hy vọng qua khỏi đôi mắt kinh nghiệm của cha. 

Có lần cha gật đầu, tôi vội vàng tếch ngay; tôi không thể đợi đến ra khỏi chợ mới xẻ cà chua và moi ra ruột của nó.

Bạn không nghĩ rằng tôi thực sự ăn cái ruột gớm ghiếc đó, phải không? Lạy Trời, không. Không bao giờ. Bạn nghĩ tôi là cái giống gì chứ? Tôi không quan tâm tới cà chua, tôi muốn nói, với tính cách là cà chua, chưa bao giờ; và tôi cũng không mơ một cà chua xanh, chín hoặc hư thối. Chính cái bên trong cà chua mới đáng kể, nếu bạn hỏi tôi. Tôi quả có đưa nó lên môi khi đi ra khỏi tiệm, tôi còn hôn nó vài cái khi mà tôi cảm thấy cha hãy còn nhìn thấy tôi, nhưng chỉ đủ xa cần thiết. Ngay khi tôi bước ra đường tôi lấy cái thực chất và vứt đi cái vỏ che. 

Tất nhiên, cha có nghi ngờ!

Ngay khi tôi nghĩ đã thoát được với nó – cà chua trong tay, bài hát trên môi – thì cha gọi với theo; tôi khựng lại, đông cứng, bài hát tắt ngấm trên môi.

‘Balwant!’

Thôi, mẹ kiếp, tôi tự nhủ.

‘Lại đây!’

Tôi trở lại. Đứng trước ông.

Ông nhìn tôi với cặp mắt xoi mói, bảo, ‘Vậy là bây giờ mày đã bắt đầu hút thuốc, đúng không?’

‘Hút thuốc?’ Tôi nói, ‘Không, Bố.’

‘Vậy cái hộp diêm trong túi mày dùng để làm gì?’ ông hỏi tôi.

‘Diêm? Không, Bố!’

‘Để tao xem,’ ông bảo và bắt đầu soát các túi tôi.

Ông không mong đợi thấy diêm, nhưng ông có cớ để lục soát tôi. Cả hai tay tôi giơ cao trên đầu, tôi đứng trước ông với vẻ cam chịu và phục tùng để ông lục soát. Khi mưu mẹo không kết quả và ông không tìm thấy gì trong túi tôi, ông nhăn mặt hỏi, ‘Hừm, cái gì trong tay mày?’

‘Một quả cà chua,’ tôi thành thực bảo ông.

‘Còn tay kia?’

‘Hai paise bố cho con.’

Rồi ông nói, ‘OK, OK.’ Nhưng hãy ghi nhớ: đừng để tao bắt gặp mày với một bidi (ND. thuốc lá rẻ tiền), một điếu thuốc lá hay một que diêm trong túi. Hiểu chưa?’

Ngay sau khi tôi đã lấy tiền từ cà chua tôi liền thẳng tới tiệm bánh ngọt gần nhất và tự chiêu đãi mình một burfi (ND. bánh sữa ngọt) cỡ lớn, nói chính xác là nửa seer, mà bạn chỉ phải trả 5 paise thời xa xưa tốt đẹp, khi burfi giá có 2 rưỡi anna và 28 tola (ND. khoảng 12 gram) là 1 seer.

Tôi ngốn nó càng nhanh càng tốt và trong khi đó không ngừng ngó quanh vai, cảnh giác, sợ rằng có người trông thấy. Chỉ sau khi đã mau lẹ ngốn sạch tất cả cũng như vứt đi giấy gói, tôi mới cảm thấy bình tâm thoải mái. Rồi tôi xuống tiệm trà Khandu, nhâm nhi ly trà hợp pháp và 2 bích-quy, trầm ngâm nhúng từng bánh trong trà trước khi ăn và không vội lắm trở lại tiệm.

Đôi khi tôi bị phát hiện.

Ví dụ, một ông bạn cha, trong câu chuyện vãn, ngẫu nhiên nhắc, ‘Hôm nọ tôi thấy Balwant.’

‘Ở đâu?’ cha hỏi.

‘Ồ, nó đứng truớc tiệm bánh ngọt góc phố.’

‘Vậy sao? Nó đang làm gì?’

‘Ăn burfi, dĩ nhiên.’

‘Burfi?’

Chạy đâu con! Cha tự nhủ. ‘Thế chỉ có nghĩa một điều: thằng khốn đã nhúng tay vào ngăn kéo tiền. Không thế làm sao nó có tiền mua burfi?’

Tuy nhiên, ông không bao giờ nói gì với tôi; không bao giờ kết án tôi.

Chứng cớ. Đó là cái ông cần. Đối chất tôi với chứng cớ chắc chắn. Và đó là chỗ tôi đã làm ông hoàn toàn thất bại. Tuy nhiên, mỗi lần ông lấy cớ ngốc nghếch, vớ vẩn để lục soát tôi và không tìm thấy gì, ông bắt buộc phải miễn cưỡng để tôi đi. Nhưng ông không thể gat bỏ cảm giác rằng thằng con khốn kiếp đang lừa ông, rằng bề nào thì ông cũng là người ngu ngốc bị lừa.

Vì vậy đôi khi với quyết tâm cao, sau khi tôi đi khỏi con cáo già sẽ tụt khỏi chỗ ngự trong tiệm và thực sự theo dõi tôi – bạn có thể ngờ được không? – để chính ông xem tôi đi đâu và làm gì. Và bạn biết không, có một dịp, tôi phải vứt xuống đường nửa seer bánh jalibi ngon tuyệt, chưa kịp đụng đến, cũng vì ông?

Tôi chỉ mới vừa loay hoay tháo dây buộc bánh và mở gói giấy thì tôi thấy cha. Không đếm xỉa lưu thông xe cộ và không nghĩ gì đến an toàn cá nhân, ông đang băng qua đường với dáng điệu của một nhân viên tình báo đang thắt chặt vòng vây con mồi; ông tiến thẳng tới tôi. Tôi quẳng cái gói xuống đất, khôn khéo đá xéo nó xuống rãnh mương cạnh đường, và khoanh tay đứng thản nhiên, ngó lên trời, đầu hơi nghiêng, cố gắng trông tự nhiên trong khi huýt sáo (thầm khẽ thôi, không ra tiếng, vì huýt sáo có cứu mạng được tôi đâu) một bài hát trình diễn âm nhạc Marathi gần đây nhất.

‘Balwant! Mày làm gì ở đây?’

‘Làm gì? Không, không gì cả. Chỉ đứng quanh quẩn.’

‘Ra vậy,’ ông nói thất vọng, và lê bước đi khỏi.

Hãy nhìn xem ông đã làm gì với cái bánh jalebi của tôi, ông trời đánh, ông thối thân, ông đầu bò, tôi muốn gào to lên.

Nhưng bạn đã thấy vấn đề rồi chứ.

Nếu tôi không ăn cắp tôi đã gần như chết đói mẹ nó rồi.

Tóm lại tôi đã nghĩ ra một phương thức ngon lành và hiệu quả tốt đẹp. Tuy nhiên như thế không có nghĩa nó toàn hảo, không sai sót (có phương thức quái nào không sai sót?). Có lần tôi thực sự làm hỏng việc và gây xáo trộn trầm trọng.

Giống như cái lần mà tôi đã giấu đuợc 8 anna đồng cắc vào một – không, không phải cà chua, cũng chẳng phải ớt chuông, mà lần này là một quả soài – và một người Pathan đã mua nó.

Mặc dù hầu như cha chủ yếu bán rau trong chợ, nhưng ông cũng bán soài khi đang mùa, bạn thấy đấy; và tôi tìm thấy một quả soài đẹp đẽ, bị một vết nám đen trên vỏ soài mầu vàng. Một quả soài đúng ý tôi, một quả soài có khuyết điểm. Tôi đã đầu tư 8 anna trong đó, chôn nó dưới 3,4 quả soài khác trông ngon lành không khuyết điểm trong rổ và tôi đang ngồi nhởn nhơ.

Hầu như không có khách hàng nào quanh quẩn; cũng đã gần 11 giờ, thời gian để lấy trộm; tôi đang dự trù lấy quả soài ra ăn trưa hôm đó và tôi tiên liệu không có vấn đề gì với cha; vì đó là một quả soài bị hư, và cha có lẽ không đau xót khi nghĩ phải từ bỏ nó, và thật vậy tôi đang nghĩ xem mình sẽ tiêu xài thế nào số tiền lớn như thế, thì ông Pathan này vào tiệm chúng tôi. Đừng hỏi tôi ông là ai và từ đâu tới, tôi mù tịt chuyện này. Tất cả tôi biết là thình lình ông ở đó, đứng trước tôi, che gần hết tầm nhìn của tôi và che mất ánh sáng.

Ông bắt đầu lục soát trong rổ, lật ngược soài, cầm lên một hai quả, hít hà rồi đặt chúng xuống lại. Chuyện tiếp theo tôi biết. là ông đã nhặt lên quả soài tôi đã nhét tất cả tiền của mình vào đó và ông đang xem xét nó.

Trước khi tôi có thể nói gì, ông khụt khịt hài lòng chấp nhận và hỏi, “Quả này mày bán bao nhiêu?’ 

Tôi hoảng sợ. Tôi không biết phải làm sao.

‘Nó không phải là quả soài tốt, ông chủ,’ tôi nói. ‘Con sẽ kiếm cho ông một quả tốt hơn.’ Và tôi cố lấy đi quả soài khỏi tay ông, hay là mới chỉ dượm làm vậy, nhưng ông đã giang lui tay và nói, ‘Đây là quả tao muốn. Bao nhiêu?’

Không có tranh cãi chống lại việc này. Nhưng ngay dù vậy, tôi cố gắng thử lần nữa. Tôi cầm lên quả soài khác trong rổ và nói, ‘Nhìn này, ông chủ, chỉ xin nhìn cái quả đây. Thấy ngon lành làm sao chưa? Một quả thật đẹp.’

Lẽ ra tôi nên hiểu biết hơn. Vì dẫu sao ông là một Pathan. Ông không biết cái gì đã làm cho quả soài ông đang cầm đặc biệt làm sao, nhưng một khi đầu ông đã quyết định, ông sẽ không thay đổi, đồ ngốc đặc. Và hơn thế nữa, ông bắt đầu bực mình.

Ông hơi cao giọng, bảo, ‘Tao muốn quả này. Mày muốn bán nó hay là không muốn bán nó, hử?’

Tôi cẩn thận nhìn ông chăm chú. Ông là một người đô con, cao ngay cả đối với người Pathan, một người biên phòng, to lớn, lực lưỡng, dữ dằn, râu đỏ, mắt đen với lông mi dài cong và một sẹo trên mặt. Khăn xếp đuôi hình quạt sinh động đội trên đầu gây ấn tượng thêm về chiều cao. Và tôi hồi đó chắc chắn là không cao hơn bây giờ, trông giống một người tí hon bên cạnh ông.

‘Quả này giá bao nhiêu? Nói đi,’ ông cục cằn bảo, ‘nếu không, tao đi.’

Tôi không có chọn lựa nào khác. Không có một quả soài nào khác trên thế gian này giống như nó và tôi là người duy nhất biết giá trị thực của nó. Nhưng tôi phải làm việc này, và tim tôi tan nát bán cả quả soài đó chỉ 2 anna. Ông Pathan không buồn mặc cả với tôi. Ông thẩy đồng cắc 2 anna cho tôi và bước khỏi tiệm với quả soài. Đúng là một ăn cướp giữa ban ngày, rõ ràng và đơn giản. Đau quá, nhưng không ích gì nghĩ tới chuyện này.

Nhưng bạn có biết ông Pathan tiếp sau đó làm gì không? Một người khác, một người có giáo dục đàng hoàng, tôi muốn nói, một người văn minh như bạn và tôi, sẽ đợi cho đến khi về nhà, rửa sạch quả soài trước, đặt nó trên đĩa và cắt thành từng miếng nhỏ, rồi mới ngồi xuống ăn.

Tuy nhiên đó không phải là cách của ông Pathan.

Cái ông thô lỗ này đi tới vòi nuớc chỉ cách tiệm tôi có 10 bước, thoải mái ngồi xuống trên bức tường thấp bao quanh vòi nước, lấy ra một con dao gấp to trông dữ dằn, từ trong một rất nhiều túi của chiếc áo vét cụt tay có thêu thùa, cắt nhanh 2 nhát xuống dọc theo chiều dài quả soài chưa rửa, mấy ngón tay bẩn nhấc miếng soài vừa cắt ra đem nhét vào cái miệng xấu xí trong khi tôi hồi hộp quan sát ông. Ông chụt chụt môi với vẻ khoan khoái rõ rệt khi ăn miếng soài – và để nguyên cả vỏ, bạn có thể ngờ đuợc không chứ?

Chính khi ông cắt nhát khác và đưa miếng khác lên thì cái miệng trễ xuống há ra; mắt ông tỏ dấu ngạc nhiên rất trẻ con; và ông ngó trân trân 8 anna đồng cắc lấp lánh đang tự hiển lộ giữa thịt soài của nửa quả soài vừa cắt.

Rồi ông ngước lên, đưa mắt nhìn thiên đường trên cao và nói ‘Ya Allah,’ giọng nghẹn ngào xúc động.

Allah có thực sự ngốc nghếch đến mức cất tiền của mình trong quả soài? Tôi tự hỏi. Tôi muốn nói, phải chăng Allah có một tài khoản trong nhà băng ở đâu đó giống mọi người khác?

Ông tìm gì trên đó, hở ông ngốc? Tôi cảm thấy muốn hỏi ông.

Allah của ông không ở trên đó giữa những con bồ câu đang bay lượn dưới mái nhà bẩn thỉu, tôi muốn bảo ông.

Hãy nhìn phía này, ông ngốc, hãy nhìn tôi đây. Allah của ông đang ngồi ngay đây trong cái tiệm này, giữa lúc này đang làm việc theo những phương cách bí hiểm, một tay trong ngăn kéo tiền.
 

Phạm đức Thân dịch (trang Nguyên Lạc và Bạn Hửu )

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét